Monday, March 19, 2018

SỰ RA ĐI CỦA NGOẠI TRƯỞNG REX TILLERSON (Lê Phan)




Lê Phan
March 18, 2018

Rexit, nhái theo kiểu Brexit, tức là sự ra đi của Ngoại Trưởng Rex Tillerson, đang là một đề tài bàn tán ở các thủ đô trên khắp thế giới, bạn cũng như thù. Như tờ The Economist, vốn đã mỉa mai đặt cái tên “Rexit,” nhận xét là ông Rex Tillerson là một ngoại trưởng kém. Nhưng những gì sau ông lại còn đáng ngại hơn nữa.

Không phải là một bí mật gì khi nói là nhiều đồng minh Hoa Kỳ không nhìn thế giới qua cùng những lăng kính như Tổng Thống Donald Trump – cũng sự việc là ngoại trưởng của ông có thể cũng có những hoài nghi về cách Tòa Bạch Ốc đối phó với chính sách ngoại giao.

Nay khi mà ông Tillerson đã bị tống khứ trong một cái tweet vào lúc hừng sáng hôm Thứ Ba, 13 Tháng Ba, sự chia rẽ về những vấn đề lớn giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới có thể còn nới rộng hơn nữa. Giám Đốc Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Mike Pompeo, người mà ông Trump đã chọn để thay thế cựu tổng quản trị của ExxonMobil, sẽ giúp chính phủ đi theo một con đường hạp ý với những kế hoạch hung hăng về những vấn đề gây nhiều chia rẽ như Iran hay Bắc Hàn.

Ông Tillerson đã ra đi sau khi đã cải tổ không thành Bộ Ngoại Giao theo chiều hướng một tập đoàn doanh nghiệp, với không có bao nhiêu nếu không nói là không có một thành quả ngoại giao hay sáng kiến nào đáng kể trong 14 tháng ông tại chức.

Nhưng ông Tillerson có lẽ đã nổi bật với các quốc gia khác về cách mà ông bất đồng ý kiến với tổng thống, chính là việc liệu Hoa Kỳ có nên rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không, về cách nào họ phải làm để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và đặc biệt gần đây, ngăn cản Nga trong những hoạt động thao túng thế giới.

Kế hoạch của tổng thống cho cả Bắc Hàn lẫn Iran, được ông Pompeo ủng hộ theo những tuyên bố của ông trong quá khứ, sẽ có những ảnh hưởng rộng rãi đối với chính những quốc gia đó và với một số các đồng minh quan trọng như Đức hay đối thủ quan trọng như Trung Cộng, vốn đã ủng hộ Hoa Kỳ trong việc tạo nên chính sách hiện nay và có hy vọng có thể bị thiệt hại nhiều nhất trước những đề nghị diều hâu hung hăng của ông.

Quyết định mới nhất của ông đã loại bỏ ra khỏi nội các một tiếng nói mà các đối tác quốc tế đã ngày càng trông cậy vào để có ảnh hưởng trong một chính phủ mà ngày càng ngả sang những khuynh hướng quốc gia cực đoan.

Ông Robert Manning, vốn phục vụ dưới thời Tổng Thống George W. Bush trong ban soạn thảo kế hoạch, giải thích: “Họ đã mất đi một người trung gian có thể nói chuyện với ông Trump.” Ban kế hoạch này, vốn là một nguồn cố vấn độc lập cho vị đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ, đã được ông Tillerson nâng vị trí của cơ quan này lên trong khi ông còn tại chức.

Giải thích quyết định của mình cho báo chí bên ngoài Tòa Bạch Ốc, tổng thống dẫn sự khác biệt với ông Tillerson về thỏa thuận hạt nhân với Iran, chính thức được gọi là kế hoạch hành động hỗn hợp, mà ông Trump đã nhiều lần hậm hực đòi xé bỏ.

Ông Tillerson, cùng với Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế và các đồng minh của Hoa Kỳ ở Âu Châu vốn đã ký kết vào thỏa thuận đó, đồng ý là Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận và một sự rút lui trả đũa sẽ hủy bỏ một yếu tố quan trọng trong việc cản trở Iran có vũ khí hạt nhân. Ông Pompeo đã chống lại thỏa thuận này, và sẽ ủng hộ quyết định của ông Trump. Rời khỏi thỏa thuận này sẽ tạo thêm một khoảng cách nữa giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.

Một viên chức của Tòa Bạch Ốc cũng nói với CNN hôm Thứ Ba, 13 Tháng Ba, là sự ra đi đột ngột của ông Tillerson được cố tình đặt vào thời điểm của cuộc họp thượng đỉnh rất quan trọng giữa tổng thống và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un được dự trù cho Tháng Năm, nói là tổng thống “nghĩ đã đến lúc đúng cho một sự chuyển tiếp với những thảo luận sắp tới với Bắc Hàn và các cuộc điều đình mậu dịch.”

Ông Tillerson đã cố cung cấp một tiếng nói minh bạch về Iran và Bắc Hàn, theo ông Manning. Với Iran, ông Tillerson nhận diện những vấn đề chính đáng về tham vọng “đế quốc Ba Tư” của Iran trên toàn vùng Trung Đông không dính gì đến thỏa thuận hạt nhân.

Và về Bắc Hàn, ông đã tìm cách cung cấp những cố vấn rõ ràng và trước sau như một cho một chính sách dựa trên ngoại giao và cấm vận quốc tế – không đặt vấn đề quân sự. Nhưng ông luôn bị những tiếng nói ồn ào khác lấn áp, bắt đầu với những tweet của tổng thống, và với luận điệu diều hâu của đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, và chính ông Pompeo, vốn hồi Tháng Bảy nói đến một hy vọng thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.

Giáo Sư Robert Jervis, giáo sư về bang giao quốc tế ở viện Đại Học Columbia, giải thích: “Đây là nơi mà cá nhân tôi, tôi lo nhất, bởi đó là nơi chúng ta dễ tiến đến chiến tranh nhất. Nam Hàn sẽ bị thiệt hại lớn nhất. Đó là lý do tại sao họ cố gắng hết sức đóng vai hòa giải.”

Ông Tillerson không phải là một ngoại trưởng tài ba. Với kinh nghiệm từng điều khiển ExxonMobil, công ty lớn thứ 10 trên thế giới về lợi tức, ông coi ngoại giao cũng như làm ăn.
Bên trong Bộ Ngoại Giao của ông chia rẽ lan tràn vì những cố gắng cải tổ của ông. Ông có vẻ coi những nhân viên ngoại giao nhà nghề như là những tích sản không mang lại lợi nhuận và họ trả thù bằng cách chê bai ông. Và có lẽ chính tổng thống cũng không thích ông, ít nhất là sau những tin là ông đã từng gọi tổng thống là “ngu đần.”

Nhưng người thay thế ông, ông Pompeo, đã lọt vào mắt xanh của tổng thống qua đề cao lập trường “America First” về thế giới của tổng thống. Kết quả có thể là sẽ có phối hợp hơn về chính sách, với ít những chia rẽ công khai giữa Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc. Nhưng khi chúng ta nghĩ đến thử thách chính mà ngành ngoại giao Hoa Kỳ đang phải đối diện là vấn đề Bắc Hàn thì quả là sự thay đổi này sẽ không làm cho chúng ta yên tâm.

Quyết định của tổng thống khởi đầu điều đình bằng cách nói chuyện thẳng với ông Kim Jong Un ít nhất là bất bình thường. Một cơ hội chụp hình chung với tổng thống Hoa Kỳ là một phần thưởng lớn cho ông Kim, và thay vì giữ nó lại như là một phần thưởng, tổng thống đã chọn cho không. Việc đó có thể không phải là điều xấu, nhất là khi mọi cách khác đã thất bại và chỉ nói chuyện là một cơ hội để tổng thống có thể củng cố việc ngăn ngừa bằng cách đưa ra những lằn đỏ.

Vấn đề là, trong khi các cuộc thương thảo nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ tế nhị, phức tạp và rất nhiều yếu tố kỹ thuật, Tổng Thống Trump là một người bốc đồng và thiếu tự chế. Hiểu được những chi tiết về chương trình của Bắc Hàn và cách nào để giảm thiểu khả năng của nó đòi hỏi khả năng chuyên môn cao. Bất cứ một thỏa thuận nào nhằm bảo đảm là miền Bắc không ăn gian, như họ đã từng làm trước đây, sẽ cần phải sâu rộng và bên vững. Hoa Kỳ phải không tăng cường an ninh của mình bằng cách giảm an ninh cho các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản. Và nếu cuộc thương thảo chả đi đến đâu, một chuyện hầu như chắc chắn sẽ xảy ra, cả hai bên sẽ cần chắc chắn là sự bực tức không dẫn đến chiến tranh.

Tập hợp đó không thích hợp với lối cai trị của tổng thống. Trong một chính phủ bình thường, những vấn đề kỹ thuật đó là của các chuyên gia. Nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa có đại sứ ở Nam Hàn và chưa có thứ trưởng ngoại giao phụ trách tài giảm vũ khí. Mà ngay cả nếu có, chưa chắc là tổng thống sẽ cho họ cơ hội làm việc. Ông đang đưa ra mọi chỉ dấu cho thấy là ông nghĩ ông có tài đạt được một sự khai phá một mình ông. Đây là nguy cơ nhất vì ông Pompeo sẽ muốn nịnh tổng thống bằng cách đồng ý.

Tổng Thống Trump không có một chính sách ngoại giao mà chỉ có một nhân sinh quan dựa trên sự bất bình và tức giận và một niềm tin là những quốc gia khác phải thua để Hoa Kỳ thắng. Và trong những ngày sắp tới, sau khi ông đã cách chức hết những cố vấn không đồng ý với ông, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. (Lê Phan)











No comments: