Lee
Jong-wha - Project
Syndicate
Biên
dịch: Chu Tuấn Việt
Posted on 05/04/2017
Hàn Quốc đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ
tên lửa của Hoa Kỳ, và khiến Trung Quốc nổi giận. Lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng
hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), với khả năng giám
sát các chuyến bay và các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Trung Quốc, sẽ gây hại
cho an ninh của họ và phá vỡ cân bằng chiến lược trong khu vực. Nhưng chừng nào
Bắc Triều Tiên còn là mối đe dọa sâu sắc đối với an ninh trên bán đảo Triều
Tiên, sự phản đối của Trung Quốc đối với hệ thống này là vô ích và hết sức tiêu
cực.
Trong khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ triển
khai THAAD trước khi Hàn Quốc tổ chức bầu cử tổng thống bất thường vào ngày 9
tháng Năm, Trung Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với hy vọng buộc
vị Tổng thống sắp tới của Hàn Quốc phải cân nhắc lại. Hiện tại các ngành công
nghiệp du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng và giải trí của Hàn Quốc bị thiệt hại nặng.
Các công ty du lịch Trung Quốc đã ngưng bán các tour
đi theo nhóm sang Hàn Quốc. Và Trung Quốc đã tạm thời đóng 55 cửa hàng bán hạ
giá thuộc sở hữu của tập đoàn Lotte – tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc và là tổ chức
cung cấp địa điểm đặt hệ thống THAAD – với lí do tập đoàn này vi phạm các quy định
an toàn. Truyền thông Trung Quốc đưa ra các lời đe dọa sẽ mở rộng trừng phạt
sang các công ty khác của Hàn Quốc như Samsung và Hyundai.
Trung Quốc sốt sắng tận dụng vị thế là đối tác
thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm tới gần một phần tư kim ngạch xuất khẩu
của Hàn Quốc và là nguồn cung du khách chính tới nước này. (Du khách Trung Quốc
chiếm tới một nửa tổng lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc năm ngoái – hơn 8 triệu
người).
Nhưng đó không phải là mối quan hệ một chiều. Hàn Quốc
là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc, là nguồn cung nhiều sản phẩm đầu
vào trung gian có ý nghĩa then chốt đối với nhiều công ty Trung Quốc. Thực sự
là các hàng hóa trung gian và tư liệu sản xuất chiếm hơn 70% lượng xuất khẩu của
Hàn Quốc sang Trung Quốc năm ngoái, bao gồm các yếu tố đầu vào then chốt như chất
bán dẫn (20%) và tấm nền màn hình (11%). Khách du lịch Hàn Quốc cũng là nguồn
khách quốc tế lớn nhất đến Trung Quốc.
Với những động lực đó, nếu tranh chấp liên quan đến
hệ thống THAAD leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, cả Trung Quốc
và Hàn Quốc đều bị thiệt hại. Nhìn lại các năm gần đây, chúng ta thấy rằng các
căng thẳng kéo dài – ví dụ như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản
về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2012 – có thể gây hại nghiêm trọng cho quan hệ
ngoại giao và kinh tế giữa hai nước. Hàn Quốc hiện đang cân nhắc đưa các biện
pháp trừng phạt của Trung Quốc ra phân xử tại Tổ chức Thương mại Thế giới
(WTO), và các cơ quan chức năng Hàn Quốc đang xem xét liệu Trung Quốc có vi phạm
các quy định trong hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa hai nước hay
không.
Trung Quốc và Hàn Quốc nên bảo vệ mức độ quan hệ ngoại
giao đã được duy trì từ năm 1992. Nhưng điều này đòi hỏi Trung Quốc phải hiểu rằng
Tổng thống sắp tới của Hàn Quốc ít khả năng sẽ hủy bỏ việc triển khai THAAD vì
có những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây áp lực buộc
Hàn Quốc nhượng bộ trong vấn đề THAAD, điều này sẽ chỉ gây gia tăng tâm lý chống
Trung Quốc tại Hàn Quốc.
Tin tốt lành là chính quyền Trung Quốc dường như đã
nhận ra những nguy cơ này, dấu hiệu rõ nhất là rõ ràng họ đã kiềm chế các cuộc
biểu tình chống Hàn Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc biết rằng để hiện thực hóa tham vọng
trở thành lãnh đạo toàn cầu, họ phải tuân theo các chuẩn mực toàn cầu và gánh
vác trách nhiệm lớn hơn. Trong bối cảnh đó, nước cờ của Hàn Quốc đưa WTO vào giải
quyết tranh chấp – và việc một vụ tranh chấp được chính thức hóa có nguy cơ sẽ
làm sụt giảm uy tín quốc tế của Trung Quốc – có thể đã phát huy tác dụng hướng
sự quan tâm của lãnh đạo Trung Quốc vào các rủi ro phát sinh do leo thang căng
thẳng.
Nói vậy nhưng không phải việc triển khai THAAD là
không thể tránh khỏi. Nếu Trung Quốc kiên quyết kiềm chế đất nước Bắc Triều
Tiên vốn phụ thuộc vào họ, nguy cơ đối với Hàn Quốc – và cùng với đó là nhu cầu
của Hàn Quốc được trang bị lá chắn tên lửa tiên tiến – sẽ được giảm nhẹ.
Nhưng một số người ở Trung Quốc lại đánh đồng việc
Hàn Quốc triển khai THAAD với chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên. Một bài
báo gần đây trên tờ Global Times, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc
mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, khẳng định rằng nếu Hàn Quốc lắp đặt THAAD, nước
này sẽ bị Trung Quốc trừng phạt tương đương với mức độ Bắc Triều Tiên đang phải
hứng chịu hiện nay.
Quan điểm này không giải thích được những khác biệt
về mặt bản chất. Chế độ Bắc Triều Tiên, do Kim Jong-un lãnh đạo, dấn bước vào
cuộc hành trình không hối tiếc nhằm phát triển vũ khí hạt nhân và các tên lửa
xuyên lục địa đủ khả năng phóng các vũ khí này tới đích. Lãnh đạo Hàn Quốc đã đồng
ý triển khai hệ thống THAAD với mục đích phòng vệ.
Thay vì áp đặt trừng phạt Hàn Quốc, Trung Quốc nên
tăng cường áp lực kinh tế lên Bắc Triều Tiên, ví dụ như cắt nguồn cung cấp dầu.
Nhưng các lệnh trừng phạt kinh tế là chưa đủ: chế độ họ Kim đến nay vẫn không bị
ảnh hưởng. Do vậy, Trung Quốc cũng cần tham gia các nỗ lực ngoại giao bền bỉ của
Hoa Kỳ để đạt được đồng thuận về cách thức ổn định tình hình trên bán đảo Triều
Tiên và loại trừ nguy cơ xung đột quân sự.
Kẹt giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên,
giống như một câu ngạn ngữ Triều Tiên, là “con tôm giữa bầy cá voi”, và do vậy
đã phải trải qua những nỗi kinh hoàng không kể xiết. Chiến tranh Triều Tiên đã
biến bán đảo trở thành chiến trường của cuộc chiến ủy nhiệm giữa các cường quốc,
giết hại 2 triệu sinh mạng chỉ trong 3 năm. Trong gần 70 năm sau cuộc chiến,
bán đảo bị chia cắt và hiện giờ có lẽ là điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới. Một
cuộc xung đột quân sự lớn nữa – sẽ giết chết thêm nhiều triệu người và tạo ra
làn sóng người tị nạn – phải được ngăn chặn.
Warren Buffet có một câu nói nổi tiếng “chỉ khi nào
thủy triều rút đi, bạn mới biết được ai đã tắm truồng”. Nếu các cường quốc thế
giới tiếp tục trì hoãn giải quyết mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, họ sẽ sớm bị lộ
mặt. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến
sẽ gặp nhau vào tháng tới, phải hợp tác để làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều
Tiên trước khi họ bị lên án vì sai lầm của mình.
*
Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Viện trưởng Viện
Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, từng là Trưởng ban Kinh tế và Trưởng
Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á và là cố vấn
cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak (Hàn Quốc).
Cuốn sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Robert J. Barro của Đại học
Harvard, là “Education Matters: Global Gains from the 19th to
the 21st Century” (Giáo dục là quan trọng: Lợi ích toàn
cầu từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21).
Copyright: Project Syndicate 2017 – The
Sino-Korean Trade War Must End
Nguồn: Lee Jong-wha, “The
Sino-Korean Trade War Must End”, Project Syndicate, 22/03/2017.
No comments:
Post a Comment