Bùng nổ khẩu chiến sau cái chết Thích Nhất Hạnh
Saigon Nhỏ
26 tháng 1, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/thay-gi-tren-mang/bung-no-khau-chien-sau-cai-chet-thich-nhat-hanh/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/TNH-1.jpg
Ông Thích Nhất Hạnh
Ngay sau khi ông Thích Nhất Hạnh từ trần ngày 22
Tháng Một 2022, vô số bài báo trong lẫn ngoài nước đã viết lại về cuộc đời nhân
vật này. Vô số status Facebook cũng bày tỏ cảm xúc lẫn nhận định về ông. Tựu
trung là dư luận nhìn lại vị trí của ông Thích Nhất Hạnh trong giai đoạn lịch sử
Việt Nam cận đại; ông đáng được tôn vinh hay không… Cuộc khẩu chiến ngày càng
trở nên căng thẳng và khốc liệt.
Những ý kiến bình tĩnh bắt đầu được thay thế bằng
những mạt sát nặng nề của cả hai bên. Trong rất nhiều ý kiến trái chiều về ông
Thích Nhất Hạnh, xin được dẫn lại hai bài viết đáng chú ý nhất. Bài thứ nhất là
của Linh
mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, đăng trên trang Facebook cá nhân ngày 22 Tháng Một
2022 lúc 12:13pm. Bài thứ hai là phản hồi của
nhà thơ Thận Nhiên, đăng trên Facebook cá nhân ngày 25 Tháng Một 2022 lúc
10:48pm (dẫn lại nguyên văn cả hai bài). Mời đọc…
*
THIỀN
SƯ THÍCH NHẤT HẠNH TRONG MẮT TÔI
https://www.facebook.com/pheronguyen.vankhai/posts/1380146419070130
Về đời sống cá nhân của Thiền sư TNH: ông xuất
tu khỏi GHPGVNTN, ông lập môn phái riêng của ông, người ở cùng ông nói ông có
gia đình, có vợ con. Vì vậy ông chỉ nhận mình là Thiền sư chứ không nhận là người
tu hành, không nhận mình là đại đức, thượng tọa hay hòa thượng. Về mặt này, có
lẽ ông là người thẳng thắn!?
Về sách vở của Thiền sư TNH: ông có tài viết
văn làm thơ và viết rất phù hợp với tâm lý độc giả Tây phương vốn phần lớn mù tịt
về Phật pháp và thiền. Ông chuyển tải được nội dung Phật giáo bằng ngôn ngữ của
Kitô giáo Tây phương. Tuy nhiên, xét trên quan điểm tâm linh, tôn giáo, cụ thể
là phương diện triết học và Phật học, tôi không thấy có tư tưởng gì cao sâu, độc
đáo.
Về cách tu tập: các trung tâm Làng Mai đã bắt
chước theo cách tổ chức của Cộng đoàn Taizé và các đan viện Kitô giáo, tất
nhiên có cải biên và thích nghi cho phù hợp Đông Tây, nhưng mang nặng yếu tố
tình cảm và tâm lý hơn là dựa trên một nền tảng triết học và Phật học uyên thâm.
Cách tu tập này có thể giúp người ta được bình an trong khoảnh khắc nhất thời,
chứ không giúp mỗi cá nhân thực sự thay đổi cuộc đời và dấn thân vào "cuộc
phiêu lưu" tâm linh.
Trong giới trí thức và văn nghệ sĩ thiên tả nửa
nạc nửa mỡ ở Tây Phương, sa đọa cả về tinh thần lẫn thể xác, chẳng còn biết đến
đức tin là gì, nhiều người muốn chứng tỏ mình cũng nhân bản và quan tâm đến tôn
giáo thì tìm đến sách vở và cách tu tập của ông như một cái mode. Đối với họ, một
vài ngày hay một vài tuần vào Làng Mai giống như một kiểu đi vào resort hạng
sang khác lạ vậy thôi.
Giới trí thức Phật giáo, những bậc tu hành
uyên thâm, những người dấn thân tìm kiếm những giá trị tâm linh, những bậc thầy
về thiền ở Tầu, ở Nhật, ở Hàn thấy tư tưởng của ông nhạt như nước ốc, cách tu tập
của ông như trò trẻ con. Có lẽ vì vậy ở những nơi ấy cách tu tập của ông không
có đất sống. Có ai thấy Trung tâm Làng Mai nào ở Nhật không? Không! Cả ở Hàn Quốc
và Đài Loan cũng không!
Về cuộc đời dấn thân của Thiền sư: Ông không
thương gì đồng bào Miền Nam và biết lo cho sự an nguy của họ. Ông chỉ lợi dụng
nỗi đau khổ của họ để làm lợi cho ông và môn phái của ông . Trước 1975, ông chống
VNCH, ông "phản chiến" cuộc chiến bảo vệ tự do và độc lập của Miền
Nam. Chẳng những ông công khai chống lại VNCH mà còn ngấm ngầm ủng hộ cuộc xâm
lược của cộng sản Bắc Việt. Ông thân cộng và làm lợi cho cộng sản. Chính quyền
VNCH nhân đạo nên chỉ trục xuất ông.
Ông đi đêm với CS bao nhiêu lần. Trước sau
1975 CS lợi dụng ông và ông lợi dụng CS được bao nhiêu lần. Năm 2005 CS thấy cần
sớm được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo
(CPC), họ tổ chức cho ông một cuộc hồi hương như là "quốc sư" từ Bắc
chí Nam với cả một bộ máy tuyên truyền của CS vào cuộc tung hô. Sau đó ảo tưởng
rằng đã đến lúc thể hiện được vị thế "quốc sư" của mình, ông đề nghị
nọ kia dạy khôn CS, nhưng lập tức ông bị CS dạy cho một bài học.
Năm 2006, trước khi đến Việt Nam dự Hội nghị
APEC, Tổng thống Bush đã đưa VN ra khỏi danh sách CPC. Thế là đến năm 2008, Thiền
viện Bát Nhã của ông ở Bảo Lộc, Lâm Đồng bắt đầu bị cộng sản thôn tính. Đến năm
2018, lúc ông bệnh gần chết, ông muốn được hồi hương, biết ông chẳng làm gì ở
VN được nữa và CS cũng còn lợi dụng được chút tên tuổi của ông nên cho ông về...Bây
giờ ông chết CS lại ca tụng ông để lợi dụng ông... Hai bên cứ dập dìu vậy.
Trước sau ông vẫn là người chỉ tìm quyền lợi của
ông và môn phái ông. Ông lợi dụng cộng sản và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của
giới thiên tả "phản chiến" ở Âu-Mỹ để làm điều ấy. Ông đánh bóng tên
tuổi và làm tiền trên nỗi đau của đồng bào, đồng loại. Nhưng đến năm 2001 thì
ông bị "hors-jeux" vì giảng dạy thiếu chân thật và thiếu sự đồng cảm
với nỗi đau của người Mỹ trong vụ bị khủng bố 11 tháng 9, từ đó ông mất điểm
trong con mắt của nhiều người Tây Phương vốn thích ông.
Thích ông và tôn vinh ông là quyền của mỗi người,
dựa trên lập trường, quan điểm và nhận thức ít nhiều đúng sai của họ mà tôi phải
tôn trọng. Ở đời xưa và nay không thiếu các tiên tri giả cũng như không thiếu
những tội đồ đòi được tôn làm thánh nhân, thậm chí đòi được coi là người cứu nhân
độ thế. Cứ xem việc người ta sùng kính các lãnh tụ CS như Lê Nin, Mao Trạch
Đông, Kim Nhật Thành, HCM thì thấy. Phần tôi, tôi thích và tôi tôn vinh những
người thực sự dám hy sinh vì dân vì nước bất kể họ là ai, cộng sản hay cộng
hòa, Công giáo hay Phật giáo, người Việt hay người ngoại quốc.
Tuy nhiên, trong tư cách là linh mục tôi lấy
làm xấu hổ khi có những người Công giáo chẳng biết gì cũng ăn theo "phong
thánh" cho ông TNH, thậm chí cả một trang mạng Công giáo cũng có bài về
ông, nhưng đọc thì thấy nội dung chẳng ra làm sao. Phần tôi, tôi tin thờ Chúa
và tôi đi theo giáo lý của Ngài. Tôi không theo thói đời a dua a tòng tôn thờ
thần tượng nhảm nhí!
Mọi người, đặc biệt là người tu hành dấn thân
thì lời nói và việc làm, tư tưởng và cuộc sống phải đi đôi với nhau và phải biết
thương yêu và chia sẻ thân phận với đồng bào và đồng loại. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma
là người như vậy. Còn Thiền sư TNH tôi không thấy được như vậy và vì vậy ông
không có chỗ trong lòng người Việt quốc gia chân chính và hiểu biết. Ngay cả
trong lòng nhiều Phật tử quốc gia cũng không!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
PS.
https://www.facebook.com/photo?fbid=1380158705735568&set=a.101951016889683
Hình Thiền sư Nhất Hạnh tại chùa ở SG năm
2007. AFP Photo. Hình lấy từ:
https://www.rfa.org/.../Zen-master-calls-for-political...
.
===================================================
.
VÀI ĐIỀU TÔI
MUỐN LÀM RÕ, VÀ NÓI THẲNG, VỚI ÔNG (LINH MỤC PHÊRÔ) NGUYỄN VĂN KHẢI
Khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch,
tình cờ tôi đọc được trên Facebook của nick name linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải
bài THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH TRONG MẮT TÔI đang gây xôn xao dư luận. Các bạn có
thể đọc bài này qua đường link tôi dẫn trong phần comment dưới đây.
Xét thấy có những luận cứ sai trái, và nguy hiểm,
trong bài viết ấy, tôi đã viết 2 comment với ý định cảnh báo cho tác giả và sẵn
sàng trao đổi nếu ông Nguyễn Văn Khải muốn. Không chỉ riêng mình tôi, mà còn một
số người khác, họ vừa là tín đồ Phật giáo lẫn Công giáo, đã lên tiếng cảnh báo
và phản đối nội dung của bài viết. Những comment của tôi được khá đông người đọc
tán đồng nhưng ông Nguyễn Văn Khải không hề có ý kiến trao đổi. Ông đã có một động
thái khác: lặng lẽ xóa chúng đi. Tôi tìm hiểu và được biết thêm rằng việc thủ
tiêu những ý kiến phản biện không chỉ xảy ra với riêng tôi, mà còn xảy ra với
những người khác đã lên tiếng nữa, thậm chí có người còn bị ông block. Thủ tiêu
chúng, xem như chúng không hề hiện hữu, và điều đó mặc nhiên có nghĩa là những
luận cứ của ông là đúng đắn và được mọi người tán đồng.
Những nhận định sai trái chủ yếu của ông Khải
về Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được nhiều người phản bác, cụ thể và rõ ràng nhất
là trong bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh mà tôi dẫn link trong phần comment dưới
đây.
Lẽ ra, tôi sẽ không quan tâm nhiều đến sự việc
này, và cho qua, nếu ông Nguyễn Văn Khải là một người bình thường, không có nhiều
ảnh hưởng đến công chúng; nhưng không phải vậy, ông viết stt đó với tư cách là
một linh mục, có hàng ngàn giáo dân theo dõi ( cho tới sáng nay, 25/01/2022, đã
có1.8 K người bấm like – love, 726 người viết comments, 1.2 K người share), và
thật sự là không chỉ gây mâu thuẫn mà thôi, stt này đã trở thành mồi lửa cho sự
xung đột, đã có một cuộc mạt sát, chống đối, hành hung bằng lời lẽ, giữa hai khối
tín đồ cực đoan: tín đồ Công giáo và tín đồ Phật giáo. Sự việc ngày càng nghiêm
trọng, và nguy hiểm.
Trong những comment của nhiều người cực đoan
dưới stt, từ việc phê phán Thích Nhất Hạnh đã biến thành phê phán/mạt sát Jesus
và Thích Ca, phê phán/mạt sát Phật giáo và Công giáo, thậm chí sự việc đang trở
thành một cuộc khẩu chiến tệ hại và nguy hiểm giữa những tín đồ cực đoan của
hai tôn giáo.
Tôi là người Công giáo, tôi xấu hổ với những
phát ngôn sai trái của ông về mặt tri thức và nhất là về mặt đạo đức. Thậm chí,
tôi ngờ rằng ông bị giật dây, hay có ý đồ đen tối gì khi gây ra mâu thuẫn giữa
hai tôn giáo trong lúc này.
Do nhận thức được như vậy, tôi quyết định phải
lên tiếng để mọi người thấy rằng không phải tín đồ Công giáo nào cũng tán đồng
quan điểm của ông Nguyễn Văn Khải, mà có nhiều tín đồ Công giáo không đồng tình
với ông ta, nhưng họ im lặng.
Tôi trình bày quan điểm của mình như sau:
1/ Ông Nguyễn Văn Khải đã không chọn lúc thích
hợp để phát biểu những điều không tốt, tấn công và chỉ trích người vừa qua đời,
là không lịch sự văn minh, thậm chí vô liêm sỉ.
2/ Ông Nguyễn Văn Khải tấn công người đã mất,
người không thể tự vệ và phản biện, việc ông chiếm lấy lợi thế đó là không công
chính.
3/ Ông Nguyễn Văn Khải đã dung dưỡng cho những
người cực đoan quá khích tuôn xả căm thù bằng ngôn ngữ thô tục lên người khác,
tạo ra một khí quyển bị đầu độc, đầy xu hướng tính ác, đi ngược lại tinh thần
văn minh, nhân bản, và yêu thương của Công giáo.
4/ Ông Nguyễn Văn Khải đã nói xấu, tấn công
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vốn người khác tôn giáo. Hành vi này là đi ngược lại
với chủ trương của Vatican, đi ngược lại tinh thần của Giáo hội Công giáo.
5/ Năm 2015, Hoà thượng Thích Nhất Hạnh được
Giáo hội Công giáo trao tặng “Pacem in Terris Peace and Freedom Award” (Giải
thưởng Pacem in Terris Hoà Bình và Công Lý) nhân dịp kỷ niệm đúng 50 năm trước
(1965) Mục sư Martin Luther King cũng đã nhận giải thưởng này.
Giải thưởng “Pacem in Terris Peace and Freedom
Award” được thành lập năm 1964 theo tinh thần của thông điệp “Pacem in Terris”
(Hoà Bình trên Trái Đất) do Đức Giáo Hoàng John XIII công bố ngày 11/04/1963.
Giải thưởng này có mục đích”vinh danh một con người đã có những đóng góp lớn
lao cho hoà bình và công lý, không chỉ trong quốc gia của mình mà trên toàn thế
giới. Những người được tặng giải thưởng toàn là những người cao quý nhất của
nhân loại, trong đó có Saint Teresa of Calcutta. Hai người Phật giáo đã được
trao giải thưởng này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2015, và Dalai Lama năm
2019.
Trong văn bản của giải thưởng có đoạn tôn vinh
trang trọng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nguyên văn tiếng Anh: “You embody the
words of Pope John XXIII in his encyclical Pacem en Terris as a “spark of
light, a center of love, a vivifying leaven” to your sisters and brothers
around the world.”
Ông Hoàng Ngọc-Tuấn dịch ra tiếng Việt: “Ngài
là hiện thân của những lời của Đức Giáo Hoàng John XXIII trong thông điệp Pacem
in Terris. như một “tia ánh sáng, một tâm điểm của tình thương, một chất men
sinh động” cho tất cả anh chị em của ngài trên toàn thế giới.”
(Những chi tiết về giải thưởng này là do ông
Hoàng Ngọc-Tuấn sưu tra, và hoàn toàn có thể kiểm chứng tính xác thực.)
Giải thưởng này là quan điểm của Giáo hội Công
giáo về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó hoàn toàn trái ngược với những nhận định
“trong mắt” của ông Nguyễn Văn Khải.
Do đó, ông Nguyễn Văn Khải phải nói rõ rằng
đây là ý kiến của cá nhân Nguyễn Văn Khải chứ không phải là của linh mục Phêrô
Nguyễn Văn Khải, để người đọc không ngộ nhận rằng ông là tiếng nói đại diện cho
Công giáo, hay quan điểm của ông là quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam,
hay là quan điểm của Giáo hội Công giáo Vatican, hay là quan điểm của cộng đồng
giáo dân Công giáo Việt Nam. Nếu không làm rõ danh xưng thì ông Nguyễn Văn Khải
đang mạo nhận hay gây ngộ nhận một cách bất lương. Trong trường hợp này, danh
xưng “linh mục Phêrô” là sự mạo danh dưới vị thế của một giáo sĩ Công giáo. Đó
là lý do tôi không gọi ông là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, mà chỉ gọi là
Nguyễn Văn Khải.
Sự ngộ nhận nguy hiểm này đang trở thành mồi lửa
cho cuộc xung đột tệ hại giữa hai khối tín đồ cực đoan Phật giáo và Công giáo
hiện có trên mạng.
Còn các bạn tín đồ Công giáo Việt Nam, các bạn
nghĩ như thế nào ? Nếu các bạn cho rằng quan điểm của Nguyễn Văn Khải là đúng,
thì không lẽ Giáo hội Công giáo đã quá sai lầm và bất xứng với niềm tin của
chúng ta? Và ngay cả khi Giáo hội Công giáo sai lầm trong trường hợp này thì
ông Nguyễn Văn Khải cũng không được mạo danh là giáo sĩ, là thành viên của Giáo
hội để phát biểu những ý kiến của cá nhân.
THẬN NHIÊN, Jan 26th 2022
* Tôi không tag được bài viết này cho ông Nguyễn
Văn Khải, nếu bạn nào có thể xin vui lòng giúp đưa nó đến cho ông ấy đọc. Tôi sẵn
sàng đối thoại nếu ông ấy phản biện. Cám ơn.
Hình :
https://www.facebook.com/photo?fbid=6876542022417269&set=pcb.6876475259090612
https://www.facebook.com/photo?fbid=6876542719083866&set=pcb.6876475259090612
.
No comments:
Post a Comment