Wednesday, August 24, 2016

GHÉP TẠNG (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 22/08/2016

Hai chữ 'ghép tạng' dịch từ hai chữ organ transplant, mô tả một bước tiến của y khoa; 'ghép tạng' nghe văn hóa hơn, nhưng cũng mơ hồ hơn ba chữ "thay đồ part" của ông thợ sửa xe hơi, mặc dù mục đích và phương thức của hai việc làm đó giống nhau. Ông thợ máy tháo cái bóng đèn xe hư vứt đi, thay vào đó cái bóng đèn mới để tài xế thấy đường lái xe ban đêm; bà bác sĩ thay tim cho bệnh nhân để mạch tuần hoàn trở lại đều hoà, phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân.

Giống nhau trên phương thức và mục đích, nhưng hai việc ghép tạng cho người bệnh và thay part cho xe hư lại khác nhau trên một điểm quan trọng: nguồn cung cấp cơ phận cho bà bác sĩ, và nguồn cung cấp đồ part cho ông thợ máy.

Ông thợ máy chỉ cần gọi điện thoại cho tiệm auto parts là một tiếng đồng hồ sau ông có đồ phụ tùng mới toanh để chiếc xe hư lại thành xe tốt, trở ra chạy phon phon trên xa lộ, trong lúc bà bác sĩ chỉ có thể ghi tên bệnh nhân vào danh sách "chờ tim" -làm đuôi trong một danh sách đang sẵn dài vài chục ngàn người, để chờ lần lượt được cung cấp tim, khi có người tử nạn, tình nguyện hiến cơ phận giúp trị bệnh.
Cơ phận lấy được từ tử thi của mỗi người tử nạn đủ để cung cấp tạng phủ, cứu sống tám bệnh nhân; số bệnh nhân ghi danh chờ cơ phận mỗi 10 phút lại tăng thêm một người, và mỗi ngày danh sách này giảm bớt 22 người -những người chết trong chờ đợi.

Một bản thống kê cho thấy ba con số: số người đang chờ cơ phận thay thế, số người đã được thay thế cơ phận trong năm nay, và chót hết là số người tình nguyện hiến cơ phận

Hôm thứ Sáu 19 tháng Tám, 2016, bác sĩ Philip J. OConnell, chủ tịch Hiệp Hội Bác Sĩ Ghép Tạng (Transplantation Society HHGT) đính chánh tin do truyền thông Trung Cộng loan báo là HHGT không còn phản đối lối tìm cơ phận thay thế của các bác sĩ Trung Cộng nữa.

Cho đến giờ này, con số những người chờ có cơ phận để thay vẫn nhiều lần nhiều hơn số cơ phận xin được. Thiếu thốn là tình trạng chung của ngành thay thế cơ phận; tình trạng đó tại Trung Cộng nhẹ hơn tại những nơi khác trên thế giới

Đại cương thì phương thức tìm cơ phận tốt để thay thế cơ phận suy nhược của bệnh nhân vẫn căn cứ trên nguyên tắc tự nguyện -người cho cơ phận tốt tự nguyện hiến cơ phận của mình sau khi mình chết. Khác biệt ở chỗ Trung Cộng còn cho phép các tử tội tình nguyện hiến cơ phận sau khi bị hành quyết, ngoại lệ mà giới bác sĩ giải phẫu thế giới không chấp nhận, vì không tin tính “tự nguyện” của người tử tội. Họ cho là chính quyền có nhiều cách làm cho tử tội phải tự nguyện.

Bác sĩ O'Connell nói với phóng viên truyền thông là ông đã bảo các bác sĩ giải phẫu Trung Cộng đến dự hội nghị các “chuyên viên ghép tạng” tại Hồng Kông việc họ dùng tạng phủ của tử tội từ vài chục năm nay đã tạo gớm nhờm cho thế giới.

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/8/22-Aug-2016/0822%201.jpg
Bác sĩ O'Connell nói với phóng viên truyền thông

Ông OConnell phải minh xác điều này vì phiên họp của HHGT năm nay được tổ chức tại Hồng Kông, và việc đó được diễn dịch như một hình thức đồng ý của HHGT với lối xin tạng phủ tử tội của các bác sĩ Trung Cộng. Ông O'Connell nói đáng lẽ HHGT họp tại Thái Lan, như vì bất ổn chính trị của Thái nên HHGT mới dời chỗ họp sang Hông Kông.

Thành phần Trung Cộng tham dự hội nghị gồm có nhiều nhà giải phẫu tên tuổi như Bs Zheng Shusen, giảng sư tại Zhejiang University, Bs Chen Jingyu phẫu thuật gia tại Wuxi Peoples Hospital, Bs Huang Jiefu, nguyên phụ tá tổng trưởng Y Tế Trung Cộng, ...

Trung Cộng tuyên bố từ ngày 1/1/2015 họ đã bỏ không dùng tạng phủ của tử tội trong việc ghép tạng nữa, nhưng dư luận thế giới vẫn không tin; nhiều bệnh nhân trên khắp thế giới vẫn kín đáo đổ về Trung Cộng để được ghép tạng.

Hồng Kông -mặc dù trực thuộc Trung Cộng- nhưng vẫn có hệ thống tư pháp độc lập, và luật Hồng Kông không có án tử hình, nên không có vấn đề xin tạng phủ của tử tội.

Những người tham dự cuộc hội họp của HHGT nói Bs OConnell có ý nhắc lại việc tổ chức Pháp Luân Công (Falun Gong) tố cáo chính phủ Trung Cộng cho phép bác sĩ ghép tạng lấy tạng phủ tín đồ của họ trong lúc những người này bị bắt giam từ năm 1999, vì họ tổ chức cầu nguyện trước trụ sở tổ chức Trung Nam Hải tại Bắc Kinh.

Ông O'Connell nói, dù lộng ngôn đến đâu, cũng không ai có thể diễn dịch việc HHGT hội họp tại Hồng Kông là thái độ của Hiệp Hội đồng ý với Trung Cộng lấy tạng phủ của tù nhân chính trị, và tử tội.
"Họ nói vậy, nhưng chúng tôi không đồng ý như vậy," O'Connell khẳng định.

Mặc dù đã thực hiện được nhiều tiến bộ về kinh tế và quân sự, Trung Cộng vẫn bị Liên Hiệp Quốc xếp vào hạng Developing Countries -quốc gia đang khai triển- chứ chưa được coi là một quốc gia đã khai triển - Developed Countries.

Một số quốc gia được coi là “đã khai triển” gồm có Australia, Canada, France, Germany, Italy, Japan, Norway, Sweden, Switzerland, United States ...

Có thể “đang khai triển” là danh từ mới, không quá nhục mạ như hai chữ “bán khai” ngày xưa, nhưng vẫn có tác dụng loại Trung Cộng ra khỏi thế giới “văn minh”; mặc dù trừ Hoa Kỳ, Trung Cộng đang giầu hơn những nước văn minh khác, tính trên tổng số GDP - Gross domestic product, tổng sản lượng quốc gia- hoặc tính trên GNP -Gross national product; tổng sản phẩm quốc gia.

Hai tiêu chuẩn khác tạo phân cách giữa những nước đã khai triển và những nước đang khai triển là mức sống và tình trạng phân phối lợi tức quốc gia. Tại những nước đã khai triển, mức sống của thường dân cao hơn, và tình trạng phân phối lợi tức cũng công bằng hơn.

Một yếu tố quan trọng hơn nữa là nhân quyền; tại những nước đang khai triển, nhân quyền bị coi rẻ hơn; ông tỉ phú Trung Cộng đau tim có thể bỏ ra vài triệu để mua trái tim của cậu thanh niên 18 hoặc 20; và bà vợ ông đô trưởng Hà Nội cũng chỉ cần vứt tiền ra để mua trái thận lành mạnh của cô thôn nữ Hà Đông.

Ngày nào Trung Cộng còn, Việt Cộng còn thì tình trạng bán khai vẫn cứ còn, vì hai chính quyền đó không có nhu cầu tôn trọng nhân quyền, không muốn nâng cao mức sống, và phân phối lợi tức quốc gia đồng đều cho mọi người.




No comments: