Lâm Bình Duy Nhiên
Posted
on August 6, 2016 by editor — 1
Comment
Dương
Nghiễm Mậu, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam, vừa
qua đời vào tối 2/8/2016 tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi.
Dương
Nghiễm Mậu, hiện thân đau thương của văn học miền Nam trước 1975
Nguồn: TQBT
Sinh ra
tại làng Mậu Hòa, tổng Dương Liễu, huyện Đan Phương, tỉnh Hà Đông. Dương Nghiễm
Mậu cũng như hàng triệu đồng bào miền Bắc đã di cư vào Nam khi đất nước bị chia
đôi sau Hiệp định Genève (1954). Được sống trong một bầu không khí tự do, nhân
bản, khuyến khích sự sáng tạo, trong suốt hai thập niên 60-70, ông đã để lại
nhiều tác phẩm văn học quan trọng như “Cũng Đành”, “Địa Ngục Có Thật”, “Quê Người”,
“Gia Tài Của Mẹ”, “Gào Thét”, “Sống Đã Chết”…
Nhắc đến
Dương Nghiễm Mậu, chúng ta không khỏi bùi ngùi nghĩ đến số phận những người cầm
bút của nền văn học Miền Nam sau biến cố 30/4/1975. Cần nhắc lại rằng trong suốt
giai đoạn đất nước bị chia đôi, chiến tranh triền miên, Miền Nam vẫn là mảnh đất
phì nhiêu, màu mỡ cho giới văn nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật Miền Nam đã sinh ra
những tên tuổi xuất sắc như Võ Phiến, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Phạm Công Thiện,
Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sĩ, Thanh Tâm Tuyền,
Lê Đình Điểu… Nhiều tác phẩm giàu tính nhân văn của họ, lẽ ra phải được tôn
vinh trong kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà, nhưng buồn thay lại bị rơi vào
lãng quên…
Giới
văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã viết nhiều về cuộc đời cũng như tác phẩm của
Dương Nghiễm Mậu trong những ngày qua. Riêng đối với một kẻ hậu sinh như tôi,
ông và bao nhà văn khác của Miền Nam, luôn khơi dậy một sự tò mò, thôi thúc lén
lút tìm
hiểu, tìm đọc bất chấp nỗi lo lắng, bất an của cha mẹ trong những năm tháng khó khăn tột cùng tại quê nhà.
hiểu, tìm đọc bất chấp nỗi lo lắng, bất an của cha mẹ trong những năm tháng khó khăn tột cùng tại quê nhà.
Sáng
nay, tình cờ đọc được một mẩu tin ngắn trên tờ báo mạng Vnexpress viết về Dương
Nghiễm Mậu. Tin thật ngắn, trong đó có đoạn:
“Dương Nghiễm Mậu là một tên tuổi của dòng
văn học miền Nam. Nhưng từ khoảng năm 1977 đến nay, ông chủ yếu làm nghề sơn
mài mỹ nghệ. Dù có tay nghề cao trong lĩnh vực sơn mài, ông chỉ tự nhận mình là
nhà văn làm thợ sơn mài.”(1)
Lặng
người!
Một sự
chán chường tột đỉnh xâm chiếm tâm trí tôi. Buồn quá! Từ “nhưng” trong bài báo
sao nghiệt ngã và tàn nhẫn thế! Trớ trêu thay, nó lại phản ánh bộ mặt thật của
cả hệ thống báo chí trong nước đối với những nhà văn, nhà thơ Miền Nam. Đó là sự
nhỏ mọn, ích kỷ của chế độ đối với những tinh hoa của dân tộc!
Làm sao
một nhà văn đang trong giai đoạn sáng tác mạnh mẽ nhất lại có thể bỏ cây viết,
để nhảy ra làm thợ sơn mài để kiếm sống, và chỉ từ năm 1977?
Đằng
sau từ “nhưng” ấy là cả một sự thật hãi hùng, là những chuỗi ngày đen tối nhất,
tủi nhục và đáng quên nhất trong lịch sử dân tộc. Hàng triệu người bỏ nước ra
đi tìm tự do, bất chấp hiểm nguy sau ngày 30/4/1975. Trên phương diện văn hóa
nghệ thuật, nhà cầm quyền CSVN với chủ trương “Phải nhổ tận gốc rễ những
nọc độc về tư tưởng văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng
các hủ tục, mê tín, dị đoan lan tràn” đã tiến hành cuộc thanh trừng nhằm
xóa bỏ cả một nền văn học, văn hóa Miền Nam.
Biết
bao tác phẩm quan trọng đã bị tịch thu, đốt cháy. Biết bao gia đình lo sợ đã
tìm mọi cách vứt bỏ, thủ tiêu những sách báo, tài liệu, âm nhạc, hay đơn giản bất
cứ những gì dính líu đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của chế độ cũ. Thậm chí
người ta còn dị nghị nhau, sợ bị tố nếu như còn dám tàng trữ đôi cuốn sách, dăm
bài báo!
Và đỉnh
điểm cho sự trả thù của những kẻ chiến thắng chính là trại tù học tập cải tạo.
Không
chỉ riêng giới nhà binh, công chức của VNCH, Dương Nghiễm Mậu cùng bao nhà văn,
nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo… đã bị tước đoạt cuộc sống, quyền công dân, sự tự do,
sức sáng tạo và tài năng trong những năm tháng tù tội nơi rừng sâu, nước độc.
Ra tù, họ lại phải đối phó với nghèo khổ, phải bươn chải kiếm sống khi chế độ vẫn
muốn đào thải, ruồng bỏ họ. Làm sao có thể viết, sáng tác khi tinh thần bị bức
bách, kiềm chế, uy hiếp và khủng bố.
Ngay cả
khi chọn con đường ra đi, rời bỏ quê hương, sống tự do, người văn nghệ sĩ Miền
Nam vẫn phải lang bạt mưu sinh nơi xứ người. Những tác phẩm của họ cũng thưa dần.
Nghiệp bút chỉ là nghề phụ khi phải quần quật làm việc hàng ngày nơi hãng xưởng.
Ở lại
trong nước, viết không được. Phải bẻ cong ngòi bút, phải hèn mới có thể sống.
Nhưng Dương Nghiễm Mậu chọn lương tâm. Không có tự do, không sáng tạo. Đơn giản
thế thôi! Ông thà “lo làm thợ cho con ăn cơm sống lương thiện, còn dành
thì giờ rảnh đọc cổ văn, dạy ca dao, truyện cổ…” như lời tâm sự với bạn,
thi sĩ Viên Linh.(2)
Sau
1975, ít ai biết đến ông. Tác phẩm của ông bị rơi vào quên lãng, bị cấm đoán.
Thế hệ trẻ sinh ra trong những năm đầu của thập niên 70 vẫn không hề được đọc
sách ông một cách công khai. Học sinh, sinh viên trong nước, đại đa số, chắc chắn
chẳng biết gì về ông, về cả cái nền văn học nghệ thuật Miền Nam phong phú, đa dạng.
Những
ai có may mắn, được tiếp xúc, đọc lén những tùy bút, truyện ngắn của ông lại
qua lời chỉ bảo của gia đình. Có người, can đảm, có lòng, cất giấu vài cuốn như
của quí. Nhưng bi thảm đến nỗi, đói quá, bán tháo, bán chạy dăm ba xu để mua ít
bo bo nuôi con. Nhiều tác phẩm có giá trị của Miền Nam lại trôi dạt trên những
vỉa hè tại Sài Gòn, vứt tung tóe bên cạnh đồ phụ tụng xe đạp, để được bán đổ
bán tháo…
Và dẫu
sau này, khi Việt Nam mở cửa, một số ít tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được phát
hành lại (năm 2007) thì ông cũng còn phải chịu sự tấn công, mạt sát của Vũ Hạnh,
đại diện cho nền văn học chính thống đương quyền!
Sách và
tác phẩm của Miền Nam, nếu có được phát hành lại, thì cũng phải chịu sự kềm kẹp,
cắt xén, chỉnh sửa lại theo ý muốn của nhà nước. Không là ngoại lệ cho bất cứ
tác giả nào!
Chỉ một
bài báo ngắn, với một cách dùng từ có chủ đích, người ta dường như vẫn chưa muốn
buông tha kẻ vừa nằm xuống. Chưa muốn buông tha những người cầm bút bại trận. Họ
vẫn lo ngại, ganh ghét cái sự tự do, cái tính nhân bản, sự lãng mạn, tiến bộ đã
in hằn qua từng trang sách, bài thơ hay bản nhạc của giới văn nghệ sĩ Miền Nam.
Tôi chợt
nhớ lại một ngày trung tuần tháng 7 vừa qua, một mình lang thang tại Peek
Family, nghĩa trang của người Việt tỵ nạn cộng sản tại vùng Little Saigon, miền
Nam California. Trong cái nắng gắt đến cháy da, cỏ nơi đây vẫn xanh miết. Không
khí tĩnh lặng. Loay hoay tìm mộ phần của những người Việt nổi tiếng, tôi bắt gặp
ngôi mộ của nhà văn Mai Thảo. Cảm động khi đọc những vần thơ được chạm trên mộ:
“Thế
giới có triệu điều không thể hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”
Chàng
thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên, tác giả của những vần thơ day dứt tâm
hồn, cũng an nghỉ nơi đây.
“Ta
phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!”
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!”
Tôi
cũng thấy nơi an nghỉ cuối cùng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và nhiều người khác, để rồi
kính cẩn trước phần mộ của Nguyên Sa. Chắc chắn chỉ khi được sống trong một
khung cảnh cởi mở, giàu cảm xúc mới có thể thốt nên những lời thơ thật đẹp:
“Áo
nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”
Buồn,
khóe mắt cay cay, suy nghĩ miên man. Những đứa con Việt vô danh và những kẻ nổi
tiếng một thời giờ quay về với cát bụi. Những tinh hoa của nền văn hóa nghệ thuật
tại Miền Nam phải an nghỉ cách xa nơi chôn nhau cắt rốn đến hơn chục ngàn cây số.
Khát vọng sống mãnh liệt hơn mọi hiểm nguy đã đưa đẩy họ rời xa quê hương để tiếp
tục duy trì sự tồn tại của cả một nền văn học vốn bị mai một qua năm tháng.
Có lẽ,
đến những giây phút cuối đời, họ vẫn dõi mắt ngóng trông về quê hương, về đất Mẹ
mến thương với một tình yêu bao la và khoan dung.
Số phận
của Dương Nghiễm Mậu cùng bao trí thức, nhà văn, nhà thơ Miền Nam bị kẹt lại
trong nước và cả những người đã thoát ra ngoài để tiếp tục nghiệp cầm bút khiến
chúng ta phải suy tư, chất vấn, dằn vặt về những biến cố đã và đang xảy ra tại
quê hương. Một dân tộc bị bắt buộc chối từ những di sản văn học, những luồng tư
tưởng cởi mở, tự do bởi những lập luận chính trị phi lý, nhỏ mọn là một dân tộc
yếu đuối, bệnh hoạn và…đáng thương!
Biết
bao tài năng, tinh hoa của dân tộc (kể cả những người sống tại Miền Bắc) đã bị
triệt hại, bức bách để nhường chỗ cho một nền văn học nghệ thuật tù túng, dối
trá, giáo điều, sáo rỗng, nhuốm màu tuyên truyền chính trị. Lẽ ra, những người
cầm bút, làm nghệ thuật, chính là những kẻ tiên phong, mở đường, đưa dân tộc có
đủ nghị lực để vượt qua những thời khắc bi thương, tăm tối. Giam cầm tư tưởng,
tinh thần, tri thức và sức sáng tạo của họ là một tội ác lớn. Nó đã cố tình hay
vô tình kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Ôi, đây
mới chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt!
6/8/2016
Nếu
đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả
gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(1) http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nha-van-duong-nghiem-mau-qua-doi-3446696.html
(2) Thư
Dương Nghiễm Mậu viết gởi thi sĩ Viên Linh, http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/vinh-biet-duong-nghiem-mau/
No comments:
Post a Comment