Thứ Tư, 09/28/2016 - 19:50 — nguyenhuuvinh
Đến
với Biển chết Miền Trung
Thảm họa môi trường biển Miền Trung là một đại họa,
một nỗi đau nhức nhối, lúc quặn thắt và có lúc âm ỉ trong lòng người dân Việt mấy
tháng qua. Đặc biệt những ngư dân miền Trung, nơi mảnh đất nắng cháy và khắc
nghiệt vốn đã đem lại đời sống khó khăn cực nhọc cho họ.
Tôi đã đến với ngư dân nơi đây nhiều lần và chứng kiến
sự chết chóc do thảm họa Formosa gây ra.
Từ ngày biển chết, họ điêu đứng với cuộc sống của
mình, nào là công việc làm ăn hàng ngày từ bữa cơm, từ chút thức ăn, từ tấm áo
của mẹ đến chiếc quần cho con, từ đồng tiền con ở trọ đi học cho đến cuốn vở
cho con đến trường, rồi ốm đau, tiền đi bệnh viện, tiền điều trị... tất cả đều
trông chờ vào biển.
Từ ngày biển chết, tất cả đều tự động dừng lại. Mới
đây, khai giảng năm học mới cả ngàn học sinh đã không đến được trường. Hàng
ngàn sinh viên buộc bỏ học làm thuê kiếm sống nơi xa xôi khi nguồn viện trợ duy
nhất đã không còn nữa.
Những ngày này ở các làng chài, ngư dân đều ngồi thẫn
thờ nhìn ra biển với những tiếng thở dài ngao ngán và sự đói kém đến với họ từng
ngày, trong từng bữa ăn.
Nếu bạn chưa đến, chưa chứng kiến cuộc sống khốn khó
của họ những ngày qua, hẳn bạn sẽ rất khó hình dung tội ác Formosa và những kẻ
rước giặc vào nhà đến mức nào.
Có thể bạn sẽ khó hình dung sự chết chóc nếu bạn
chưa thấy những chiếc thuyền phủ vải trắng nằm trên bờ như những dãy quan tài bất
động nhìn đến mà lạnh người. Những đầm đìa nuôi trồng thủy, hải sản giờ tan
hoang không tìm ra sự sống.
Ở đó, không chỉ biển không còn tôm cá dưới nước, mà
trên những bãi sình lầy nơi mà người dân hàng ngày có thể bắt con cua, con cáy
cho qua bữa ăn những ngày biển động... giờ đây lặng phắt một không gian chết
chóc, bởi không một sinh vật nào tồn tại ở đây.
Bạn hãy bước lên những bãi cát ven biển, cát vẫn mịn,
sóng vẫn vỗ bờ. Nhưng ở đó là một bãi cát phẳng lỳ, không còn dấu tích những
viên cát mà đám dã tràng muôn đời nay vẫn nhọc nhằn xe lại, chúng đã chết hết.
Bạn có thể đi hàng cây số vùng Kỳ Hà, thuộc Kỳ Anh,
những bãi sú vẹt cũng đã trơ gốc từ những ngày cuối tháng 3 năm nay. Còn đâu những
tiếng đàn chim líu lo hót, chuyền cành cây tìm mồi những sáng mai hay líu ríu gọi
nhau khi mặt trời tắt nắng.
Không chỉ có sự chết chóc hiện trên bãi, trên bờ hoặc
dưới biển, những giếng nước ngầm trong lành bao đời nay người dân đi biển về chỉ
cần lôi gàu nước lên uống tại chỗ, nay nồng nặc những mùi hôi của hóa chất độc.
Họ sẽ sống ra sao? Con cháu họ thế nào trong tương
lai?
Tất cả bao trùm là một sự chết chóc, một cảnh tang
thương im ắng đến rợn người.
Ai?
Thái độ của những "kẻ chăn thuê"!
Chúng tôi đang đi trên bờ biển chết. Chiếc điện thoại
cậu bạn cầm trên tay bỗng vang lên réo rắt, tiếng hát của ca sĩ Cát Anh Tài thiết
tha mà đau đớn: "Ai, ai gây nên niềm đau ấy, ai gieo vào lòng biển cái
chết hôm nay? Biển là vàng, giờ thành mối hiểm nguy... Vì ai? Hãy nói đi".
Đã rõ thủ phạm là tập đoàn Formosa. Hẳn nhiên là vậy.
Nhưng vì sao nên nông nỗi này là một câu hỏi mà lời
đáp sẽ rất dài.
Đã 6 tháng qua, người dân dài cổ chờ đền bù, thủ phạm
đã rõ, tiền thì nhà nước nhanh nhẩu nhận, nhưng ngư dân cứ chờ và nhịn đói để...
đợi
Nhưng, chưa cần nói đến việc đền bù như thế nào, có
thể chuyện tiền nong chỉ là vấn đề vật chất. Cái người dân rất cần ở đây, lại
là tinh thần, là thái độ đối xử với người dân trong thảm họa.
Sự động viên, thăm hỏi và quan tâm đến họ, nhiều khi
còn lớn hơn những đồng tiền đang hứa hẹn, một lời hỏi thăm, một sự chia sẻ hẳn
sẽ có tác dụng hơn mấy bì gạo mốc cứu trợ cho họ ở đây.
Thế nhưng, hơn 20 ngày sau, từ khi cá chết đồng loạt,
Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CS - người tự nhận trách nhiệm cao nhất "lãnh đạo
đất nước" - về Kỳ Anh. Trong khi người dân hoảng loạn bởi cơ nghiệp đang
xuống sông xuống biển, người bị nhiễm độc tố mà chưa biết kêu ai. Họ hy vọng ít
nhất cũng có một lời thăm hỏi đến họ, đến đời sống người dân nơi đây.
Nhưng không, Nguyễn Phú Trọng chỉ đến thăm Formosa -
Thủ phạm gây nên thảm họa môi trường. Ông ta đến, cười toe toét rồi ông bước
qua thân phận những người dân nghèo đang kề cửa tử để ông đi và buông lại một
câu ráo hoảnh: "Hà Tĩnh đang đi đúng hướng".
Kể từ đó, người dân chưa hề nghe ông ta nói một lời
nào về thân phận người dân trong thảm họa miền Trung, ngoài một điều oán thán rằng
"cá chết ảnh hưởng đến bầu cử". Quả là không còn gì để nói.
Thế là được lời như cởi tấm lòng, hệ thống quan chức
Hà Tĩnh vốn "tàng hình" - theo ngôn ngữ báo chí - mất tích từ khi thảm
họa xảy ra, nay nhảy ra xúi dân "Yên tâm ăn cá và tắm ở
Vũng Áng".
Thế rồi, đại họa lan ra không chỉ Hà Tĩnh, mà dần dần
các tỉnh tiếp theo. Thay vì lo cho đời sống người dân bị nhiễm độc, thay vì việc
lo an toàn cho nòi giống đất nước các lãnh đạo từ trung ương, đến địa phương hò
nhau xuống tắm biển, ăn cá làm mẫu để xúi dân ăn nhằm bưng bít đại họa mà họ
đang gánh chịu.
Có lẽ hiếm có một thể chế chính trị nào xưa nay, kể
cả chết độ phát xít Hitler, mà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương, lại xúi
dân vào chỗ chết, vào chỗ hủy diệt như ở Việt Nam trong đại thảm họa này.
Vô luân đến thế là cùng.
Nỗi đau quằn quại của ngư dân khi bị nhà nước rước
giặc vào nhà đẩy cuộc sống của họ vào con đường tận diệt, những sự quan tâm của
xã hội bị chặn lấp bởi bóng dáng của súng đạn, chó và công an, cảnh sát. Những
người đến tìm hiểu về nỗi đau,
về những nguy hiểm của họ, bị nhà nước bắt bớ, đánh đập và đưa lên truyền hình
để gán cho "thế lực thù địch".
Hẳn nhiên, họ là thế lực thù địch của đảng. Nhưng họ
là những người đã vì nhân dân đau khổ.
Thế rồi nửa năm trời trôi qua, nhà nước đi từ lúng
túng này đến bất minh khác trước thảm họa người dân. Sự đủng đỉnh của họ, cho
người dân thấy rằng, mạng sống của người dân, sự tồn vong của nòi giống chẳng
là gì trong mắt họ.
Cũng đúng thôi, với bản chất Cộng sản, Polpot -
Iengxary còn tự giết hàng triệu người Campuhia đó thôi.
Có lẽ điều này, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong
thời hiện đại: "Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng
tha thiết gì đến đàn chiên". (Gioan 10,25)
Cực chẳng đã, ngày 26/9/2016, hàng ngàn người dân đã
kéo đên Tòa án Thị xã Kỳ Anh để ủng hộ 600 người dân từ Quỳnh Lưu, Nghệ An vượt
200 km đến nộp đơn kiện Formosa - kẻ thủ ác gây nên đại họa này.
Họ ra đi trong sự gầm ghè, sự gây khó khăn từ phía
nhà cầm quyền. Nhưng họ được sự quan tâm của cả thế giới.
Mục
tử tốt lành, thí mạng sống vì đàn chiên
Thật ngỡ ngàng, khi những nạn nhân Formosa đã vượt
đường trường với hơn 200 km đến Thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện Formosa, họ bất
ngờ được Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm và động viên, an ủi.
Điều này nằm ngoài sự tưởng tượng của tất cả những
ai vốn nhiều lạc quan, hy vọng và giàu trí tưởng tượng nhất xưa nay.
Từ khi thảm họa xảy ra, hầu hết quan chức nhà nước
trốn tránh đến đó, tránh mặt tiếp xúc nạn nhân, họ tránh vì hai lẽ: Xưa nay, mật
mỡ đâu thì ruồi muỗi bâu đó. Còn ở khu vực miền Trung, nơi thảm họa hiện nay,
chỉ còn có chết chóc và nghèo đói, tại sao họ phải đến?
Cũng khi đó, lại có sự xuất hiện của Đức TGM Giuse
Ngô Quang Kiệt và đây không phải lần đầu tiên. Trước đó, ngài đã dành tất cả những
quà tặng, những gom góp của mình và những tấm lòng hảo tâm trong dịp mừng ngân
khánh của ngài, để đem đến cho những người dân là nạn nhân thảm họa sự an ủi về
tinh thần lẫn vật chất ở đây.
Có lẽ nhiều người còn nhớ, những nơi Đức TGM Giuse
Ngô Quang Kiệt bước chân đến, không phải là những nơi phồn hoa, đô hội, nơi cỗ
bàn đầy ắp hay nơi lộng lẫy xa hoa.
Ngài luôn xuất hiện những nơi bần cùng nhất, đau khổ
nhất.
Người ta còn nhớ, khi nhà cầm quyền Hà Nội tổ chức bắt
bớ cách trái pháp luật các giáo dân Thái Hà, giữa lúc tình hình như nước sôi, lửa
bỏng. Hệ thống truyền thông nhà nước đang ra sức cắt xén và vu cáo ngài với một
làn sóng đỏ độc kinh hoàng, nhiều người lẩn tránh... Thì chính lúc đó, Đức TGM
Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm hỏi gia đình và động viên các nạn nhân
này.
Hành động đó, không chỉ làm nức lòng giáo dân, mà cả
những người
ngoài công giáo đã sững sờ trước sự dũng cảm, tình thương của một mục
tử đối với giáo dân mình.
Còn nhớ, trận lụt lịch sử tại Hà Nội, từ cuối tháng
10/2008 đến đầu tháng 11, sau đúng 40 ngày nhà cầm quyền Hà Nội tiến hành cướp
Tòa Khâm sứ.
Những tiếng kêu ai oán vọng lên từ bốn phương trời,
những trẻ nhỏ mất mạng trên đường đi học, những người mẹ nuôi con bị nước dìm
chết... đời sống người dân thống khổ vì lụt lội.
Khi đó, đám quan chức Cộng sản Hà Nội đang lo tụ tập
hể hả với nhau về thành quả cướp đoạt đất đai tôn giáo. Hai ngày sau khi dân bị
ngập và hàng chục người dân mất mạng, Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy mới thò
mặt ra chửi dân "ỉ lại, không chịu đem sức ra mà làm".
Chính lúc đó, chiều 4/11/2008 Đức TGM Hà
Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đã lội nước
lụt đến với họ, ngài đã đến thăm gia đình có em bé bị chết đuối, thăm
bà con giáo dân cũng như lương dân bị ngập nặng nhất, chia sẻ với họ từng gói mỳ
tôm.
Không thể nói hết những cảm xúc, những tình cảm, sự
kính trọng mà người dân khắp nơi dành cho ngài. Cả thế giới ngạc nhiên, cả hệ
thống quan chức cộng sản bẽ mặt.
Và sau đó, phong trào lội nước bắt
đầu: Mấy hôm sau, khi nước đã rút, Nguyễn Minh Triết, rồi Phạm Quang Nghị
chừng như thấy ê mặt quá, cũng lại bắt đầu "lội nước".
Cũng hy vọng rằng lần này, Đức TGM Giuse Ngô Quang
Kiệt đã dẫn đầu, thì ở Việt Nam sẽ lại có phong trào đến thăm nạn nhân thảm họa
môi trường? Vậy cũng tốt.
Có thể nói rằng: Với nhãn quan của người đời, và nhất
là góc nhìn của người Cộng sản, thì đó là những hành động "dại dột",
bởi chỉ mang vào mình những sự ghét bỏ của nhà cầm quyền vốn coi thườn đau khổ
và tính mạng người dân.
Có thể với những người vẫn còn sợ hãi, họ coi đó là
hành động dũng cảm, liều lĩnh trong xã hội cộng sản đầy sắt máu ngày nay.
Nhưng, đó chỉ là sự "Chạnh lòng thương",
là những hành động bình thường của một chủ chăn, một người đi theo đường lối Đức
Ki tô đã dạy: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống
vì chiên". (Ga 10,22-23).
Hà Nội, ngày 29/9/2016
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment