Monday, September 26, 2016

THẢM HỌA FORMOSA - VŨNG ÁNG : BÀI HỌC NÀO TỪ THẢM HỌA TRÀN DẦU BP Ở VỊNH MEXICO (Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức)




Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức
Posted by adminbasam on 27/09/2016

(BA SÀM) - Một phần nội dung bài viết này đã được tác giả sử dụng để trả lời trong một bài phỏng vấn của RFI vài ngày trước. Dưới đây là bản đầy đủ của tác giả gửi tới.
______

Thảm họa Formosa-Vũng Áng:
Bài học nào từ thảm họa tràn dầu BP ở Vịnh Mexico

1- Sơ lược về thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico

Ngày 20 tháng 4 năm 2010 do sự cố dò rỉ gas đã gây ra một vụ nổ ở một giếng khoan dầu của tập đoàn BP của Vương Quốc Anh ở Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.  Lửa cháy trong vòng 36 tiếng trước khi giàn khoan chìm, dầu mỏ đã tràn ra vịnh trước khi bịt thành công giếng khoan này [1]. Mặc dù khi xảy ra vụ nổ, BP và chính quyền địa phương cũng như liên bang Hoa Kỳ đã nỗ lực dùng mọi phương tiện như trực thăng, tàu bè để di chuyển công nhân trên giàn khoa ra khỏi vùng thảm họa. Tuy nhiên,  trong 120 công nhân đang làm việc trên giàn khoan, đã có 11 người chết và 17 người bị thương. Ước tính khoảng 3,19 triệu thùng dầu/ barrels (134 triệu gallons) dầu thô đã tràn ra Vịnh, và khoảng 1,8 triệu gallons hóa chất dùng để dập dầu loang. Địa điểm tràn dầu gần bờ biển bang Louisiane khoảng 80 km (50 hải lý) và phát tán dọc theo vùng biển rộng khoảng 112.100 km2 của 5 tiểu bang xung quanh Vịnh Mexico đó là Louisiana, Alabama, Texas, Florida và Mississippi lên, hơn 2000 km (1.300 hải lý) đường bờ bị ô nhiễm do dầu [2].

Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) của Hoa Kỳ đã ngay lập tức có động thái áp đặt lệnh đình chỉ tạm thời các hoạt động khai thác của BP tại Vịnh Mexico trong vòng 18 tháng và sẽ mở rộng lệnh cấm cho đến khi tất cả những cáo buộc về hình sự theo pháp luật được giải quyết. Áp đặt lệnh này bởi vì EPA cho rằng BP đã không thực sự đủ điều kiện kinh doanh nên dẫn đến sự cố cháy nổ và thảm họa tràn dầu này. Và ngay lập tức EPA thông cáo đây là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Donald Vidrine và Robert Kaluza hai giám sát viên của BP đã bị buộc tội trước tòa ờ New Orleans vì để xảy ra cháy nổ và làm chết 11 người. Ngay cả một cựu giám đốc điều hành BP David Rainey bị cáo buộc nói dối Quốc hội về số lượng dầu đã tràn từ giếng. Những hợp đồng khai thác dầu mới được ký kết giữa BP và chính phủ Hoa Kỳ cũng bị đóng băng [3].

Joe Lampel, giáo sư về chiến lược tại Trường Kinh doanh Cass ở London cho biết: lệnh đình chỉ này nên được xem như là hình phạt bổ sung chứ không phải là một chiến thuật áp lực mà chính phủ Mỹ thường sử dụng khi muốn buộc các hãng thừa nhận trách nhiệm. Thượng nghị sĩ Bob Graham cho rằng lệnh đình chỉ của EPA đã gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng chính phủ liên bang phải quản lý tốt hơn các tài sản công và những tổ chức được giao quyền khai thác. Bắt buộc các nhà đầu tư phải hành xử theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. Nhóm bảo tồn Oceana cho biết là hài lòng khi BP đang được trừng phạt cho những hành động vô trách nhiệm. Matt Dundas của nhóm còn chỉ trích rằng Tổng thống Obama đồng ý cho các hợp đồng mới khai thác dầu ở Vịnh là đang bỏ qua những bài học từ thảm họa tràn dầu, và cần loại bỏ ngay những hoạt động khai thác dầu vì thực tế các giàn khoan ngoài biển vốn đã gây ô nhiễm và nguy hiểm [3].

2- Chi phí và tổ chức hoạt động ứng phó thảm họa

Các tổ chức tham gia ứng phó
Thông tin trên trang web của tập đoàn BP cho biết
Trung tâm ứng phó quốc gia/ National Response Center: là nơi đón nhận, ghi chép và lưu trữ tất cả các thông tin báo về địa điểm cũng như mức độ dầu xuất hiện, và những sự bất thường về môi trường và sinh vật.
Cơ quan quản lý bờ biển (Coast Guard) sẽ lấy thông tin về các vùng bị ô nhiễm dầu từ Trung Tâm Ứng phó Quốc gia để tổ chức thực hiện việc thu gom dầu. Cũng như điều phối các hoạt động giảm thiểu sự phát tán của dầu và những hoạt động cứu hộ, cứu sinh.
Nhóm tư vấn triển khai khoa học/ Operational Science Advisory Team (OSAT): điều phối các hoạt động nghiên cứu sự tồn lắng ô nhiễm dầu.

Các hoạt động ứng phó trực tiếp thảm họa:
Các hoạt động ứng phó khẩn cấp ngay sau khi thảm họa xảy ra bao gồm [4]:
  • Ngáng dầu để giảm thiểu dầu tràn bị thủy triều và sóng đẩy vào bờ
  • Dùng hóa chất để chia cắt dầu tràn thành những giọi nhỏ
  • Đốt dầu nổi trên mặt
  • Đóng cửa các bãi biển
  • Thu gom và vớt dầu nổi
  • Xả nước ngọt vào vịnh để giảm dầu tràn vào bờ
  • Thả bờ nổi (dạng phao)
  • Cứu sinh và di chuyển các loài sinh vật
  • Thu gom dầu ở những vùng bờ
Uớc tính khoảng 48.000 công nhân và tình nguyện viên với tổng số khoảng 70 triệu giờ làm việc, 6.500 tàu thuyền tham gia hoạt động thu gom dầu trên vùng biển dài 2500 km. Trong 4 năm tính từ tháng năm 2010 đến tháng 4 năm 2014, BP đã phải chi một khoảng kinh phí 14 tỷ USD cho hoạt động ứng phó thảm họa, thu gom dầu tràn và làm sạch môi trường.
Công nhân của BP cùng các chuyên gia đến từ các ngành công nghiệp, chính phủ và các cơ quan nghiên cứu xây dựng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc rò rỉ dầu và tìm cách làm ngưng hoàn toàn hoạt động của giếng khoan nới xảy ra cháy nổ.
Dùng các loại trang thiết bị khác nhau để giảm thiểu tối đa việc phân tán của dầu. Ngoài việc thu gom dầu trên mặt nước và những vùng bờ, BP còn ngay lập tức thuê những trang thiết bị tân tiến rà khoảng 4.400 hải lý vùng đáy biển trong khu vực dầu loang và phát hiện cũng như vẽ ra bản đồ khoảng 1.100 hải lý có dấu vết dầu chìm và tích tụ.Trong đó 776 hải lý vùng có nồng độ dầu lắng xuống đáy cao đã được tẩy rửa bằng phương pháp thủ công hoặc máy mócNhững vùng nhiễm ít, không vượt quá sức tải của môi trường việc tẩy rửa không cần thiết để tránh làm tổn thương thêm môi trường.  
Các hoạt động thả phao cứu sinh cho các loài sinh vật biển.

Hình ảnh dầu phát tán trong Vịnh Mexico, thu gom dầu và các phao cứu sinh cho những con bồ nông nâu (brown pelicans ) [5] (nhìn hình 2 này thấy thương cho người dân VN, tay trần vớt và gom cá chết  ở thảm họa Vũng Áng).  

Sau 4 năm xảy ra thảm họa, đến tháng 4 năm 2104 cơ quan bảo vệ vùng bờ mới quyết định việc dừng thu gom dầu. Tuy nhiên, nếu trường hợp một thông báo nào đó gọi đến cho biết phát hiện ô nhiễm ở bất cứ vùng nào thì công tác thu gom cũng sẽ được tiến hành.

Các hoạt động ứng cứu gián tiếp
An toàn hải sản: BP cũng chi trả một khoản ngân sách là 25,5 triệu USD cho việc xét nghiệm 10.000 mẫu hải sản đánh bắt được trong vùng thảm họa và  48,5 triệu USD cho các hoạt động khuyến khích thúc đẩy liên quan đến thủy sản.
Khắc phục đối với du lịch: BP chi 179 triệu USD cho các hoạt động khuyến khích thúc đẩy du lịch, và 57 triệu USD cho các nhóm liên quan đến các hoạt động du lịch
Khắc phục thiệt hại kinh tế:
  • BP đã ngay lập tức đền bù 14 tỷ USD cho người dân vùng thảm họa.
  • Tài trợ 100 triệu USD thành lập quĩ  Baton Rouge Area Foundation để hỗ trợ những người bị mất việc do hoạt động khai thác dầu của BP bị chính phủ ra lệnh dừng.
  • Sau khi chi trả cho 2000 người, số còn lại là 82 triệu USD (từ 100 triệu) BP quyết định sử dụng cho Quỹ Future of Gulf Fund dựa trên cơ sở cộng đồng để duy trì và ổn định cũng như đào tạo nguồn nhân lực sau thảm họa.
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng: 30.000 mẫu khí được phân tích độc lập để theo dõi với tình trạng sức khỏe của công nhân. Hơn 30.000 công nhân đã được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe ngay sau khi thảm họa vừa xảy ra.
6.000 mẫu nước ở các vùng dân cư được phân tích. 15.000 mẩu không khí ở những cộng đồng dân cư vùng bờ biển đã được phân tích với 499.000 kết quả của hàng loạt các thông số khí độc.
Thêm vào đó còn có 874.000 kết quả quan sát về chất lượng không khí vùng dân cư và 319.000 kết quả quan sát chất lượng khí đối với vùng hoạt động của công nhân.
BP hỗ trợ 33,5 triệu USD cho các chi phí phân tích mẫu và 105 triệu USD như một phần đóng góp để thành lập chương trình y tế vùng Vịnh. Cũng như tài trợ 52 triệu USD để giúp đỡ chương trình y tế tâm thần của vùng.

Xác định lượng tồn lắng dầu trong môi trường:
Bước nghiên cứu 1:  Đánh giá tồn dư dầu ô nhiễm môi trường ngoài khơi. Báo cáo chi tiết vào tháng 12 năm 2010 cho biết từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2010, ngay sau thảm họa, đã có 25 tàu nghiên cứu hải dương học khác nhau hoạt động 850 ngày trên biển để thu mẫu nước và trầm tích. Đến tháng 10 năm 2010 đã có 17.000 mẫu nước được phân tích, kết quả không thấy nồng độ các chất ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép.
Bước nghiên cứu 2: Đánh giá mức  độ độc tính tiềm tàng trong nước và trầm tích. Báo cáo chi tiết tháng 7 năm 2011 cho biết 3500 mẫu nghiên cứu độc tố đã được phân tích. Dựa trên kết quả và xác suất thống kê 90% số mẫu không thể hiện độc tố. Tuy nhiên, tại nhiều vùng mẫu thu vào tháng 2 năm 2011 thì lại cho kết quả vượt ngưỡng do hiện tượng nước trồi, các chất ô nhiễm lắng xuống đáy đã được phát tán trở lại vào cột nước.
Bước nghiên cứu 3: Xác định tình trạng tồn dư ô nhiễm dầu vùng ven bờ và bờ biển. Báo cáo chi tiết vào tháng 2 năm 2011 là cơ sở giúp cho kế hoạch thực hiện các hoạt động làm sạch biển chủ yếu vùng ven bờ.
Bước nghiên cứu 4: Để xác định cụ thể những vùng biển mà ở đó tiềm tàng tồn lắng dầu ô nhiễm. Hiện tượng chất độc được tái phát tán từ đáy lên cột nước vẫn xuất hiện ở các mẫu nước một số vùng thu vào thời gian tháng 1 đến tháng 5 năm 2014. Hàng ngàn điểm nơi có lượng dầu tồn lắng đã được làm sạch
Như vậy BP đã phải chi trả hơn 29 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với thảm họa trong đó có xác định ô nhiễm, làm sạch môi trường, theo dõi sức khỏe, kiểm nghiệm hải sản, phụ trợ du lịch, và thiệt hại kinh tế cho người dân.
Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ 5 tiểu bang bị ảnh hưởng thảm họa đã đại diện người dân kiện BP ra tòa. Đến tháng 7 năm 2015, BP chấp nhận chi trả 18,7 tỷ USD cho đền bù thiệt hại trong vòng 18 năm.

3- Nghiên cứu đánh giá thiệt hại về tài nguyên/ Natural Resource Damage Assessment [6]

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền liên bang và các tiểu bang vùng thảm họa đã họp bàn và thành lập một Hội đồng Ủy thác Đánh giá Thiệt hại Tài nguyên/ Natural Resource Damage Assessment Trustees Council.  Các tổ chức liên bang gồm  National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA);  U.S Department of the Interior; U.S Environmental Protection Agencies, và U.S Department of Agriculture cùng với các cơ quan bảo vệ và phục hồi đới bờ, cơ quan quản lý các vườn quốc gia và động vật hoang dã, sở tài nguyên môi trường, cơ quan quản lý tài nguyên đất, cơ quan quản lý chất lượng môi trường, cơ quan bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vv… Từ đầu BP đã cam kết chi một khoản ngân sách 1.3 tỷ USD cho chương trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại tài nguyên ngày (NRDA). 
Nhiệm vụ của Hội đồng này là nghiên cứu đánh giá thiệt hại tài nguyên do thảm họa tràn dầu và tiếp tục đảm nhận thực hiện các chương trình khắc phục và tái tạo tài nguyên cũng như quản lý lâu dài để đảm bảo tài nguyên và sinh thái được phục hồi. Kết quả đánh giá thiệt hại cũng làm cơ sở bồi thường mà các bên liên quan phải có nghĩa vụ thực thi.
Hơn 240 dự án đã thực hiện, 100 chuyến khảo sát nghiên cứu, và hiện nay vẫn đang tiếp tục. Có 14 nhóm làm việc (Technical Working Groups)bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học từ các cơ quan liên bang, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác. Họ đã phát triển kế hoạch thực hiện các tài liệu hướng dẫn và các quy trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại và những phương pháp tối ưu thu thập dữ liệu. Mẫu nghiên cứu được gửi đến phòng thí nghiệm cụ thể do các thành viên của NRDA quyết định.  Số liệu được tổng hợp và quản lý tại cơ quan NOAA. Các hoạt động của họ cụ thể, liên ngành và từ chi tiết từng loại độc tố, từ tế bào đến cá thể sinh vật và rộng lớn đến hệ sinh thái và vùng biển. Từ những ảnh hưởng như khả năng sống sót, tốc độ sinh trưởng, sinh sản, sức khỏe, tình trạng lý-sinh, đến các quá trình và chức năng sinh thái, chất lượng và cấu trúc sinh cảnh sống. Mục đích để đưa ra một bức tranh đầy đủ về thiệt hại sinh thái. Các nhóm làm việc với các các hoạt động và kết quả:

Nhóm 1: Nghiên cứu về độc tố, nhóm này đã nghiên cứu đánh giá những biểu hiện/phản ứng của các loài sinh vật đại diện đối với ô nhiễm dầu và hóa chất. Và làm thí nghiệm để xác định liều lượng ảnh hưởng lên các loài mà có khả năng bị ảnh hưởng do dầu tràn và hóa chất.

Nhóm 2: Nghiên cứu các loại thực vật sống đáy như cỏ biển, những sinh cảnh nơi săn mồi của sinh vật, bãi đẻ và bãi tránh kẻ thù cho các loài cá, động vật khôn xương sống và chim. Nhóm này thực hiện bước đầu là phân tích các hình ảnh, mẫu vật, quan sát và lập bản đồ để xác định vùng tổn thương của thực vật tầng đáy. Ví dụ quan sát và theo dõi tình trạng sức khỏe của san hô sừng (tầng nước sâu) (Hình 2). Xác định 19 vùng có tiềm năng bị ảnh hưởng. Trong đó 14 vùng là tiềm năng bị phơi nhiễm dầu, và 9  vùng trong số này được chọn là vùng chú trọng. Bước tiếp theo là phân tích mẫu trầm tích, mô tế bào của thực vật, và động vật không xương sống cho kết quả 5 vùng bị ô nhiễm nặng bởi dầu.

Quá trình tổn thương lan rộng của san hô (sừng) vùng nước sâu. San hô bị phủ lượng dầu từ khi thảm họa xảy ra tháng 10 năm 2010 cho đến khi san hô bị các sinh vật cơ hội đóng bám lên bề mặt (do sức đề kháng yếu), và đến tháng 3 năm 2012 thì các nhánh của san hô đã bắt đầu bị rụng và san hô chết. Lưu ý rằng, họp báo ngày 22 tháng 8 tại Quảng Trị, ông chuyên gia Đức và các quan chức của chính phủ có nói là, đã san hô phục hồi, cá nhỏ đã về. Đó chỉ là khoa học viễn tưởng.

Nhóm 3: Nghiên cứu về hầu/oysters, hầu là loại hải sản có giá trị kinh tế của Vịnh. Hơn 150 vị trí được chọn làm điểm nghiên cứu. 9500 con hầu đã được thu thập và phân tích dư lượng độc tố, tình trạng bệnh tật và cấu tạo và chức năng của tuyến sinh dục. Mẫu nước cũng được nghiên cứu để định lượng các ấu trùng của hầu. Thu thập thông tin về mật độ sống và chết và sinh khối. Hơn 2500 mẫu trầm tích cũng đã được phân tích. Ước tính đã mất khoảng 4 đến 8,3 tỷ con hầu thuộc 3 thế hệ (7 năm).
Nhóm 4: Nghiên cứu về các hệ sinh thái ven bờ như rừng ngập mặn, đầm lầy, bùn cát, bãi cát nơi được đánh giá là các hệ sinh thái có vai trò như những vườn ươm, sinh cảnh sống để tránh bão, có chức năng chồng xói lở, là nơ cung cấp các hoạt động giải trí và còn có tác dụng kiểm soát ô nhiễm từ bờ: sử dụng các phương pháp khảo sát trên không và mặt đất/biển đánh giá mức độ nghiêm trọng va đặc biệt và thời gian bị phủ dầu. Hơn 4000 dặm bờ biển được khảo sát, phát hiện khoảng 1.100 dặm bị ô nhiễm dầu. Trong đó khoảng 220 dặm bị ô nhiễm nặng và khoảng 130 dặm bị ô nhiễm vừa. Những vùng khác bị nhiễm nhẹ. Cùng với những quan sát khoảng cách vuông góc với bờ biển nơi dầu ô nhiểm ngoài khơi các nhà nghiên cứu sẽ xác định mức độ ô nhiễm vùng bờ biển. Nhóm cũng dùng phương pháp khảo sát trên không và ảnh viễn thám để khảo sát sự phân bố của các loài rong nâu, loài có năng suất cao trong các loài rong biển và là loài phát triển tạo vùng rộng lớn của hệ sinh thái bề mặt của biển.
Nhóm 5: Nghiên cứu các loài sinh vật sống ở vùng cao triều. Những loài được quan tâm nghiên cứu là là các loài chuột sinh sống vùng bờ biển, rái cá, chồn, rùa và cá sấu. Quan sát và ghi chép các thông tin ngay từ khi thảm họa xảy ra.
Nhóm 6: Nghiên cứu về chim. Khảo sát và dựa vào tài liệu sẵn có đề có thông tin về mật độ và mức độ phong phú các loài chim biển và sinh cảnh sống của chúng. Dùng các loài chim sống vùng bờ đế xác định tỷ lệ chết của chúng trên các bải biển, đầm lầy. Nghiên cứu sự ành hưởng của các hydrocarbon vòng thơm lên khả năng bay nhảy, bơi lội, bắt mồi, di cư và sinh sản. Ước tính khoảng 51.600 đến 84.500 con chim từ 93 loài đã bị chết, thêm vào đó khoảng 4.600 đến 17.900 những con chim non bị chết trước khi đủ lớn để biết bay. Tổng cộng 8.567 con chim đã được thu thập ở phía bắc của Vịnh. Trong đó 1.423 con đại diện cho hơn 100 loài của vùng vịnh thuộc 5 tiểu bang đã phục hồi.
Nhóm 7: Nghiên cứu về những hoạt động kinh tế của con người liên quan đến vùng vịnh. Ước tính mất khoảng 16 triệu ngày công cho các họat động liên quan đến thuyền bè và đánh cá. Tổng thiệt hại cho các hoạt động giải trí là 693,2 triệu USD.
Nhóm 8: Nghiên cứu về các sinh vật sống trong tầng nước như động và thực vật phù du và các loài sinh vật có kích thước nhỏ những mắt xích quan trọng duy trì chuỗi thức ăn và cung cấp thức ăn cho thời kỳ ấu trùng của các loài sinh vật trong hệ sinh thái. Nhóm nghiên cứu này có trách nhiệm thu thập các chứng cứ liên về hóa, lý , sinh ngoài thực địa. Từ đó dùng mô hình 3-D thủy lực để xác định vùng và hướng phát tán của dầu và những chất hòa tan trong cột nước. Tổng số 2 đến 5 ngàn tỷ ấu trùng cá và 37 đến 68 ngàn tỷ ấu trùng động vật không xương sống bị giết do dầu.
Nhóm 9: Nghiên cứu hệ sinh thái ven bờ vùng dưới triều (trong bán kính 1 km từ bờ) bao gồm cả trầm tích, nền đáy và các sinh vật sống ở vùng này. Nhóm này dùng các bẫy để khảo sát sự hiện diện của dầu, hơn 2.900 bẫy đã được đặt ở các điểm cố định. Khi mẫu có sự hiện diện của dầu thì mẫu trầm tích sẽ được lấy và phân tích. Nhóm này làm việc cùng với nhóm nghiên cứu  về cá biển và nghiên cứu hệ sinh thái tầng nước nước
Nhóm 10: Nghiên cứu về cá biển (marine fish). Nhóm này nghiên cứu về sự phong phú của các quần thể cá bao gồm cả trứng và các giai đoạn con non ở những vùng bị ảnh hưởng và tiềm năng bị ảnh hưởng. Những loài động vật không xương sống là mồi ăn của cá cũng được phân tích xác định các loại độc tố hydrocarbons thơm đa vòng. Từ đó sẽ đánh giá thiệt hại lâu dài của thảm họa lên sinh khối và sản lượng thủy sản.
Nhóm 11: Nghiên cứu về các loài rùa biển. Đánh giá mức độ phơi nhiễm của rùa biển. Một nghiên cứu liên tục về tần suất xuất hiện và mức độ phân bố của chúng và mức độ phơi nhiễm với chất độc. Ước tính khoảng từ 4.900 đến 7.600 rùa con và rùa trưởng thành, và khoảng 55.000 đến 160.000 ấu trùng của rùa bị giết, và khoảng 35.000 con giống bị tổn thương.
Nhóm 12: Nghiên cứu về các loài động vật biển. Dùng tàu bè và các khảo sát trên không  để nghiên cứu sự phân bố, mức độ phơi nhiễm, cấu trúc quần thể và sinh cảnh sống của các loài động vật biển có vú. Sự hiện diện của các con mồi thuộc tầng sâu của biển. Thảm họa tràn dầu làm tăng tỷ lệ chết của cá heo biển lên 35% ở vùng vịnh Barataria, 46% tăng nguy cơ về vấn đề sinh sản, 37% có biểu hiện về tình trạng sức khỏe không bình thường. Những yếu tố này dẫn đến khả năng giảm kích thước quần thể cá heo là 51%, và nếu không có sự trợ giúp của con người thì phải mất 39 mới phục hồi được. Đối với cá voi, số lượng tinh dịch của những cá voi bị ảnh hưởng được ghi nhận giảm 7%, điều này đòi hỏi phải mất 21 năm mới khôi phục được. Với loài cá voi Bryde, 48% quần thể loài này bị ảnh hưởng do dầu tràn dẫn đến giảm 22% kích thước quần thể và phải mất 69 năm mới khôi phục được
Nhóm 13: Nghiên cứu về hệ sinh thái biển sâu (>200 feets) bao gồm cả san hô (sừng) vùng biển sâu. Điều tra và xây dựng bản đồ phân bố và phát tán của dầu và độ vùi lấp của dầu trong nền đáy thềm lục địa. Đồng thời khảo sát và xây dựng bản đồ hệ sinh thái nền đáy (cứng/mềm) dọc theo vùng bờ biển bị thảm họa. Thu thập và phân tích các mẫu trầm tích  và các mô tế bào của sinh vật để phân tích mức độ phơi nhiễm làm cơ sở chuẩn đóan những ảnh hưởng. Công cụ là các thiết bị điều khiển từ xa và tự động hóa dưới nước cũng như các thiết bị khác trên tàu nghiên cứu. Kết quả khảo sát cũng cho biết 1994 km2 (770 hải lý vuông) đáy biển vùng xung quanh giếng cháy nổ bị ảnh hưởng do nhiệt.
Nhóm 14: Nghiên cứu về các hệ sinh thái san hô (đá vôi) tầng nước nông. Truy cập các hình ảnh, video thu thập từ  các hoạt động quan trắc san hô trước đây đề so sánh. Dùng các thiết bị bán màng lọc để quan trắc chất lượng nước và trầm tích, đồng thời sưu tập bộ mô tế bào. Hàng trăm mẫu đã được thu thập ghi nhận không có bằng chứng phơi nhiễm dầu, các chất phân tán hoặc những phản ứng khác thường của san hô.
Bước đầu của tiến trình đánh giá thiệt hại tài nguyên sinh thái môi trường được thực hiện là giai đoạn tiền đánh giá (pre-assessment). Ở giai đoạn này, những thông tin và số liệu có tính nhạy cảm về thời gian phải được tiến hành thu thập (để không mất dấu tích và bị bỏ qua sau này). Trong giai đoạn này các hoạt động phục hồi tái tạo cũng bắt đầu tiến hành đồng thời tại những địa điểm có thể, những hoạt động tái tạo phục hồi này được gọi là các dự án tiền khắc phục (early restoration). Giai đoạn tiếp theo là xác định mức độ và vùng ảnh hưởng, từ đó sẽ làm tiền đề để lập kế hoạch tái tạo phục hồi trên diện rộng [7].  

4- Các chương trình thực hiện tái tạo phục hồi các hệ sinh thái và các loài sinh vật biển [8]

Từ kết quả đánh giá thiệt hại tài nguyên sinh thái và môi trường, Hội đồng Ủy thác đã phát triển kế hoạch để khắc phục thảm họa bằng các hoạt động tái tạo phục hồi dựa trên phương thức tái tạo phục hồi hệ sinh thái một cách tổng hợp với 5 tiêu chí:
  • Phục hồi và bảo tồn các sinh cảnh sống/ Restore and Conserve Habitat
  • Phục hồi chất lượng nước/ Restore Water Quality
  • Tái tạo và bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển và vùng bờ/Replenish and Protect Living Coastal and Marine Resources
  • Cung cấp và tăng cường cơ hội giải trí/ Provide and Enhance Recreational Opportunities
  • Cung cấp quan trắc, quản lý phù hợp, giám sát quản trị và hỗ trợ việc thực hiện phục hồi và tái tạo/Provide for Monitoring, Adaptive Management, and Administrative Oversight to Support Restoration Implementation
38 địa điểm được chọn lựa để thực hiện các dự án phục hồi

13 kiểu phục hồi và ngân sách yêu cầu:
  • Phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng bờ (coastal) và vùng cận bờ (nearshore): ~4,7 tỷ USD
  • Phục hồi và tái tạo các vùng dự áng về bảo vệ các sinh cảnh sống cấp liên bang: 75,5 triệu USD
  • Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ: 110 triệu USD
  • Phục hồi chất lượng nước: 300 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài cá và động vật không xương sống sống trong tầng nước (pelagic): 400 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài cá tầm: 15 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài rùa: hơn 212 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài thực vật sống đáy: 22 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài động vật biển: 144 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài chim: hơn 501 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các loài hầu: hơn 200 triệu USD
  • Phục hồi và tái tạo các quần xã sinh vật sống vùng biển sâu và vùng bán sâu: 273 triệu USD
  • Phục hồi các hoạt động giải trí: hơn 131 triệu USD
Việc phục hồi các hệ sinh thái là rất tốn kém so với việc phục hồi đồi với từng loài.

Ngoài ra BP còn phải chi trả hơn 800 triệu USD cho việc cung cấp quan trắc, quản lý phù hợp, giám sát quản trị và hỗ trợ việc thục hiện phục hồi và tái tạo, và 700 triệu USD cho những ứng phó thảm họa ở những điều kiện không cụ thể khác.
Trong 5 năm từ sau thảm họa, giai đoạn tiền khắc phục (phục hồi và tái tạo), đã có 5 dự án triển khai ở bang Taxas với ngân sách là 19 triệu USD; 4 dự án ở bang Louisiana với ngân sách là 370 triệu USD; 7 dự án ở bang Mississippi với ngân sách là 83 triệu USD; 7 dự án ở bang Alabama với ngân sách là 108 triệu USD; và 34 dự án ở bang Florida với ngân sách là 118 triệu USD [9].
Báo cáo tháng 4 năm 2016 của Hội đồng ủy thác cho biết, tổng ngân sách cho các chương trình phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái và các loài sinh vật bị ảnh hưởng thảm họa dầu tràn là 8,1 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ sử dụng cho công việc tái tạo phục hồi giai đoạn đầu, và 700 triệu USD cho những thiệt hại mà điều kiện không cụ thể.Như vậy, BP sẽ còn phải chi trả 7.8 tỷ USD cho hoạt động này.

5- Chương trình nghiên cứu lâu dài/ Gulf of Mexico Research Initative/GoMRI

Ngay sau 1 tháng khi xảy ra thảm họa, ngày 24 tháng 5 năm 2010 BP đã cam kết chi một khoản 500 triệu USD cho 10 năm công việc nghiên cứu đánh giá tác động ảnh hưởng và tái phục hồi sinh thái và môi trường. Một tổ chức có tên Sáng kiến Nghiên cứu Vịnh Mexcio (Gulf of Mexcio Research Initative/GoMRI) đã được thành lập. Là một tổ chức độc lập với BP và chính phủ Hoa Kỳ (vì BP và chính phủ Hoa Kỳ là đối tác của hợp đồng thương mại khai thác dầu ở Vịnh Mexcio). Chương trình nghiên cứu độc lập này  GoMRI được đặt trong Viện nghiên cứu Vịnh và đới bờ của liên bang. Tiến sỹ Rita Colwell, người đã có kinh nghiệm làm lãnh đạo của Quỹ khoa học quốc gia (National Science Foundation), một tổ chức xã hội dân sự được chọn làm giám đốc của chương trình này.

Mục đích của GoMRI
1) Nâng cao năng lực xã hội để hiểu biết, ứng phó và giảm thiểu những ảnh hưởng của ô nhiễm tràn dầu cũng như những ảnh hưởng liên đới.
2) Nhận thức và hiểu biết thực hiện công cuộc tái tạo và cải thiện tình trạng môi trường vịnh.

Các chương trình tài trợ thông qua GoMRI bao gồm [10]
  • Chương trình nghiên cứu 1 năm: thành lập tháng 6 năm 2010 với ngân sách là 45 triệu USD, mục đích là một quỹ nghiên cứu nhằm thành lập cơ sở dữ liệu nền tảng cho các nghiên cứu sau này, đồng thời nghiên cứu và theo dõi tình trạng sức khỏe của các công nhân và những tình nguyện viên tham gia trong các hoạt động ứng phó thảm họa.
  • Chương trình nghiên cứu 2-4 năm: thành lập vào tháng 8 năm 2011 với ngân sách là 110 triệu USD cho mục đích nghiên cứu điều tra những dấu vết của dầu trong môi trường; ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu; phát triển các công cụ và phương pháp thúc đẩy việc loại bỏ những ảnh hưởng và tái khắc phục hậu quả; mô hình hóa để đánh giá sự phát tán của dầu ảnh hưởng lên các hệ sinh thái. Các nghiên cứu đến từ 60 viện trường của 27 tiểu bang của Hoa Kỳ và 5 quốc gia khác.
  • Chương trình nghiên cứu 3-5 năm: thành lập tháng 8 năm 2012 với ngân sách là 18,5 triệu USD cho 19 cá nhân. Các nghiên cứu triển khai các nghiên cứu mà ở các nghiên cứu trước còn chưa được đầy đủ.
  • Chương trình nghiên cức bắc cầu: thành lập tháng 7 năm 2011 với ngân sách là 1,5 triệu USD cho 17 dự án để tiếp nối việc điều tra và khảo sát lấy mẫu trong khi các dự án 2-4 năm đang vào giai đoạn xem xét đánh giá.
  • Chương trình nghiên cứu 5-7 năm: thành lập tháng 1 năm 2015, với ngân sách là 140 triệu USD cho 12 dự án tập trung vào xây dựng các mô hình sinh thái và tái phục hồi.
  • Chương trình nghiên cứu 6-8 năm: thành lập vào tháng 1 năm 2016, với ngân sách là 38 triệu USD cho các dự án nghiên cứu ảnh hưởng của dầu lên các hệ sinh thái vùng vịnh và sức khỏe công cộng giai đoạn hậu thảm họa. Hiện đã có 22 đề cương nghiên cứu được tài trợ.

Qui mô và sản phẩm của GoMRI
Đã có 3.941 nhà nghiên cứu đến từ 286 Viện/Trường của 20 quốc gia đồng hành và đóng góp với GoMRI cho mục đích hiểu rõ hơn tình trạng của vịnh làm cơ sở cho việc phục hồi và quản lý.
Cho đến nay GoMRI đã có 784 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học: năm 2010 có 4 bài; năm 2011 có 22 bài; năm 2012 có 70 bài; năm 2013 có 132 bài; năm 2014 có 216 bài; năm 2015 có 181 bài; năm 2016 có 148 bài và 11 bài đã được chấp nhận nhưng chưa công bố.

Các nghiên cứu thuộc 5 lĩnh vực và các bài báo khoa học
  • Các nghiên cứu về động lực học và khí tượng hải dương để đánh giá sự di chuyển và phát tán của dầu vào môi trường (cả trên mặt nước, trong cột nước và trầm tích). Có 66 dự án thuộc chủ đề này và đã có 445 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí.
  • Các nghiên cứu về sự biến đổi hóa học cũng như quá trình tự phân hủy sinh học của dầu và hóa chất cũng như sự tương tác của chúng lên các hệ sinh thái. 75 dự án đã triển khai và có 220 bài báo khoa học.
  • Các nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường của dầu lên các hệ sinh thái ven bờ, đáy, và các tầng nước. Có 132 dự án đã triển khai và 313 bài báo khoa học đã công bố.
  • Các nghiên cứu phát triển công nghệ để nâng cấp các phương pháp ứng phó với thảm họa. Có 46 dự án đã thực hiện và 246 bài báo đã được đăng ở các tạp chí.
  • Các nghiên cứu về ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu lên sức khỏe. Có 15 dự án và đã công bố 55 bài báo khoa học.
Ghi chú: Tổng cộng có 784 bài báo và 236 dự án. Tuy nhiên có những bài báo và dự án nằm ở 2 hoặc 3 chủ đề và lĩnh vực.
Các chương trình nghiên cứu chuyên sâu cho từng mục đích, từng lĩnh vực và giai đoạn cụ thể song hành cùng với các hoạt động đánh giá thiệt hại tài nguyên và phục hồi trên qui mô lớn mang tính “cài răng lược” để tối đa hóa những hiểu biết của con người về thảm họa và và những kế hoạch phục hồi.

6- Bài học nào cho thảm họa Formosa- Vũng Áng ở Việt Nam

Về công bố thảm họa
  • Cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ đã ngay lập tức thông cáo vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico là thảm họa, từ đó sẽ thúc đấy tính cấp thiết trong việc ứng phó và cứu hộ cứu sinh về người và môi trường. Chính quyền VN cần phải nhìn nhận thảm họa môi trường ở Vũng Áng do Formosa là một thảm họa quốc gia thay vì “hạ nhiệt” nó bằng cách đưa tin là “sự cố”. Chính điều này đã làm “áp suất” của lòng dân càng phẫn nộ bằng những cuộc biểu tình đòi minh bạch thông tin. Ngoài việc, bị người dân và quốc tế nghi ngờ sự minh bạch, chính quyền VN và các cơ quan chức năng còn bị đánh giá là thiếu hiểu biết và tầm nhìn hoặc “bị bệnh mù màu” về các thảm họa môi trường. Và hơn nữa là sẽ rất nguy hại kéo theo các hành động ứng phó và khắc phục không tương xứng. Hậu quả môi trường và hệ sinh thái vùng thảm họa bị bỏ rơi và càng trở nên nguy kịch.

Thiếu một hệ thống/mạng lưới ứng phó thảm họa
  • Thiếu một Trung tâm ứng phó quốc gia và mạng lưới kết nối giữa Trung tâm Ứng phó Quốc gia và những đại diện/ focus point của các cơ quan có chức năng liên quan biển. Trong khi đó ở Hoa Kỳ, Trung tâm ứng phó quốc gia là nơi thu nhận và ghi chép đầy đủ thông tin từ mọi nguồn báo về (vùng nào thấy xuất hiện dầu, vùng nào có sinh vật chết). Từ đó sẽ điều phối các cơ quan đại diện/focuss points truyền thông điệp cho cơ quan bảo vệ bờ biển triển khai các hoạt động ứng cứu cho từng vùng cụ thể.
  • Nếu các cơ quan biên phòng đóng ở các tỉnh có một bộ phận/người làm đại diện (focuss point), thì người dân chỉ cần báo vụ việc cho đại diện tại vùng. Đại diện tại vùng này sẽ báo về Trung tâm ứng phó quốc gia. Và từ Trung tâm ứng phó quốc gia sẽ kết nối với tất cả các đại diện trong mạng lưới và ngay lập tức cùng nhau triển khai ứng phó.
  • Chính vì các cơ quan liên quan không hoạt động đầy đủ chức năng và cũng thiếu một hệ thống ứng phó quốc gia, vùng và địa phương nên VN không hề có cơ sở dữ liệu từ mọi nguồn cung cấp như ở Hoa Kỳ để có bức tranh  đầy đủ về thảm họa, và như thế có muốn ứng phó cũng đành bó tay.

Thiếu thông tin về thảm họa
  • Cho đến nay hầu hết tất cả những thông tin về thảm họa của người dân đều không được chính quyền các cấp ghi nhận (chỉ được phản ánh qua facebook hoặc blog). Điều này dẫn đến tình trạng hiểu biết về thảm họa là rất thiếu hụt. Nguy hiểm hơn là những kế hoạch khắc phục cũng sẽ thiếu hụt, không hiệu quả hoặc thậm chí là chệch hướng. Tại Hoa Kỳ, khi thảm họa tràn dầu xảy ra ngay lập tức Trung tâm Ứng phó Quốc Gia đã là nơi ghi nhận tất cả những thông tin về địa điểm và mức độ của dầu, của sinh vật và tình trạng sức khỏe của con người, lưu trữ và lập dữ liệu phục vụ kế hoặc ứng phó và đánh giá mức độ thiệt hại cũng như triển khai kế hoạch phục hồi.
  • Việc bỏ qua các thông tin phản ánh của người dân về các biểu hiện và dấu tích liên quan đến thảm họa, là một cách làm không khôn ngoan của chính quyền. Vừa không tận dụng nguồn lực rộng lớn không phải trả công từ người dân, nguồn nhân lực có thể quan sát môi trường theo từng giờ ở mọi nơi với thông tin sâu sát và đầy kinh nghiệm. Không những thế còn thể hiện tính ngạo mạn coi thường đóng góp của người dân và quyền độc tài về thông tin.
  • Chính điều này, với 100 nhà khoa học tham gia đánh giá xác định nguyên nhân thảm họa, thông tin đưa ra vẫn luôn thiếu hụt so với những quan sát của người dân. Ví dụ rất nhiều thông tin của người dân trên facebook và blog cho biết, chim chết nhiều, nhiều nơi rừng ngập mặn chết. Trong khi đó chính quyền côn bố chỉ có san hô bị ảnh hưởng. Vì thế càng đẩy chính quyền vào tình thế bị đánh giá là không có đủ trình độ, không minh bạch và cố tình bao che cho Formosa.

Sự yếu kém và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng của chính quyền
  • Khi thảm họa xảy ra đã từ đầu tháng tư, các trang blog và facebook đã đưa tin rất nhiều, nhưng không hề thấy sự xuất hiện tiếng nói nào của các cơ quan từ phòng/sở chuyên ngành ở cấp địa phương. Chỉ đến khi người dân phản ánh với các nhà báo, sự việc mới được đưa ra công luận.
  • Khi thông tin của báo chí nói về cá nuôi và cá biển chết nhiều, chính quyền trung ương vẫn “túc tắc” giao cho Bộ NN&PTNT, và chỉ cử một đoàn nghiên cứu bệnh cá đi khảo sát. Cá tự nhiên chết nhiều, và nhiều loài cá cùng chết, thì khó có thể nhận định là cá chết do bệnh.
  • Ở Việt Nam có Tổng cục Biển đảo, các Viện Nghiên cứu Biển, Hải dương khắp ba miền và các cơ quan biên phòng dọc các tỉnh có biển là những cơ quan phải có trách nhiệm hàng đầu đối với các vấn đề về biển và bờ biển. Nhưng khi thảm họa xảy ra, không hề thấy các cơ quan này có bất cứ hành động nào thể hiện trách nhiệm của mình như cơ quan Bảo vệ bờ biển/Coast Guard, Viện Nghiên cứu Vịnh và Đới bờ liên bang cũng như ở tiểu bang của Hoa Kỳ.
  • Các Viện và cơ quan liên quan ở VN hình như chỉ chờ và cầu may xem liệu có được chính phủ cho tham gia vào đoàn công tác hay không. Trong khi đó các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ ngay lập tức tổ chức để hình thành một Hội đồng ủy thác đảm nhận việc đáng giá ảnh hưởng và thiệt hại sinh thái
  • Qua đấy cũng cho thấy sự phân quyền về chức năng và trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính quyền là không cụ thể hoặc do hệ thống quản lý theo kiểu tập trung dân chủ nên các cơ quan dưới bộ gần như không có quyền và phải bất động trước mọi vấn đề thuộc chuyên môn và trách nhiệm. Và dưới mắt người dân họ trở thành những cơ quan chỉ biết sài tiền thuế của dân mà vô trách nhiệm được giao.

Thiệt hại kép về môi trường và tài nguyên sinh thái
  • Cho đến nay đã 5 tháng từ sau khi thảm họa xảy ra, nhưng hiện giờ chưa thấy có bất cứ động tĩnh nào hình thành một ủy ban liên ngành (như Hội đồng Ủy Thác Đánh giá thiệt hại Tài nguyên sinh thái ở Hoa Kỳ) để đánh giá những thiệt hại và phục hồi sinh thái.
  • Việc khẩn trương thành lập Hội đồng Ủy thác để đánh giá và phục hồi hệ sinh thái và các nguồn tai nguyên như Hoa Kỳ đã làm, sẽ huy động được lực lượng chuyên môn từ các chuyên ngành khác nhau để đảm trách công việc phức tạp và rất rộng này.
  • Hội đồng Úy thác này bao gồm các thành viên là đại diện của các cơ quan chức năng, và thông qua những đại diện này, việc sử dụng các máy móc, thiết bị và cơ sở vật chất của chính các cơ quan này cho việc phân tích và đánh giá. Mọi yêu cầu công việc sẽ được xử lý đến tận gốc cho từng vấn đề cụ thể. Như thế đã lôi kéo không chỉ những thành viên trong Hội đồng Ủy thác và chính là cả các cơ quan chức năng đó đã cùng vào cuộc. Mở rộng và trao trách nhiệm xử lý thảm họa trên diện rộng và thuận lợi cho việc tham gia vào công việc. Xã hội hóa đóng góp và trách nhiệm trước những vấn đề của quốc gia.
  • Việc hình thành Hội đồng Ủy thác này còn có một ý nghĩa quan trọng đó là tăng cường sự tương tác đồng thời cũng tạo ra sự giám sát việc thực thi công việc giữa các cơ quan chức năng thông qua các cá nhân trong Hội đồng Ủy thác. Từ đó thúc đẩy tối ưu trách nhiệm và sự minh bạch về cách tiến hành và công việc sẽ hiệu quả cao. Còn tránh được sự độc quyền và bưng bít thông tin.
  • Việc khẩn trương đánh giá thiệt hại sinh thái, và giai đoạn đầu tập trung vào các vấn đề có tính nhạy cảm về thời gian như Hội dồng Ủy thác thục hiện ở Vịnh Mexico đã giảm thiểu việc mất dấu tích do ảnh hưởng điều kiện tự nhiên. Việc chậm trễ đánh giá thiệt hại ở thảm họa Formosa Vũng Áng, sẽ rất nguy hiểm khi dấu vết chất độc trên bề mặt đáy biển đã bị sóng, dòng hải lưu xóa mờ, hoặc bị bùn cát lấp phủ trong khi đó chất độc vẫn bị chôn vùi trong bùn cát/trầm tích mà không quan sát được. Dẫn đến những chỗ này sẽ bị bỏ sót khi khảo sát. Và cũng sẽ bị bỏ qua trong kế hoạch khắc phục hậu quả.
  • Việc khẩn trương đánh giá thiệt hại như Hoa Kỳ thực hiện, giúp ngay lập tức phát hiện ra những khu vực hoặc các loài sinh vật cần phải được cứu nạn khẩn cấp và triển khai phục hồi sớm tránh tình trạng bị kéo dài phơi nhiễm dẫn đến diệt vong.
  • Việc phân chia thành những nhóm làm việc khác nhau (technical working groups) đảm nhận trách nhiệm cho từng vùng, từng kiểu sinh thái, hoặc từng loài sinh vật nhạy cảm và đặc thù, không chỉ tránh sự chồng lấn về trách nhiệm và công việc, mà còn có ý nghĩa là mọi khía cạnh về môi trường và tài nguyên sẽ được khảo sát và đánh giá. Cơ sở quan trọng cho kế hoạch phục hồi đảm bảo trả lại hiện trạng tự nhiên ban đầu.
  • Việc tổ chức Hội đồng Ủy thác liên ngành đánh giá nhanh thiệt hại và phục hồi sinh thái và tài nguyên nhằm mục đích là giảm thiểu tối đa sự biến đổi sinh thái theo chiều hướng thuận lợi cho các loài cơ hội phát triển và chiếm lĩnh, và hướng đến mục tiêu phục hồi hệ sinh thái đa dạng sinh học, nhiều chức năng.
  • Việc thiếu các xét nghiệm chuyên sâu và chuẩn hóa về hàm lượng gây chết của độc tố sẽ không có cơ sở để đánh giá thiệt hại lâu dài của thảm họa lên các hệ sinh thái và cụ thể các loài sinh vật. Từ đó việc đánh giá thiệt hại sinh thái sẽ không sát thực và càng không thể đề xuất bất cứ kế hoạch tẩy rửa chất độc hay phục hồi sinh thái khả thi nào.
  • Việc không tổ chức ứng phó thảm họa và đánh giá nhanh thiệt hại sinh thái sẽ không có cơ sở để lập kế hoạch vùng nào cần phải áp dụng các biện pháp làm sạch/tầy rửa, vùng nào không cần phải áp dụng các biện pháp này. Do không có những đánh giá chi tiết và thiếu những nghiên cứu sâu, nên chính quyền chỉ đế cập rằng cần phải tẩy rửa đáy biển cho một diện tích 15 km ngang (từ bờ ra ngoài khơi) và hơn 200 km dài (dọc theo bờ biển 4 tình bị thảm họa). Việc này vừa lãng phí tiền bạc và nhân lực vừa gây thêm thảm họa cho những vùng không cần thiết phải tẩy rửa.
  • Việc không hoặc chậm trễ trong việc đánh giá thiệt hại sinh thái dẫn đến một loạt vấn đề nêu trên sẽ đẩy dân tộc, đặc biệt là người dân trong vùng thảm họa chịu một sự thiệt hại kép và sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ và có thể phục hồi lại được không.
  • Việc BP phải trả một khoản kinh phí lên đến 8,8 tỷ USD cho khoản mục đánh giá thiệt hại và phục hồi sinh thái còn thể hiện trách nhiệm của một nhà đầu tư, sự trả giá và sự ăn năn của tội phạm môi trường

Thiệt hại về sử dụng nguồn nhân lực và tính kế ước trong khoa học 
  • Việc thành lập Chương trình Sáng kiến Nghiên cứu Vùng Vịnh Mexico (Gulf of Mexico Research Initative-GoMRI) như ở Hoa Kỳ, và trách nhiệm kinh phí từ BP không chỉ giúp phụ trợ cho các khảo sát nghiên cứu đánh giá thiệt hại sinh thái của Hội đồng Ủy thác, nó còn giúp cung cấp những dẫn liệu khoa học chuyên sâu củng cố những kết quả đánh giá thiệt hại và thẩm định kế hoạch phục hồi tái tạo.
  • Việc phân chia các chương trình nghiên cứu 1 năm, 2-4 năm, 3-5 năm, 6-8 năm những chương trình nghiên cứu bắc cầu/nối tiếp với những chủ đề cụ thể cho từng giai đoạn đối mặt với thảm họa. Từ những ưu tiên nghiên cứu về tương tác dòng hải lưu, thủy triều, sóng, gió và cả bão để xác định đường hướng di chuyển và phát tán của dầu vào tầng nước, đáy biển, vùng cửa sông và đất liền, đến những nghiên cứu sự biến đổi cấu trúc và độc tính của hóa chất, những biểu hiện bất thường của các sinh vật sau thảm họa, và tiếp tới là những nghiên cứu phục vụ công tác phục hồi tái tạo. Việc các chương trình nghiên cứu sâu song hành với từng bước với chương trình đánh giá thiệt hại và phục hồi tái tạo sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả phục hồi hệ sinh thái và tài nguyên dựa trên cả khoa học và thực tế.
  • Chương trình GoMRI được thành lập độc lập đã mở ra sự chào đón nguồn nhân lực không chỉ trong vùng thảm họa, Hoa Kỳ mà còn tận dụng được nguồn nhân lực và chất xám từ các quốc gia khác (hơn 3000 nhà khoa học từ 20 quốc gia, trong 6 năm đã công bố được gần 800 kết quả nghiên cứu). Thảm họa tràn dầu Mexico, thảm họa Formosa Vũng Áng hay bất cứ thảm họa môi trường nào trên thế giới cần phải huy động nguồn lực trí thức từ khắp các quốc gia. Vì thế cần phải lập một ủy ban nghiên cứu độc lập như Hoa Kỳ đã làm may ra VN mới thu hút được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, kiến thức và trang thiết bị để tiến hành hiệu quả đối với thảm họa Formosa Vũng Áng.
  • Việc xét dyệt tài trợ các chương trình nghiên cứu như GoMRI sẽ thúc đẩy sự đa dạng hóa các ý tưởng khoa học, tính độc lập trong khoa học, và quan trọng là sẽ không trùng lắp và các nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí thế giới là cách chính quyền Hoa Kỳ và BP thực hiện nghĩa vụ minh bạch về số liệu. Điều này rất khác với việc VN mời một số chuyên gia quốc tế tham gia vào đoàn xác định nguyên nhân thảm họa như đã thực hiện, thay vì để tự họ có những sáng kiến khoa học độc lập. Việc mời chuyên gia như chính quyền VN đã làm mang tính chất đối phó và kiểu “lấy vải màn che mắt thánh” nên đã không thuyết phục được người dân.
  • Việc thành lập một GoMRI còn có ý nghĩa đánh giá tư cách và năng lực của những người lãnh đạo Hoa Kỳ và tập đoàn BP, bởi những công trình, kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ mục tiêu khắc phục thảm họa trước mắt mà còn thực hiện trách nhiệm về kế ước trong khoa học. Nếu không có các nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu như GoMRI thì nhân loại sẽ không được kế thừa những bài học và kiến thức từ thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico. Vì vậy chính quyền VN cần phải để giới khoa học thành lập một ủy ban nghiên cứu độc lập, thu hút trí thức của cả thế giới để vừa cứu các hệ sinh thái và tài nguyên vừa làm tròn trách nhiệm kế ước tri thức của nhân loại. 
  • Việc BP chi trả một khoản ngân sách 37 triệu USD để xây dựng, duy trì và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thảm họa vùng Vịnh không chỉ để phục vụ qua trình đánh giá thiệt hại, kế hoạch phục hồi mà còn đạt mục đích thực hiện trách nhiệm tính kế thừa tri thức của nhân loại.

Những hành động nguy hiểm của chính quyền
  • Không chỉ làm sai lệch bản chất sự việc bằng cách công bố là “sự cố” thay vì là thảm họa. Chính quyền VN đã không có bất cứ cảnh báo nguy hại như đóng cửa bãi biển như chính quyền Hoa Kỳ đã làm khi thảm họa xảy ra ở Vịnh Mexico. Khi thảm họa xảy ở mức hàng trăm tấn cá chết, trên một diện tích rộng như thế, cho dù chưa rõ nguyên nhân, thì ngay tức khắc phải có những cảnh báo. Chính quyền VN đã không có bất cứ cảnh báo nào, và cũng không có những chương trình truyền thông thông tin để người dân tránh phơi nhiễm với các nguồn có khả năng mang chất độc, và cần phải có đồ bảo hộ khi tiếp xúc. Nhìn người dân tay trần gom cá chết thấy đắng ngắt. Đã thế các quan chức còn trình diễn ăn cá và tắm biển. Hành động này vừa phản cảm, vừa ngu xuẩn và còn rất bất nhân.
  • Việc không minh bạch danh sách hóa chất mà Formosa đã sử dụng (theo danh pháp hóa chất thay vì theo tên thương mại), làm cơ sở tiến hành xác định phương pháp thu mẫu và phương pháp phân tích mẫu cùng các trang thiết bị yêu cầu đặc thù cho từng tác nhân (chất độc) thì việc nghiên cứu xác định nguyên nhân thảm họa chẳng qua chỉ là một kiểu „đánh trồng múa lân“ vô thưởng vô phạt.
  • Việc họp báo ngày 27 tháng 4 Bộ TNMT cho rằng, 2 nguyên nhân gây cá chết là do thủy triều đỏ và chất độc từ việc xả thải của con người mà không phải do Formosa đã đẩy lên sự bất bình của giới chuyên môn. Ngay tức khắc, các nhà khoa học đã bác bỏ ngay nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ. Và có nhà khoa học còn phản biện rằng nguyên nhân thứ 2 mà chính quyền đưa ra là một cách làm ngược với quốc tế của chính quyền trong việc tuy tìm nguồn thải.
  • Chính quyền VN đã có những công bố nguy hiểm khi cho rằng chỉ hệ sinh thái san hô bị ảnh hưởng. Điều này là không thể chấp nhận khi các hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn, đất ngập nước (chủ yếu vùng cửa sông), các hệ sinh thái bùn cát, hệ sinh thái bãi biển, hệ sinh thái đá và nền đá cùng một vùng nước bị chất độc xả và quét qua mà lại không bị ảnh hưởng. Việc công bố này của chính quyền chỉ làm tăng thêm sự bất tín của chính quyền trong con mắt người dân.
  • Việc công bố chỉ có san hô bị ảnh hưởng, không chỉ phản khoa học, mà điều này sẽ dẫn đến việc bỏ qua các nghiên cứu đánh giá thiệt hại chi tiết ở những hệ sinh thái khác ngoài san hô.. Và nguy cơ nhiều loài sinh vật và nhiểu sinh cảnh sống đặc thù sẽ bị giết vĩnh viễn và hoặc thay đổi theo chiều hướng tiêu cực do không được nhìn nhận ảnh hưởng và sẽ dẫn đến không có các hoạt động khắc phục để thúc đầy phục hồi tái tạo.
  • Việc chính quyền VN công bố tại họp báo rằng môi trường biển đã sạch, san hô đã phục hồi trở lại, đã xuất hiện cá con…. Có mấy vấn đề nguy hiểm từ tuyên bố này: 1) Biển sạch: chính quyền VN đã đang đánh đồng biển sạch ở tầng nước với vùng còn ô nhiễm ở tầng đáy và trong các hệ sinh thái. Nước biển do có thể được làm sạch bằng các dòng hải lưu nhưng chất độc trong trầm tích và tích tụ trong cơ thể san hô và thân rẽ của các loài thực vật thì không thể một sớm một chiều nếu không nhờ vào quá trình tự phân hủy sinh học (biological degradation). Các mẫu phân tích ở Vịnh Mexico gần đây vẫn cho thấy vẫn còn ô nhiễm của dầu. Biển đang bị ảnh hưởng nặng nề, các sinh vật đều đang bị tổn thương chưa phục hồi được lấy đâu ra mà thực hiện chức năng sinh thái của chúng. 2) San hô đã phục hồi sau 4 tháng thảm họa, chuyện khoa học viễn tưởng chỉ có ở VN. Công bố như thế, chính quyền VN chỉ chuốc lấy sự bất bình và coi khinh từ giới chuyên môn. 3) San hô phục hồi cá nhỏ đã xuất hiện: việc công bố này rất dễ phạm sai lầm. Xét dưới góc độ chuyên môn, điều này đáng lo hơn là đáng mừng. Bởi sự xuất hiện của các đàn cá nhỏ này rất có thể là những loài cơ hội (opportunitist), những loài dễ thích ứng (tolerant), ít có giá trị kinh tế và không có chức năng sinh thái, sau thảm họa đã phát sinh nhanh chóng chiếm đoạt không gian của các loài bản địa và quan trọng trước đây, và cản trở sự phát triển đa dạng sinh học. Và nếu thế thì có thể khẳng định rằng các hệ sinh thái bản địa đã bị thay đổi hoàn toàn sang một dạnh sinh cảnh khác kém giá trị và không bền vững.
  • Việc giới hạn báo chí đưa tin, và nhiều bài viết trên các trang blog và facebook rằng nhiều cá nhân đã bị gây khó dễ và không thể có cơ hội thực hiện các chuyến khảo sát vùng thảm họa càng làm cho người dân bất bình và bất tín với chính quyền.
  • Nhiều bài viết chia sẻ trên facebook và blog cũng cho biết nhiều người dân đã bị từ chối dịch vụ khám chữa bệnh khi có có biểu hiện phơi nhiễm, và bỏ qua điều tra trường hợp những công nhân và thợ lặn của Formosa đã chết ngay sau thảm họa xảy ra càng đẩy chính quyền Việt Nam không những chỉ người dân trong nước mà cả quốc tế đánh giá là chính quyền bất nhân, mà còn bị lên án vi phạm quyền con người theo hiến pháp của VN và các điều khoản về nhân quyền của Liên hiệp quốc, trong đó VN là một thành viên.

Sự thiếu minh bạch về an toàn hải sản
  • Các thông tin về an toàn hải sản cũng không được cung cấp đầy đủ, và các thông tin của chính phủ lại rất hay mâu thuẫn nhau. Sở thì nói lô cá nục nhiễm phenol cực độc phải đem hủy, Bộ Y tế thì nói Sở nói sai, mà là nhiễm cadimi. Báo Công an Nhân dân thì nói không nhiễm độc tố kim loại nặng mà chỉ nhiễm phenol và cyanuar. Trong khi đó BP đã phải chi trả hàng trăm triệu USD để cập nhật tình trạng của hải sản trong vùng thảm họa.

Trách nhiệm theo dõi và chăm sóc sức khỏe cộng đồng
  • Cần phải lập hô sơ và theo dõi sức khỏe của tất cả những công nhân làm việc liên quan đến thảm họa và những người dân nghi ngờ bị phơi nhiễm. Chính quyền Hà Nội cần phải thay đổi cách hành xử và điều hành, quan tâm theo dõi sức khỏe cộng đồng, phải ngay lập tức tiếp cận các trường hợp thợ lặn cấp cứu, người bị ngộ độc thực phẩm hay những dấu hiệu bệnh lý khác và ưu tiên dịch vụ y tế khám chữa bệnh.

Cần phải bảo vệ quyền lợi của người dân
  • Chính quyền VN và bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của thảm họa cần phải đứng ra đại diện người dân để kiện Formosa ra tòa để đòi bồi thường cho dân. Chính quyền liên bang và năm tiều bang thuộc vùng bị ảnh hưởng bời thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexcio đã đứng đại diện kiện BP ra tòa dân sự.

Cần phải thực thi công lý
  • Cần phải đưa Formosa ra tòa hình sự vì tội phạm môi trường, như chính phủ Hoa Kỳ đã khởi tố BP, làm bài học cho các nhà đầu tư trong việc tôn trọng luật pháp và thực thi trách nhiệm của một nhà đầu tư lành mạnh.
  • Khi thảm họa xảy ra tại Vịnh Mexico, cơ quan bảo vệ môi trường đã yêu cầu chính quyền Obama tạm đình chỉ các hoạt động của BP cho đến khi BP thực thì đầy đủ trách nhiệm pháp lý.
  • Cần phải đưa một số cá nhân của Formosa hầu tòa hình sự , một số nhân viên giám sát của BP phải hầu tòa.

Hợp đồng kinh tế và trách nhiệm tài nguyên công cộng
  • Sau thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico, BP đã khó khăn để có những hợp đồng mới với chính phủ Hoa Kỳ trong việc khai thác dầu mở rộng ở Vịnh Mexcio cũng như ở các vùng khác của liên bang.
  • Việc chính quyền VN đã cho Formosa vào đầu tư mà không thông qua tư vấn người dân đặc biệt cộng đồng dân cư vùng dự án/ không trưng cầu dân ý là việc làm vi phạm hiến pháp
  • Việc chính quyền VN cho Formosa thuê đất vùng dự án lên 70 năm không chỉ vi phạm luật đầu tư, luật đất đai mà còn vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đối với tài sản công của quốc gia.

Một nhà đầu tư không tin cậy
  • Formosa đã cố tình lấp liếm tội trạng và chạy tội/lật kèo khi thảm họa xảy ra và ngay cả sau khi đã nhận tội
  • Formosa đã không thực thi bất cứ trách nhiệm nào khi thảm họa xảy ra trong khi đó BP đã chi trả rất nhiều khoản từ ứng phó, theo dõi sức khỏe, xét nghiệm thực phẩm, khắc phục đối với lĩnh vực du lịch, các khoản tiền cho nghiên cứu, và tiền bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân.
  • Formosa đã và đang tiếp diễn các hoạt động chôn xả chất thải bừa bãi và vi phạm luật pháp Việt Nam

Nguồn:






No comments: