Ít
khi một cuộc bầu cử ở Pháp được dư luận quốc tế chú ý và theo dõi như cuộc bầu
cử Tổng Thống Pháp trong ba tuần lễ tới. Cuộc bầu cử này không còn là một sinh
hoạt chính trị nội bộ của nước Pháp, mà có thể sẽ làm đảo lộn khuôn mặt chính
trị ở Âu Châu. Phe cực hữu đang đứng đầu trong những cuộc thăm dò dư luận. Nếu
Cực Hữu thắng cử, Liên Hiệp Âu Châu có thể đi tới tan rã, đồng Euros lung lay,
đưa tới khủng hoảng kinh tế Âu Châu, và từ đó đe dọa kinh tế thế giới, bởi vì
Âu Châu, cùng với Hoa Kỳ và Trung Hoa, là một trong ba trọng tâm kinh tế thế giới.
Người ta nhìn về Paris, hồi hộp, lo ngại.
Đảng
cực hữu FN (Front National, Mặt Trận Quốc Gia) theo chủ nghĩa quốc gia quá
khích, chống kinh tế thị trường, chống thế giới hóa, chủ trương bế quan tỏa cảng,
đóng cửa biên giới, ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ra khỏi khối tiền tệ Euros. Sau
Brexit (Nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu gần đây), nếu nước Pháp rút, Âu Châu
sẽ tan rã, sớm hay muộn, vì nước Pháp, cùng với Đức, là hai nước chủ chốt của
Âu Châu. Hai cái chân của Âu Châu. Một cái chân què, Âu Châu sẽ khập khiễng trước
khi té. Nhất là hiện nay, luồng gió quốc gia chủ nghĩa đang thổi mạnh ở các nước
Âu Châu, từ Anh, tới Áo, Hung, Hòa Lan, Pháp, sau khi đã gây bão tố ở Hoa Kỳ với
hiện tượng Donald Trump.
Với
hiện tượng Trump, các nước dân chủ Tây Phương đang đi vào một cơn khủng hoảng
chính trị nghiêm trọng. Người dân không còn tin tưởng các đảng phái, các hệ thống,
các nhân vật đã thay nhau lãnh đạo từ mấy chục năm nay. Nếu thế giới hóa, nói
chung, đã nâng cao đời sống của người dân ở nhiều nước, cũng đã đưa tới bất
công, đã gạt ra lề đường những người không kịp thích ứng với thời đại mới, đã
làm dân nhiều nước Tây Phương thấy tương lai của mình mù mịt. Nhất là thấy mình
mất chỗ đứng, bơ vơ ngay trên đất nước mình. Thấy Tây Phương bị đe dọa tứ bề.
Đe dọa bởi hàng hóa nhập cảng. Đe dọa bởi phong trào di dân. Đe dọa bởi khủng bố
Hồi Giáo. Người Tây phương cảm thấy họ không còn làm chủ vận mệnh của mình. Người
dân lại càng bất mãn hơn, muốn lật đổ tất cả hệ thống cũ, khi thấy các chính
khách bất lực, vì quyền lực thực sự không còn nằm trong tay các nguyên thủ quốc
gia, đã rơi vào tay các thế lực tài phiệt quốc tế, những Exxon, Google,
Mosanto, Amazon, Goldman Sachs... Phong trào gọi là dân túy (populisme,
populism), đúng hơn là mị dân, lợi dụng không khí bất mãn đó, trở thành những lực
lượng chính trị chủ yếu.
Tả
và hữu
Nước
Pháp không tránh khỏi hiện tượng đó. Đảng cực hữu FN, Front National, trước đây
chỉ là một nhóm chính trị bên lề, ngày nay trở thành đảng số 1. Trước đây, người
ta bầu cho FN một cách lén lút, để phản kháng, không dám công khai nhận mình là
cử tri của FN, được coi là một nhóm kỳ thị chủng tộc, quá khích, cực đoan. Ngày
nay, người ta hãnh diện vận động tranh cử cho FN, coi đó như một hành động ái
quốc, kể cả giới trẻ, nạn nhân của nền kinh tế tụt hậu của Pháp. Kỳ bầu cử năm
nay, khuôn mặt chính trị Pháp hoàn toàn đảo lộn, ra khỏi mọi dự đoán của những
chuyên viên chính trị. Người ta theo dõi bầu cử như theo dõi một cuốn phim gay
cấn, vì mỗi ngày có một hiện tượng mới, một biến chuyển mới, không ai biết đâu
mà mò. Sau cuộc bầu cử này, sinh hoạt chính trị, đảng phái ở Pháp chắc chắn sẽ
lật sang một trang khác.
Trước
đây, ít nhất từ thời De Gaulle (Tổng thống Pháp 1959-1969), chính trị Pháp
tương đối đơn giản. Nước Pháp chia làm hai: gần một nửa nước theo phe tả, gần một
nửa phe hữu, một thiểu số đứng giữa. Nhóm lừng khừng này đứng về phe nào phe đó
thắng. Tả hữu thay nhau cầm quyền. Chán nhà cầm quyền phe hữu, người ta bầu cho
phe tả. Hay ngược lại. Chính quyền trong tay một số chính khách chuyên nghiệp,
làm chính trị suốt đời, những khuôn mặt trẻ, những luồng gió mới rất hiếm.
Định
nghĩa khuynh hướng tả hữu rất phức tạp, vì thay đổi với thời đại. Đại khái, phe
hữu, tin vào khả năng và sáng kiến cá nhân. Nếu mỗi cá nhân cố gắng thăng tiến,
xã hội sẽ phát triển. Phe tả nghĩ nhà nước phải can thiệp để tránh lạm dụng, cá
lớn nuốt cá bé, để xây dựng công bằng xã hội. Về mặt kinh tế, phe hữu theo
khuynh hướng tự do, phe tả có khuynh hướng nhà nước điều khiển, hay ít nhất can
thiệp. Về mặt xã hội, ngược lại, phe hữu có khuynh hướng bảo thủ, muốn giữ những
giá trị cũ, phe tả cởi mở hơn, đi tiên phong trong những phong trào như kết hôn
giữa người cùng phái, bảo vệ người đồng tính luyến ái, bãi bỏ án tử hình... Phe
nào cũng có ưu và khuyết điểm. Nếu kinh tế hoàn toàn tự do, bất công xã hội sẽ
chồng chất. Nếu can thiệp quá đáng, cá nhân bị bóp nghẹt, xã hội sẽ cằn cỗi. Nếu
không có hệ thống an sinh xã hội, sẽ có nghèo đói, ngược lại, nếu giúp đỡ, trợ
cấp quá đáng, sẽ đưa tới lười biếng, ỷ lại...
Phe
hữu của Pháp ngày nay là Đảng Cộng Hòa, LR (Les Républicains) sau khi đã đổi
tên nhiều lần. Khi có tai tiếng, hay không ăn khách nữa, người ta đổi tên, mở cửa
hàng mới, nhưng hàng hóa và cô bán hàng vẫn như cũ. Nói "cô bán hàng"
cho vui, thực sự chính trường Pháp rất thiếu bóng phụ nữ. Ở Bắc Âu, phụ nữ chiếm
50% trong quốc hội, trong nội các, trong ban lãnh đạo các xí nghiệp. Quốc hội
Pháp không quá 10% phụ nữ, mặc dù luật Pháp phạt nặng những đảng chính trị
không tôn trọng nguyên tắc lựa số đàn bà, đàn ông ngang nhau ra ứng cử quốc hội
hay hội đồng tỉnh. Các chính đảng sẵn sàng nộp phạt để giữ chỗ cho đàn ông.
Phe
tả là đảng Xã Hội (Parti Socialiste). Bên cạnh đảng Xã Hội có đảng Cộng Sản
(PCF), nhưng đảng này, trước đây là một trong hai chính đảng lớn nhất, làm mưa
làm gió, ngày nay là một bóng ma. De Gaulle nói: giữa chúng tôi và PCF, không
có ai cả. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, sau khi Nga Xô Viết tan rã, Đảng Cộng
Sản dần dần tàn rụi, trở thành một nhóm bỏ túi, ngày nay không tới 2% phiếu bầu.
Người Việt nghe đảng Xã Hội hơi ớn, vì chữ Xã Hội khiến liên tưởng tới cái vụ Xếp
Hàng Cả Ngày; sự thực đảng Xã Hội Pháp là một đảng tôn trọng dân chủ như những
chính đảng khác. Những tiến bộ xã hội từ đệ nhị thế chiến, như hạn chế giờ làm
việc, trả lương ngày nghỉ hè, an sinh và bảo hiểm sức khỏe cho mọi người, đều
là những thành quả của đảng Xã hội. Vấn đề của đảng này là họ không thích ứng kịp
với thời đại mới, với kinh tế mới, họ mơ tưởng một xã hội không có thực. Và chế
độ cấp dưỡng trở thành khó khăn trong một quốc gia gần như phá sản, vì kỹ nghệ
bị cạnh tranh, thất nghiệp cao (trên 10%), nợ nần chồng chất. Một đứa trẻ vừa mở
mắt chào đời ở Pháp đã mang nợ 30 ngàn euros. Thuế lợi tức chỉ đủ trả tiền lời
của những món nợ khổng lồ, càng ngày càng chồng chất.
Từ
Fillon tới Macron
Trong
vài tuần nữa, nhiệm kỳ của tổng thống Francois Holland, thuộc đảng Xã Hội sẽ chấm
dứt. Sau 5 năm cầm quyền, ông Holland đã gây bất mãn, thất vọng, đến độ ông
không dám ra tái tranh cử, chuyện chưa hề xảy ra trong chính trường Pháp. Ngân
quỹ quốc gia kiệt quệ, khiến chính quyền không thể phân phát vung vít như thông
lệ. Ông ta cũng không nắm nổi đa số ngay trong đảng của mình để có thể thực hiện
những cải tổ cần thiết. Đảng Xã Hội coi như chính quyền sẽ vượt khỏi tay mình.
Theo dự đoán, chính quyền từ tháng tới sẽ lọt vào tay đảng Cộng Hòa, đảng hữu
phái quan trọng nhất. Cách đây hai tháng, ứng cử viên của đảng này, François
Fillon, cựu Thủ Tướng, coi như việc trở thành Tổng Thống là một chuyện đương
nhiên. Chỉ việc ngồi chờ sung rụng. Nước Pháp bầu cử hai vòng, vòng đầu để lựa
hai người vào chung kết, vòng hai, ứng cử viên nào có số phiếu cao nhất sẽ đắc
cử. Đảng Xã Hội coi như bị loại, François Fillon sẽ vào vòng hai với lãnh tụ cực
hữu FN, bà Marine Le Pen. Có thể bà Le Pen sẽ dẫn đầu vòng đầu, nhưng, như những
cuộc bầu cử trước đây, vào vòng hai sẽ bị loại, vì tất cả các ứng cử viên khác
(lần này có... 11 ứng cử viên) sẽ kêu gọi bỏ phiếu chống FN để tránh cho nước
Pháp một cuộc phiêu lưu với hậu quả không lường được.
Đó
là kịch bản đã diễn ra từ trước tới nay. Lần này, mọi chuyện xảy ra khác hẳn mọi
dự đoán. Sau khi ông Fillon được chọn đại diện cho đảng Cộng Hòa, báo chí khám
phá ra ông đã dính líu tới rất nhiều chuyện lem nhem về tiền bạc. Trong kỳ bầu
cử sơ bộ để lựa ứng cử viên của phe hữu, Fillon thắng vẻ vang, vì ông ra tranh
cử với danh nghĩa một chính khách trong sạch, liêm khiết, quyết tâm cải tổ nước
Pháp, sẵn sàng đòi "mồ hôi, nước mắt" của dân để cứu nước, một chuyện
chưa có chính khách nào dám làm, ở một nước người dân chỉ đòi quyền lợi hơn là
bổn phận. Fillon, the right man in the right plac
Đùng
một cái, người ta khám phá ra một ông Fillon rất lem nhem. Mỗi ngày báo chí
khui một vụ tai tiếng. Ông ta, khi là dân biểu, đã lấy tiền của Quốc Hội trả
lương cho bà xã. Mỗi dân biểu, ngoài tiền lương, được cấp 9500 euros (trên 10.000
dollars) mỗi tháng để trả lương cho thư ký, phụ tá. Thay vì tuyển mộ 2, hay 3,
phụ tá, Fillon đem hết số tiền trả lương cho vợ, mặc dù bà này không làm gì, chỉ
lãnh lương ngồi chơi xơi nước. Ông ta làm cố vấn lãnh thù lao cho các sở tư, là
chuyện cấm kỵ đối với một người làm dân biểu, bộ trưởng, thủ tướng. Ông ta nhận
quà đắt tiền của các tay tài phiệt: đồng hồ hàng chục ngàn euros, quần áo 6, 7
ngàn Euros một bộ, tổng cộng 38 ngàn euros quần áo. Tòa án, cảnh sát mở cuộc điều
tra khẩn cấp. Đó cũng là chuyện hoàn toàn mới ở nước Pháp, nơi những chuyện mờ
ám của các chính khách tai to mặt lớn thường thường bị ỉm đi, dần dần rơi vào
quên lãng. Nước Pháp không có một trình độ dân chủ kiểu mẫu như các nước Bắc
Âu. Ở Thụy Điển, nhận một món quà trên 20 dollars, chính khách không được giữ
làm của riêng, phải trao cho quốc hội, tòa thị chính hay chính phủ. Fillon
không biết là ông ta đang sống trong một cơn bão chính trị, cử tri ngày nay
không chấp nhận những chuyện lem nhem nữa. Ông ta tuyên bố nếu bị truy tố, sẽ
rút lui. Vài tuần sau, cả Ông và Bà bị truy tố, ông ta tuyên bố sẽ tiếp tục
tranh cử, nói là nạn nhân của các quan tòa do Hollande giựt giây.
Uy
tín của Fillon sút giảm, đa số những người ủng hộ bỏ đi, ngay cả những phần tử
thân cận nhất. Tới giờ này, theo những cuộc thăm dò, từ số một, ông ta tụt xuống
hàng thứ ba. Hai người đứng đầu là bà Marine LE PEN, cực hữu; Emmanuel MACRON,
không đảng phái, mỗi người trên dưới 25% số phiếu; François FILLON, đảng Cộng
Hòa 18%; Jean Luc MELENCHON, cực tả; 15%, Benoît HAMON, Đảng Xã hội, 10%, những
ứng cử viên khác không đạt tới 5% số phiếu (nếu đạt 5% số phiếu, tất cả chi phí
tranh cử sẽ được nhà nước hoàn lại cho ứng cử viên).
Bàn
cờ chính trị đảo lộn
Kết
quả thăm dò sẽ thay đổi mỗi ngày, nhưng những con số trên, cho thấy một cơn bão
đã thay đổi hoàn toàn khuôn mặt chính trị của nước Pháp:
-
Lần đầu tiên, hai đảng lớn, Đảng Cộng Hòa, phe hữu, và Đảng Xã Hội, phe tả, thi
nhau cầm quyền từ mấy thập niên sẽ không có mặt trong vòng hai.
-
Lần đầu tiên, Đảng Xã Hội thua nặng, vì chia rẽ trầm trọng. Sau ngày bầu cử, Đảng
này sẽ hoặc tan rã, hoặc chia thành hai, một bên là những người tả phái suy
nghĩ, hành động như ngày xưa, một bên là những người muốn cải tổ, để thích ứng
với xã hội mới. Đảng Xã Hội của Jean Jaurès, Léon Blum, đã tạo một khuôn mặt
nhân bản cho xã hội Pháp, với chế độ an sinh gương mẫu, ngày nay bất lực trước
nạn thất nghiệp, trước vấn đề di dân, trước những thử thách của một thế giới mới.
-
Đảng Cộng Hòa cũng sẽ chia rẽ trầm trọng, một bên là những người chủ trương cứng
rắn để tranh phiếu của FN, một bên là những người ôn hòa, muốn một cánh hữu với
khuôn mặt nhân bản.
-
Lần đầu tiên một người trẻ, không đảng phái, một Kennedy Tây, Emmanuel Macron,
có thể sẽ thành Tổng Thống.
Tới
giờ này, hai người được coi là sẽ vào vòng hai là bà Le Pen và Macron. Người ta
nghĩ Le Pen có thể đứng đầu, nhưng vào vòng hai sẽ bị Macron đánh bại. Trong những
cuộc bầu cử cấp vùng, cấp tỉnh trước đây, đảng cực hữu thắng lớn vòng đầu,
nhưng vào vòng hai đều thua nặng, vì dân Pháp vẫn không tin một nhóm quá khích
có thể cấm quyền. Trong cuộc bầu cử tổng thống, Le Pen còn thêm một chướng ngại
nữa: bà ta chủ trương rút khỏi Âu Châu, ra khỏi hệ thống tiền tệ Euros. Dân
Pháp, mặc dù chỉ trích Âu Châu, nhưng đại đa số không muốn theo bà ta trong cuộc
phiêu lưu đó. Ngửi thấy điều đó, Le Pen hứa nếu đắc cử, sẽ tổ chức trưng cầu
dân ý về chuyện Âu Châu, đi hay ở. Nhưng đề nghị trưng cầu dân ý chứng tỏ đương
sự không có bản lãnh, không dám quyết định. Và trong tất cả những cuộc trưng cầu
dân ý, trừ ở Thụy Sĩ là nước ổn định, giàu có, người dân bao giờ cũng dùng lá
phiếu để chống chính quyền. Chính quyền vận động YES, dân bầu NO, hay ngược lại.
Le Pen lên như diều nhờ chính sách chống di dân, chống Hồi Giáo, nhưng những biện
pháp về kinh tế của bà ta tào lao, không khác gì nhóm cực tả, đại khái sẽ giảm
thuế, tăng lương cho mọi người, về hưu năm 60 tuổi, ưu tiên mọi chuyện cho người
Pháp, giống như trò "America first" của Trump.
Cho
tới hôm nay, 05/04, người ta tiên đoán Le Pen và Macron sẽ vào vòng hai, và
Macron sẽ là tổng thống của Pháp từ đầu tháng Năm. Dân Pháp bầu tổng thống vòng
đầu ngày 23 tháng Tư, và hai tuần sau, ngày 07 tháng Năm, vòng chung kết. Nhưng
đó là dự đoán, có thể chắc chắn trong "thời bình", khi đất nước chưa
"nổi cơn gió bụi". Ngày nay, không ai dám quả quyết. Gần đây, không
ai tiên đoán Trump đắc cử, không ai đánh cá phe Brexit về ngược. Cử tri ngày
nay đổi ý mỗi ngày. Khoảng 30% cử tri Pháp cho hay sẽ không đi bầu, 40% chưa biết
sẽ bầu cho ai. Không như trước, ai phe hữu bầu cho phe hữu, phe tả bầu phe tả,
ít anh nào loạng quạng chạy qua chạy lại. Kết quả lần này sẽ thay đổi nếu số
người tham dự ít hay nhiều hơn dự đoán, những biến chuyển thời sự khiến ngày bỏ
phiếu người ta ngả về ông này hay bà kia. Đảng Cộng Hòa vẫn hy vọng mặc dù gặp
khó khăn vì những vụ lem nhem, tai tiếng, Fillon sẽ lọt vào vòng hai, vì cử tri
đã chán phe tả, muốn thay đổi, cuối cùng sẽ bầu Fillon, vì Le Pen quá khích,
Macron không có kinh nghiệm. Đó là chưa kể Mélenchon, cực tả, với chương trình
đòi đạp đổ hết để làm cách mạng, đáng lẽ chỉ khiến người ta mỉm cười, nhưng
càng ngày càng đông người theo, vì ông ta có tài ăn nói, nắm vững kỹ thuật truyền
thông, trước đây là một tay lỗ mãng, gây gỗ với cả nước, ngày nay đóng vai một
chính khách rất từ tốn, lễ độ.
Macron,
Kennedy Pháp
Nếu
Macron đắc cử, ông ta sẽ là Tổng thống trẻ nhất (40 tuổi), tổng thống đầu tiên
không thuộc đảng nào. Cách đây 4 năm, không ai biết tên Macron. Ông ta còn là một
nhân viên ngân hàng cao cấp, sản phẩm ưu tú của hệ thống giáo dục Pháp, tốt
nghiệp Sciences Po và ENA, là những đại học có uy tín, nơi xuất thân của những
người thay nhau lãnh đạo nước Pháp. Đệ tử của một triết gia nổi tiếng, Paul
Ricoeur, Macron là một trí thức, ngoài khả năng chuyên môn. Thông thạo Anh ngữ,
rất am tường tin học, mê văn chương, thi phú, Macron là người của thời đại mới,
cởi mở, thực tiễn, coi việc hữu hiệu quan trọng hơn là ý thức hệ. Vấn đề của
Macron là những người trẻ có trình độ văn hóa thấp, những người ở vùng quê, hay
các khu lao động, cảm thấy xa lạ. Năm 2012, Macron theo lời mời của Hollande, bỏ
ngân hàng, nhận chức phó giám đốc văn phòng Phủ Tổng Thống. Được bổ nhiệm là Bộ
trương Kinh tế sau đó, Macron từ chức năm ngoái, vì thấy hệ thống chính trị,
hành chánh của Pháp cứng nhắc, không thể hoạt động hữu hiệu, nếu không thay đổi
toàn diện. Ông ta lập phong trào ‘En Marche (Lên Đường), quy tụ
những người có thiện chí, thuộc phe hữu hay phe tả, hay chưa từng hoạt động
chính trị, muốn cải thiện xã hội Pháp. Giới chính trị coi thường, nghĩ đó cũng
chỉ là một phong trào bỏ túi, ồn ào vài tháng rồi biến mất. Nhưng En Marche...
lên đường thiệt, càng ngày càng đông người theo. Những buổi meetings của Macron
không đủ chỗ cho người kéo tới tham dự, đa số là lớp trẻ. Macron trở thành một
thứ pop star, biến các chính khách khác trở thành các cụ già mệt mỏi. Trong đời
tư, Macron chứng tỏ ông ta có cá tính mạnh, biết mình muốn gì. Ông ta kết hôn với
bà giáo dạy văn chương trung học, lớn hơn ông... 20 tuổi, đã có 3 con, ngang tuổi
với ông dượng. Bà Macron nói đùa: Emmanuel phải đắc cử kỳ này, vì năm năm nữa,
mặt mũi tôi sẽ trở thành vấn đề cho anh. Nếu Macron đắc cử, ông ta sẽ cải cách
nước Pháp một cách ôn hòa. Ông ta chủ trương mở cửa, cải tiến để bắt kịp thế giới
đang thay đổi, nhưng không dùng những biện pháp mạnh như Fillon, không đòi mồ
hôi, nước mắt. Vấn đề của Macron là ông ta muốn là người không đảng phái, lấy
phiếu của cả cánh tả, lẫn cánh hữu, những biện pháp ông ta đề nghi có vẻ nửa chừng
xuân. Phe tả chỉ trích ông ta phản động như phe hữu, phe hữu kết án ông ta tiếp
tục chính sách của phe tả đã làm lụn bại nước Pháp. Cả hai phe quả quyết Macron
là tay mơ, không có hệ thống đảng phái mạnh đứng hỗ trợ, không có kinh nghiệm,
sẽ đưa nước Pháp vào tình trạng hỗn loạn. Ủng hộ Macron mạnh nhất là... các nước
láng giềng. Trong số 11 ứng cử viên, Macron là người ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu
tích cực nhất, vô điều kiện. Theo Macron, tương lai nước Pháp nằm trong khối Âu
Châu. Nước Pháp quá nhỏ để có thẻ đứng một mình, đương đầu với Hoa Kỳ, với Á
Châu. Ra khỏi Âu Châu, một thị trường lớn nhất thế giới, 500 triệu dân, là một
cách tự sát đối với một quốc gia 66 triệu người đang gặp khó khăn về mọi phương
diện.
Một
vấn đề nữa, quan trọng hơn cả, mà ít người nêu ra: Tổng Thống mới sẽ có đa số ở
Quốc Hội hay không? Sau bầu cử Tổng thống, sẽ tới bầu cử quốc hội một tháng
sau. Không ai tưởng tượng nổi khuôn mặt mới của quốc hội Pháp. Các Đảng lớn tan
rã, đảng cực hữu của Le Pen hiện chỉ có hai dân biểu và hai thương nghị sĩ,
phong trào En Marche của Macron đưa người ra tranh cử lần đầu. Quốc Hội sẽ là
những mảnh vụn. Đối với những nước khác, như Đức hay Hòa Lan, đó là chuyện thường.
Các nhóm sẽ thương lượng, thỏa thuận với nhau để tạo một khối đa số. Người Pháp
chưa có thói quen đó. Ở Pháp, cho tới nay, phe nào thắng, nắm hết, phe nào thua
về đuổi gà cho vợ, chờ 5 năm, ra tay chiếm lại chính quyền.
Nước
Pháp đi về đâu?
Dù
tổng thống tên là Le Pen, Fillon, hay Macron, tương lai nước Pháp trong những
ngày tới không có gì rực rỡ.
Với
Le Pen, một cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu bắt đầu. Hoa Kỳ là một cường
quốc, có thị trường nội địa lớn, có khả năng tự túc về nhiên liệu, dầu khí, có
đồng dollars mạnh, có thể bầu Donald Trump giỡn chơi 4 năm. Pháp không đủ
phương tiện để chơi trò chơi đó. Fillon là người có chính sách can đảm nhất để
cải cách, nhưng với những vụ lem nhem bị khám phá mỗi ngày, ông ta liệu có đủ
uy tín để đòi dân đổ mồ hội và nước mắt? Macron là một khuôn mặt mới, trẻ
trung, tích cực, nhưng không ai biết vai ông ta có đủ mạnh để gánh vác những
gánh nặng lớn lao?
Nước
Pháp có dư khả năng, có tài nguyên, có chất xám để cải cách, đóng lại vai trò một
cường quốc. Chỉ thiếu một, hai yếu tố, nhưng cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu:
sự quyết tâm và trách nhiệm công dân. Người Pháp nào cũng nghĩ phải thay đổi,
hy sinh để cải cách nước Pháp, nhưng người phải thay đổi là tất cả những người
khác, trừ tôi. Cách đây 20 năm, Đức bị coi là phần tử bệnh hoạn của Âu Châu
(the sick man of Europe), thua Pháp về mọi mặt. Cựu thủ tướng Gerhard Schröder,
đảng Dân chủ Xã hội SPD, quyết định phải cải cách, đòi hỏi cả nước hy sinh, chấm
dứt những biện pháp mị dân, chế độ bao cấp. Ông Schröder sau đó đã thất cử,
nhưng chính sách can đảm của ông đã đặt nền móng cho một nước Đức mới. Ngày nay
Đức trở thành cường quốc kinh tế số một ở Âu Châu, cán cân xuất nhập và ngân
sách thặng dư, thất nghiệp 4%, Pháp trở thành phần tử bệnh hoạn, với 2100 tỷ tiền
nợ, thất nghiệp trên 10% (24% trong giới trẻ), ngân sách lạm chi quá giới hạn
đã cam kết với Liên Hiệp Âu Châu. Người Pháp không có tinh thần trách nhiệm của
người Đức. Nước Pháp không có chính trị gia can đảm như Schröder. Trò chơi phổ
thông của dân Pháp là khi gặp khó khăn là đổ ra đường biểu tình, đình công, bãi
thị, làm tê liệt cả nước. Và chính quyền, tả hay hữu, mỗi lần có đám đông phản
đối, không có thái độ gì khác hơn là ký ngân biếu, tặng nhóm này vài chục triệu,
giúp nhóm kia vài chục triệu. Người Pháp gọi là "Acheter la paix
sociale", lấy tiền nhà nước tung ra để mua sự bình yên, để được an thân.
Chuyện cải cách xếp một xó, để hậu tính. Con bệnh nằm chờ từ năm này qua năm
khác, người ta chỉ vực dậy trong những ngày bầu cử. Nhưng lần này, có nhiều dấu
hiệu cho thấy là người Pháp đã nổi giận, muốn thay đổi thực sự.
06.04.2017
-----------------------------
XEM THÊM :
Trọng Nghĩa – RFI | 05-04-2017
Anh Vũ – RFI | 05-04-2017
Thanh Hà – RFI |
4/4/2017
No comments:
Post a Comment