Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017
Bà tôi thường than thở, hết một nửa cơ nghiệp của
nhà này đã tan tành theo sách. Một nửa cơ nghiệp nói cho to, cho xứng với nỗi
đau tiếc của của bà, chứ thực ra chỉ vài trăm cuốn sách của ông tôi thôi. Có điều,
đó không phải là những quyển sách bèo nhèo giấy rơm thô kệch, đang tràn ngập
trong các hiệu sách, trong trường học và trong thư viện.
Chưa nói tới nội dung, chỉ mới lật qua vài trang mờ
nhoẹt vàng đục với những con chữ ốm o đói khát như những người bị sốt rét rừng
là đã thấy chán lắm rồi.
Sách của ông tôi, bạn chỉ ngắm không thôi cũng đã thấy
thích. Những cuốn tự điển của Pháp, của Việt, thư pháp của Trung Hoa, những
sách thuốc, sách khoa học, những bộ tiểu thuyết của các nhà văn danh tiếng, những
sách học làm người, những sách triết… đứng sát bên nhau phơi cái gáy mạ vàng
như cả một đội ngự lâm quân thông thái và oai vệ. Trang nghiêm nhưng không lạnh
lẽo, bọn họ là thầy là bạn của ông tôi. Và vì vậy, bạn cũng như tôi chỉ được
phép đứng nhìn mà thôi.
Ông tôi là một người mê sách (cũng lại là cách nói vừa
tấm tức vừa giận hờn của bà) mê hơn cả vợ con. Nếu bảo rằng “thư trung hữu nữ
nhan như ngọc”, thì ông tôi tuy đã già nhưng lại có đến những mấy trăm người đẹp
như các vua chúa ngày xưa, nên bà tôi “ghen” cũng phải.
Ông mê sách như người mê đồ cổ. Nghe ở đâu có sách
quý là ông tìm tới dù có phải tốn kém tàu xe và phải bỏ ra cả một mòn tiền lớn
để “rước” người có nhan như ngọc đó về, ông cũng dám chơi một phen cho thõa
chí. Như cuốn Tự vị của Paulus Của, nghe đâu như là ấn bản đầu tiên của một ông
cụ nào đó bắc bực làm cao đến tận giời, ông tôi đã phải lặn lội vào tận xứ Thủ
Dầu Một xa lắc xa lơ để mua cho bằng được. Công cuộc mua quyển sách đó, chẳng
những khiến ông mất đến mấy chỉ vàng, mà còn ốm một trận thừa sống thiếu chết.
Cuốn sách cũ đến nỗi như đã ngàn năm tuổi. Còn hơn một
người chơi đồ cổ, ông tôi lại phải tốn thêm một món tiền và nhất là tốn rất nhiều
thì giờ để nài nĩ và kiên nhẫn ngồi chờ anh thợ đóng sách đóng lại giùm. Lúc
này quyển sách đối với ông như một con bệnh thập tử nhất sinh và anh thợ đóng
sách cứ như một bác sĩ. Khi anh thợ tháo bung sách ra, ông đau nhói như thể gan
ruột của mình cũng bị lôi ra như thế. Ông hồi hộp theo dõi từng mũi chỉ khâu,
nín thở xem anh ta cắt xén, làm bìa. Cho đến khi sách được làm mới một cách khỏe
mạnh, xinh đẹp, ông ôm quyển sách trước ngực như một người mẹ ôm đứa con bé bỏng
vừa được bác sĩ cứu sống. Ông hết lời cảm ơn anh ta, đưa cho anh một tờ tiền lớn
và hào phóng không nhận tiền thối lại. Đem quyển sách về nhà, ông lại mất cả buổi
ngồi ngắm đến nỗi quên cả bữa cơm khiến bà tôi phải giục.
Đó là với những sách cũ quý hiếm. Còn sách mới, ông
lại “phá của” một cách không giống ai. Sách nào ông cũng phải mua đến những hai
quyển, một để đọc và cho mượn, một để nguyên không đụng tới. Những quyển sách để
nguyên ấy nằm im trong tủ kính, mỗi lần mở ra là thơm nồng mùi giấy mới và mực
in. Đối với ông, đó là một mùi thơm huyền hoặc đầy quyến rủ và mê đắm như những
người nghiện nghe thấy mùi thuốc phiện. Chẳng những chỉ mùi thơm trinh nguyên
không thôi, quyển sách vẫn còn trinh trắng khi hãy còn những lề chưa rọc.
Học cách người xưa, không để của cải cho con cháu mà
để sách, nên giá như có phải vì thế mà tiêu hết cả cơ nghiệp, ông tôi cũng
không tiếc. Chỉ có một điều khiến ông băn khoăn, ấy là trong đám con cháu thực
sự chưa có một người nào đủ để ông tin tưởng. Gạt hết những đứa chỉ biết có nhà
to xe đẹp, những đứa chỉ biết vung tiền trong các cuộc ăn chơi, suốt một đời
chưa đụng tới một quyển sách nào, những đứa mà ông bảo là trong đầu toàn chứa
những thứ vớ vẩn nếu không muốn nói là hôi thối ấy, còn lại chỉ vài đứa có để mắt
tới sách, nhưng với một thái độ hờ hững, một đôi khi thô bỉ xúc phạm đến sách.
Ông ghét nhứt ai đó đọc sách mà miệng cứ nhai nhồm
nhoàm, vừa đọc vừa tán chuyện, bạ chỗ nào cũng đọc ngay cả trong nhà cầu, đang
đọc mà có ai ới lên một tiếng là ném ngay cái xạch sau khi đã tàn nhẫn xếp lại
một góc để làm dấu, rồi bỏ đi mà không cần biêt tới quyển sách có thể bị ướt, bị
bẩn hay bị cháy. Ông cũng không chịu được cái cách lật sách thô bạo bằng cả bàn
tay úp lên trang giấy hay thấm nước bọt trên đầu ngón tay. Đó là cách cư xử của
kẻ phàm phu tục tử, của phường giá áo túi cơm. Lật sách mà như thế có khác gì
sàm sỡ nếu không muốn nói là cưỡng bức. Phải lật như những nhà sư nâng nhẹ một
trang kinh hay là như khẽ lay một người đẹp đang ngủ.
Đối với ông, đọc sách là để được tiếp cận với những
tâm hồn ngoại hạng, cho nên trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, phải
“dọn mình”như con chiên quỳ trước Chúa, như nhà sư đảnh lễ trước bàn thờ Phật.
Chẳng những sạch ở phần xác mà còn sạch cả phần hồn. Nghĩa là không để những giận
hờn phiền muộn hay những ý nghĩ ô trọc dính bám cho dù chỉ một tí trong đầu. Chỉ
đọc trong lúc thanh tịnh giữa khuya hay khi gần sáng tinh mơ. Đọc với hương trầm
cọng với mùi hương ngai ngái của giấy mực, hương của sương đêm loáng thoáng hay
hương của nước mưa mát dịu. Đọc là mở hồn ra để hơi thở của sách ùa vào căng buồm
lên cho con thuyền bé nhỏ của mình được dọc ngang trên biển học mông mênh.
Đương nhiên là ông tôi khó tính nhất nhà. Cái viện
sách bé nhỏ của ông là một nơi khả kính, thâm nghiêm như một ngôi đền không một
ai ngay cả bà tôi dám động tới. Bảy mươi năm sống trên đời của ông thì hết một
nửa là ở trong cái gian phòng đựng đầy sách với mùi hương và sắc màu của những
tâm hồn kỳ vĩ. Dạo ấy, mặc dù được cưng chiều và rất có triển vọng được ông tin
tưởng, tôi cũng chưa được một lần đọc một quyển sách nào trong tủ sách ấy. Ông
bảo tôi chưa đủ tuổi và chưa học được cách nâng niu gìn giữ theo cách gần như
tôn thờ, thì đọc chẳng ích lợi gì mà còn “giết” sách. Theo ông, đọc vì tò mò, đọc
như “lua cơm”, đọc như ngốn ngấu thì cả đầu óc mình chỉ là một bãi hoang chứa đầy
những xác chết của sách bị vất ngổn ngang mà thôi. Đọc là phải ngấm từng chữ từng
câu, phải để nó bén rễ trong đầu mới có thể thành cây cho trái ngọt.
Năm tháng qua đi, ông tôi âm thầm làm một cuộc chuyển
giao lặng lẽ. Tiền bạc trong nhà cứ cạn dần nhưng sách của ông lại đầy lên, phải
đóng thêm tủ kê thêm kệ. Cô chú tôi biết ý ông, nên mừng tuổi không bằng trà
ngon rượu bổ, mà bằng những phong bì ít nhất cũng đủ cho ông mua được một hai
quyển sách. Những lúc ấy ông vui như một đứa trẻ lên 5 được nhận tiền lì xì. Rồi
ông đi ra tiệm sách, khệ nệ ôm về những chồng sách mà ông ao ước nhưng chưa đủ
tiền mua. Ông ve vuốt từng cái bìa, ngắm nghía từng con chữ, đê mê những sách của
Lá Bối, An Tiêm, mơ màng với những tác giả Saint Exsupéry, Bùi Giáng…Giá như
ông sống đến một trăm tuổi và giá như ông còn có đủ tiền thì cái viện sách của
ông sẽ kín đặc những sách. Ông sẽ ngồi giữa những bức tường dày cộm thơm tho đó
như một anh lính già đang tử thủ trong một cái lô cốt văn hóa.
Sau
tháng tư năm ấy, cái tháng tư mà dù nằm dưới mộ sâu ông vẫn còn đau đớn, những
cuốn sách của ông tưởng sẽ sống đến ngàn năm
đã
bị bức tử một cách oan nghiệt.
Khi người ta đội lên đầu những quyển sách của ông,
có những quyển già như một ông tiên đầu bạc, có những quyển xinh tươi như những
thiếu nữ trẻ trung, những chiếc mũ có tên là “nọc độc”, là “đồi trụy”, là “phản
động” thì hơn ai hết ông hiểu đó là một lời tuyên án tử hình. Ông suy nghĩ
lung lắm, không phải để tìm cách chôn giấu hay tẩu tán. Mà suy nghĩ làm sao để
chọn cho sách một cái chết xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của ông.
Một đêm thức trắng.
Rồi hai đêm thức trắng.
Ngày thường ông bình tĩnh là thế nhưng lúc này, ông
bối rối run rẩy. Có lúc mặt ông đỏ bừng và mắt ông lóe lên những tia lửa căm hờn.
Cả nhà chẳng ai dám hỏi nói gì với ông. Giống như một con sư tử già bị săn đuổi
cùng đường, lâu lâu ông lại gầm lên một cách tuyệt vọng.
Cuối cùng ông đã chọn cho mấy trăm cuốn sách một cái
chết dũng cảm. Đó là chính ông tự mình đốt sách.
Một quyết định cháy lòng.
Tôi cũng được dự phần trong cuộc hỏa thiêu đau đớn ấy,
bằng cách giúp ông bê hết sách ra sân. Dù đem đi đốt nhưng ông không cho phép
tôi làm rơi rớt xuống đất, không được nặng tay, mà phải sẽ lén nhẹ êm như đang
bồng một em bé say ngủ. Phải rồi, những cuốn sách của ông đang say ngủ. Đánh thức
chúng dậy, ông sẽ không chịu nổi những tiếng khóc mà chỉ riêng ông mới nghe được
mà thôi.
Sách được xây thành một cái tháp quanh những thanh củi
chẻ nhỏ. Ông không muốn đốt chúng bằng xăng hay dầu. Ông lại càng không muốn xé
sách ra từng mảnh nhỏ để đốt. Xé ra là làm chúng đau. Và làm cho chúng đau trước
khi chết là tội ác. Một người coi sách là sinh vật sống, để cả đời nâng niu bồng
ẳm, vậy mà phải giết do chính bàn tay của mình, bạn phải biết là ông tôi đã đau
khổ đến nhường nào.
Đó là một đêm tháng năm lặng gió. Cây cối im ngủ. Những
ngôi sao như tan đi trong khói trời mờ đục. Ông tôi cử hành lễ đốt sách cũng bi
tráng và lẫm liệt như Huấn Cao cho chữ trong ngục. Ông mặc toàn đồ trắng, cắm một
cây đuốc giữa trời, khấn khứa rì rầm rồi lạy bốn hướng mỗi nơi một lạy. Xong
ông lấy cây đuốc đang cháy đặt vào giữa tháp. Dứt khoát và quyết liệt như cái
cách các võ sĩ đạo đâm kiếm vào bụng.
Lửa bắt rất nhanh, chỉ trong phút chốc đã bắn vọt
lên đầu ngọn tháp.
Đã nghe mùi mực và mùi giấy.
Đã nghe tiếng vặn mình của các bìa sách.
Đã nghe những âm thanh líu ríu như run như rẩy của những
trang sách méo mó cong vênh.
Lửa trào ra như từ miệng hỏa diệm sơn.
Lửa ôm choàng lấy sách, hôn dữ dội bằng đôi môi bỏng
cháy.
Sau cùng, cái tháp bằng sách đỏ rực như một trái tim
để lộn ngược.
Ông tôi ngồi xếp bằng, cố giữ nét mặt trầm tĩnh một
cách cao cả. Không một giọt nước mắt cho dù là vì khói cay xè. Ông như thượng tọa
Thích Quảng Đức đang ngồi kiết già với ngọn lửa bao quanh. Có thể nói, chính
ông cũng đang tự thiêu. Bất giác tôi cảm thấy muốn khóc vì lo sợ. Đến một lúc
nào đó, biết đâu ông đứng bật dậy bước thẳng vào ngọn lửa.
Ông chết theo sách.
Đó là một cái chết đẹp, xứng đáng với một người yêu
sách như ông.
Nhưng ông chưa muốn chết vì ông còn phải để tang cho
sách như một đứa con chí hiếu. Ngay lúc lửa tàn, ông quỳ xuống lạy ba lạy. Rồi
ông kiên nhẫn ngồi đợi cho tất cả biến thành tro nguội. Ông bảo tôi hốt tro vào
bao, cất vào tủ rồi mới chịu đi vào nhà. Gần như suốt đêm ông không ngủ. Bà tôi
than thở là nghe tiếng dép của ông kéo lê lệt sệt mãi tới tận sáng.
Hôm sau, ông bảo tôi thuê thợ đóng nhiều chiếc hộp để
đựng tro. Mỗi chiếc để một ngăn tủ. Ông khóa lại và dặn không được dùng vào việc
gì khác ngoài việc gìn giữ những chiếc quách ấy. Hơn 30 năm sau, cái tủ đựng đầy
những hộp tro vẫn đứng im đó như một nhà mồ. Ngày giỗ ông, chúng tôi cũng đem một
bát nhang đến thắp trên đầu tủ. Có cảm giác như hồn ông và hồn sách cùng lảng đảng
bay về.
Vẫn chưa hết chuyện về ông tôi đâu. Một tháng trước
ngày mất ông muốn tôi làm cho ông những tấm mộ bia bằng giấy. Ông đưa tôi một
danh sách dài những quyển sách bị đốt, cứ mỗi tấm bia đề tên một quyển sách.
Hơn mấy trăm cái bia như thế, phải mất cả tuần mới làm xong. Những mộ bia không
có ngày sinh nhưng có chung một ngày tử. Chúng được xếp lên kệ thay cho hàng
trăm cuốn sách đã chết tập thể.
Cả viện sách của ông giờ đây biến thành một nghĩa
trang.
Ông trịnh trọng chít khăn trắng, lên nhang đèn rồi
cung kính khấn vái như trước bàn thờ tổ tiên. Trong những lời rì rầm, nhiều lúc
bỗng vang lên như tiếng khóc, ta là người có tội, có tội. Theo như tôi hiểu đó
là cái tội không bảo vệ được sách, tội với các tác giả, tội với những thợ sắp
chữ ở nhà in và xa hơn nữa là có tội với giấy và mực.
Ông biết ơn họ bao nhiêu thì bây giờ ông ray rứt vì
mình có tội bấy nhiêu.
Từ đó ông ăn ít ngủ ít. Ông đem từng tấm bia đặt lên
bàn, lặng lẽ ngồi ngắm hằng giờ như đang đọc sách. Mỗi tấm bia gợi nhớ đến màu
bìa, co chữ, tranh vẽ và cả nội dung mà chỉ có ông mới thấy được, hiểu được.
Ông như sống lại những năm dài trước đó với những niềm vui kín đáo khi tìm được
sách quý, hay mua được những sách hay. Những lần như thế, ông tự thưởng cho
mình khi thì một bình trà, lúc một chung rượu hay tách cà phê và những điếu thuốc
thơm thay cho hương trầm.
Rồi đến một lúc ông không ăn mà cũng chẳng ngủ. Người
ông khô kiệt tái xám. Ba tôi và các chú đi cải tạo chưa về đương nhiên là khoét
sâu vào hồn ông những nỗi buồn lo khôn nguôi. Nhưng dù vậy, tận cùng của đêm
thì cũng phải sáng. Ông có thể đợi đến mười năm hay hai mươi năm. Chỉ có những
quyển sách bị đốt là không đợi được. Ông nói với bà, biết trước như vầy tôi đã
để hết tiền cho bà chứ mua sách làm chi. Bà tôi cay đắng, ai mà có con mắt sau
lưng.
Buổi chiều cuối cùng ngồi bóp chân cho ông, tôi nghe
ông hỏi, cháu thấy ông thế nào? Tôi nói, dạ, ông nên ăn chút cháo, trông ông gầy
lắm. Không phải, ông nói, da ông thế nào, đã ngã thành màu đất chưa? Không biết
da màu đất là màu gì, tôi nói đại, chưa ông à. Ngã màu đất là sắp chết đấy
cháu, ông nói. Ông đã có ý để lại sách cho cháu, nhưng ta tính làm sao được bằng
trời tính. Cháu nhớ giữ giùm ông cái tủ và mấy cái kệ.
Nghe ông nói, tôi thấy da ông quả thật rất giống với
màu đất bạc phếch, lạnh lẽo ở nghĩa địa. Da ông là da của một người đã chết từ
lâu nhưng chưa chôn. Hay là ông đã chết từ cái đêm hôm ấy. Hồn ông đã cùng với
hồn sách nương theo khói bay lên tận trời cao. Cái miền đất ồn ào đầy ô trọc và
thù hận này biết đến bao giờ mới lại có được những con người, những quyển sách
biết yêu quý tương kính lẫn nhau như thế. Chính lúc này tôi mới thấy thấm thía
nỗi đau mất sách của ông.
Tôi vừa buông tay ra thì ông ngừng thở. Ông chết nhẹ
nhàng như gấp lại một cuốn sách.
Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày.
No comments:
Post a Comment