19/08/2016
14:40 GMT
TTO
– Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar có chuyến thăm 5 ngày tại Trung Quốc để bàn hai
vấn đề xương xẩu.
Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình tiếp bà Aung San Suu Kyi tại Bắc Kinh vào tháng 6-2015 Ảnh:
Reuters
Đóng vai trò chính thức là cố vấn nhà nước và Bộ
trưởng ngoại giao nhưng mọi người đều hiểu bà Aung San Suu Kyi là lãnh đạo đích
thực của Myanmar. Chuyến thăm đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á của bà vì thế
được săm soi rất kỹ.
Trung Quốc – điểm lựa chọn đầu tiên – là dấu hiệu
cho thấy Myanmar phải giữ quan hệ chặt chẽ với láng giềng to lớn của
mình.
Người
Trung Quốc vờ không biết?
Bà Suu Kyi từng được Bắc Kinh tiếp đón trọng thị hồi
tháng 6-2015 trong tư cách lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội Myanmar nhưng
truyền thông Trung Quốc vẫn giữ thái độ né tránh khi rất ít đề cập đến những hoạt
động của bà Aung San Suu Kyi trong quá trình tranh đấu vì dân chủ.
Hôm 17-8, vài giờ trước chuyến thăm chính thức của
bà Aung San Suu Kyi, tờ Hoàn Cầu thời báo còn bình luận rất ít tính ngoại giao
là “nhiều người ở Trung Quốc không biết bà Aung San Suu Kyi là ai và vai trò
chính trị là gì”. Tờ báo tiếng Anh chính thống của chính quyền Bắc Kinh còn mô
tả: “Người Trung Quốc xem bà ấy như một lãnh đạo thực dụng hơn là một biểu tượng
của dân chủ”.
Hôm qua (18-8) bà Aung San Suu Kyi đã gặp thủ tướng
Lý Khắc Cường và hôm nay bà gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai vấn đề
hóc búa được bàn thảo trong các cuộc gặp lần này: hòa giải với các nhóm phiến
quân ở Myanmar và số phận của dự án đập thủy điện Myitsone ở phía bắc Myanmar.
Dự án đập thủy điện Myitsone đã bị đình chỉ từ năm
2011 sau khi có phản ứng từ người dân mà trong đó có sự góp phần hô hào của
bà Suu Kyi và phe đối lập. Điều này đã khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ vì dự án
trị giá 3,6 tỉ USD này do Trung Quốc và Myanmar đầu tư. Nó quan trọng với
Bắc Kinh vì 90% nguồn điện từ đây sẽ được bán sang Trung Quốc nhằm kích thích
phát triển kinh tế ở khu vực giáp giới với Myanmar.
Trước chuyến đi của bà Suu Kyi, phía Myanmar đã “mở
lời” bằng tuyên bố của tổng thống U Htin Kyaw về việc lập ủy ban đánh giá
lại toàn bộ các dự án thủy điện trên sông Irrawaddy, trong đó có cả dự
án này. Báo cáo của nhóm điều tra sẽ được đệ trình vào đầu tháng 11 tới.
Trong cuộc gặp ngày hôm qua tại Bắc Kinh, hai bên
chưa tiết lộ thông tin cụ thể và chỉ nói về quyết tâm giải quyết vấn đề này.
Phía bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo với báo chí rằng bà Suu Kyi hứa
tìm ra giải pháp dung hòa lợi ích của cả hai bên.
Giới phân tích cho rằng phía Myanmar sẽ phải đấu dịu
xin được bồi thường thiệt hại cho Trung Quốc vì bà Suu Kyi sẽ khó lòng tiếp tục
cho mở lại dự án khi trước đây chính bà đã ngăn chận nó vì yếu tố môi trường.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này, bà cũng đã nhắc
lại chính sách năng lượng của Myanmar trong đó đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu.
Khúc
xương phiến quân
Nhưng Bắc Kinh còn có con bài tẩy quan trọng khác
trong các cuộc mặc cả với Myanmar là mối quan hệ với một số nhóm phiến
quân đã quấy phá vùng biên giới Myanmar nhiều chục năm qua.
Chính quyền mới của Myanmar đã tỏ quyết tâm phải
bình ổn cho được an ninh của đất nước để tính kế sách phát triển bền vững dài
lâu. Hội nghị hòa bình ngày 31-8 tới tại Panglong với các đại diện lực lượng nổi
dậy được xem là bước đi mạnh mẽ đầu tiên trong chính sách tìm kiếm hòa bình của
Yangoon.
Ngay cả việc chọn địa điểm Panglong cũng được cho là
mang dấu ấn của Suu Kyi vì cách đây gần 70 năm (vào năm 1947) tướng Aung San
- cha của bà Suu Kyi - từng tổ chức hội nghị tại đây với mong muốn
liên kết các nhóm dân thiểu số vì hòa bình và thịnh vượng cho Liên minh Miến Điện.
Theo nhà phân tích người Trung Quốc Yun Sun, thuộc
Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ), Bắc Kinh đã thể hiện thái độ hỗ trợ
Myanmar tổ chức cho được hội nghị hòa bình với các phe nhóm nổi dậy. Cuối tháng
7 vừa qua, một phái viên của Bắc Kinh đã đến dự một “hội nghị thượng đỉnh” của
các nhóm thiểu số tổ chức tại khu vực do phiến quân kiểm soát ở Kachin
(Myanmar).
Cũng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã thuyết phục
nhóm thiểu số đông nhất với đoàn quân mang tên Quân đội Nhà nước Wa Thống
nhất (UWSA) với hơn 20.000 thành viên và được cho là thân cận với Bắc Kinh, cử
đại diện đến hội nghị Panglong.
“Chuyến thăm Bắc Kinh lần này của bà Suu Kyi là một
cách cám ơn Bắc Kinh”, bà Yun Sun khẳng định.
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2016/08/19/suu-kyi-ly-khac-cuong-18-8-reuters-1471590197.jpg
Bà Suu Kyi (phải)
và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong buổi duyệt hàng quân danh dự tại Bắc
Kinh ngày 18-8 - Ảnh: Reuters
Trung
Quốc thủ lợi
Với Bắc Kinh, đương nhiên chuyến thăm của lãnh đạo
Myanmar lần này cũng có ý nghĩa vì qua đó dễ nắm được Myanmar và tránh sự can
thiệp vào khu vực của các quốc gia khác. Chưa kể hội nghị tại Panglong sắp
tới được cộng đồng quốc tế chú ý nên nếu thành công thì vai trò của Bắc Kinh sẽ
được ghi công.
Nhà nghiên cứu Renaud Egreteau, thuộc Trung tâm
Wilson ở Washington, nhận định: “Ngoài vấn đề biên giới hai nước, Bắc Kinh cũng
không muốn Panglong mở quá rộng cửa cho sự can thiệp của phương Tây và Nhật như
chuyện đã xảy ra với thỏa thuận ngừng bắn NCA từng được ký kết giữa chính quyền
trước với các phe nổi dậy vào tháng 10-2015”.
Ông Bertil Lintner, chuyên gia về Myanmar, bình luận
trên trang The Irrawaddy của Myanmar rằng dĩ nhiên Bắc Kinh cũng muốn có sự
bình ổn ở khu vực biên giới với Myanmar nhưng chắc chắn sẽ khó lòng từ bỏ “con
bài tẩy” là mối quan hệ với các nhóm phiến quân nổi dậy ở đây để dùng mặc cả
trong quan hệ với Myanmar.
Trung Quốc cũng có một ưu thế khác: dòng tiền đầu tư
trong hoàn cảnh Myanmar cần tiền để khôi phục kinh tế.
Tờ Hoàn cầu thời báo cũng nêu rõ là Trung Quốc có thể
đặt chân đầu tư vào Myanmar trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, khai khoáng cho
đến cơ sở hạ tầng, nông nghiệp. Tờ báo của Bắc Kinh nêu ra khả năng đào tạo
năng lực cho Myanmar để có lực lượng lao động làm trong các doanh nghiệp của...
Trung Quốc. Một bước đi hữu hiệu cho "quyền lực mềm của Trung Quốc",
Hoàn cầu thời báo không hề giấu diếm ý đồ.
Chẳng rõ ai thực dụng hơn ai? Bà Suu Kyi như
Hoàn cầu thời báo nhận định hay người Trung Quốc nói chung.
NGUYỄN
QUÂN
No comments:
Post a Comment