Friday, July 8, 2016

BREXIT & LIÊN ÂU - SAU ANH TỚI Ý (Hùng Tâm/Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
July 6, 2016

Người ta ngạc nhiên vì nhìn sự thể qua viễn vọng kính, và ngược đầu

Sau vụ khủng hoảng chính trị rồi kinh tế của Anh – đang diễn ra trước mắt chúng ta – thời sự sẽ nói đến vụ khủng hoảng ngân hàng, rồi kinh tế và sau cùng chính trị của nước Ý. Cả hai vụ khủng hoảng đều liên quan đến số phận của Liên Hiệp Âu Châu. Quyết định ra đi của Anh Quốc, gọi là Brexit, chỉ là triệu chứng nổi của nhiều vấn đề sâu xa hơn trong cơ chế Liên Âu, và thật ra là chuyện chẳng đáng ngạc nhiên. Hồ sơ Người Việt tiếp tục tìm hiểu hiện tượng ấy, sau quá nhiều bài phân tách trên cột báo này. 

Chẳng đáng ngạc nhiên
Ngày 23 Tháng Sáu, 52% cử tri Anh quyết định ra khỏi Liên Âu và gây bàng hoàng cho thế giới lẫn những người chủ trương ra đi, gọi là “Brexiters.” Họ bị bất ngờ vì không ngờ phản ứng khá quyết liệt của dân Anh khi được trực tiếp bày tỏ ý kiến. Sau đó, trong hai tuần liền, thiên hạ mổ xẻ quyết định này từ nhiều giác độ khác nhau mà tiếp tục nói sai về các nguyên nhân căn bản, làm thế giới sẽ lại bị bất ngờ nữa khi sóng gió lại nổi lên tại Âu Châu.

Cơ chế Liên Âu có nhiều vấn đề sâu xa mà lãnh đạo không giải quyết nổi từ nhiều năm nay. Khởi đầu là vụ khủng hoảng tài chánh rồi kinh tế từ năm 2008, lan rộng thành khủng hoảng trong khối Euro gồm có 18 thành viên, với biến cố nổi cộm từ đầu năm ngoái, là có nên cứu Hy Lạp nữa hay đành để xứ này ra đi, là chuyện “Grexit” của năm ngoái.

Vấn đề sâu xa là cơ chế Liên Âu có tham vọng lớn hơn thẩm quyền.

Lãnh đạo Liên Âu tại thủ đô Brussels muốn các nước tuân thủ một số quy định chung, nhưng lại không thể bắt từng thành viên tôn trọng các quy định ấy. Vụ khủng hoảng Euro bùng nổ từ năm 2011 lại bị nhồi trong cuộc khủng hoảng di dân từ miền Nam tràn lên vào năm 2014 càng gây khó khăn cho một giải pháp đồng hạng cho từng thành viên chỉ vì mỗi quốc gia thành viên lại có khó khăn riêng về kinh tế và chính trị.

Trong nội bộ từng nước, lãnh đạo quốc gia mất dần uy tín, các đảng phái chính trị truyền thống thuộc hai cánh tả hữu đều theo nhau thất cử và đây đó nổi lên phản ứng cực tả về kinh tế hay cực hữu về an ninh, với một mẫu số chung là tinh thần hoài nghi lý tưởng thống nhất của Âu Châu. Các thành phần đang nổi loạn đề cao một lý tưởng bị lãng quên là quyền dân, là chủ nghĩa quốc gia dân tộc thể hiện một cách dân chủ. Họ cho rằng lý tưởng này có giá trị hơn và không muốn chính quyền của họ ủy thác nhiều quyết định quan trọng cho một cơ chế siêu quốc gia, và cho các công chức quốc tế trong bộ máy thư lại ở Bruxelles.

Ðáng lẽ, trước khi bùng nổ vụ khủng hoảng tài chánh vào các năm 2008-2010, người ta đã phải sớm thấy ra vấn đề từ ba đợt di dân nối tiếp. 

Ba làn sóng tiên báo hồng thủy

Khi phê phán dân Anh là thiển cận, bảo thủ hay vô học nên mới bỏ phiếu Brexit, các bình luận gia hay giới có học đã chẳng nhìn ra sự thật, hoặc cố tình xuyên tạc. Họ quên mất sự lúng túng của Liên Âu trước ba làn sóng tiên báo. Họ bị loạn thị vì chóa mắt với quầng ánh sáng trước mặt, nhãn khoa gọi là “halo effect.”

Thứ nhất là trong đà thống nhất Âu Châu sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã vào cuối năm 1991, làn sóng di dân từ các nước Ðông Âu (nhìn theo trục Ðông-Tây) hay Trung Âu (nhìn theo trục Bắc-Nam) tràn qua Tây Âu để kiếm việc trong một Âu Châu từ nay thống nhất. Làn sóng ấy gây phản ứng khó chịu cho dân Tây Âu. Họ có cảm tưởng là dân Ba Lan, Hung Gia Lợi hay Tiệp từ các nước Cộng Sản cũ cướp mất việc làm của họ. Trong khi đó, các nước Ðông Âu lo ngại là thành phần tinh hoa có học của họ lại ra đi tìm việc có lương cao hơn tại miền Tây.

Ðợt di dân thứ hai là từ miền Nam tràn lên miền Bắc.

Các nền kinh tế miền Nam, từ nước Pháp xuống đến Ý, Hy Lạp, v.v… đều sa sút trong chế độ bao cấp và có mức thất nghiệp quá cao, nhất là trong giới trẻ. Vì vậy, thành phần có học và năng động nhất tại đây đều muốn kiếm việc ở miền Bắc và hưởng quyền tự do di chuyển và cư trú trong các nước thành viên của Liên Âu đã ký kết Hiệp ước Tự do Di trú Schengen. Từ những năm 2010, đợt di dân này thực sự đe dọa lý tưởng tự do và liên đới của một tập thể duy ý chí và gây ra bài toán cho từng chính quyền địa phương, hoặc bị mất lao động, hoặc phái đón nhận “kẻ xa lạ” từ nơi khác tràn vào để ăn trợ cấp hoặc được huấn nghệ để có việc làm.

Ðợt sóng thứ ba từ vụ khủng hoảng Trung Ðông là lớp di dân và nạn dân đến từ Iraq, Syria qua Ðịa Trung Hải vào các nước miền Nam, vốn dĩ đang gặp khó khăn kinh tế. Nhồi trong làn sóng nạn dân này là mối nguy khủng bố Hồi Giáo khiến nỗi quan tâm về nhân đạo và kinh tế lại chìm vào bài toán an ninh. Nhiều quốc gia phải quyết định đóng cửa biên giới hay thanh lọc di dân và bị lãnh đạo Liên Âu khiển trách, trường hợp Hung và Áo sau trường hợp của Ý và Hy Lạp. Nhưng các quốc gia này phàn nàn ngược rằng Liên Âu chẳng thông cảm hay yểm trợ họ để giải quyết những bài toán sinh tử về kinh tế ở bên trong và về an ninh ở biên giới.

Chính là hồ sơ di dân và yêu cầu của Liên Âu về chánh sách tiếp nhận di dân mới làm dân Anh lo ngại và đa số quyết định ra đi dù việc đó sẽ gây khó cho kinh tế. Ðâm ra thay vì quyết định lấy, lãnh đạo Anh đánh một canh bạc, là để người dân quyết định qua trưng cầu dân ý và thua nặng vì ý dân là Brexit.

Trong Tháng Mười tới đây, nước Ý cũng sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về việc tu chỉnh Hiến Pháp và sau lãnh đạo Anh, lãnh đạo Ý có khi cũng bị bất ngờ vì cuộc khủng hoảng tài chánh đang nổ ra rất chậm với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và các món nợ xấu, khó đòi và sẽ mất! Quả bom tài chánh này trị giá gần 400 tỷ Euro. 

Liên Âu thoái bộ

Sau cơn chấn động vì Brexit, ngoại trưởng của sáu nước sáng lập Liên Âu từ khởi thủy là Pháp, Ðức, Ý, Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg đã ra tối hậu thư cho chính quyền Anh của thủ tướng từ nhiệm David Cameron, rằng nếu đã muốn đi thì nên đi cho sớm! Chính trường Anh không thể tìm ra hệ thống lãnh đạo trong cơn khủng hoảng hiện nay và ít ra sẽ mất vài tháng rồi mới khởi sự đàm phán theo quy định của Hiệp Ước Lisbon năm 2007, ở điều 50.
Nhưng giới bình luận quên mất là ngay hôm sau, Thứ Bảy 25, sáu cột trụ của Liên Âu đã bảo nhau thoái bộ.

Trong bản thông cáo chung ít được giới bình luận chú ý, sáu nước công nhận rằng từng quốc gia lại nhìn tham vọng thống nhất một khác và từ nay Liên Âu sẽ tập trung nỗ lực giải quyết những thách đố cho tập thể và nhường lại cho các cơ chế quốc gia hay cấp vùng giải quyết các bài toán kia. Tức là sau vụ Brexit, Liên Âu chấp nhận thu hẹp thẩm quyền của mình, tập trung vào các vấn đề kinh tế, chứ không đòi các thành viên phải tuân thủ những yêu cầu khác, thí dụ như về di dân.

Liên Âu đang lui về đối diện với tình hình thực tế, trong đó có vụ khủng hoảng tài chánh tại Ý, nếu bùng nổ thì còn dữ dội hơn chuyện Brexit.

Bộ Trưởng Tài Chánh Ðức Wolfgang Schauble, nhân vật cột trụ của quốc gia cột trụ, tóm lược sự thật ấy ở lời phát biểu hôm mùng ba, rằng “Âu Châu phải đối diện với cái hẹn của thực tế”, rằng đã đến lúc phải có tinh thần thực tiễn, và nếu Hội Ðồng Âu Châu (cơ quan Hành Pháp tối cao của tập thể, hiện do Jean-Claude Juncker làm chủ tịch) không thể thống nhất ý kiến của các thành viên về một số giải pháp nào đó thì các chính quyền của chúng ta phải trực tiếp giải quyết lấy vấn đề.

Về bối cảnh, bộ trưởng Tài Chánh Ðức muốn đề cập đến vụ khủng hoảng của Ý, khi quốc gia này không thể tuân thủ những quy định của tập thể Liên Âu, trong đó có chủ trương của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB). Nếu tuân thủ thì chính quyền Ý sẽ thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới và sau Brexit, khủng hoảng tại Ý sẽ là khủng hoảng của Liên Âu, tiếp theo là sự tan rã chậm rãi mà khó tránh.

Hồ sơ Người Việt sẽ có dịp trình bày vụ khủng hoảng tại Ý, để độc giả bình luận cho vui, hoặc theo dõi các bài bình luận khác hầu biết lẽ đúng sai. 

Trở về với quyền lực quốc gia

Trong hai tuần tao loạn vừa qua, có một khái niệm ít được chú ý, đó là “quốc gia dân tộc.” Ðấy cũng là yếu tố giải thích vì sao dư luận lại ngạc nhiên về chuyện không đáng ngạc nhiên là Brexit.

Không chỉ dân Anh mà người dân của nhiều quốc gia khác không chấp nhận việc quyền lợi của quốc gia dân tộc lại được lãnh đạo của họ phó thác cho một cơ chế siêu quốc gia là Liên Âu, mà cơ chế này chẳng giải quyết được các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh chồng chất. Khi được hỏi ý thì dân Anh đã có câu trả lời rất dân chủ rồi bị suy diễn sai. Nếu người dân các xứ khác cũng được hỏi ý thì Liên Âu sẽ tiêu vong. Vì vậy, Liên Âu mới nhượng bộ, và nhường thẩm quyền giải quyết cho các quốc gia.

Vì hiện tượng hoa mắt, thời sự và truyền thông quốc tế đã không nhìn ra một biến cố minh diễn chiều hướng ấy.

Hôm mùng 5, Hội Ðồng Âu Châu lặng lẽ lùi bước trong việc thương thuyết hồ sơ CETA – Comprehensive Economic and Trade Agreement, thỏa ước toàn diện về kinh tế và thương mại giữa Liên Âu và Canada. Ðây là lần đầu tiên mà tập thể Liên Âu đàm phán với một quốc gia khác về quy chế hợp tác toàn diện, không chỉ giới hạn về tự do mậu dịch mà mở rộng qua lãnh vực đầu tư song phương. Trong việc đàm phán, Hội Ðồng Âu Châu là đại diện chính thức và duy nhất của cả tập thể.

Bây giờ, Hội Ðồng Âu Châu cho biết là sẽ xin Quốc Hội của từng thành viên Âu Châu phê chuẩn thỏa ước. Tức là từ nay, cơ chế đại diện cho người dân trong từng nước là Quốc Hội sẽ biểu quyết để phê chuẩn các hiệp định do tập thể Liên Âu đàm phán. Quyết định ấy cho thấy Liên Âu đang nhượng bộ và thẩm quyền của quốc gia dân tộc sẽ được tăng cường.
Nhưng có đủ hay không thì chưa ai biết! 

Kết luận ở đây là gì?

Brexit mới chỉ là tảng băng nổi. Chìm sâu bên dưới là cái gì đó còn lớn lao và nguy hiểm hơn.

Khi nói rằng nền dân chủ Anh bị phá sản với quyết định Brexit, có lẽ người ta đã chỉ nhìn qua ống viễn vọng kính.

Và nhìn ngược đầu.

-------------


Brexit và hậu quả  -  June 27, 2016


Anh và trật tự Liên Âu  -   June 15, 2016

Tranh luận Brexit   -  June 8, 2016

Brexit hay Break It?   -   June 1, 2016





No comments: