29.09.2016
Thành công của Donald Trump trong thế giới kinh
doanh thường được các ủng hộ viên nêu ra như là một trong những lý do chính để
họ ủng hộ ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Cộng hòa. Nhưng một cuốn sách mới ấn
hành ghi lại hành trình của ông Trump vươn lên đỉnh cao danh vọng phác họa một
bức tranh phức tạp hơn, với những người ủng hộ mà cũng không ít người đả kích.
Khắp nước Mỹ, những người ủng hộ nhiệt thành nhất của
Donald Trump hay nói những câu sau đây để giải thích tại sao ông là người mà họ
chọn làm Tổng thống:
"Ông ấy có sao
nói vậy."
"Ông ấy biết
cách điều hành một doanh nghiệp."
Và câu nói được rất nhiều người ưa thích: "Ông ấy muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở
lại."
Trong cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ, đây có thể là những
khẩu hiệu lôi cuốn được nhiều người ủng hộ, nhưng không nói lên điều gì về cách
thức mà ông Trump sẽ làm cho đất nước vĩ đại, hoặc tại sao kinh nghiệm điều
hành doanh nghiệp bất động sản của ông lại là một lợi thế.
Edward
Mermelstein, một luật sư bất động sản ở New York, người đã cộng
tác với ông Trump suốt 20 năm qua, nghĩ rằng ông có câu trả lời. Ông xem ứng cử
viên của Đảng Cộng hòa là người "quyết liệt," điều mà ông ngưỡng mộ.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông dùng từ này sáu lần để mô tả Trump, người
mà ông chọn làm Tổng thống.
Ông Mermelstein lập luận:
"Ông ấy có xu
hướng làm việc trong một môi trường áp lực cao, và kết quả là ông ấy khá dày dạn
và rất quyết liệt. Ông ấy có một cách làm việc rất phi truyền thống bên trong
giới chính trị, và tôi nghĩ đó là lý do tại sao lại có sự phản hồi mạnh mẽ như
vậy trước những gì ông ấy nói và những gì ông ấy làm khi đi vận động chính trị."
Ông
Trump những ngày đầu
Ngay từ đầu, phong cách kinh doanh của ông Trump
không lạ gì với tranh cãi hay sự huênh hoang.
Năm 1973, công ty của cha ông, Trump Management
Inc., bị cáo buộc kì thị chủng tộc trong những cách thức mà họ cho thuê nhà, vi
phạm Đạo luật Nhà ở Công bằng năm 1968. Đó là một trong những vụ kiện kỳ thị lớn
nhất thời bấy giờ liên quan đến nhà ở.
Nhưng ông Trump, khi đó chỉ mới 27 tuổi và là chủ tịch
của công ty mới này, đã xông ngay vào vụ việc bằng thái độ tự phụ mà sau này trở
thành phong cách đặc trưng của ông. Tại một cuộc họp báo trong một khách sạn ở
Manhattan, ông gọi vụ kiện của chính phủ là "những lời nói láo trắng trợn."
Ông và cha ông thuê luật sư Roy Cohn - trưởng cố vấn
pháp lý mà Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy từng thuê trong đợt truy quét những
người bị tình nghi là cộng sản vào những năm 1950 vốn bị xem là một cuộc thanh
trừng.
Ông Cohn dựng nên hình ảnh hai cha con Trump là nạn
nhân và kiện ngược lại chính phủ đòi 100 triệu đôla tiền bồi thường thiệt hại.
Ông Mermelstein nói lĩnh vực bất động sản New York
không có chỗ cho những nhân cách mềm yếu - một thực tế mà ông cho rằng có thể
là nguyên nhân khiến ông Trump có kẻ thù trên đường đi.
Ông Mermelstein nói:
"Quyết liệt
trong những cuộc thương lượng và quyết liệt trong cách kinh doanh mang lại cho
ông ấy những thỏa thuận có lợi nhất, nhưng không nhất thiết mang lại cho ông bạn
bè."
Để lại
đống đổ nát
Beth
Rosser không phải là bạn của ông Trump.
Làm việc ở West Chester, bang Pennsylvania, bà
Rosser là chủ sở hữu một phần công ty Triad Building Specialties, được một tổng
thầu thuê để lắp những vách ngăn nhà vệ sinh tại Khu du lịch Sòng bạc Trump Taj
Mahal vào năm 1990.
Đó là hợp đồng lớn nhất của Triad vào thời điểm đó,
trị giá khoảng 230.000 đôla. Nhưng sau đó sòng bạc này phá sản - một trong bốn
lần ông Trump nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Hoa Kỳ - và
thêm hai năm kiện tụng. Triad cuối cùng cũng được trả tiền, nhưng chỉ 30 xu mỗi
một đô la.
Theo hãng tin AP, sau khi sòng bạc này mở cửa vào
tháng 4 năm 1990, ông Trump vẫn còn nợ 253 nhà thầu xây cất 70 triệu đôla.
Bà Rosser, người mô tả Trump là một "kẻ huênh
hoang," nói rằng có sự khác biệt lớn giữa tính cách quyết liệt và việc lợi
dụng người khác.
"Trump kiếm
nhiều tiền ở Thành phố Atlantic," bà Rosser nói với
VOA. "Ông ta cũng làm hại rất nhiều
người."
Biên tập viên cao cấp Marc Fisher của báo The
Washington Post xác nhận:
"Ngay cả trong
những lúc thời vận đen tối nhất, ông Trump vẫn luôn tìm cách được lợi nhất về mặt
tài chính, bất kể để lại đống đổ nát gì phía sau. Hàng loạt những nhà cung ứng,
nhà thầu, và cổ đông tán gia bại sản vì làm ăn với Donald Trump. Ông ấy không hối
hận vì điều đó."
Ông Trump hiện đang dính vào một vụ kiện tụng liên
quan đến một số doanh nghiệp của ông, trong đó có Đại học Trump và Khách sạn Quốc
tế Trump ở thủ đô Washington. Gần đây nhất, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về Quỹ
Trump, một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận của ông Trump.
Từ
CEO tới tổng tư lệnh?
Vì Donald
Trump chưa bao giờ giữ chức vụ công cử, cử tri đang đối mặt với câu hỏi lớn là
liệu ông trùm bất động sản này thực sự sẽ điều hành đất nước ra sao nếu đắc cử.
Ông Fisher và phóng viên điều tra chính trị Michael
Kranish tìm kiếm những manh mối từ thời ông Trump còn nhỏ và lúc ông nhanh
chóng vươn lên ngôi vị tỉ phú trong cuốn sách mới của họ có tên là "Trump Revealed: An American Journey of
Ambition, Ego, Money and Power," dựa trên hơn 20 giờ phỏng vấn với ứng
cử viên của Đảng Cộng hòa. Hai đồng tác giả đi đến kết luận rằng: ông Trump "cực kỳ tin tưởng vào khả
năng của mình, không hiểu biết thấu đáo lắm, nhanh chóng công kích người
khác."
Ông Kranish nói điều quan trọng nhất rút ra được từ
những thất bại kinh doanh của ông Trump - bao gồm vụ sòng bạc Taj Mahal phá sản
- là đối với ông Trump, mượn nợ quá nhiều có lợi nhiều hơn là có hại.
Nhà báo Kranish nói:
"Cuối cùng ông
ấy học được một điều rằng ông ấy có thể kiếm được nhiều tiền không phải bằng
cách đánh liều đồng vốn của chính mình mà là để những người khác đánh liều đồng
vốn của họ cho ông ấy. Ông ấy kiếm tiền từ việc cho phép sử dụng tên của mình.
Những người khác kiếm tiền hay mất tiền bằng cách đem vốn của mình bỏ vào những
tòa nhà đó. Vì thế theo một cách nào đó ông ấy không thể mất tiền."
Ông Fisher nói thêm rằng một số đối tác kinh doanh
như ông Mermelstein, người đã có nhiều thương vụ xây cất và mua bán địa ốc với
ông Trump, tiếp tục đứng bên cạnh ông Trump vì xem ông ấy là "một người
dám nghĩ dám làm."
Mạnh
gấp mười lần
Bất kể là tốt hay xấu, ông Kranish và ông Fisher kết
luận rằng ông Trump tự tin vào khả năng và khát vọng chính trị của mình không
phải vì niềm tin vào lý tưởng của mình, mà là vì kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp
Trump – qua tất cả những thăng trầm.
Ông Kranish nói: "Trong
suốt sự nghiệp của mình, ông Trump đã gần như chạm đáy nhưng bằng nhiều cách
ông ấy lại ngoi lên được. Mọi người cứ đánh giá thấp ông ấy để rồi họ sáng mắt
ra."
Quay trở lại quyết định kiện ngược chính phủ trong vụ
kỳ thị năm 1973 liên quan đến nhà ở, khoảnh khắc định hình từ sớm đó chính là
lúc ông Trump được công chúng biết đến.
Ông Kranish nói:
"Roy Cohn bảo
ông ấy rằng phải tranh đấu chống lại chính phủ, cho tới cùng, và ông Trump quyết
định làm. Ông Trump được ông Cohn bảo rằng, khi người ta đánh anh, anh phải
đánh trả gấp 10 lần."
No comments:
Post a Comment