Trọng Thành – RFI
Đăng
ngày 01-03-2018
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180301-bien-dong-nguy-co-xung-dot-bung-no-do-bac-kinh-gia-tang-banh-truong
Le Figaro có bài phân
tích đáng chú ý về nguy cơ Trung Quốc mở rộng bành trướng lãnh thổ, trước hết tại
khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau việc đảng Cộng Sản Trung Quốc sửa đối Hiến
pháp, cho phép ông Tập Cận Bình lãnh đạo trọn đời.
Le
Figaro ghi nhận trước hết phản ứng lo ngại trên các mạng xã hội tại Trung Quốc,
sau khi ông Tập Cận Bình có triển vọng sẽ cầm quyền suốt đời. Các bình luận chỉ
trích nở rộng đến mức chính quyền Trung Quốc ra lệnh ngăn chặn hàng loạt diễn đạt
như « vua tự phong », « tôi không đồng ý »
hay tôi sẽ « di cư »… Tuy nhiên, điều mà tờ báo tập trung lưu
ý công chúng là, với khả năng quyền lực nằm trọn trong tay ông Tập Cận Bình,
chính quyền Bắc Kinh rất có thể sẽ lựa chọn chiến lược cứng rắn, tăng cường ảnh
hưởng trước tiên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, buộc Hoa Kỳ phải lùi bước.
Theo
chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondationpour
la recherche stratégique), để thống trị thế giới, Trung Quốc trước hết
sẽ tìm cách thống trị châu Á. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Thì Ân Hoằng - Shi
Yinhong (Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh) nhấn mạnh là quân đội Trung Quốc sẽ gia
tăng cạnh tranh với Mỹ về quân sự, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, chinh phục
không gian và công nghệ tin học.
Tại
Biển Đông, xung đột quân sự có thể sẽ bùng phát, tiếp theo một loạt đụng độ nhỏ,
theo dự đoán của nhiều chuyên gia, cho dù Trung Quốc và Hoa Kỳ không có lợi gì
nếu chiến tranh xảy ra. Theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc một trung tâm
nghiên cứu chiến lược ở Washington, chính quyền Tập Cận Bình sẽ « đẩy mạnh
hơn nữa » các tham vọng tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, với
Việt Nam, Philippines hoặc Malaysia, cũng như gây sức ép mạnh hơn với Đài Loan,
mà Trung Quốc khẳng định sẵn sàng « thống nhất » bằng vũ lực.
Mục
tiêu cụ thể của Trung Quốc, theo ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc Hội Đồng
Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu, là « thay đổi tương quan lực lượng về quân sự »
với liên minh Nhật-Mỹ, để có thể đi đến chỗ giải quyết các xung đột chủ quyền
trên thế thượng phong.
Tuần
qua, Hoàn Cầu Thời Báo – tờ báo chính thức của chính quyền Trung Quốc – kêu gọi
hãy Bắc Kinh nắm lấy cơ hội tổng thống Mỹ đang còn « hờn dỗi »
với các định chế quốc tế, để gia tăng nỗ lực nhằm bảo đảm là « dự án vĩ
đại » của Trung Quốc là « không thể nào cản nổi ». Một
số chuyên gia cũng dự báo « hoàng đế đỏ » sẽ tỏ ra càng cứng rắn
hơn nữa trên trường quốc tế, nếu « hoạt động kinh tế chững lại ».
Tranh cử
Indonesia : Tổng thống Jokowi rất được lòng dân
Về
chính trị châu Á, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống
Indonesia vào năm 2019. Cho dù một năm nữa diễn ra bầu cử, nhưng cuộc đấu được
coi là đã bắt đầu giữa hai ứng cử viên tiềm năng chủ chốt, trong đó có tổng thống
đương nhiệm Joko Widodo, biệt danh « Jokowi ». Đối thủ của
Jokowi là lãnh đạo đảng đối lập Gerindra (đảng Phong Trào vì Nước Indonesia Vĩ
Đại), có chủ trương tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng, người thất cử trong cuộc
đấu 2014.
Theo
thăm dò dư luận, nếu bầu cử diễn ra ngày mai, tổng thống Joko Widodo sẽ nhận được
64% phiếu bầu, so với 27% của đối thủ. Cho dù tỉ lệ tăng trưởng của Indonesia
hiện tại chỉ là 5%, không được ở mức 7% như hứa hẹn, nhưng ông Jokowi vẫn được
lòng dân một phần do chính sách phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh y tế.
Bên
cạnh đó, tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này có triển vọng sẽ còn tăng mạnh
từ đây đến hết nhiệm kỳ của Jokowi, do hơn 225 « dự án hạ tầng ưu tiên »
sắp được khởi động. Thứ hạng của Indonesia cũng được cải thiện đáng kể trong bảng
xếp loại « Doing Business » của Ngân Hàng Thế Giới.
Chiến
thắng của Putin và sự yếu kém của Nhà nước pháp quyền Nga
Cũng
về bầu cử, nhưng tại Nga, với dự báo phần thắng chắc chắn nằm trong tay tổng thống
Putin, bởi không có đối thủ tầm cỡ nào. Tuy nhiên, Le Monde gắn liền khả năng
thắng lợi áp đảo của tổng thống Nga trong cuộc bầu cử 18/3 tới với sự « vắng
mặt của Nhà nước pháp quyền ». Tờ báo ghi nhận là đằng sau chiến thắng
được dự báo trước của ông Putin là « sự bất lực của Nhà nước Nga, không
có khả năng tự hiện đại hóa, và trở thành một bộ máy hiệu quả».
Le
Monde thừa nhận tại nước Nga, có nhiều nỗ lực xây dựng một xã hội hiện đại,
nhưng riêng về mặt Nhà nước pháp quyền, nước Nga thời Putin chứng kiến sự trở lại
của nhiều « cách vận hành cổ lỗ » trong chính trị. Cụ thể như
Hạ Viện Nga bị tổng thống Putin biến thành con rối, nơi chủ yếu để phê chuẩn
các sắc lệnh của chính phủ, với trung bình 1.000 sắc lệnh/một năm so với con số
32 ở Mỹ.
Kể
từ năm 2003, chính quyền Putin liên tục tiến hành các cải cách hành chính, với
việc các bộ nhập vào rồi lại tách ra, trong nội bộ bộ máy, diễn ra nhiều cuộc
chiến khốc liệt, cùng với việc chính phủ cho lập ra thêm nhiều hệ thống chỉ đạo
song hành. Tuy nhiên, cho dù rất nhiều biến động như vậy, bộ máy hành chính Nga
vẫn hoạt động rất kém hiệu quả, nhiều dự án cơ sở hạ tầng phải đội giá rất cao,
trong bối cảnh đất nước nhìn chung là vẫn nghèo. Theo đánh giá của một số tổ chức
quốc tế, nước Nga được xếp hạng trong nhóm một phần tư nền dân chủ yếu kém nhất
thế giới.
Brexit
: « Thời khắc của sự thật »
Vẫn
về thời sự chính trị quốc tế, đàm phán giữa Liên Âu và Anh Quốc về Brexit đang bước
vào giai đoạn căng thẳng là tâm điểm chú ý của La Croix, với hàng tựa trang nhất
« Brexit : Thời khắc của sự thật ».
Hôm
qua, người phụ trách thương thuyết châu Âu, chính trị gia Pháp Michel Barnier,
công bố dự thảo « thỏa thuận » cho thấy quyết tâm của
Bruxelles đặt ra « nhiều lằn ranh đỏ » với Luân Đôn. Hai trong
số các lằn ranh đỏ, để giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối 2020 có thể thành
hiện thực, thứ nhất là kiều dân châu Âu được đi lại tự do, giống như với những
người tới Anh trước Brexit, và thứ hai là tôn trọng các quy tắc chung được Tòa
Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu bảo trợ.
Bản
dự thảo được đưa ra hai ngày trước khi thủ tướng Anh có bài diễn văn được trông
đợi về quan hệ tương lai với Liên Âu.
Theo
La Croix, điểm nghịch lý của « dự thảo thỏa thuận » này là vạch
ra « những vấn đề gây bất đồng nhất », đặc biệt là về biên giới
giữa Ai Len - Bắc Ailen. Theo dự thảo của Liên Âu, nếu không có giải pháp nào
khác, thì « tỉnh Bắc Ai Len » của nước Anh sẽ vẫn nằm trong thị
trường chung và liên minh thuế quan châu Âu, bởi Ai Len là thành viên của Liên
Hiệp Châu Âu, hàng hóa vẫn sẽ được vận chuyển tự do giữa Ai Len và vùng Bắc Ai
Len (thuộc Vương Quốc Anh) như trong nội bộ Liên Âu.
Về
Brexit, Le Figaro có hai bài : « Rexit : Barnier dồn May vào chân tường »
và « Nguy cơ Liên Âu ‘‘sáp nhập’’ Bắc Ai Len ». Les Echos thừa
nhận đây là vấn đề dễ khiến xung đột giữa Anh và Liên Âu « bùng nổ » nhất, thủ
tướng Anh ngay lập tức đã phản đối một giải pháp đe dọa «tính toàn vẹn lãnh
thổ theo Hiến pháp Anh », cho dù đại diện châu Âu trấn an đây không phải
là mục tiêu của Bruxelles.
Thỏa
thuận về Brexit phải hoàn tất vào mùa thu năm nay, để chuẩn bị cho việc ly di
giữa Liên Âu và Anh, chính thức có hiệu lực từ 29/03/2019.
Pháp
tăng trưởng cao nhất từ 2011
Trở
lại Pháp, theo thống kế của INSEE hôm qua, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 2%.
Đây là mức tăng trưởng 2% đầu tiên kể từ năm 2011. Theo Le Figaro, so với mức
tăng trưởng 1,1%/năm của năm 2016, thời tổng thống Hollande, tốc độ tăng trưởng
của nước Pháp năm đầu tiên thời Emmanuel Macron đã tăng gần gấp đôi. Nếu không
có các cú sốc đặc biệt từ bên ngoài, tăng trưởng trong năm 2018 dự kiến sẽ giữ
cùng tốc độ. Le Figaro giải thích tỉ lệ tăng trưởng 2017 chủ yếu là do đầu tư
cho doanh nghiệp tăng vọt, mức tăng trưởng cao này cũng do bối cảnh kinh tế thế
giới nhìn chung là thuận lợi.
Le
Figaro ghi nhận « điểm tối duy nhất đáng kể » trong bức tranh
sáng sủa này là tiêu thụ của các hộ gia đình có phần sụt giảm, do việc mua sắm
hàng hóa nói chung, nhưng đặc biệt do khí hậu ấm lên vào mùa thu năm ngoái, khiến
việc tiêu thụ năng lượng để sưởi ấm giảm mạnh.
Nạn kim
cương giả : Hơn 700 đơn kiện
Trong
lĩnh vực xã hội, báo Le Monde chú ý đến nạn lừa đảo bán kim cương giả trên mạng
« không thể tin được » tại Pháp. Theo phóng sự điều tra của Le
Monde, hiện tại đã có khoảng 700 người đâm đơn kiện. Nhiều khổ chủ đã bị lừa
toàn bộ tiết kiệm của cả đời làm việc. Điều tra được mở ra từ năm 2016 xác định
có từ ba đến bốn băng nhóm đứng đằng sau vụ lừa đảo quy mô này. Le Monde thuật
lại câu chuyện về một cặp vợ chồng Pháp – làm việc trong nghề xây dựng - bị lừa
hai lần, tổng cộng 450.000 euro. Trong vụ mắc bẫy thứ hai, kẻ lừa đảo thậm chí
bao tiền cho hai vợ chồng nạn nhân đến thăm cơ sở kinh doanh tại ngoại ô
Tel-Aviv, trực tiếp tiếp xúc với các thợ thủ công kim hoàn, để gây lòng tin.
Theo
một thẩm phán, tư pháp sẽ còn nhận thêm nhiều đơn kiện mới. Có thể hàng nghìn
người đã rơi vào tròng. Le Monde cảnh báo công chúng là các băng nhóm lừa đảo
kim cương giả vẫn đang còn hoạt động.
Nông nghiệp
Pháp khủng hoảng, nhưng học sinh nghề nông lại đắt hàng
Nông
nghiệp tiếp tục là tâm điểm thời sự của các báo Pháp. Le Figaro có xã luận mang
tựa đề « Nghi ngờ trong giới làm nông », với tựa lớn trang nhất
: « Hố ngăn cách gia tăng giữa chính quyền với nông thôn ». Tờ
báo thiên hữu chỉ trích hàng loạt chính sách của chính phủ gây thêm khó khăn
cho các vùng nông thôn, như hạn chế tốc độ xe hơi ở 80km/giờ, đóng cửa nhiều
trường học ở nông thôn, hay tăng giá xăng dầu… Trong khi đó Libération chú ý đến
cuộc chiến giành cử tri giữa lãnh đạo cánh hữu Laurent Wauquier và lãnh đạo cực
hữu Marine Le Pen.
Cho
dù nông nghiệp Pháp đang trải qua nhiều khủng hoảng, Le Figaro ghi nhận điểm
sáng trong đào tạo nghề tại các trường trung học nông nghiệp, với tỉ lệ hơn 90%
học sinh sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm, thậm chí được tuyển mộ ngay khi
còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là điều rất ít được công chúng rộng rãi biết
đến.
Lý
do là vì hơn 210.000 học sinh, sinh viên học nghề nông tại Pháp nhìn chung được
đào tạo rất tốt, phù hợp với đòi hỏi của thị trường, việc thực tập rất được chú
trọng, ngay khi ra trường họ đã có thể làm việc ngay. Mặt trái của nghề nông là
thu nhập thường thấp hơn mức trung bình, nhưng đổi lại là nhà nông được sống
trong một môi trường trong lành hơn nhiều so với các thành phố (không kể đến
các hậu quả liên quan đến hóa chất độc hại trong nông nghiệp - người viết).
Bắc Cực
ngang nhiệt độ nước Pháp
Về
môi trường, trong lúc nước Pháp chìm trong giá lạnh với đợt gió buốt từ Nga
tràn sang, Le Figaro lưu ý đến điều ngược đời là « khí hậu ấm lên đáng
kể tại Bắc Cực », với nhiệt độ nhiều nơi ở mức 0°C, tức cao hơn 30 độ
so với nhiệt độ trung bình vào thời điểm này của năm.
Cụ
thể là, nhiệt độ tại thủ phủ của xứ Greenland (vùng đất tự trị thuộc Đan Mạch)
lên đến mức dương, tức hơn 0°C. Theo Le Figaro, hiện tượng nhiệt độ Bắc Cực
đang nóng lên có thể sẽ tiếp tục gây ra các đợt lạnh bất thường tại các vùng
phía nam, cụ thể như châu Âu, trong tương lai, như đợt giá rét hiện nay tại
Pháp.
Cấm
Diesel : Chiến thắng của hiệp hội môi trường Đức
Cũng
trong lĩnh vực môi trường, Le Monde dành hai bài để giới thiệu về thắng lợi ban
đầu của cuộc chiến chống diesel tại Đức. Hôm qua, 27/02, một tòa án cấp bang nước
Đức đã ra phán quyết buộc các thành phố phải cấm xe cũ chạy diesel, để hạ mức ô
nhiễm không khí. Phán quyết nói trên liên quan đến hàng loạt thành phố lớn của
Đức.
Le
Monde cũng giới thiệu về hiệp hội môi trường Đức DUH (Deutsche Umwelthilfe), tổ
chức đứng đằng sau chiến dịch vận động pháp lý thành công mang tính biểu tượng
lớn này. Đức vốn được coi cái nôi của nền công nghiệp xe hơi diesel.
No comments:
Post a Comment