Minh Anh – RFI
Đăng ngày 21-04-2017
Chỉ
trong hai ngày 11-12/4, nước Mỹ của tổng thống Donald Trump đã làm cả thế giới
sửng sốt khi thông báo hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đang trên đường đến
bán đảo Triều Tiên nhằm đáp trả mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Thế nhưng, hình ảnh
do Navy cung cấp ngày 15/4 cho thấy USS Carl Vinson lại đang ở một vị trí khác
rất xa với địa điểm tổng thống Mỹ thông báo. Tiết lộ này đã làm dấy lên nhiều lời
chỉ trích từ giới truyền thông các nước trong khu vực.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson được nhìn thấy tại eo biển Sunda,
Indonesia ngày 15/04/2017.Navy/Handout via REUTERS
"Một sự phô trương, một sự nhầm lẫn hay một cú
lừa bịp?", là câu hỏi của báo chí Pháp trong những ngày qua. Báo mạng
HuffingtonPost ngày 19/4 giải thích cặn kẽ thật hư thế nào về vụ việc, trong
bài viết đề tựa "Hàng không mẫu hạm được triển khai về hướng Bắc Triều
Tiên đã khởi hành trễ hơn rất nhiều như là Trump thông báo".
Ngày 08/4, ông Dave Benham, phát ngôn viên của bộ chỉ
huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương có thông báo là hàng không mẫu hạm Carl
Vinson và đội tầu hộ tống sẽ di chuyển về hướng bán đảo Triều Tiên, và để cẩn
thận ông còn đề cập đến mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thông báo đã được diễn giải như là một sự phô diễn sức
mạnh mới của tổng thống Mỹ, vài ngày sau vụ oanh kích vào một căn cứ không quân
của Syria, dẫn đến những tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis ngày
11/4 và khẳng định hùng hồn của Donald Trump trên kênh Fox Business ngày 12/4.
Có điều là một hình ảnh do hải quân Mỹ chụp ngày
15/4 đã gây khó xử cho chính quyền của Donald Trump. Bức ảnh cho thấy toàn bộ hạm
đội hùng hậu này đang ở eo biển Sunda, ngăn cách các đảo Java và Sumatra của
Indonesia. Nghĩa là ở một hướng ngược lại và rất xa với bán đảo Triều Tiên nơi
mà lẽ ra các tàu chiến này sẽ phải đến trong khoảng một tuần.
Theo giải thích của một quan chức Quốc Phòng xin giấu
tên vào thời điểm công bố bức ảnh, trên thực tế, nhóm tổ hợp hàng không mẫu hạm
này "sẽ bắt đầu di chuyển về hướng biển bắc Nhật Bản trong vòng 24 giờ",
sau khi đã kết thúc đợt tập trận chung với hải quân Úc.
Chi tiết này rõ ràng mâu thuẫn với những tuyên bố của
lãnh đạo Lầu Năm Góc, và cũng đã không được đề cập đến trong thông tin đăng
ngày 9/4 trên trang mạng Navy, theo đó : "Harry Harris, chỉ huy quân đội Mỹ
tại Thái Bình Dương, đã yêu cầu hạm đội USS Carl Vinson di chuyển về hướng bắc
và báo cáo tình hình vùng Tây Thái Bình Dương, sau khi xuất phát từ
Singapore".
Như vậy, giờ đây, hàng không mẫu hạm này mới chính
thức đi về hướng Bắc và sẽ đến vùng bán đảo Triều Tiên trong tuần tới, đúng vào
thời điểm Bình Nhưỡng sẽ tổ chức mừng ngày thành lập quân đội nhân dân Bắc Triều
Tiên, 25/4, ngày mang tính biểu tượng có thể được Bình Nhưỡng sử dụng như là một
cái cớ để tiến hành một vụ bắn tên lửa mới hay thực hiện một vụ thử hạt nhân lần
thứ 6, theo như nhận định của tờ La Croix.
Donald Trump mất uy tín với thế giới
Khi thông báo đưa hàng không mẫu hạm đến bán đảo Triều
Tiên, tổng thống Donald Trump đã làm bùng lên nỗi lo lắng ở tất cả các ban tham
mưu, lãnh đạo các nước trong khu vực Bắc Á và đặt quân đội các nước này trong
tình trạng báo động.
HuffingtonPost đặt câu hỏi: Liệu có nên xem đấy như
là một cú bịp nhằm gây ấn tượng đối với Bắc Triều Tiên, đúng vào ngày cuối tuần
15/4 trong dịp lễ mừng sinh nhật lần thứ 105 của Kim Nhật Thành, nhà sáng lập Bắc
Triều Tiên? Đương nhiên Nhà Trắng từ chối mọi lời bình luận. Nhưng theo nhận định
của ông Ross Babbage, thành viên Trung Tâm Thẩm Định Ngân Sách Chiến Lược với
Washington Post, đây không phải là cú lòe.
“Một hành động lòe bịp thể hiện sự không nghiêm túc.
Nhưng theo phân tích của tôi, chính quyền Mỹ nghiêm túc hơn lúc nào hết. 40 năm
qua Hoa Kỳ đã tìm cách buộc người Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Theo La Croix, chưa bàn đến việc có nghiêm túc hay
không, sự việc cũng đã làm dấy lên một chuỗi chỉ trích gay gắt từ các nước có
liên quan trong khu vực. Bắt đầu từ đối tượng chính là Bắc Triều Tiên. Qua hãng
thông tấn KCNA, Bình Nhưỡng khẳng định: “Washington lừa bịp về thông báo
chống lại chúng ta”.
Về phần mình, ứng viên phe bảo thủ tranh cử tổng thống
Hàn Quốc, ông Hong Joon-Pyo cho rằng nếu như tuyên bố trên của tổng thống Mỹ là
một lời nói dối, thì “Hàn Quốc sẽ không bao giờ có thể
trông cậy vào lời nói của Trump”.
Trong khi đó tại Trung Quốc, câu chuyện “hàng không
mẫu hạm ma” là chủ đề đàm tiếu trên các trang mạng xã hội của Nhà nước và đại học:
“Truyền thông thế giới một lần nữa lại bị
Trump đánh lừa”, một lời bình luận trên blog của trang mạng Guancha.
Hoàn Cầu Thời Báo còn đi xa hơn viết là : "Truyền thông Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã
bị một vố lừa". Dĩ nhiên ngoại trưởng Trung Quốc từ chối bình luận
công khai, chỉ nhắc lại rằng Bắc Kinh và Washington đang tìm cách làm hạ nhiệt
căng thẳng "chúng tôi không muốn thấy
bất kỳ xung đột nào trong khu vực này".
Theo báo Nga : Mỹ
dọa làm cũng không xong
Chỉ có Nhật Bản, đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ là
"kiệm lời" do sự việc diễn ra ngay đúng thời điểm phó tổng thống Mỹ
Mike Pence đang thăm Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản không đưa ra một lời
bình nào. Tuy nhiên, giáo sư Michishita có một lời nhận xét đáng chú ý với tờ
Wall Street Journal. Theo ông, "vào thời điểm chiến tranh, tung tin sai có
thể được xem như đấy là một chiến thuật, nhưng nếu tổng thống Mỹ phát tán tin
giả lúc thời bình như hiện nay, điều đó sẽ làm tan vỡ uy tín của Hoa Kỳ".
Một quan điểm cũng được tờ Le Monde đồng chia sẻ khi
dẫn lại nhận định của ông Huge White, một chuyên gia Úc về vấn đề quốc phòng,
cho rằng : "Việc này làm tổn hại
nghiêm trọng đến độ tin cậy về áp lực mà Hoa Kỳ đang tìm cách gây lên Bắc Triều
Tiên".
Nhưng lời lẽ châm chọc nhất có lẽ là báo chí Nga.
Trang mạng Sputnik thân chính phủ ngày 19/4/2017 mỉa mai chạy tựa : "Đến hăm dọa Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ làm cũng không xong".
Bất chấp mọi lời hù dọa và thông báo đưa hàng không mẫu hạm đến bán đảo, lãnh đạo
Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫn tiến hành thử tên lửa. Chỉ riêng điều này thôi
cũng đã làm tiêu tan cả chiến dịch đe dọa của Hoa Kỳ.
Nếu lãnh đạo trẻ họ Kim tỏ ra không sợ hãi trước một
áp lực truyền thông như vậy (trong khi cả thế giới đều lo lắng, ông ấy vẫn tỏ
ra điềm tĩnh), và trước một hạm đội hải quân hùng hậu như thế, thì việc hăm dọa
lãnh đạo Bắc Triều Tiên quả là vô ích. Tờ báo viết : "Người ta rút
súng là để bắn. Nhưng khi rút súng để đe dọa rồi cất đi, đó sẽ là lần đầu tiên
và cũng là lần cuối cùng : bởi vì sẽ không còn ai sợ nữa".
No comments:
Post a Comment