Monday, August 22, 2016

DÂN CHỦ LÀ GÌ ? (Robert A. Dahl - Yale University Press)





Robert A. Dahl, On Democracy (New Haven, CT: Yale University Press, 1998), pp. 35–8.
Nguyễn Huy Hoàng biên dịch
Posted on Aug 22, 2016

Tất cả chúng ta đều có những mục tiêu mà chúng ta không thể tự mình đạt được. Nhưng chúng ta có thể đạt được một số mục tiêu trong số đó bằng cách hợp tác với những người khác cùng chia sẻ những mục tiêu tương tự.

Giả sử, khi đó, để đạt được một số mục tiêu chung nhất định, bạn và vài trăm người khác đồng ý thành lập một hiệp hội. Chúng ta có thể bỏ qua một bên những mục tiêu cụ thể của hiệp hội này để tập trung chính xác vào câu hỏi nhan đề của chương sách này: Dân chủ là gì?

Chúng ta tiếp tục giả sử, trong cuộc họp đầu tiên, một số thành viên cho rằng hiệp hội của bạn cần một bản hiến pháp. Quan điểm của họ được ưu ái đón nhận. Do mọi người nghĩ bạn có một số kỹ năng về những vấn đề như vậy, một thành viên đề xuất mời bạn soạn thảo một bản hiến pháp, rồi bạn sẽ mang nó đến một cuộc họp sau này để các thành viên xem xét. Đề xuất này được tán đồng thông qua.

Trong lúc chấp nhận nhiệm vụ này bạn nói đại loại như sau:

“Tôi tin mình hiểu những mục tiêu mà chúng ta chia sẻ, nhưng tôi không chắc chúng ta nên đưa ra những quyết định của mình như thế nào. Ví dụ, chúng ta có muốn có một bản hiến pháp sẽ giao thẩm quyền đưa ra mọi quyết định quan trọng của chúng ta cho những người hiểu biết nhất và có khả năng nhất trong chúng ta hay không? Cách dàn xếp này không chỉ có thể đảm bảo những quyết định khôn ngoan hơn mà còn có thể tiết kiệm thời gian và sức lực của những người còn lại.”

Các thành viên bác bỏ một cách áp đảo một giải pháp như vậy. Một thành viên lập luận:
“Về những vấn đề quan trọng nhất mà hiệp hội này sẽ phải giải quyết, không ai trong số chúng ta khôn ngoan hơn nhiều so với người khác đến mức quan điểm của anh ta có thể tự động thắng thế. Ngay cả khi một số thành viên có thể hiểu biết nhiều hơn về một vấn đề ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta cũng đều có khả năng học những gì mình cần biết. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ cần bàn luận và suy xét vấn đề trước khi đạt được quyết định. Suy xét và bàn luận rồi quyết định chính sách là một lý do khiến chúng ta thành lập hiệp hội này. Nhưng tất cả chúng ta đều đủ điều kiện như nhau để tham gia bàn luận vấn đề rồi quyết định những chính sách mà hiệp hội của chúng ta nên theo đuổi. Do đó, hiến pháp của chúng ta phải dựa trên giả định ấy. Nó phải đảm bảo tất cả chúng ta đều có quyền tham gia vào các quyết định của hiệp hội. Nói một cách đơn giản, do chúng ta đều đủ điều kiện như nhau, chúng ta nên quản trị mình một cách dân chủ.”

Thảo luận sâu hơn cho thấy những quan điểm anh ta nêu ra đều phù hợp với quan điểm chiếm ưu thế. Sau đó bạn đồng ý soạn thảo một bản hiến pháp tuân theo những giả định ấy.

Tuy nhiên, khi bắt đầu công việc bạn nhanh chóng nhận ra nhiều hiệp hội và tổ chức tự gọi mình là “dân chủ” đã thông qua nhiều bản hiến pháp khác nhau. Thậm chí trong các nước “dân chủ,” bạn cũng thấy các bản hiến pháp ấy khác nhau ở nhiều điểm quan trọng. Ví dụ, hiến pháp Mỹ quy định một người đứng đầu hành pháp quyền lực ở vị trí tổng thống và đồng thời một cơ quan lập pháp quyền lực ở Quốc hội; và cả hai khá độc lập với nhau. Ngược lại, hầu hết các nước châu Âu lại ưa chuộng một hệ thống nghị viện trong đó người đứng đầu hành pháp, thủ tướng, được quốc hội lựa chọn. Có vẻ như không có một bản hiến pháp “dân chủ” duy nhất nào.

Giờ bạn bắt đầu tự hỏi những bản hiến pháp khác nhau ấy có điểm nào chung để biện minh cho tuyên bố là bản hiến pháp “dân chủ” của mình hay không. Và có lẽ một số bản thì “dân chủ” hơn những bản khác? Dân chủ nghĩa là gì? Than ôi, bạn nhanh chóng biết rằng thuật ngữ này được sử dụng trong nhiều cách đến đáng kinh ngạc. Sáng suốt, bạn quyết định bỏ qua những định nghĩa nhiều đến vô vọng này, vì nhiệm vụ của bạn cụ thể hơn: thiết kế một bộ quy tắc và nguyên tắc, một bản hiến pháp, xác định cách thức ra quyết định của hiệp hội. Và hiến pháp của bạn phải tuân theo một nguyên tắc cơ bản: mọi thành viên đều được đối xử (dưới hiến pháp) như thể họ đều đủ điều kiện như nhau để tham gia vào quá trình ra quyết định về những chính sách mà hiệp hội sẽ theo đuổi. Bất kể về những vấn đề khác có như thế nào thì trong quản trị hiệp hội này mọi thành viên cũng đều được coi là bình đẳng về chính trị.

Những tiêu chuẩn của một tiến trình dân chủ

Trong bụi cây tư tưởng dân chủ khổng lồ và thường không thể thâm nhập được, liệu có thể xác định một số tiêu chí mà một tiến trình quản trị một hiệp hội sẽ cần đáp ứng để đảm bảo mọi thành viên đều có quyền tham gia một cách bình đẳng vào những quyết định về chính sách của hiệp hội hay không? Tôi tin là có ít nhất năm tiêu chuẩn như sau.

Sự tham gia hiệu quả. Trước khi một chính sách được hiệp hội thông qua, mọi thành viên phải có cơ hội bình đẳng và hiệu quả để bày tỏ ý kiến của mình trước những người khác về chính sách ấy.

Sự bình đẳng trong bỏ phiếu. Đến thời điểm chính sách cuối cùng được đưa ra, mọi thành viên phải có cơ hội bình đẳng và hiệu quả để bỏ phiếu, và mọi lá phiếu phải được tính như nhau.

Sự hiểu biết khai sáng. Trong những giới hạn hợp lý về thời gian, mọi thành viên phải có cơ hội bình đẳng và hiệu quả để tìm hiểu về những chính sách thay thế liên quan và những hậu quả có thể có của chúng.

Kiểm soát chương trình nghị sự. Các thành viên phải có cơ hội độc quyền nhằm quyết định làm thế nào, và, nếu họ chọn, vấn đề nào được đặt lên chương trình nghị sự. Do đó, tiến trình dân chủ theo yêu cầu của ba tiêu chuẩn trên đây sẽ không bao giờ khép lại. Các chính sách của hiệp hội luôn mở cửa để các thành viên thay đổi, nếu họ chọn như vậy.

Sự bao gồm người trưởng thành. Mọi, hoặc ít nhất phần lớn, cư dân thường trú trưởng thành phải có đầy đủ quyền công dân mà bốn tiêu chí trên ngụ ý. Trước thế kỷ 20 tiêu chí này là không thể chấp nhận đối với hầu hết những người ủng hộ dân chủ. Để biện minh chúng ta sẽ cần xem xét tại sao chúng ta nên coi những người khác là bình đẳng về chính trị. 

----------------
Robert A. Dahl (1915–2014) là nhà lý thuyết chính trị người Mỹ và cố giáo sư khoa học chính trị hàm Sterling tại Đại học Yale.
Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.





No comments: