Vì nhiều lý do, tôi hầu như không bao giờ tường thuật
lại các buổi làm việc với bên an ninh. Tuy nhiên, buổi làm việc ngày 22/9 vừa
qua (kéo dài suốt phiên xử Anh Ba Sàm) có một số điều mà tôi nghĩ có thể mang lại
kiến thức pháp luật cho cả người dân thường lẫn anh em đấu tranh dân chủ, nên
tôi sẽ “phá lệ”, viết về nó để độc giả – tất nhiên, kể cả nhân viên an ninh –
tham khảo nếu quan tâm.
KÍNH MONG MỌI NGƯỜI ĐỌC KỸ VÌ ĐÂY KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ
MỘT CÂU CHUYỆN TRONG ĐỒN CÔNG AN.
* * *
Tôi bối rối. Tôi “giải thích” với chị LTH, người bị
lôi vào đồn làm nhân chứng, rằng thật lòng em có muốn mọi chuyện căng thẳng thế
này đâu, đấy là do bên an ninh họ sai quá, thực chất vấn đề là họ đang muốn tìm
kiếm bằng chứng để trị em thôi. Nhưng tôi cũng không muốn nói nhiều nữa, tôi đã
nhũn cả người ra rồi. Cảm giác áy náy dâng lên trong lòng, và càng lúc tôi càng
cảm thấy công an đã đánh trúng cái điểm mà tôi ngại nhất: Kéo những người hoàn
toàn vô can, vô tội vào cuộc, để khiến mình áy náy.
Tôi hiểu, với “truyền thống” hiếu thắng và hành xử bất
cần luật pháp, an ninh sẵn sàng bắt tôi ngồi đến đêm và dùng sức mạnh lấy cả 4
USB, lại làm khổ thêm một người vô can là chị LTH. Đó là điều mà chắc chắn tôi
không chống lại được. Nếu họ làm ngay thì chị nhân chứng sẽ sợ chết khiếp, còn
nếu họ để đến đêm mới làm, thì tức là chị ấy sẽ phải ngồi như thế tới khuya.
Tôi nhớ đến những lần bị công an bẻ tay để lấy điện
thoại di động. Như hôm sinh nhật No-U lần thứ tư (30/10/2015), 6h tối, tôi đang
đi bộ trên vỉa hè, đeo tai nghe, thì từ phía sau, một bàn tay nắm chặt lấy cánh
tay tôi khiến tôi giật bắn mình. Quay lại, tôi tái mặt khi thấy lại chính là đồng
chí an ninh thường gặp. Anh ta nói khẽ nhưng rõ từng tiếng: “Trang, anh bảo. Biết
điều thì hợp tác với anh. Nhé!”. Rồi đẩy tôi lên ô-tô nhanh như chớp, giằng lấy
chiếc điện thoại, mặc cho tôi trình bày: “Em có làm gì đâu, em chỉ đang nghe nhạc
thôi mà”. Kệ, anh giật tung cả điện thoại lẫn tai nghe, hết luôn Mendelssohn với
chả Mozart. Một lần khác, công an cũng chụp lấy tôi, giữ chặt hai tay rồi thò
vào túi quần moi điện thoại di động ra. Tôi cắn môi lại vì tức – hệt như một đứa
trẻ bị bắt nạt mà không làm thế nào được. Họ vỗ vai tôi, xuê xoa: “Thôi, không
có gì, không có gì đâu”.
Đó là khi tôi còn chưa phải chống nạng. Còn bây giờ…
Nhân viên an ninh bước vào phòng. Tôi rút 4 USB đặt
lại lên bàn:
- Thôi thế này. Các anh chị thả chị ấy ra đi, tôi sẽ
nộp lại… Đây, USB đây.
- Đấy, chị cứ nhẹ nhàng như thế đi, có phải nhanh
không?
- Được rồi, các anh chị gọi taxi cho chị ấy về đi rồi
muốn làm gì nhau thì làm.
Chị LTH lại kêu oai oái lên, nói là sẽ tự về, không
cần công an gọi taxi.
Thật khổ cho những người dân thường ở Việt Nam. Luôn
luôn họ nghĩ công an đúng, dân sai. Luôn luôn họ tự đặt mình ở chiếu dưới. Khi
làm vậy, họ không biết rằng chính họ đang khiến an ninh, cảnh sát càng thêm nhờn,
được đằng chân lân đằng đầu.
Phải nói rằng công an Việt Nam cũng đã rất thành
công trong việc cấy vào đầu người dân cái suy nghĩ “hễ cơ quan công quyền đề
nghị hợp tác là phải hợp tác”, và đồng thời làm dân mất hẳn ý nghĩ “nếu thấy cơ
quan công quyền sai phạm thì không những không được hợp tác mà còn phải chỉ ra
cái sai và chống lại”.
Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh chóng. Tôi ký nhận
hai điều: Có 4 USB trong ba-lô; trong USB có 3 tài liệu…
Bên an ninh mặt tươi như hoa. Chị LTH ra về, tôi xin
lỗi rối rít. Các nhân viên an ninh cũng vậy: “Làm phiền chị quá, mong chị thông
cảm”.
CÂU
HỎI CHO CƠ QUAN AN NINH
Tôi cũng rời đồn, mệt mỏi, tê cả hai chân hai tay.
Tôi biết, bây giờ việc mà an ninh sẽ rất vui vẻ làm là ngồi suy diễn và viết
báo cáo gửi lên “trên”, trong đó, bản proposal lấy được từ 1 trong 4 chiếc USB
mới là bằng chứng quan trọng để buộc tội hoặc bôi nhọ nếu cần: Vận động tài
chính để xuất bản sách phản động à, chống phá à?
Các chuyên gia vẽ dự án của Bộ Công an lại sắp có cơ
hội được hỗ trợ kinh phí, để đập tan âm mưu… xuất bản của bọn phản động. Nhẹ nhất
là các đồng chí ấy sẽ có dịp rêu rao “bọn dân chủ xin tài trợ để viết sách”.
Xin tài trợ, nhận tiền để viết sách cơ đấy, thế có chết không.
Mà phương pháp đấu tranh lại vô cùng đơn giản. Quy
trình thế này: “Phản động” đang đi đường thì bắt lấy, mang về đồn, đè ra khám đồ
đạc –> thu giữ USB –> in hết tài liệu trong USB ra, lôi một người dân ở
ngoài vào làm nhân chứng –> đem các tài liệu đó ra suy diễn cho thành có tội.
Thế là xong, làm an ninh ở xứ mình dễ thật.
Tuy thế, cũng xin nhắc cơ quan an ninh là không phải
thấy “phản động” ký vậy mà dễ xơi đâu. Phiền các anh chị vận dụng trí tuệ để trả
lời ít nhất hai câu hỏi không đơn giản sau:
Thứ nhất, làm sao các anh chị chứng minh được 4 USB
đó là USB của tôi – cho dù nó được các anh chị lấy từ ba-lô mà tôi mang trên
người? Và thứ hai, tôi không hiểu các anh chị sẽ làm thế nào để chứng minh bản
proposal không nhắc đến một cái tên nào kia là do tôi viết.
Còn báo cáo “Unfair Elections in Vietnam” hay những
bài viết về blogger Anh Ba Sàm, thì tôi luôn xác nhận chúng là của tôi. Và nếu
các anh chị định xử lý một người vì đã dám viết rằng bầu cử ở Việt Nam là phi
dân chủ, rằng Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một nhà báo yêu nước và là nạn nhân của
những vi phạm nhân quyền, sai phạm tố tụng trầm trọng của công an… thì tôi rất
hài lòng được các anh chị xử lý.
--------------
-------------------
KỲ 1
Biết là vào các dịp đặc biệt (ví dụ như có biểu
tình, có quan khách quốc tế nào đó liên quan tới vấn đề nhân quyền sang thăm Việt
Nam, hay có phiên tòa chính trị), lực lượng an ninh thường chỉ cho mình hai lựa
chọn, hoặc là ở nhà, hoặc là ra đồn – mà thường là ra đồn – nên từ chiều tối
21/9 trước ngày xử nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm, tôi
đã ra một khách sạn nhỏ ở khu phố cổ Hà Nội, cách xa nơi xét xử.
7h sáng 22/9, “Chuột bạch” Hoàng Thành đến đón. 7h30
hai chị em rời khách sạn. Vừa bước chân ra vỉa hè trước cổng, đã thấy một tốp
5-6 nhân viên an ninh thường phục chờ sẵn – cái nhìn của họ thật không lẫn vào
đâu được. Họ bước đến nắm cánh tay Hoàng Thành: “Mời anh đi”. Hai tay chống nạng
nên tôi sững người, đứng ngây ra, không biết phải làm gì. Họ đẩy Hoàng Thành
lên xe rồi cũng đưa tôi đi nốt. Cả hai chị em về đồn CA phường Hàng Bồ.
Mọi chuyện kể ra rất đơn giản, vì hai bên biết nhau
quá rồi: Một bên ủng hộ dân chủ (mà đã ủng hộ dân chủ ở Việt Nam thì ắt phải là
thành phần chống chế độ), một bên bảo vệ chế độ; nên xét về chính kiến, không
có gì chung. Còn cụ thể ngày hôm nay, Hoàng Thành và tôi muốn ra nơi xét xử Anh
Ba Sàm, và nhiệm vụ của công an là phải ngăn cản. (Tại sao phải ngăn cản thì
tôi không biết, chẳng nhẽ họ nghĩ chúng tôi có thể tổ chức cướp tòa hay làm gì ở
đó?).
Khác với Hoàng Thành, tôi còn đến tòa với tư cách
nhà báo – biên tập viên Luật Khoa tạp chí, đồng nghiệp của Ba Sàm, người từng
làm việc với Ba Sàm từ thời còn là phóng viên “lề phải”. Tôi cũng còn là “người
có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án, bởi trong số 24 bài viết được
Cơ quan An ninh Điều tra dùng làm chứng cứ buộc tội ông Nguyễn Hữu Vinh, có 1
bài là do tôi, Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn cùng viết (trong đó, tôi là
người viết chính).
Nhưng có lẽ chẳng nhà báo nào cũng như chẳng nhân chứng
nào được đối xử như tôi: Thay vì vào dự phiên tòa thì bị bắt đưa về đồn từ sáng
sớm, cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Ở lần xử sơ thẩm (23/3), nhân viên an ninh
còn thản nhiên nói với tôi: “Chị tưởng chị đòi làm người có quyền lợi và nghĩa
vụ liên quan mà được à? Cơ quan an ninh còn phải xem xét chứ”. Tôi dằn giọng:
“Đó là việc của tòa, tôi sẽ nói chuyện đó với tòa và tại tòa, chứ không phải với
các anh chị, ở đồn”. Nhân viên an ninh mỉm cười: “Vậy lần sau, nếu muốn làm người
có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, chị cứ gửi đơn cho bên công an ấy, nhé.
Nhanh hơn nhiều”.
Việc gì cũng phải qua tay công an mới nhanh, mới hiệu
quả. Đấy gọi là chế độ công an trị đấy.
CÁI
GỌI LÀ “KHẨU HIỆU”
Hoàng Thành và tôi bị tách ra, mỗi người vào một
phòng ở hai tầng khác nhau. Tại đây, việc đầu tiên an ninh làm là lấy cái ba-lô
của tôi. Đằng nào cũng không thể chống cự, thêm nữa, cũng không muốn làm ầm ĩ
trong khi hai cái chân đang “đình công” và hai bàn tay thì không hiểu sao bắt đầu
tê, nên tôi không phản đối.
Anh công an mở cái ba-lô ra và thấy ngay tập giấy in
hình blogger Ba Sàm và hàng chữ “Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội”. Như thói quen của bất
kỳ anh công an nào, anh làm bộ sừng sộ: “Cái gì đây? Cái gì đây?”. Anh rút tập
giấy ra, trải nó xuống bàn, mặt đầy vẻ nghiêm trọng.
Sau đó, các nhân viên an ninh bắt đầu giải thích cho
tôi là họ phải thu giữ mấy khẩu hiệu này. Tôi mỉm cười: “Sao? Các anh chị gọi
đây là khẩu hiệu à?”. Hỏi chơi thế thôi chứ tôi cũng biết thừa là họ không có
câu trả lời. Chẳng một văn bản pháp luật nào ở Việt Nam định nghĩa “khẩu hiệu”,
“biểu tình”, “gây rối trật tự công cộng”, “xâm hại lợi ích nhà nước”… là gì,
nhưng có sao đâu, công an cần như thế mà. Phải mơ hồ vậy mới dễ bắt người.
Công an đặc biệt ưa dùng từ “giải thích” khi nói
chuyện, hẳn do tâm lý chung của họ là nghĩ người dân luôn ngu dốt hơn cơ quan
công quyền, nên không thể trao đổi bình đẳng được, cái gì cũng phải “giải
thích” dân mới hiểu.
Cũng tương tự như tuyên giáo đã thành công trong việc
khiến cho nhiều nhà báo tin rằng, sứ mệnh của báo chí, nhiệm vụ của nhà báo là
“tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhân
dân”. Đó là bây giờ, chứ trước kia, nhà báo còn phải tìm kiếm câu chuyện, nhân
vật để minh họa chủ trương, đường lối nữa cơ. Còn “phản biện chính sách” là cái
gì đó hết sức xa xỉ, thời xưa cũng như thời nay.
*
KỲ 2
… Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi
an ninh moi được 4 chiếc USB trong cái ba-lô tôi mang theo. Do đã lâu không có
thói quen dùng USB (quá nhiều virus) nên tôi cũng quên khuấy mất là sâu dưới
đáy ba-lô có 4 USB, cũng không thể nhớ nổi USB này ở đâu ra và bên trong có nội
dung gì.
Mặt các anh em an ninh sáng ngời lên, rạng rỡ. Một
chiếc laptop được mang tới ngay lập tức. Một nhân viên an ninh bật máy quay
phim, hối hả “tác nghiệp”. Một người dân được gọi vào đồn làm nhân chứng – đó
là một chị phụ nữ bán quán cóc gần cổng đồn, tên là L.T.H.
Trong 4 USB, có một báo cáo tiếng Anh với tựa đề
“Unfair Elections in Vietnam”, một tài liệu tiếng Việt tên “Bầu cử phi dân chủ ở
Việt Nam”, và một bản proposal (đề xuất) tiếng Anh vận động tài chính cho việc
xuất bản sách chính trị “ngoài luồng”. Bên an ninh tiến hành in ra tất cả.
Tôi lạnh lùng: “Các anh chị định chứng minh cái gì?
Đã chắc gì USB là của tôi mà các anh chị in nhanh thế? Và lấy gì đảm bảo các
tài liệu trong đó là của tôi?”.
Mặc kệ, họ cứ in.
“Được, các anh chị cứ in đi, vô ích thôi. Xong rồi
mang mấy cái USB về nhà mà thờ”.
Nghe tôi nói vậy, một nhân viên an ninh chỉ cười khẩy.
Không thể diễn tả lực lượng an ninh vui mừng tới mức
nào. Trong lúc phấn khởi, họ nhấc luôn điện thoại của tôi. Đến phút này thì
không thể nhịn được nữa, tôi dằn giọng: “Để đấy. Các anh chị định làm gì? Cướp
hả? Tất cả những việc các anh chị đang làm là để làm gì, có mục đích gì?”.
Người phụ nữ làm nhân chứng, tên LTH, tròn mắt nhìn
tôi. Có lẽ, như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam khác, chị tin rằng công an
đã bắt ai vào đồn thì người đó dứt khoát phải có tội, phải là tội phạm. Và đây
là lần đầu tiên chị thấy một tội phạm nói xa xả vào mặt 7 nhân viên an ninh, gồm
4 nam 3 nữ, đứng xúm xít quanh bàn.
- Chúng tôi sẽ thu giữ các USB này. Yêu cầu chị tự
nguyện giao nộp. Yêu cầu chị ký biên bản. Mời chị H. làm nhân chứng xác nhận.
- Đây không phải thu giữ, mà là cướp giật. Bản chất
của vụ việc này là bắt cóc người. Các anh chị tự nhiên đưa tôi về đồn, cướp đồ,
rồi còn định sử dụng những thứ các anh chị thu được để làm trò gì nữa hả? Đủ rồi.
Từ sáng tới giờ tôi nhịn các anh các chị lắm rồi đấy.
Miệng nói, tay tôi vơ lấy cả bốn USB, bỏ túi quần.
Bên an ninh quay sang yêu cầu nhân chứng: “Chị ký
biên bản đi”.
Tôi nhắc: “Chị H., nếu ký, chị phải chịu trách nhiệm
về chữ ký của mình. Em có thể kiện chị và kiện tất cả những người có mặt ở
đây”.
Một nam đồng chí nói với chị LTH: “Chị cứ kệ chị ấy,
đừng nghe chị ấy nói”. (Trời đất, sao anh nói nghe như trẻ con xui nhau thế, kiểu
“mày đừng chơi với nó, bỏ nó đi”). “Mình là công dân, mình phải hợp tác với cơ
quan nhà nước để bảo vệ an ninh quốc gia”.
- Là công dân, chị đừng tiếp tay cho cơ quan an ninh
làm việc sai pháp luật – tôi nói tiếp.
Tuy thế, ai cũng hiểu là đồng chí công an khu vực đã
nắm kỹ hộ khẩu, nhân thân và mọi thứ hồ sơ quan trọng của chị LTH này.
Họ in ra hơn 50 trang giấy, bắt chị LTH ký la liệt.
Cuối biên bản có thêm dòng chữ: “Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chị Phạm
Đoan Trang đã tự ý lấy lại USB”.
Liếc thấy hàng chữ đó mà tôi bật cười. Nó giống như
là việc một băng cướp tự ý cướp đồ của một người nào đó, rồi khi nạn nhân giằng
lại thì băng cướp nói là nạn nhân tự ý lấy lại đồ của họ.
CÂU
GIỜ
Bên an ninh bắt đầu chơi bài quen thuộc là “câu giờ”:
Họ để nhân chứng và tôi ngồi trong một căn phòng nhỏ, không được làm gì, chỉ ngồi
thôi; còn họ thì đi ra đi vào, làm như đang chờ chỉ đạo của cấp trên, mà cấp
trên thì bận bịu ghê lắm, khó liên lạc lắm.
Tôi rút cuốn sách ra đọc, không nói năng gì.
Tới 2h30 chiều, do “con phản động” vẫn ngồi đọc
sách, không tỏ thái độ gì, bên an ninh chuyển sang trò khác. Họ đưa tôi và ép cả
nhân chứng lên xe thùng (loại phương tiện chuyên dùng để chở phạm nhân hoặc thu
đồ ở chợ, dẹp quán…). Chuyển đồn. Xe cao, khó khăn lắm tôi mới leo lên được – với
sự giúp đỡ của các nhân viên an ninh. Dân phố quanh đó đổ xô ra nhìn.
Nhân chứng và tôi ngồi đối diện nhau trên hai băng
ghế trong thùng xe, và đồng chí an ninh làm nhiệm vụ quay phim vẫn rất chăm chú
tác nghiệp. Nhìn mặt chị LTH, người bị lôi cổ vào đồn làm nhân chứng bất đắc
dĩ, thấy thương không thể tả. Đã 3h chiều, vậy là chị mất toi một ngày làm việc.
Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác, vừa không muốn phải nhìn
chị nhân chứng tội nghiệp, vừa không muốn vào hình trong camera.
Hai người bị đưa về đồn CA quận Hoàn Kiếm. Tới lúc
vào phòng, màn câu giờ lại tiếp tục. Anh em an ninh đi ra đi vào. Tôi ngồi đọc
sách. Còn chị nhân chứng LTH đã sốt ruột lắm rồi. Lúc sáng thấy tôi, chắc chị
tưởng gặp một tội phạm nào đó. Sau lại thấy cái đứa “tội phạm” này mắng lại an
ninh, chép miệng “an với chẳng ninh, làm ăn thế này có chết không”, rồi lại thấy
nó rút một quyển sách tiếng Anh ra đọc, chị bắt đầu thấy lạ.
Chị năn nỉ an ninh: “Hay cho mình về đi. Nói thật là
mình cũng không hiểu mình ngồi đây làm gì”.
Bên an ninh tất nhiên không đáp ứng nguyện vọng của
chị. Họ nói, sếp của họ yêu cầu tất cả phải ở lại cho đến khi xong việc.
Tôi nói: “Sếp của các anh chị, chứ có phải sếp của
chị LTH đâu mà các anh chị bắt người ta ngồi đây. Để chị ấy về đi”.
Các nhân viên an ninh chỉ cười.
*
KỲ 3
Bên an ninh yêu cầu tôi “tự nguyện giao nộp các
USB”.
- Để làm gì? – tôi hỏi.
- Để cơ quan an ninh điều tra, nghiên cứu…
- Các anh chị định nghiên cứu cái gì? Nhằm mục đích
gì?
- Thì vì USB của chị có các nội dung phức tạp nên phải
nghiên cứu. Chị nên nộp lại USB thì hơn, đừng để chúng tôi phải đẩy lên đến mức
có hoạt động tố tụng.
- Các anh chị cứ có hoạt động tố tụng đi, tôi đâu phản
đối đâu. Tôi chỉ yêu cầu mọi thứ phải rõ ràng: Có văn bản xác nhận và cả hai
bên đều giữ văn bản với giá trị ngang nhau. Nếu các anh chị ngại thì để tôi lập
biên bản hộ cho, ngay bây giờ cũng được. Tôi muốn các anh chị nêu rõ các tài liệu
đó phức tạp như thế nào, dòng nào phức tạp, vì sao phức tạp, mục đích các anh
chị sử dụng những tài liệu này là gì…
- Chị cứ phải làm căng thế làm gì? Chúng tôi vừa giải
thích cho chị rồi đấy, chị tự nguyện giao nộp USB đi rồi tất cả đều được về.
- Tôi đồng ý mà, với điều kiện như tôi vừa nói: Mọi
thứ phải rõ ràng.
- Thì chị nộp đi rồi cơ quan an ninh làm rõ với chị
sau.
- Không, phải làm rõ ngay bây giờ. Và phải có biên bản
hai bên cùng giữ với giá trị như nhau. Đừng phức tạp hóa vấn đề. Tôi thấy các
anh chị vô lý lắm, giải thích giải thiếc cái gì. Các anh chị có thấy mình vô lý
không?
- Tùy chị thôi. Nếu chị không chấp hành, chúng tôi sẽ
có hoạt động tố tụng và đến lúc ấy thì sẽ buộc phải khám người chị. Rồi chị lại
phải ngồi đây đến đêm đấy.
- Được, các anh chị cứ làm thế đi. Tôi ngồi đây bao
lâu cũng thế, có gì đâu.
---------------
“Phức tạp”. Đây cũng là một từ mà an ninh Việt Nam rất
ưa dùng, vì nó rất hiệu quả. Cứ mơ hồ thế thôi là đủ để họ vào cuộc “làm rõ” bất
kỳ thứ gì. Các nhà báo, các blogger, nói chung là người viết, như Nguyễn Hữu
Vinh, rất dễ vào tù vì những thứ tội mơ hồ như vậy. Bên an ninh chỉ cần nói các
bài viết của họ “có nội dung phức tạp” là có thể điều tra, “có nội dung xấu, chống
phá nhà nước” là có thể bắt họ bỏ tù. Để tạo vẻ khách quan thì an ninh sẽ thuê,
hay là chỉ đạo tuyên giáo đứng ra làm cái việc gọi là thẩm định. Lại nhớ câu
chuyện ở đồn CA hôm xét xử sơ thẩm Anh Ba Sàm, 23/3/2016.
- Các bài viết trên trang Ba Sàm có nội dung xấu.
- Với các anh chị, nó xấu, còn với người khác, nó tốt
thì sao?
- Thì chúng tôi thấy nó xấu.
- Hay nhỉ? Bây giờ nhà báo viết bài, nhà báo bảo tốt,
an ninh bảo là xấu rồi cứ thế đè nhà báo ra xét xử, bỏ tù à? Thế thì chết mẹ
nhà báo à?
- Người ta có hội đồng thẩm định cả chứ không làm
tùy tiện đâu.
- Được, vậy cho tôi hỏi một câu: Ai lập ra cái hội đồng
thẩm định ấy? Thành viên của nó là những ai thế? Đã bao giờ viết được bài báo
nào chưa?
- Chúng tôi không biết, đó là việc của họ.
- Giỏi quá đấy. Toàn một đám cả đời không viết được
chữ nào, lấy tư cách gì mà thẩm định báo chí? Chắc “chú Tuấn ghét dấu sắc” (Bộ
trưởng 4T Trương Minh Tuấn) làm trưởng ban hả? Lại được an ninh phối hợp nữa
thì nhất rồi.
Cứ thế, hai bên đay đả nhau. Lý luận duy nhất của
phe an ninh chỉ là “có hội đồng thẩm định đàng hoàng, đã kết luận rằng các tài
liệu mà Ba Sàm phát tán là xấu”. Họ không cãi nổi việc cái gọi là “hội đồng thẩm
định” đó là do công an lập ra, với những thành viên cả đời không viết nổi bài
báo nào, và báo cáo thẩm định của hội đồng đã chép y nguyên mọi lời lẽ của bên
an ninh điều tra, cóp tới cả dấu chấm dấu phẩy.
ÉP
CUNG NHÂN CHỨNG
3h30, rồi 4h, 4h30. “Con phản động” vẫn ngồi đọc
sách và vẫn nhất định không đưa các USB ra, không ký tá gì.
Tới 5h chiều thì một sự cố xảy ra: Lúc chỉ còn hai
người trong phòng (các nhân viên an ninh canh bên ngoài), nhân chứng bắt đầu
nói như van vỉ:
- Em ơi, thôi thì chị em với nhau, chị nói thật: Em
thương chị, em ký nhận hết đi cho chị còn về nấu cơm. Chị chẳng hiểu gì đâu, chị
cũng có liên quan gì đến việc của bọn em đâu. Chị không hiểu sao chị cứ phải ngồi
đây mãi thế này, không làm gì.
- Trời, chị nói thế…
- Chị nói thật đấy, chị không hiểu gì việc em làm cả.
Chị chỉ muốn về thôi. Chị em với nhau, em nhận đi cho chị về, chị thấy chuyện
cũng có gì đâu. Cô H. (công an khu vực) nắm hộ khẩu nhà chị, qua lại bên chị suốt,
nên cô ấy nhờ, rồi anh M. trưởng đồn cũng nhờ, chị mới vào đây, chứ bình thường
chị vào đồn làm gì.
Tôi bối rối. Tôi “giải thích” với chị rằng thật lòng
em có muốn mọi chuyện căng thẳng thế này đâu, đấy là do bên an ninh họ làm sai
quá, thực chất vấn đề là họ đang muốn tìm kiếm bằng chứng để trị em thôi. Nhưng
tôi cũng không muốn nói nhiều nữa, tôi đã nhũn cả người ra rồi. Cảm giác áy náy
dâng lên trong lòng, và càng lúc tôi càng cảm thấy công an đã đánh trúng cái điểm
mà tôi ngại nhất: Kéo những người hoàn toàn vô can, vô tội vào cuộc, để khiến
mình áy náy.
No comments:
Post a Comment