Friday, March 16, 2018

BẢN TIN SÁNG 16-3-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo VnExpress dẫn lời chuyên gia John Blaxland nhận định: ‘Australia và ASEAN cùng lo về sự bất định của Mỹ ở Biển Đông’. GS Blaxland phân tích: Trước đây, Mỹ là nhân tố chủ yếu giúp đảm bảo an ninh ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, thì nay Washington dưới thời Tổng thống Trump đang có những bước đi khó hiểu và không ổn định.

“Có những thông điệp mà Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra không nhất quán với những gì ông Trump tuyên bố”. Cho nên, chính quyền Canberra lo họ có thể “bị hớ” khi Washington thay đổi chính sách về Biển Đông.

Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: Một nhà hoạt động xã hội bị đánh trong ngày kỷ niệm Gạc Ma. Đó là trường hợp ông Trương Văn Dũng bị an ninh hành hung tối 14/3/2018. Ông Dũng bị đánh khi đi cùng nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đến cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an để yêu cầu phía an ninh thả bà Nguyễn Thúy Hạnh, vợ ông Chênh.

Bà Hạnh kể: “Anh Trương Dũng đang ngồi ở ngoài đường thì họ ra họ lôi vào, họ định cướp cái điện thoại iphone của anh Trương Dũng thì anh đập nó ra. Họ lao vào đánh anh ấy dã man, anh ấy bị đánh gãy hai răng cửa, họ đánh trong đồn công an thậm tệ, khi anh Dũng ngất đi thì họ thuê taxi chở anh Dũng đi rồi vất anh ấy bên lề đường gần nhà anh ấy”.


Vụ Mobifone mua AVG
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Bộ, ngành nào bị TTCP “điểm mặt” trong vụ Mobifone – AVG? Theo kết luận của TTCP, các đơn vị có trách nhiệm trong sai phạm ở thương vụ Mobifone – AVG là: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, thậm chí cả Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an cũng bị xác định có liên quan đến vụ mua bán có thể gây thất thoát hàng ngàn tỉ của nhà nước.

Thanh tra Chính phủ xác định: “Việc Bộ Công an có các văn bản đề nghị các vấn đề liên quan đến thương vụ Mobifone – AVG là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định”.

Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ: “Mặc dù dự án chưa được thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư; Văn phòng Chính phủ chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và thực hiện những việc chưa phù hợp”.
Thanh tra Chính phủ bàn tiếp vụ MobiFone-AVG: Sẽ kiến nghị Thủ tướng một số vấn đề, theo báo Pháp Luật TP HCM. Nguồn tin của báo Pháp Luật TP HCM cho biết: “Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, những ngày tới chúng tôi sẽ chuyển các tài liệu, hồ sơ liên quan cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan điều tra của Bộ Công an”.


Báo Người Việt bình luận vụ Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn công bố văn bản “phản bác” Thanh tra Chính phủ trên báo chí trong nước: ‘Loạn đả’ trong chính phủ CSVN: Bộ trưởng dùng báo chí ‘cãi’ thanh tra. Tuy nhiên, đến buổi tối 15/3/2018, “các báo Việt Nam trong đó có báo điện tử VNExpress đăng nguyên văn phản hồi như trích dẫn ở trên của ông Tuấn đều phải lập tức gỡ link bài”.

Bài viết trên báo Người Việt nhận định: Ông Trương Minh Tuấn đang ở bước đường cùng, buộc “phải đấu hoặc chết” nên ông đã lựa chọn rất dại dột. Ông Tuấn không khiếu nại lên Bộ Chính trị hay Ban Bí thư, lại dùng hệ thống báo chí “lề đảng” để phản đối, nên ông đã bị bịt miệng.

Ông Tuấn đã từng bịt miệng nhiều người và ông tưởng rằng ông có quyền bịt miệng báo chí, không nghĩ đến lượt ông và Bộ Truyền thông – Thông tin cũng bị “bịt miệng”. Về vụ “Bộ Thông tin truyền – Thông tin phản bác Thanh tra Chính phủ”, đăng vào chiều tối qua, đã bị gỡ khỏi các trang mạng, Tiếng Dân đăng lại các thông tin đã bị gỡ bỏ đó.

VOA dẫn lại quan điểm phản bác của Bộ TTTT: Thanh tra CP ‘sai kiến thức chuyên môn, áp đặt, suy diễn’. Bài viết điểm mặt một số từ khóa thường xuất hiện trong các luận điểm mà bộ 4T đưa ra để phản đối kết luận TTCP: “không có căn cứ pháp lý”, “sai về chuyên môn”, “sai về thẩm quyền”, “suy diễn”, “có tính dẫn dắt để hiểu sai mục đích”.

LS Phùng Thanh Sơn nhận định với BBC: Thu hồi tiền vụ Mobifone-AVG ‘phải qua tòa án’. LS Sơn phân tích: “Riêng các cá nhân liên quan của bên mua, như lãnh đạo Mobifone, Bộ Thông tin-Truyền thông, các bộ ngành liên quan…nếu không làm hết các trách nhiệm luật định dẫn đến mua hớ cổ phần AVG thì có thể đối diện với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Công an bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ
VOA đưa tin về vụ đánh bạc nghìn tỷ: Tướng Vĩnh bị ‘xác minh trách nhiệm’. Theo đó, cơ quan điều tra đã tới nhà riêng của tướng Phan Văn Vĩnh để “làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước khi ông còn làm Tổng cục trưởng”. VOA dẫn tin từ báo Tiền Phong: Với cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tướng Vĩnh từng “chỉ đạo phối hợp với Đức, Mỹ, Canada và Séc để truy tìm ông Thanh theo lệnh truy nã quốc tế”.

RFA có bài: Xác minh trách nhiệm của trung tướng Phan Văn Vĩnh trong đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ. Theo bài viết, ông Vĩnh là lãnh đạo cao cấp thứ hai trong ngành công an được cơ quan điều tra mời “làm việc”, sau khi công an tiến hành điều tra, khởi tố và bắt giam cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Vì sao ông Nguyễn Thanh Hóa không bị khởi tố về hành vi rửa tiền? Theo LS Giang Hồng Thanh, “việc làm của ông Nguyễn Thanh Hóa mà báo chí nhắc đến phù hợp với hành vi tổ chức đánh bạc chứ không phải hành vi rửa tiền. Còn nếu họ có hành vi rửa tiền, đó sẽ là hành vi độc lập khác”.


Hậu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Tiếng Dân có bài: Toàn bộ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh dưới sự chỉ huy của Trung tướng Đường Minh Hưng. Theo tin từ truyền thông Đức, an ninh Đức đã làm sáng tỏ hầu hết các tình tiết chính trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Địa điểm xảy ra vụ bắt cóc ở gần Dinh Thủ tướng Đức, nên vụ này càng có tính khiêu khích.

Theo báo Süddeutsche Zeitung, một số quan chức trong Chính phủ Đức kêu gọi áp dụng biện pháp trừng phạt: “Hủy bỏ Bảo hiểm Hermes của Chính phủ Đức. Hiện nay Bảo hiểm xuất khẩu Hermes dành cho các công ty Đức kinh doanh với Việt Nam là 847 triệu Euro. Riêng trong năm vừa qua, số tiền Chính phủ Đức bảo đảm xuất khẩu sang Việt Nam là 79 triệu Euro”.

Giáo dục Việt Nam
Kết quả đào tạo đại học vô tội vạ, không định hướng: Cả nước có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp, báo Dân Sinh đưa tin. Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Bộ LĐ-TB-XH công bố chiều 15/3/2018, bên cạnh con số hơn 20 vạn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, “nhóm trình độ cao đẳng có 78,8 nghìn người thất nghiệp”.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Học sinh giỏi mới được thi sư phạm: Bộ muốn lấy lại vị thế nhưng… bất lực? Cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc thừa nhận: “Trong bối cảnh hàng chục nghìn sinh viên ra trường vẫn đang thất nghiệp, lương giáo viên thấp, áp lực nghề cao… thì khó để mà thu hút người tài vào ngành”.

Trang An Ninh Tiền Tệ đưa tin: Sở GD-ĐT đề nghị thanh tra vụ bữa ăn bán trú 13.000 đồng. Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình xác nhận, Sở đã đề nghị UBND TP Thái Bình “tiến hành thanh tra việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh ở Trường Tiểu học Kỳ Bá”. Trước đó, các phụ huynh trường Tiểu học Kỳ Bá đã kiểm tra đột xuất bữa cơm trưa của con họ, phát hiện “khay thức ăn chỉ có cơm, 2 thìa khoai tây xào, một miếng trứng cuộn, 2 miếng chả mỏng dính”.


Tàn phá môi trường
Trang VietNamNet có bài: Ô nhiễm kinh hoàng: Ruồi bâu, nhặng đậu kín bát cơm, chén nước. Hàng triệu con ruồi đang đe dọa cuộc sống người dân ở thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh và xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lý do: Bãi rác Phượng Thành ở xã Tùng Ảnh tuy có diện tích lớn nhưng đang quá tải. “Lượng rác thải chất thành núi, đổ tràn lan ra mặt đường. Mỗi ngày có hàng chục xe tải chở rác đến đây tập kết”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: “Ban đầu đây là bãi rác để tập kết rác địa bàn thị trấn Đức Thọ nhưng sau đó, do lượng rác nhiều nên cả huyện đổ rác về đây, dẫn đến tình trạng ô nhiễm và quá tải”.

Nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ tự ý biến cảng thành ‘khu công nghiệp’ gây ô nhiễm, theo báo Thanh Niên. Lúc chính quyền tỉnh Cần Thơ cũ thu hồi đất của dân để quy hoạch làm cảng Cái Cui, người dân đồng tình “vì nghĩ rằng giao đất làm cảng, kinh doanh, buôn bán, biết đâu dân được nhờ”. Cảng được quy hoạch xong thì khói bụi và mùi hôi cũng bao trùm khu vực. Nhiều doanh nghiệp thuê đất ở cảng này đã “sản xuất trái quy định, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.

Vụ đóng cửa 2 nhà máy thép: Đà Nẵng xử lý lúng túng, dân không yên, theo VOV. Mặc dù chính quyền Đà Nẵng đã chấp nhận đóng cửa các nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc gây ô nhiễm môi trường, các lãnh đạo vẫn chưa giải quyết được chuyện di dời người dân khỏi khu vực ô nhiễm. “Trong khi TP Đà Nẵng còn đang lúng túng về xử lý việc đóng cửa nhà máy thép thì người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang không thể yên tâm với cuộc sống của gia đình mình”.

Chuyện ở xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội: Chủ tịch xã kêu khó xử lý trạm bê tông không phép gây ô nhiễm MT, theo trang Môi Trường và Đô Thị. Người dân địa phương phản ánh rằng: “Nhiều năm qua, tại khu vực sát cầu vượt Yên Sơn tồn tại ba trạm bê tông thương phẩm thường xuyên xả khói bụi, xe bồn, xe tải chạy gây ô nhiễm môi trường”. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn nói rằng không dễ xử lý trạm bê tông này, vì “làm cái gì cũng phải ngó trước nhìn sau, không dại gì mà đập đồ cổ phần”.

Trang Tài Nguyên và Môi Trường có bài: Thường Xuân (Thanh Hóa): 10 năm không xử lý nổi hai bãi cát lậu (!?). Người dân sống gần bãi cát trái phép ở thôn Thanh Long, xã Thọ Thanh cho biết: “Bãi cát này tồn tại cả chục năm nay rồi… Chúng tôi sống quanh khu vực này phải chịu trận bởi tiếng ồn từ máy bơm hút cát, đường giao thông thì bị xuống cấp”. Người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương, “cũng có nhiều đơn vị về kiểm tra, xử lý nhưng rồi vẫn đâu vào đó”.

Báo Công Lý đặt câu hỏi: Huyện Quan Hoá, Thanh Hóa: Bất lực trước nạn “cát tặc”? Một người dân địa phương cho biết: “Các anh không tin thì cứ ở đây vài ngày mà xem, có chấm dứt được vài ngày thì tiếng máy nổ hút cát lại ầm ầm suốt ngày đêm”. Mặc dù chính quyền địa phương thỉnh thoảng có xử phạt một số cá nhân tham gia khai thác cát trái phép, nhưng hiệu quả thật sự chỉ như “gãi ngứa”, không đủ sức răn đe.


Kiếp làm nông
Báo VietNamNet đưa tin về vụ rau thối đầy đồng, mang đổ xuống sông: Bộ ra công văn hỏa tốc. Bài viết bàn về tình hình ảm đạm của nền nông nghiệp Việt Nam: Hàng loạt mặt hàng nông sản rớt giá nặng, “su hào, bắp cải, cải thảo, mướp đắng,… rẻ như cho”. Theo đó, “chẳng khó để bắt gặp những ruộng cải thảo, bắp cải nứt toác, su hào, dưa chuột vứt lăn lóc, những ruộng mướp, đầu cô-ve nhuốm màu vàng úa vì người dân bỏ mặc, không thu hoạch và chăm sóc”.

Bộ NN-PTNT đã có công văn đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ Thực vật “đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất gắn với chế biến và phát triển thị trường các mặt hàng rau, củ”.


***

Tin thế giới

Tin nước Mỹ
Vụ điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump liên hệ với Nga, VOA có bài: Tin nói Tổ chức Trump có trát yêu cầu giao nộp tài liệu. Dẫn nguồn từ báo New York Time cho biết, Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller đã ra trát đòi Tổ chức Trump giao nộp các tài liệu, bao gồm một số tài liệu liên quan đến Nga.

Peter Carr, người phát ngôn của ông Mueller, từ chối bình luận về bài báo của tờ Times về trát đòi bằng chứng. Đây là lần đầu tiên được biết tới mà ông Mueller đòi các tài liệu liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh của ông Trump“.

Nhà Trắng từ chối bình luận tin này, nói rằng các câu hỏi nên chuyển sang cho Tổ chức Trump. Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ. Vì sự tôn trọng đối với công tố viên đặc biệt, chúng tôi sẽ không bình luận“.


Quan hệ Nga – Mỹ
Về vụ án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hồi tháng trước, Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã ra cáo trạng buộc tội 13 người Nga và các cơ quan tình báo Nga đã âm mưu can thiệp, phá hoại bầu cử Mỹ. Mới đây, Mỹ trừng phạt 19 người Nga can thiệp vào bầu cử, 19 người này gồm 13 người Nga đã bị ông Mueller truy tố trước đó.

VOA đưa tin: Mỹ chế tài những người Nga vì can thiệp bầu cử, tấn công mạng. Bộ Tài chính Mỹ hôm nay ra lệnh “phong tỏa tất cả tài sản của những đối tượng bị nhắm mục tiêu thuộc thẩm quyền tư pháp của Mỹ và cấm công dân Mỹ giao dịch với họ. Bộ Tài chính nói rằng các chế tài cũng nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng mang tính hủy hoại, bao gồm cuộc tấn công NotPetya gây thiệt hại hàng tỉ đôla khắp Châu Âu, Châu Á và Mỹ”.

Quan hệ Nga – Anh sau vụ đầu độc
Sau vụ cựu điệp viên Nga, ông Skipal và con gái bị đầu độc ở Anh, Thủ tướng Anh Theresa May ra lệnh trừng phạt Nga. Anh kêu gọi Hội Đồng Bảo An ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga nhưng lúc đầu chỉ Ba Lan ủng hộ Anh mạnh trong vụ Skripal, theo BBC. Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki là lãnh đạo châu Âu, đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch của Anh trừng phạt Nga.

Sau đó có thêm các nước phương Tây lên tiếng: Vụ điệp viên Nga bị hạ độc: Anh, Pháp, Đức, Mỹ đồng thanh lên tiếng. Mặc dù Nga đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào tới vụ đầu độc, nhưng Pháp, Đức và Mỹ đã cùng đứng tên với Anh ra một tuyên bố chung hôm 14/3, nói rằng không có nước nào khác ngoài Nga đã thực hiện vụ tấn công này.


Tình hình bầu cử ở Campuchia
Mặc dù đã làm thủ tướng tướng hơn 30 năm qua, nhưng Thủ tướng Hun Sen vẫn chưa muốn rời cái ghế này. Sau khi cáo buộc đảng đối lập CNRP do Mỹ hậu thuẫn, ông Hun Sen đã giải thể đảng này và bắt giữ lãnh đạo đảng là ông Kem Sokha, cấm hơn 118 chính trị gia của đảng này hoạt động ngay trước cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra. Cho nên, LHQ kêu gọi Campuchia cho đảng đối lập ra tranh cử, VOA đưa tin.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Nhân quyền ở Campuchia, bà Rhona Smith nói tại một cuộc họp báo: “Tôi lặp lại lời kêu gọi chính phủ phải khôi phục quyền ứng cử cho bất cứ người dân Campuchia nào, để họ tham gia ứng cử mà không sợ hãi hay bị đe dọa. Tôi cũng kêu gọi khẩn cấp xem xét lại lệnh cấm đối với toàn bộ 118 thành viên cấp cao” của đảng CNRP“.





***








No comments: