Friday, August 5, 2016

BÌNH THUÂN MÙA THANH LONG "HÉO" (Hỷ Long - Báo Trẻ Online)





July 22, 2016

Thời tôi đi thi đại học ở Sài Gòn, đi ngang qua tỉnh Bình Thuận, tự dưng thấy lạnh người bởi cái nghèo ở đây, thỉnh thoảng chỉ thấy vài ngôi nhà lụp xụp, xập xệ bên đường, nhà nào khá một chút thì có thêm cái xe bò, cái chuồng bò. Mọi thứ phơi ra trước mắt. Bẵng đi gần mười năm, khoảng 2005, tôi vào Sài Gòn, hai bên đường là những ngôi nhà ngói đỏ tươi, nhìn cũng mừng, lại thấy rưng rưng bởi những vựa thanh long dã chiến của các chủ vườn, những núi thanh long mát mắt bên vệ đường. Rồi hơn mười năm sau, trở lại Bình Thuận, tôi phải rùng mình vì nhà cao cửa rộng, những vựa thanh long to lớn… của người Trung Quốc!

Vườn thanh long vừa thu hoạch xong với thua lỗ nặng nề

Thân phận trái thanh long

Khác với trái thanh long trước đây 100 năm mà người Pháp đã mang sang Việt Nam trồng thử nghiệm, thanh long thời đó hiếm như con lai trên quê hương mới. Trái thanh long bây giờ lại mang thân phận con nuôi ngay trên bản xứ, bị ngoại bang rẻ rúng, chà đạp, và vắt kiệt sức.

Một ruộng thanh long mới trồng

“Mùa thanh long ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, La Gi, Tuy Phong… năm nay tuy trúng đậm nhưng lại thất bại. Bởi vì tụi Tàu nó chơi điếm quá, còn bọn Việt gian thì đầy rẫy từ cán bộ đến thằng nhà buôn nên nông dân phải chết héo!”

Câu nói bâng quơ của một người ngồi cùng chuyến xe đến Bình Thuận cứ ám lấy tôi. Mà không ám làm sao được khi bạt ngàn thanh long, trái tươi mẩy, từ ruột trắng đến ruột đỏ, trái nào trái nấy tựa như con heo đất đỏ tươi, lại trở thành điều thê thảm, mệt mỏi cho người trồng ra nó.

Nếu như trước đây trái thanh long mang lại niềm hứng khởi cho người nông dân bao nhiêu thì bây giờ, trái thanh long ẩn chứa tủi nhục và uất nghẹn bấy nhiêu. Ông Vạn, một chủ vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam, tức tưởi: “Bây giờ trồng nho hay trồng thanh long chi rồi cũng chết hết!”.

Thanh long con mới trồng hôm đầu năm

“Chết là chết làm sao hả bác? Vì thời tiết, hay giá thành, mùa vụ hay là bởi thứ khác?”, tôi hỏi.

“Từ chết tới chết. Mọi năm chưa có người Trung Quốc qua đây tác oai tác quái thì mình sống được. Còn bây giờ nó qua, cắm rễ ở đây rồi, thì làm gì được nữa. Nói chung là bây giờ mình sống trong thời lãnh chúa rồi. Nó làm lãnh chúa, còn mình làm nô lệ cho nó”.

“Nghĩa là sao ông?”

“Trước đây thanh long không trồng nhiều như bây giờ, giá cả ổn định. Một người trồng vài thửa thanh long, biết mình sẽ thu nhập dao động từ bao nhiêu tới bao nhiêu tiền. Bởi trừ chi phí phân tro, điện nước, công cán ra rồi, nếu giá thanh long tăng thì trúng đậm, nếu giá không tăng thì cũng không đến nỗi thua bởi thị trường có chừng vậy rồi. Chỉ thất bại khi thanh long không đậu trái thôi. Còn bây giờ thì khác”.

“Khác thế nào vậy thưa ông?”.

Một vựa thanh long của người Việt vắng khách

“Từ ngày hai cha con ông Phú, ông Quí người Tàu sang đây làm ăn, rồi nhờ mấy tay người Việt đứng tên mua đất, bây giờ những tay người Việt đó thành tôi tớ của hai cha con nhà Phú Quí, chúng nó có đến cả chục hecta đất ven quốc lộ 1A. Chúng nó mở đến ba vựa thanh long lớn nhất đất Bình Thuận này, bên cạnh đó là hai vựa lớn nữa của một nhóm người Trung Quốc khác. Các vựa Kiên Kiên, Nga Minh, Tâm Hường, Xuân Tình, Hoàng Ân và nhiều cơ sở khác đều là của tụi nó, Cả Bình Thuận có 26 vựa thanh long thì tụi nó nhúng vòi vào trên 20 vựa, những vựa còn lại chết đứng, phải đóng cửa. Ðến nước này thì bọn nó thả sức ép giá mình”.

“Ép giá như thế nào hả ông? Sao chính quyền lại không can thiệp, vì luật đâu có cho việc này?”.

“Thực ra thì chính quyền cố tình làm ngơ thôi. Mà tôi nói nghiêm túc, chính quyền đã ăn tiền của bọn này. Chứ không ăn tiền thì làm sao sờ sờ trước mắt, nó lộng hành như vậy mà vẫn không bị hề hấn gì? Rồi thỉnh thoảng nó dắt bọn quan chức ở đây đi nhà hàng, quán xá, chơi với nhau như răng với môi. Rõ ràng là có tay trong tay ngoài rồi!”.

Một nhà hàng phục vụ cho người Trung Quốc ở Bình Thuận

Ngồi trầm ngâm, không nói gì thêm, ông rút thuốc ra hút, phà khói, rồi kể tiếp:

“Hồi xưa chỉ có người Việt mở vựa, trái thanh long không bất ổn. Sau này bọn nó qua, xúi bà con trồng thật nhiều, mà nó sai bọn chính quyền xúi. Có nghĩa là nó cho tiền bọn chính quyền để bọn này một mặt không ủng hộ trồng lúa, đóng thủy lợi, ruộng khô khốc, một mặt bà con trồng thanh long trên ruộng lúa. Rồi thì bọn Tàu nâng giá thanh long lên thật cao. Vậy là người ta xúm nhau trồng thanh long vì không còn cơ hội nào khác”.

“Tôi cũng vậy, không thể bỏ ruộng không, trồng lúa thì thua lỗ quá nặng nên chỉ còn hy vọng vào cây thanh long. Nhưng đâu yên, mình vừa trồng xuống thì bọn chính      quyền đến phạt mỗi sào 5 triệu đồng. Chúng nó dọa không nộp thì sẽ đưa vũ trang đến phá bỏ thanh long vì mình sử dụng đất sai mục đích. Lỡ trồng rồi, không lẽ phá. Cuối cùng nhắm mắt nhắm mũi mà đóng, tụi nó có chức có quyền mà, mình đấu sao nổi!”

“Giờ thanh long tràn lan thì nó tha hồ ép giá. Chỉ có bọn chính quyền và bọn Tàu mới trúng vụ thanh long này, còn nông dân thì thua trắng máu!”.

Vựa thanh long của người Trung Quốc

Ưu tiên cho Trung Quốc

Tôi sang một huyện khác. Trời nắng nóng, trước mặt như có một màn hơi nước chập chờn, chao đảo, tôi có cảm giác như đi qua sa mạc. Ghé vào một vựa thanh long giả bộ hỏi mua “vài tấn” đưa ra Hà Nội. Có hai người trong vựa, một Tàu, một Việt. Người Việt ra, không chào hỏi khách mà yêu cầu tôi cất máy ảnh đi, và hỏi:
- “Vào đây có chuyện gì không?”.
- “À, tôi muốn hỏi thăm mua giá sỉ một ít thanh long về Hà Nội bỏ mối cho mấy bà bán rong”.
- “Mua thanh long sao lại mang máy ảnh, nhà báo hả?”, tay người Việt hỏi tôi, với giọng đe nẹt.
- “Không, tôi đi du lịch, mà cũng đi hỏi mua thanh long để bán lại, tôi cần mua một chục tấn giá sỉ để bỏ mối vì tôi có cửa hàng trái cây ngoài Hà Nội. Các anh có thể cho tôi giá mềm nhất không?”.

Một cơ sở mua thanh long có người Trung Quốc đứng đằng sau

- “Xin lỗi nha, ở đây chỉ mua bán với Trung Quốc chứ không mua bán với người Việt!”.
- “Vậy có vựa nào mua bán với người Việt, nhờ mấy anh chỉ giùm tôi!”.
- “Không có đâu, các vựa ở đây thu mua hết, mang đi Trung Quốc, cũng có đưa ra Hà Nội nhưng có đầu mối ngoài đó rồi, không bán cho bò lạc được, làm ăn có hội có thuyền cả!”.

Nói xong cười có vẻ đắc chí, cầm ly trà đá giơ lên ra dấu hỏi tôi có uống không, tôi lắc đầu, hỏi tiếp:
- “Vào trong vườn mua được không?”.

- “Làm chi có chuyện đó, ở đây vườn phải mang đến vựa bán nếu bán sỉ, còn lẻ vài chục ký thì tự bán được. Bởi vì mượn tiền của vựa mua phân thuốc, vựa đã cho mượn tiền để trả tiền điện, tiền nước, phân thì vựa bán nợ, giờ bọn nó phải tới đây bán cho vựa chứ!”.
- “Nếu bán cho bên ngoài thì sao anh?”.
- “Thì nghỉ trồng luôn, trị tội ngay! Làm ăn đâu có giỡn chơi vậy được. Mấy thằng bên ngoài vào đây mua là bị xử ngay, do vậy mà anh em ở đây mới có hội có thuyền, mới làm ăn được chứ!”.

Nghe đến đây là đủ thông tin, tôi bỏ đi ra. Nịnh bợ kẻ ngoại bang đến thế là cùng, lừa đồng bào mua phân nợ để đến vụ thanh long lại tính tiền phân từ 120% đến 150% giá thị trường. Rồi ép giá thanh long, tới vườn phỉnh bà con hái vài tấn mang tới vựa với giá 30 ngàn đồng một ký lô. Nhưng khi mang thanh long tới, thằng Tàu lại đứng ra lựa chừng vài chục ký để mua với giá 30 ngàn đồng, còn lại thì mua 10 ngàn đồng. Người nông dân chỉ còn biết ngậm nước mắt mà bán cho nó, chứ nếu không bán thì cũng chẳng có vựa nào mua bởi chúng nó cùng một giuộc!

Một khi người Việt, từ trung ương xuống địa phương đều có những con người tự nguyện làm chó săn cho ngoại bang như vậy thì đất nước này, không chỉ riêng trái thanh long chín héo mà trái tim con người cũng chẳng còn chút máu tươi!

HL





No comments: