Saturday, September 2, 2017

VỀ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945 (Bùi Tín)




02/09/2017

2/9/1945 – 2/9/2017, 2/9 năm nay là kỷ niệm 72 năm Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do ông Hồ Chí Minh đọc tại vườn hoa Ba Đình, thủ đô Hà Nội.

Đây là một văn kiện lịch sử, được coi như Văn kiện gốc gác khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Thế nhưng sự thật có phải hoàn toàn thế không? Cuộc sống luôn luôn có những hoài nghi, nghi vấn, những câu hỏi đặt ra cần giải đáp. Kho tàng nhận thức khoa học và văn hóa của loài người luôn tiến bộ là nhờ những hoài nghi, phân vân, những câu hỏi, vướng mắc như thế.

Năm nay trên mạng Dân Làm Báo có bạn đặt ra câu hỏi, 72 năm kỷ niệm Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng hiện nước ta có thật độc lập không? và bạn đó trả lời là không. Độc lập sao cứ phải lùi bước trước các mưu đồ bành trướng, xâm lấn lãnh thổ biển đảo của Trung Cộng, cứ phải coi Trung Cộng là người anh em đồng chí, bạn vàng thân thiết nhất, người Trung quốc tràn ngập đất nước, nhận đấu thầu trên mọi lĩnh vực, mọi địa phương, hàng Trung Quốc bao gồm hàng giả, hàng rỏm, hàng độc hại tràn ngập đất nước! Rõ ràng nước ta chưa độc lập, không có độc lập. Mọi công dân yêu nước phải nhận cho thật rõ điều này.

Xin nhớ linh mục Nguyễn Văn Lý, người tù chính trị kiên cường đáng kính từng ghi trên đầu mỗi lá đơn gửi chính quyền 2 hàng chữ:

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Không Độc lập - Thiếu Tự do - Chưa Hạnh phúc

Với ý kiến chân thật này linh mục đã phải nhận bản án hơn 10 năm tù đày khốn khổ. Đây là khí phách của nhà khoa học Ý Galilê bị trói trên dàn thiêu, vẫn dõng dạc tuyên bố: «Dù sao thì trái đất tròn vẫn quay» khi Nhà Thờ buộc phải theo lời Chúa: Trái đất là một mặt phẳng.

Nhân ngày 2/9 năm nay, tôi xin nêu lên một câu hỏi, mong được các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước cho ý kiến. Phải chăng Bản tuyên Ngôn Độc Lập 2/9/1945 là bản tuyên ngôn Độc lập đầu tiên và duy nhất? Đã đến lúc phải rõ ràng, sòng phẳng với lịch sử trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối sự thật, chỉ có sự thật là có giá trị.

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9/1945 có viết: «Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp». Và: «Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay, đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hòa».
Theo tôi đó là những điều không hoàn toàn thật, mà một nửa sự thật không phải là thật.

Ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật. Sự thật ta có đánh Nhật không? Những trận nào? Hầu như không, ngoài một vài hành động của du kích Việt Minh đánh lén sau khi Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, đánh lẻ tẻ để cướp súng của chúng. Sự thật là quân Nhật tự trao trả chủ quyền cho Việt Nam sau khi làm cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9/3/1945, rồi sau đó Nhật đầu hàng Đồng Minh, buông súng để chờ quân Đồng Minh (quân Tàu Tưởng và quân Anh) vào giải giáp. Ta có đánh trận nào đâu! Nói ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật là nói quá, nói sai, không thật.

Còn nói: «Ta đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hòa» cũng là điều phóng đại không thật. Đánh đổ là đánh ở đâu, bằng cách nào, bao giờ? Hoàng triều Bảo Đại tháng 9 năm 1945 là một chính quyền độc lập, do chính quyền Nhật Bản tự nguyện trao trả quyền độc lập qua cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9/3/1945.

Xin mời các bạn đọc kỹ lại cuốn hồi ký «Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc» của ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Đổng lý văn phòng Vua Bảo Đại, do nhà xuất bản Hà Nội in năm 1985 kể rõ những sự kiện sau đây.

«Ngày 11/3/1945, tại Đại nội giữa kinh thành Huế, vua Bảo Đại đích thân chủ tọa cuộc họp đặc biệt của Cơ Mật Viện, coi như Hội Đồng Chính phủ. (Cơ Mật Viện gồm có 6 Cơ Mật Viện Đại thần, là 6 Bộ trưởng ngang nhau là các Bộ trưởng Bộ Lại, Bộ Tài chính, Bộ Lễ nghi, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Bộ Kinh tế. Khi nhà vua vắng mặt, Bộ trưởng bộ Lại là người đứng ra triệu tập và điều khiển cuộc họp). Trong cuộc họp này, Bộ trưởng bộ Lại Phạm Quỳnh trình bày bản dư thảo «Tuyên bố Việt Nam Độc lập» rất ngắn gọn. Bộ trưởng Tư pháp Bùi Bằng Đoàn đề nghị thêm một ý: «Cần nói rõ việc xóa bỏ các Hiệp ước đã ký với Pháp.» Cuối cùng đã thông qua văn kiện lịch sử như sau:

Lời Tuyên bố Việt Nam Độc Lập (11/3/1945)
Cứ tình thế chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chánh phủ Việt Nam công nhiên tuyên bố từ ngày nay Điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ, và nước Việt Nam khôi phục quyền Độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự lực tiến triển cho xứng đáng địa vị một quốc gia độc lập và theo như lời Tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, tự coi mình là một phần tử Đại Đông Á đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy ở lòng thành thực của Nhật Bản đế quốc, quyết chí hiệp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước cho đạt được mục đích như trên.
Khâm thử
Bảo Đại

Toàn Viện Cơ Mật ký tên :
Lại bộ đại thần: Phạm Quỳnh
Tài chính bộ đại thần: Hồ Đắc Khải
Lễ nghi bộ đại thần: Ưng Úy
Tư pháp bộ đại thần: Bùi Bằng Đoàn
Giáo dục bộ đại thần: Trần Thanh Đạt
Kinh tế bộ đại thần: Trương Như Đính

Sáu ngày sau, ngày 19 tháng 3/1945, 6 vị Cơ Mật Viện đại thần trên đây cùng vào yết kiến nhà Vua và trình lên tờ phiến như sau:

Ngày mồng Sáu tháng Hai năm Bảo Đại thứ 20
(dưong lịch ngày 19 tháng Ba năm 1945)

Tâu Hoàng Đế,
Chúng tôi, Cơ mật viện đại thần, phụng độc Thượng Dụ số 1 ngày mồng 4 tháng hai năm Bảo Đại thứ 20 tuyên bố Thánh ý quyết định từ nay Việt Nam độc lập, Hoàng đế tự ra thân chánh cầm quyền thống trị và hiệu triệu nhân tài trong nước ra giúp việc cải tạo chính trị quốc gia.

Đối với nhu yếu của thời cuộc, cần phải lập ra một chính phủ mới, điều hòa được cả phái tân - cựu trong quốc dân. Vậy chúng tôi xin kính cẩn dâng Phiếu này xin Hoàng Đế chuẩn cho cả Ban cơ mật hiện thời chúng tôi công cộng từ chức.

Nay cẩn tấu.

Cơ mật viện đại thần :
Lại bộ thần Phạm Quỳnh
Tài chính bộ thần Hồ Đắc Khải
Lễ nghi bộ thần Ưng Úy
Tư pháp bộ thần Bùi Bằng Đoàn
Giáo dục bộ thần Trần Thanh Đạt
Kinh tế bộ thần Trương Như Đính

Theo tình hình trên đây, ngày 17 tháng Tư 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời tại Huế, bao gồm nhiều trí thức có tài, có uy tín xã hội như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, luật sư Phan Anh, luật sư Trịnh Đình Thảo, ông Hồ Tá Khanh, bác sĩ Vũ Ngọc Anh, luật sư Trần Văn Chương, tiến sĩ Vũ Văn Hiền, ông Nguyễn Hữu Thi… Chính phủ Trần Trọng Kim tồn tại hơn 4 tháng, đến ngày 25 tháng 8 năm 1945, khi vua Bảo Đại tự nguyện thoái vị trước yêu cầu của Việt Minh, tổ chức bề mặt của đảng Cộng sản Đông Dương, được giấu mặt rất kỹ lưỡng trước nhân dân ta và thế giới.

Hơn 4 tháng cầm quyền, Chính phủ Trần Trọng Kim đã lập nên 5 thành quả đáng nhớ, đó là lập nên “Quốc hiệu Việt Nam;” thả hết tù chính trị; chống đói ở miền Bắc qua cơn đói kéo dài; dùng tiếng Việt trong ngành Giáo dục rộng khắp từ bậc tiểu học đến bậc đại học; tiếp thu Nam Bộ - thống nhất đất nước, - Nam Bộ vốn theo quy chế thuộc địa của Pháp; và chuẩn bị thảo Hiến pháp mới với Hội đồng soạn thảo gồm các ông: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường. Nhược điểm lớn nhất là Chính phủ này hiền quá, không có bộ Quốc Phòng và bộ Công An, chỉ có bảo an binh rất ít và yếu.

Do những sự thật ở trên, bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 đã có những điểm không chuẩn xác là: “dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật,” “dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm, đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hòa.”

Sự thật là nhân dân ta hồi đó đã mặc nhiên hưởng lợi từ chuyện Nhật hất cẳng Pháp trong cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9/3/1945, quân Pháp bỏ chạy sang Trung Quốc, đất nước từ đó có Độc lập với đầy đủ chủ quyền, với “Lời Tuyên bố Việt Nam Độc lập” ngày 19/3/1945, sau đó nhân dân ta lại hưởng lợi từ chiến thắng của Đồng Minh trong thế chiến II, buộc quân Nhật phải đầu hàng, buông súng chờ bị giải giáp, tạo nên một khoảng trống về quyền lực.

Cho nên cái gọi là tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trên thực tế là cực kỳ ôn hòa, không đổ máu, không có nổ súng chiến đấu, không có xung đột và chết chóc. Đảng Cộng Sản Đông Dương dưới danh nghĩa hiền lành yêu nước Việt Nam Độc lập Đồng minh – Việt Minh - đã tận dụng được khoảng trống, không có quyền lực vũ trang của nền độc lập non trẻ để dễ dàng cướp chính quyền và cướp luôn tính chính nghĩa về mặt hình thức, qua che dấu kỹ bản chất độc đoán đảng trị của mình.

Kiểu ăn gian giấu mặt này ngày càng lộ rõ. Đảng Cộng Sản chơi trò “đòan kết dân tộc,” coi trọng các trí thức dân tộc, các nhân sỹ quan lại cũ cho đến nhà Vua – trở thành cố vấn Vĩnh Thụy, ve vãn các nhà kinh doanh yêu nước đóng góp hàng 5 ngàn lạng vàng trong Tuần lễ Vàng, chỉ khi họ còn ở trong thế cô đơn, yếu ớt, quân Pháp trở lại, biên giới chưa nối được với Đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn anh. Từ sau chiến dịch biên giới 1950, bắt tay với ông Mao, tiếp nhận đoàn cố vấn Trung quốc, là họ trở mặt ngay: các trí thức, nhân sĩ cho về nghỉ, các trung nông - trí thức nông thôn bị nâng cấp là địa chủ (17.000 người bị bắn và chôn sống) trong Cải cách ruộng đất, các nhà tư sản bị đấu tố và tịch thu tài sản, rồi Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước chỉ là chiếm đóng và trả thù miền Nam, phản bội lời hứa hòa hợp hòa giải dân tộc… nền chuyên chính độc đảng ngày càng lộ liễu, rữa nát, xã hội băng hoại, giáo dục cực kỳ lạc hậu, y tế bệ rạc… dẫn đến thảm họa ngày nay chưa có lối thoát.

Xin để các nhà sử học dân tộc và toàn dân lên tiếng đánh giá công và tội của đảng Cộng sản Việt nam sau 72 năm cầm quyền không chia sẻ cho ai.

Để đến nay các danh từ Cách mạng, Dân chủ, Độc lập, Bình đẳng, phát triển trở nên mỉa mai, cay đắng, vì đều không có nội dung thật. Một chuỗi dài lừa dối, khoa trương, lộng ngôn, đại bịp, đều bị bộc trần dưới một sự quan sát, phân tích khoa học, khách quan, tôn trọng sự thật và chỉ có sự thật.


 --------------------------

Trần Quang Thành (Danlambao) - Luật sư Lê Công Định trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành






No comments: