Thursday, January 25, 2018

BẢN TIN SÁNG 25/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA đặt câu hỏi: Việt Nam tin tưởng Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc? Bài báo cho biết: “Biển Đông là một phần quan trọng trong nghị trình thảo luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với người đồng cấp nước chủ nhà, khi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vào ngày 25/1”.

Sau khi tới Hà Nội hôm 24/1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bình luận rằng: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và do đó tự do hàng hải và tiếp cận biển Đông đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam về mặt kinh tế, và tất nhiên là về mặt an ninh”.

Bộ trường Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ vào một tấm ảnh về bản đồ biển Đông trên chuyến bay tới Hà Nội sau khi rời Indonesia. Ảnh: VOA

Báo Zing có bài: Bộ trưởng Mattis đến VN: Vai trò quan trọng của Mỹ đối với khu vực. Bài viết dẫn lời ông Mattis khẳng định rằng, “tình hình Biển Đông chắc chắn là chủ đề quan trọng trong các cuộc hội đàm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho rằng “tình hình Biển Đông có vẻ giảm bớt căng thẳng trong năm qua, Bắc Kinh dường như đang hợp tác nhiều hơn với các bên liên quan trong tranh chấp cũng như với ASEAN”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis được người đồng cấp Indonesia tiếp đón ở Jakarta ngày 23/1. Ảnh: Reuters/ Zing

RFA đưa tin: Thủ tướng Việt Nam kêu gọi ủng hộ của Ấn Độ trong vấn đề biển Đông. Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “nhấn mạnh rằng COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ là đóng góp quan trọng cho hòa bình tại Biển Đông nói riêng và thế giới nói chung”.

Bài báo cho biết thêm: “Dự kiến là vào ngày mai, thứ Năm 25 tháng Một, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN sẽ có một phiên họp kín, và có thể một trong những chương trình nghị sự sẽ là cuộc tập trận hải quân chung ở eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và Biển Đông”.

Nhân quyền ở Việt Nam
VOA viết: Bốn tín hữu Phật giáo Hòa Hảo bị xử án tù vì treo cờ vàng. “Nghiệp vụ” của an ninh Việt Nam: “Các video clip trên mạng cho thấy ông Thả cùng các thành viên trong gia đình có tất cả 9 người bị cô lập, cắt điện nước, bị khủng bố dưới hình thức bị người ‘lạ mặt’ ném đá vào nhà. Ông Thả lên mạng xã hội cầu cứu dư luận khắp nơi”.

Bài báo cho biết thêm: “Khoảng 97 nhà hoạt động đang thụ án tù ở Việt Nam, và 36 người bị giam giữ chưa đưa ra xử, theo trang web 88 Project vận động cho người đối kháng ở Việt Nam”.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy Vương Văn Thả tại phiên tòa ngày 23/1/18 ở tỉnh An Giang. Ảnh: Reuters/ VOA

BBC đưa tin: Việt Nam: 12 năm tù vì ‘treo cờ VNCH’. Theo bài báo, lý do tòa án tỉnh An Giang xử tù ông Vương Văn Thả, người con trai Vương Thanh Thuận, hai anh em sinh đôi Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, là:

“Hai cha con ông Thả bị cáo buộc đã ‘kích động mọi người treo cờ vàng ba sọc đỏ vào ngày 30/4/2017, xuống đường gây rối, ném bom xăng khi bị ngăn cản, sẵn sàng đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước và kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’ của Đào Minh Quân (ở Mỹ)…”

RFA có bài: Dự án 88 về những tù nhân chính trị và lương tâm ở Việt Nam. Bà Kaylee Dolan, trợ lý biên tập của dự án 88, “một website lưu trữ những thông tin về những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại Việt Nam”, cho biết “những điều quan ngại” khi thực hiện dự án này: “Sự đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam, những vấn đề vi phạm nhân quyền nói chung, nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do ngôn luận”.

Bà Kaylee Dolan nói về ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhân vật “gây ấn tượng nhất”“Hình ảnh một người tù xuất hiện trong tâm trí tôi khi anh hỏi là ông Trần Huỳnh Duy Thức, người phải chịu một bản án dài nhất trong số những người tù chính trị Việt Nam, với 16 năm tù vì ông đã viết về những vấn đề xã hội và chính trị ở Việt Nam”.

Facebooker Trần Bang đưa tin“Tối 24/1, chị Đỗ Thị Minh Hạnh từ Sài Gòn đến Vinh để tham dự phiên toà anh Hoàng Đức Bình tại TAND huyện Diễn Châu vào ngày mai. Tuy nhiên, khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Vinh thì Minh Hạnh bị an ninh Nghệ An chặn, hành hung, cướp điện thoại và áp giải lên máy bay để ép quay về Sài Gòn”.

Facebooker Đỗ Thị Minh Hạnh có clip nói về việc bị chặn tại sân bay TP Vinh và “bị cướp tiền, phá điện thoại, bị đánh”:

Facebooker Hùng Nguyễn viết về phiên tòa xử vụ án Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong sẽ diễn ra hôm nay: “Hy vọng và ước mong cuối cùng của tôi là dù ngục tù tối tăm lạnh lẽo hay điều gì xấu xa bỉ ổi có xảy ra đi chăng nữa cũng không hề làm nản lòng và rung chuyển trái tim của những người yêu nước yêu quê hương dân tộc Việt Nam này”.

Facebooker Nguyễn Phú Cường viết“Trong góc khuất của cuộc sống vẫn còn những người mà cộng sản khiếp sợ bởi tiếng nói và sự đấu tranh của các anh. Hoàng Đức Bình & Nguyễn Nam Phong sẽ được chúng đem ra tuyên án hôm nay. Tôi dùng chữ tuyên án bởi bán án đã được chúng ấn định trước phiên xử”.

Người dân Quảng Bình tiếp tục biểu tình
RFA đưa tin: Formosa: Biểu tình đòi bồi thường thỏa đáng. Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Vân Đồn, chia sẻ về tình hình biểu tình của người dân thôn Vân Đông, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình: “Cả xã Quảng Hải làm danh sách để chi trả tiền bồi thường làm sao đó mà nhiều người không được, một số không nhận đủ số tiền của họ, người ở đó chủ yếu làm nghề trên sông làm rớ và đánh bắt”.

“Tinh thần trách nhiệm” của lãnh đạo CSVN trong chuyện bồi thường người dân sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra: “Chính phủ Hà Nội chỉ qui định bồi thường cho những người bị thiệt hại tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Tuy nhiên có một số người dân tại vùng biển Nghệ An, lân cận tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng thảm họa môi trường biển cũng gây nhiều thiệt hại cho họ nhưng họ lại không được bồi thường”.

Hình minh họa. Người biểu tình phản đối công ty Formosa của Đài Loan ở Hà Nội hôm 1/5/2016. Ảnh: AFP/RFA

Quan hệ Việt – Trung
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Trung Quốc. Nhận lời mời từ “bạn vàng”, Đoàn đại biểu CSVN do ông Phạm Minh Chính dẫn đầu, đến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 23-27/1. Bài viết cho biết, “chiều 24/1, tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ông Trần Hy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hội đàm với ông Phạm Minh Chính”.

Bất chấp tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, các quan chức CSVN vẫn duy trì “tình hữu nghị” giữa “2 đảng anh em”: “Ông Phạm Minh Chính khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Đồng thời, ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần tập trung vào việc tăng cường tin cậy chính trị”.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Hy bắt tay thân mật. Ảnh: TTXVN

  
Chính trường Việt Nam
RFA bàn về: Nhất thể hóa và tính dân chủ. Bài viết có đoạn: “Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản và Chính quyền Việt Nam đã bàn thảo nhiều lần về đề tài ‘nhất thể hóa’ hai chức danh đứng đầu đảng (tổng bí thư/bí thư các cấp ủy) và đứng đầu chính quyền (chủ tịch nước/chủ tịch UBND các cấp) – một điểm trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước được cho là giống Trung Quốc”.

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình bàn về “tính độc đoán” trong thể chế toàn trị ở Việt Nam: “Thế thì bây giờ ông (bí thư) lại kiêm cả chức chủ tịch nữa, thì tính độc đoán càng cao hơn, chứ nó có bớt độc đoán đâu. Mà cái nguy hiểm nhất ở Việt Nam là cái tính độc đoán, độc tài toàn trị từ trên cao, đồng thời xuống hệ thống dưới thì đều bị chi phối bởi những quyết định độc đoán”.

Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Chống tham nhũng mà tay ‘nhúng chàm’ thì chống sao nổi? Tác giả thừa nhận, nỗi ám ảnh của những quan chức, đảng viên đang muốn duy trì thể chế toàn trị ở Việt Nam: “Nếu không chấn chỉnh và làm sạch sẽ bộ máy này đương nhiên sẽ không thể nào ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực. Và nếu vậy đây sẽ trở thành lỗi hệ thống đáng lo của bất cứ chế độ nào muốn duy trì sự tồn tại của mình”.

Bài viết bàn thêm về hiện tượng đấu tranh thì tránh đâu”: “Khi một người dũng cảm đứng lên đấu tranh vì sự thật nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm xem xét thấu đáo… họ còn cố tình tạo dựng lý do để làm lệch hướng điều tra. Họ quy tội cho người tố cáo rất nghiệt ngã là ‘gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành dầu khí’.”


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng
Báo Công An TP HCM bàn về diễn biến chính trong ngày đầu phiên xử vụ án tham nhũng ở PVP Land: Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng “đấu” tại tòa. Theo bài viết, Trịnh Xuân Thanh khai rằng: “Lái xe bảo có vali của anh Thắng, bị cáo hỏi lại anh ấy bảo có mấy tỷ nhưng bị cáo đòi trả lại. Lúc đó bị cáo có mắng lái xe của mình: ‘Tôi cấm anh nhận bất cứ cái gì mà không hỏi tôi’.”

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng lại khẳng định, “có gọi điện cho Thanh, Thanh bảo cứ chuyển cho lái xe. Chủ tọa phiên tòa cũng công bố lời khai của Thắng thể hiện Thanh gọi điện nhờ dặn Hương không được khai đã chuyển tiền cho Thắng và Thanh”.

VOA đưa tin: Ông Trịnh Xuân Thanh tái hầu tòa. Bài viết lưu ý chuyện “án chồng án” trong vụ Trịnh Xuân Thanh “lại ra hầu tòa hôm thứ Tư 24/1, bắt đầu cho phiên xử tham ô thứ nhì, hai ngày sau khi bị kết án tù chung thân về tội tham ô tại phiên tòa thứ nhất”.
Vụ án thứ 2 này “còn có ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng và 6 bị can khác, bị cáo buộc tham ô 14 tỉ đồng vào năm 2010. Ông Đinh Mạnh Thắng từng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà”.

Ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa, ngày 24/1/2018. Ảnh: AP/VOA

BBC bình luận: Vụ Trịnh Xuân Thanh và hai án lớn ‘xử cận nhau’. LS Đặng Đình Mạnh bình luận về “tiến độ thần tốc” của quá trình xử Trịnh Xuân Thanh, rằng: “Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh ‘Cố ý làm trái…’, ‘Tham ô tài sản’ xảy ra tại PVN và PVC và vụ ‘Tham ô tài sản’ tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn… hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ”.

LS Mạnh nói thêm: “Thông thường, chúng ta ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử”. Bài viết nhắc lại lời bình của phóng viên Jonathan Head, rằng: “Lãnh đạo Đảng đang sử dụng các phiên tòa này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng”.

Trang Thời Báo bình luận vụ Trịnh Xuân Thanh: Một phiên tòa lịch sử tố tụng. Bài viết điểm nói về “sự can thiệp thô bạo và chưa từng có của bộ máy Ban Tư tưởng Văn hóa TW và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lên báo chí chính thống của nhà nước”, như chuyện PV các báo không được vào phòng xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình, “mà theo nhiều người bên trong là chậm từ 3-5 phút”.

Tác giả nhắc lại lời chia sẻ của LS Nguyễn Văn Quynh, rằng: “12 ngày qua tôi hao 4kg, do bị xét xử theo hình thức bức cung tất cả những người tham dự. 15 ngày vừa có Cáo trạng vừa có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thần tốc nhất lịch sử tố tụng. 3 ngày liên tục chụp hồ sơ vụ án với 18.000 bút lục. Cận ngày xét xử mới được gặp thân chủ 1,5 giờ làm việc trong trại giam B14”.


Vụ “vây cá mập”
BBC có bài: ‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’. Về sự kiện Đại sứ quán Việt Nam ở Chile phơi vây cá mập trên nóc nhà, bà Nguyễn Trang, nghiên cứu sinh TS tại Anh Quốc về bảo tồn động vật, phân tích: “Chile có luật cấm đánh bắt cá mập chỉ để lấy vây (nghĩa là đánh bắt cá mập chỉ để chặt lấy vây, đa phần khi cá còn sống, rồi vứt xác xuống biển)… nước này cũng cho phép đánh bắt cá mập một cách bền vững… Tuy nhiên quy trình lấy giấy phép rất ngặt nghèo”.

Bà Trang nói thêm: “Năm 2016, Hoàng tử Anh William sang Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã… Vụ việc phơi vây cá mập tại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile có thể làm tiêu tan những nỗ lực nói trên”.

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Báo Nông Nghiệp Việt Nam bàn về ngôi làng quanh năm dùng nước bẩn, ám ảnh bởi bệnh ung thư. Bài viết dẫn lời ông Trần Văn Úy, trưởng thôn Tiên Đài, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ: “Nguồn nước bị ô nhiễm, bẩn vô cùng, khi lấy nước từ giếng khoan, để một lúc, nước chuyển sang vàng, để lâu hơn có màu mồng tơi xanh lét, mùi tanh, không ai dám ăn, dám uống. Gia đình tôi ở đầu làng còn đỡ, ở cuối làng bẩn hơn nhiều. Tôi phải thay 2 máy lọc nước rồi”.

Tác giả bình luận: “Sóng ngầm đang đánh tan, dội vào đáy lòng bao người dân nơi đây, trong đó căn bệnh ung thư đang gặm nhấm tinh thần cũng như thể xác họ. Cả làng bao phủ ‘bóng ma ung thư’.”

Báo Pháp Luật TP HCM viết: Nước thải lạ chảy ngầm ra suối Nhum, Sài Gòn. Bài báo cho biết: “Qua quá trình trinh sát, cảnh sát môi trường phát hiện có một nguồn nước thải lạ, màu trắng đục thường chảy ra suối Nhum. Qua điều tra, cảnh sát môi trường xác định đây là nguồn xả thải của một nhà máy giấy nằm trên địa bàn phường Linh Xuân, quận Thủ Đức”.

VTV đưa tin: TP.HCM: Mù khô gây ô nhiễm không khí ở điểm nóng giao thông. Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP.HCM phân tích, hiện tượng mù khô, tức sương mù quang hóa, xuất hiện trong thời gian gần đây: “Mù khô là một dạng sương mù không phải do độ ẩm không khí gây ra mà là một dạng ô nhiễm không khí. Đặc biệt, ở nhiều điểm nóng giao thông tại TP.HCM, mức độ ô nhiễm không khí đều vượt tiêu chuẩn cho phép”.

Hậu quả đổi môi trường lấy dự án ở Thừa Thiên – Huế: Nhiều nhà máy ở khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm, theo VTV. Nguyên nhân gây ô nhiễm ở suối Cầu Đôi chảy qua địa phận phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Do hoạt động xả thải của nhiều nhà máy tại cụm công nghiệp Thủy Phương, trong đó tác động chủ yếu là rỉ rác do hư hỏng hàng rào ngăn rác ứ đọng của nhà máy xử lý rác Thủy Phương”.
Bài báo cho biết thêm: “Sau khi bức tường ngăn rác bị đổ sập, rác theo nước mưa chảy ra hòa lẫn mương nước sát cơ sở sản xuất bao bì nilong của chủ hộ kinh doanh cá thể. Tất cả dòng nước này sau đó hòa vào suối Cầu Đôi đào thải ra môi trường”.


“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Chuyện lạ ở huyện Chư Pah, Gia Lai: Mía cháy đen hơn 1 tháng, nông dân kêu trời, nhà máy vẫn… im re!, theo báo Dân Việt. Tình cảnh của các hộ dân trồng mía: “Chưa hết lo lắng vì giá mía giảm mạnh, lại lâm cảnh điêu đứng vì cây mía đã trổ cờ đồng loạt nhưng phía nhà máy vẫn ‘im hơi lặng tiếng’. Thậm chí, nhiều diện tích mía đã cháy rụi từ hơn 1 tháng nay song nhà máy vẫn chưa có lệnh chặt”.

Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Ngô Sơn, chia sẻ: “Trước kia công ty chỉ tính tạp chất là 3% thì nay đã tăng lên 5%. Giá mía giảm mạnh mà trừ hết như vậy thì chúng tôi sống sao nổi?… bây giờ lại kéo dài tiến độ thu mua kiểu này, mía cháy còn lỗ nặng nữa”.

Mời đọc thêm: ‘Găm hàng’ chờ giá tiêu lên (NNVN).

Ông Đoàn Ngọc Hải và cái vỉa hè
Báo Tuổi Trẻ có bài châm biếm: Chuyện cái vỉa hè, tưởng vậy mà không phải vậy. Bài viết có đoạn: “Tao nghĩ giống như phát biểu của ông Chủ tịch TP Hà Nội vừa qua vậy thôi. Rằng đằng sau những công trình nhà nước, những quán ăn, bãi xe lấn chiếm vỉa hè có sự bảo kê của ‘ai đó’ có chức quyền bí mật chống lưng. Bởi vậy dân Sài Gòn nói ‘tưởng vậy mà không phải vậy’. Cho tao bái lạy. Chạy!

VTC đưa tin: Người phụ nữ nghẹn ngào gửi tâm thư xin ông Đoàn Ngọc Hải đừng từ chức. VTC cho biết, người phụ nữ này là bà Nguyễn Thị Trang, 60 tuổi, viết cho ông Hải: “Tôi là Người Mẹ Việt Nam anh hùng, có 3 người con đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên hơn bao giờ hết tôi hiểu được tính hi sinh, chính trực của ông Đoàn Ngọc Hải“.

Bà Trang 60 tuổi, tức bà sinh năm 1958. Năm 1975, bà mới 17 tuổi, thế nhưng bà đã có con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ! Không chỉ một đứa mà có tới 3 đứa. Quá tài!

Bà Trang nghẹn ngào khi gặp ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: VTC


***


Tin quốc tế

Chuyện nước Mỹ
Về cái gọi là “luật cải tổ thuế” của TT Trump và đảng Cộng Hòa, rõ ràng là “lấy của nhà nghèo chia cho người giàu”. Để bù đắp cho các khoản thiếu hụt gây ra bởi chuyện cắt giảm thuế cho giới nhà giàu và các đại công ty, ông Trump quay qua siết chặt các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, mà thành phần thu nhập thấp đang thụ hưởng.

VOA có clip: Người Mỹ gốc Việt và mối đe dọa bị mất phúc lợi xã hội. Đụng tới các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, “ông Trump không những tạo tranh cãi trong giới lập pháp mà còn gây hoang mang cho nhiều thành phần trong xã hội, nhất là những ai đang thụ hưởng các chương trình phúc lợi thực phẩm, nhà ở, hay chăm sóc y tế. Một số người trong cộng đồng Mỹ gốc Việt lo rằng việc này sẽ tác động không nhỏ tới đời sống của họ“.


Báo Người Việt đưa tin: Điều tra viên đặc biệt Mueller muốn thẩm vấn TT Trump. Theo bài viết, ông Robert Muller muốn thẩm vấn ông Trump về quyết định sa thải ông James Comey, giám đốc FBI, và ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia.

Ông Flynn đã nhận tội nói dối với FBI, về việc ông ta liên lạc với người Nga. Còn James Comey đã bị Trump sa thải khi đang điều tra về ông Flynn. Sau khi mất chức, ông Comey khai với Quốc hội là, TT Trump từng yêu cầu ông “ngừng điều tra ông Flynn“.

Vụ điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ tiếp tục có những diễn biến mới. VOA đưa tin: Giám đốc CIA bị thẩm vấn trong cuộc điều tra Nga phá bầu cử Mỹ. Ngày 24/1 đội điều tra của ông Muller ra thông báo, họ đã thẩm vấn Giám đốc CIA, Mike Pompeo.

Các điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, hiện đang tập trung vào “lý do” ông Trump sa thải giám đốc FBI Comey, khi ông Comey đang điều tra nghi án liên quan đến Trump. Về phần mình, ông Pompeo sẽ trả lời đội điều tra của ông Muller trong vai trò là nhân chứng. TT Trump nói “hoàn toàn không bận tâm” và gọi cuộc điều tra ông Muller đang tiến hành là “khủng bố chính trị“.


Căng thẳng Trung Đông
Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Mỹ trong thế lưỡng nan về người Kurd. Theo bài viết, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào người Kurd ở Syria, đang đặt ra sự lựa chọn khó khăn cho Mỹ. Washington sẽ phải lựa chọn, hoặc là đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc là các tay súng người Kurd (YPG) đã đứng cùng Mỹ chiến đấu chống IS ở Syria.

Nội bộ nước Mỹ về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thống nhất. Ngày 23/1 Nhà Trắng ra thông báo kêu gọi Ankara “kiềm chế”, phủ nhận việc Mỹ thành lập Lực lượng An ninh Biên giới. Nhưng ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis đã lên án Thổ Nhĩ Kỳ về các cuộc tấn công vào người Kurd.

Chiến dịch “Nhành ôliu” của Thổ Nhĩ Kỹ đang khiến Mỹ ở thế khó lựa chọn. Đặc biệt là thái độ của Ankara lại quá cương quyết, cứng rắn, không nể nang ai, trong vấn đề tấn công và đẩy lùi người Kurd.

Trong khi đó, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 22/1 tại Đông Ghouta, Syria cũng đã khiến Nga, Mỹ lao vào cuộc đấu khẩu. Vụ tấn công bằng khí chlorine này làm chết ít nhất 20 người, chủ yếu là trẻ em. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, chính chế độ Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học, còn Nga thì bao che cho đồng minh Syria.

Ngược lại, Syria và Nga đã đứng chung chiến tuyến, lên tiếng tố cáo các thông tin về tấn công hóa học mà Mỹ đưa ra công luận là: “Các bản tin được dàn dựng, không được chứng thực“. Trước đây, TT Syria Bashar al-Assad đã từng nhiều lần bị tố sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân của mình.


Bán đảo Triều Tiên
VOA đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ca ngợi Việt Nam về Bắc Hàn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis, ngày 24/1 phát biểu: “Tôi trân trọng và phải cám ơn họ (Việt Nam) vì sự hậu thuẫn đối với vấn đề Bắc Hàn. Họ đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và đôi khi họ chịu thiệt hại“.

Bài viết cho biết, những năm gần đây quan hệ “đồng chí” của Việt Nam và Bắc Hàn đã nhạt dần đi, nhất là sau khi một nghi can người Việt là Đoàn Thị Hương, một trong những nghi can ám sát người anh của Kim Jong-un. Năm ngoái, Hà Nội đã trục xuất nhiều công dân Triều Tiên theo “danh sách đen” của LHQ. Một báo cáo gửi HĐBA LHQ của Việt Nam năm 2017 cho thấy, Hà Nội đang thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ với Bắc Hàn.

Bá quyền Trung Quốc
Báo Đất Việt đưa tin: Nhật-Ấn thêm hợp tác kiềm chế Bắc Kinh. Theo đó, Nhật Bản và Ấn Độ đang tăng cường hợp tác trong 3 lĩnh vực chủ chốt gồm: quốc phòng, robot và trí tuệ nhân tạo nhằm hướng tới nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

Trước việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng nhanh chóng tại Nam Á và vùng Ấn Độ Dương, Nhật Bản đã phải tìm hướng đi chiến lược để giành lại vị thế trên khu vực này. Đặc biệt, từ khi tham vọng của Trung Quốc qua dự án “Vành đai-Con đường” được triển khai, Nhật Bản cũng nhanh chóng chuyển sự quan tâm đến Ấn Độ. Tất cả nhằm mục đích, kiềm chế sự tham lam của Trung Quốc.


***













No comments: