Wednesday, March 21, 2018

BẢN TIN SÁNG 21-3-2018 (Báo Tiêng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Trang Viet Times có bài: Báo Mỹ: 3 kịch bản dẫn tới chiến tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông. Theo phân tích của National Interest, “viễn cảnh xảy ra xung đột khá rõ ràng. Nếu tàu hoặc máy bay Mỹ đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thì các thủy thủ, binh lính và phi công Trung Quốc cần phải rất chú ý đến cách Mỹ phản ứng”.

Nguy cơ xung đột Mỹ – Trung ở Biển Đông chủ yếu xoay quanh các kịch bản đụng độ khí tài, thường là va chạm trên không giữa các máy bay Mỹ và Trung Quốc, hoặc sự cố tàu ngầm. Bài viết lưu ý: Hải quân Trung Quốc “cần phải đưa các tàu ngầm đi qua chuỗi đảo thứ nhất để ngăn không cho Mỹ đến gần vùng duyên hải của Trung Quốc”.


Vụ bê bối Mobifone mua AVG
BBC đặt câu hỏi: Từ Vinalines đến AVG, quyết tâm ‘sẽ tạo địa chấn’? Bài viết so sánh vụ lãnh đạo Vinalines mua khống một “ụ nổi sắt vụn” từ Nga làm thất thoát khoảng 366 tỉ với vụ Mobifone mua AVG có thể gây thiệt hại hơn 7000 tỉ ngân sách nhà nước. Cả 2 thương vụ đều do quan chức cấu kết với doanh nghiệp để rút tiền nhà nước, nhưng các lãnh đạo dính đến vụ Mobifone – AVG ở cấp cao hơn vụ Vinalines.

Cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận nhận định: “Việc tấn công vào nhóm lợi ích, bắt bớ, xử tù, thậm chí tử hình một số người chỉ là bước khởi đầu”.

RFA đặt câu hỏi: “Đụng độ” trong vụ MobiFone mua AVG?Về chuyện Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn vội vã huy động báo chí trong nước đăng văn bản phản bác kết luận của Thanh tra Chính phủ, rồi các báo này lại bị bắt gỡ bài vào cuối ngày 15/3/2018, nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:
“Đây thực sự là việc chưa từng có tiền lệ khi lần đầu tiên một đơn vị bị thanh tra lại đi phản ứng lại cơ quan kiểm tra của chính phủ, điều đó cho thấy họ đã bỏ hết chuyện tình đồng chí hoặc xử lý trong nội bộ rồi”.

Công an bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ
Báo Tiền Phong có bài: Nhà mạng và đường dây đánh bạc ngàn tỷ: Vô can hay đồng phạm. LS Nguyễn Mạnh Thuật phân tích: “Nếu có thỏa thuận giao toàn bộ cho công ty trung gian nhưng các nhà mạng vẫn đối soát, kiểm soát để có căn cứ thanh toán, gia hạn hợp đồng” thì các nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel có trách nhiệm liên đới trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu.

Minh họa của ĐAN/ báo LĐ


Xử vụ Đinh La Thăng giai đoạn 2
Trong phiên xử chiều 20/3/2018, ông Đinh La Thăng thanh minh: OceanBank bị mua 0 đồng mà quy trách nhiệm gây thiệt hại là oan cho bị cáo, theo VTC. Ông Thăng phân tích: “NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng chắc chắn là không đúng, vì Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ra yêu cầu dừng việc mua ngân hàng với giá 0 đồng”.

Báo Kiến Thức có bài: Lạ lùng “dù không biết gì” nhưng ông Đinh La Thăng vẫn xin “nhận trách nhiệm”. Bài báo bình luận hiện tượng: Hai lần ra tòa, hai lần ông Thăng khẳng định ông và các đồng phạm không để xảy ra sai phạm ở PVN, nhưng rồi ông Thăng vẫn… nhận trách nhiệm cho cấp dưới.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Hà Văn Thắm khai gì việc OceanBank bị mua 0 đồng? Ông Thắm khẳng định Ngân hàng OceanBank không yếu kém, “bởi theo quy định, nếu yếu kém thì phải được giám sát đặc biệt rồi sau đó mới tiến hành các bước khác, nhưng ngân hàng không hề nhận được quyết định nào như vậy”.

VTC dẫn lời ông Hà Văn Thắm: ‘Nôn nóng muốn PVN góp vốn vào Oceanbank nên nhiệt tình hơi thái quá’. Trước khi kết thúc phần xét hỏi, ông Thắm nói: “Tất cả các văn bản phía PVN yêu cầu trả lời chúng tôi đều hồi đáp. Phải nói thật, thời điểm ấy chúng tôi rất mong muốn PVN góp vốn nên chúng tôi có nhiệt tình hơi thái quá”.


Công an “nhân dân”
Lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng quyết định đình chỉ công tác trưởng công an xã bị tố dẫn người đi đánh dân, theo VTC. Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng xác nhận, thiếu tá Tạ Mạnh Hòa, trưởng Công an xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên đã bị đình chỉ công tác “nhằm làm rõ nội dung cán bộ này bị tố cáo dẫn theo một nhóm thanh niên đến xô xát với người dân”.

Ngày 16/3/2018, báo Zing đưa tin: Thiếu tá công an bị tố dẫn côn đồ đi đánh dân. Theo đó, một gia đình ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên tố cáo rằng viên công an này đã dẫn một nhóm côn đồ đến hành hung gia đình này.

CSGT Cát Lái cho rằng giấy phép lái xe quốc tế không có giá trị tại Việt Nam, theo báo Người Tiêu Dùng. Ông Vũ Thanh Tùng, việt kiều Đức đang sống ở Sài Gòn cho biết ông đang làm việc với luật sư để sớm hoàn tất thủ tục khiếu nại chuyện CSGT Cát Lái giam xe của ông, vì cho rằng giấy phép lái xe quốc tế không có giá trị tại Việt Nam.

Nhân quyền ở Việt Nam
VOA đưa tin: 4 gia đình Hmong theo đạo Tin Lành ở VN bị tấn công. Dẫn nguồn từ tổ chức World Watch Monitor, Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc Không có đại diện (UNPO) cho biết: “Có bốn gia đình người sắc tộc Hmong tại Việt Nam bị tấn công vì không chịu từ bỏ niềm tin Thiên Chúa giáo của họ”.

Theo bài viết, “người Hmong, cũng như những tín đồ Tin Lành khác tại Việt Nam, đang đối diện với mối đe dọa từ Luật Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo, vừa được nhà cầm quyền cộng sản thông qua và có hiệu lực từ đầu năm nay”.


Nền kinh tế bị giấy phép con hoành hành
Trang Một Thế Giới có bài: Những câu hỏi chưa có lời đáp từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm. Câu hỏi lớn nhất là về giấy phép con, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, vì sao nó lại sinh sôi, nảy nở, tăng gấp 15 lần sau thời ông Phan Văn Khải làm thủ tướng, mà vẫn “đúng quy trình”?

Bài viết có đoạn: “Đầu năm 2000, khi Thủ tướng Phan Văn Khải cắt 158 quy định kinh doanh và giấy phép con thì nền kinh tế Việt Nam mới chỉ có tổng cộng khoảng 400 quy định kinh doanh. Trong khi tính đến cuối năm 2016, con số 400 đã vượt lên thành 6.000 và phải rất khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới cắt giảm được khoảng phân nửa con số này“. Từ 400, tăng lên 6.000, bây giờ tụt xuống còn 3.000!


“Lỗi hệ thống”
Lãnh đạo huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đang xác minh thông tin Chủ tịch xã chưa hết thời hạn kỷ luật vẫn được bổ nhiệm, theo báo Công Lý và Xã Hội. Người dân tố cáo ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Long tuy “đang trong thời gian thi hành kỷ luật mà vẫn được bầu vào Hội đồng nhân dân sau đó được bổ nhiệm lại chức chủ tịch xã”.

Chuyện ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa: Phó Chủ tịch HĐND xã bị cách chức vì dùng bằng giả, theo báo Dân Trí. Lãnh đạo huyện xác nhận rằng ông Nguyễn Hữu Huấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Nga Lĩnh đã dùng bằng giả và quyết định cách chức Đảng ủy viên, bãi miễn chức danh Phó Chủ tịch HĐND xã Nga Lĩnh đối với ông Huấn.

Hầm chui 120 tỷ ngập nước, Bí thư Đà Nẵng truy trách nhiệm Sở GTVT, theo Zing. Về chuyện hầm chui Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương – Lê Độ vừa bắt đầu vận hành hồi APEC 2017 đã bị ngập nước, ông Trương Quang Nghĩa nói: “Hầm chui bị ngập nước là trách nhiệm của sở, cho nên việc nhận bàn giao phải nghiêm túc. Các anh sẽ phải chịu trách nhiệm công trình. Hầm bị ngập đừng đổ lỗi cho ban quản lý”.

Thủy sản Việt Nam liên tục gặp khó
Hiện tại Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có thể khởi kiện vụ việc Mỹ áp thuế cao đối với cá tra-basa Việt Nam, theo Người Đồng Hành. VASEP cho biết: “Hiệp hội và các doanh nghiệp đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa Án Thương Mại Quốc Tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất”.

Về chuyện Bộ Thương mại Mỹ tăng mức thuế chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam gần 6 lần sau đợt xem xét hành chính thứ 12, Bộ Công thương cho rằng “mức thuế cá tra- basa mà Mỹ đưa ra không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức”.

TB Kinh Tế Sài Gòn có bài: Thủy sản Việt Nam bị “cấm cửa” ở Ả Rập Saudi: lỗi do chủ quan. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN-PTNT cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp đã không có sự chuẩn bị, và khi đoàn tham quan của Ả Rập Saudi phát hiện các lỗi trong quy trình chế biến, họ ra quyết định tạm dừng nhập thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng cá tra”.


Nông nghiệp chờ “giải cứu”
VTC đưa tin: Các siêu thị đồng loạt ‘giải cứu’ củ cải trắng ở Hà Nội. Bài báo cho biết: “Trước thực trạng nông dân xã Tráng Việt (Mê Linh – Hà Nội) phải ngậm ngùi vứt bỏ hàng trăm tấn củ cải trắng do không bán được”, các hệ thống siêu thị ở Hà Nội đã thu mua và kêu gọi “bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp đỡ nông dân vượt qua khó khăn”.

Báo Thanh Niên có bài: Nền nông nghiệp ‘hồn nhiên’. Về chuyện một nước nông nghiệp như Việt Nam phải thường xuyên phải “giải cứu” nông sản, bài viết nhận định: “Đó là do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan, đứng đầu là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn”.


Tàn phá môi trường
Chuyện ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa: Dân bức xúc vì nạn khai thác cát trái phép làm sạt lở đất nghiêm trọng, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Người dân xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Khang phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra nhiều năm nay. “Họ khai thác suốt cả ngày lẫn đêm, cắm vòi vào sát bờ để hút cát gây sạt lở nhiều diện tích đất hoa mầu của người dân đang canh tác”.

Người dân huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, “có Công an huyện và xã đi kiểm tra qua loa, sau khi cán bộ về thì cát tặc lại quay thuyền trở lại hút như thường”.

Tàu hút cát đã gây sạt lở nghiêm trọng làm sạt lở đất đa, hoa màu của người dân. Nguồn: TN&MT

Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Nam nhận định vụ vỡ đập ở mỏ vàng Bồng Miêu: Cá chết hàng loạt là do nhiều nguồn thải, báo Công Thương đưa tin. Theo đó, hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bồng Miêu được xác định là “do nhiều nguồn thải. Trong đó bao gồm các hoạt động khai thác vàng trái phép và có cả nước thải của Công ty 6666”.
Trước đó, người dân và quan chức địa phương “đều cho rằng chính đập xả thải của Công ty 6666 bị vỡ đã dẫn tới ô nhiễm sông nước khiến cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp khẳng định không liên can”.

TB Kinh Tế Sài Gòn đưa tin: Người dân lưu vực sông Mêkông “đăng đàn” phản đối thủy điện. Trong diễn đàn Mêkông với chủ đề “Lưu vực Mêkông trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 20/3/2018, ông Nguyễn Thanh Hải, một người dân ở tỉnh Tiền Giang, chia sẻ:
“Tôi sống ở Tiền Giang thuộc hạ lưu sông Mêkông, trước đây Tiền Giang được ưu đãi, nước ngọt quanh năm, nhưng gần đây mặn xâm nhập ngày càng sâu do nước từ thượng nguồn ngày càng suy giảm”.

Tôm hùm bất ngờ chết hàng loạt tại Phú Yên, theo báo Thương Hiệu và Pháp Luật. Một người dân ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên cho biết: “Gia đình có 30 lồng nuôi với hơn 1.500 con tôm hùm. Gần tháng nay, tôm bất ngờ có hiện tượng chết hàng loạt. Thoạt đầu chết vài con, nhưng sau đó tăng dần số lượng”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Lao Động đưa tin: Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo “nóng” vụ sập trần ở THPT Trần Nhân Tông. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GDĐT Hà Nội, xác nhận: “Trường THPT Trần Nhân Tông có cơ sở vật chất đã xuống cấp và đã được thành phố bố trí nguồn vốn 34 tỉ đồng để đầu tư xây dựng lại”. Sở này đang đốc thúc, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự định di dời học sinh để có thể khởi công trong tháng 4/2018.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu chấm dứt tình trạng các trường ngoài công lập tuyển sinh sai quy định, theo báo Công Lý. Sở này đã gửi văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã “chấm dứt tình trạng tuyển sinh sai quy định của các trường ngoài công lập trên địa bàn”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Trump gọi điện chúc mừng Putin thắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Trump nói khi gặp Hoàng tử Mohammad Bin Salman của Arab Saudi: “Tôi đã gọi Tổng thống Putin và chúc mừng ông ta chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông ta. Trong cuộc gọi cũng có nói rằng, có lẽ chúng tôi sẽ gặp nhau trong tương lai không xa, để thảo luận về vũ khí, chúng ta có thể thảo luận về cuộc chạy đua vũ trang“.

Thượng Nghị sĩ John McCain lên tiếng đả kích Trump. Trong một tuyên bố hôm nay, ông McCain nói: “Tổng thống Mỹ không thể dẫn đầu thế giới tự do khi chúc mừng các lãnh đạo độc tài thắng những cuộc bầu cử giả hiệu. Và làm như thế với Vladimir Putin, Tổng thống Trump đã xúc phạm người dân Nga, những người đã bị tước đoạt quyền bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng để quyết định tương lai của đất nước họ, gồm vô số những người Nga yêu nước, đang chấp nhận nhiều rủi ro, nguy hiểm để phản đối và chống lại chế độ của ông Putin“.

VOA có bài kiểm chứng: Trump đả kích cuộc điều tra Nga. Rất nhiều thông tin ông Trump đưa ra không đúng sự thật, nên dưới thời Trump, các nhà báo thường làm công việc kiểm chứng (fact check), đối chiếu những điều ông ta viết với thực tế diễn ra. Bài viết này kiểm chứng nội dung một loạt dòng tweet của ông Trump đưa ra cuối tuần qua, để mọi người biết đâu là sự thật.

Xin nói thêm về những cái tweet này của ông Trump. Có thể nói ông ta đã tự đá tung lưới nhà bằng cách cung cấp thêm chứng cứ cho công tố viên độc lập Robert Mueller (là người đang điều tra vụ bê bối Trump – Nga), hoặc xác nhận những thông tin bất lợi cho Trump.

Trong cái tweet hôm thứ Bảy vừa qua, Trump có viết “Comey knew it all” (Comey biết hết), trong khi Comey đang chuẩn bị xuất bản cuốn sách tiết lộ sự thật về Trump: “Sự trung thành cao hơn: Sự thật, dối trá và lãnh đạo“, thì Trump lại xác nhận rằng “Comey biết hết”! Viết thế thì chẳng khác nào Trump đang quảng cáo không công cho cuốn sách của Comey?

Trong khi ông Trump liên tục tấn công cuộc điều tra của ông Mueller, thì các lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng hòa bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller, báo WSJ đưa tin. Hai lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ là Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số Thượng viện và Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện ủng hộ cuộc điều tra của ông Mueller.

Ông McConnell nói với các phóng viên: “Tôi nghĩ rằng đó là một sự bổ nhiệm (ông Mueller) tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ đi bất cứ nơi nào mà sự thật dẫn ông ấy đi. Và tôi nghĩ ông ấy sẽ có sự tín nhiệm lớn đối với người Mỹ khi ông ấy có kết luận về cuộc điều tra này. Tôi có nhiều niềm tin ở ông ấy“.



Vụ bê bối của Cambridge Analytica và Facebook
Facebook đang bị một cuộc khủng hoảng trầm trọng khi một cựu nhân viên của công ty Cambridge Analytica ở Anh tiết lộ, công ty này đã thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook để phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump. Kể từ khi thông tin này bị tiết lộ thứ Sáu tuần qua, Facebook bị mất gần 50 tỷ Mỹ kim.

Báo Wall Street Journal đưa tin, thông tin cá nhân của 50 triệu người sử dụng Facebook đã được chuyển qua cho công ty Cambridge Analytica. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đang điều tra xem liệu Facebook có vi phạm các điều khoản về quyền riêng tư theo quy định của chính phủ Mỹ.


Cựu TT Pháp Nicolas Sarkozy bị câu lưu
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị cảnh sát Pháp câu lưu hôm 20/3 để phục vụ cuộc điều tra, liệu ông có nhận tài trợ bất hợp pháp từ cựu TT Lybia Muammar Gaddafi và các quan chức Libya cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy hồi năm 2007 hay không.
Ông Nicolas Sarkozy làm Tổng thống từ năm 2007 đến năm 2012. Dù đã “về vườn” 6 năm, nhưng ông Sarkozy vẫn bị điều tra liên quan tới chiến dịch tranh cử của ông diễn ra cách đây 11 năm.

Ông Sarkozy (trái) và TT Lybia Gaddafi hồi năm 2007. Ảnh: EPA


ICC tiếp tục điều tra TT Philippines
VOA đưa tin: Tòa hình sự quốc tế tiếp tục điều tra TT Philippines. Mặc dù TT Rodrigo Duterte rút Philippines ra khỏi Toà án Hình sự Quốc tế (ICC), nhưng cuộc điều tra về các vụ giết người của TT Philippines vẫn tiếp diễn. Ông Duterte đã nhiều lần thách thức ICC truy tố ông và tuyên bố ông sẵn sàng “ngồi tù rục xương”, hoặc ra tòa để bảo vệ cuộc chiến chống ma túy của ông ta.

Thông báo của tòa án cho biết: “Việc rút lui không có ảnh hưởng gì đến các thủ tục đang được tiến hành hoặc bất kỳ vấn đề nào đã được toà án xem xét trước khi quyết định rút lui có hiệu lực“.





***








No comments: