Ngày 09-06-2015, trên thuvienphapluat,
người ta thấy xuất hiện Dự thảo (không đề số thứ tự) mang tên Luật về Hội do
Quốc hội Việt cộng đưa ra. Được biên soạn nhằm thay thế “Sắc lệnh số
102/SL/L004 ngày 20-05-1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban
hành Luật quy định quyền lập hội” (lời văn dự thảo) cũng như nhằm nâng
cấp“Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tổ chức, hoạt động
và quản lý hội” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 21-04-2010, Luật
về Hội dự tính hoàn tất và ban hành vào năm 2016 để sẽ có hiệu lực đầu năm
2017. Dự thảo hiện có 8 chương và 37 điều.
Y như Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo đưa ra lấy ý
kiến các tín đồ ngày 10-04-2015 và đề án trưng cầu dân ý để sửa đổi Bộ luật
Hình sự được Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố hôm 14-7-2015, có thể cho rằng Dự thảo Luật
về Hội này phát xuất từ sự đòi hỏi của nhân dân và sự áp lực của quốc tế về
tính dân chủ, minh bạch và công bằng của nền luật pháp tại Việt Nam, vốn là cả
một rừng luật nhưng mang bản chất luật rừng. Nó cũng phát xuất từ sự lo ngại của
đảng và nhà cầm quyền Việt cộng trước việc ngày càng xuất hiện các tổ chức xã hội
dân sự độc lập mà mục tiêu trước mắt là quyết liệt đấu tranh cho các nhân quyền
cơ bản.
Với não trạng độc đoán và mục tiêu độc quyền thường
lệ, nhà cầm quyền đưa ra văn bản luật mới này không ngoài mục đích kiểm soát chặt
chẽ các hoạt động của nhân dân hơn nữa. Điều này thấy rõ trước hết nơi tên gọi:
“Luật về Hội” (đang khi Sắc lệnh năm 1957 của Chủ tịch nước từng viết “Luật quy
định quyền lập hội”), và ngay nơi điều đầu tiên: “Luật này quy định về
tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội”. Tiếp đến, dọc dài 37
điều, các bẫy pháp lý từng bước giăng ra và các nút dây càng lúc càng siết chặt,
để cuối cùng biến mọi tự do liên quan tới quyền lập hội thành những tội phạm
hình sự (y như trong Dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo).
Chính vì thế mà hôm nay, 01-08-2015, 22 tổ chức xã hội
dân sự độc lập đang bị nhà cầm quyền mưu tính xóa sổ đã cùng nhau ra Tuyên bố
chung đối với Dự thảo Luật về Hội đó. Sau khi khẳng định rằng sự minh bạch,
toàn diện, hoàn chỉnh và công bằng của luật pháp là cần thiết đối với sự bảo đảm
và phát huy các quyền tự do dân sự, đối với sự phát triển toàn diện của quốc
gia, rằng điều 4 Hiến pháp là nguyên nhân quan trọng cho tình trạng thiếu vắng
một nền pháp trị thực sự ở Việt Nam, rằng sự can thiệp tuỳ tiện của Nhà nước bằng
luật pháp vào đời sống dân sự sẽ ngăn chặn sự đóng góp hữu hiệu của công dân
trong việc hình thành các quốc sách tốt đẹp, Tuyên bố chung vạch ra 8 khuyết điểm,
hay nói thẳng là 8 sai lầm hoặc mưu mẹo của Việt cộng.
Đó là (1) Phân biệt đối xử giữa một
số hội (tổ chức) do nhà nước lập như công cụ của đảng vốn sẽ được tiếp tục duy
trì ưu thế với các tổ chức độc lập của công dân vốn sẽ bị Luật về hội chi phối
cách khắc nghiệt;
(2)
Dựng lên rào cản đối với các hội bằng “giấy phép”, nghĩa là luật
trao cho chính phủ quyền ban hành các quy định dưới luật nhằm tước bỏ hoặc hạn
chế các quyền của công dân, nhằm loại trừ những tổ chức bị “đặt thành vấn đề”,
đang khi quyền lập hội và nhập hội là quyền hiến định, bất cứ người dân nào
cũng có, chỉ cần ghi danh và công bố, chẳng cần xin phép và đợi sự cho phép
luôn đầy thâm ý của nhà cầm quyền;
(3)
Cấm đoán các hội đoàn độc lập, các hội đoàn của
những người đối lập, các hội đoàn bảo vệ nhân quyền… dựa vào cái cớ hết sức mơ
hồ (thấy trong nhiều bản văn luật): “Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp
của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền,
an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc” (Điều 8,
khoản 2);
(4)
Vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội: Quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
các cấp trong việc công nhận điều lệ hội và chức danh người đứng đầu hội tại Điều
14 và Điều 31 hoàn toàn mâu thuẫn và vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của
hội như đã được công nhận và quy định tại Điều 2 và Điều 6;
(5)
Hạn chế vô lý quyền gia nhập hội (mà Điều 3 đã
công nhận và quy định) đối với “các công dân bị tòa án tuyên cấm tham
gia hoạt động về hội hoặc hành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động chính của hội” (Điều
15, khoản 2, điểm a). Đây tương tự trường hợp án quản chế của nhiều tù nhân
lương tâm mãn tù.
(6)
“Nhà nước hóa” hội đoàn bằng Điều 25 khoản 2: “Hội
hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý
nhà nước về ngành, lĩnh vực đó”, đang khi hội là một tổ chức xã hội, chứ không
phải là cơ quan thuộc bộ máy nhà nước. Tất cả chỉ vì óc toàn trị!
(7)
Cản trở các hội đoàn độc lập ra đời. Điều 9 khoản 6
quy định một trong những điều kiện thành lập hội là "phải có đủ số
người đăng kí tham gia hội tối thiểu theo quy định của Chính phủ". Đây
là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền Tự do lập hội, vì nếu nhà nước quy định con số
tối thiểu này quá lớn sẽ ngăn cản việc thành lập các nhóm hội nhỏ ngay từ ban đầu.
Thực chất, chỉ cần hai người là có thể lập thành một hội. Điều 9 khoản 3 quy định
các hội đoàn ra đời sau thì lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lắp với
lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập "hợp pháp" trước
đó. Điều này một lần nữa tạo ưu thế tồn tại độc tôn của các hội đoàn nằm dưới ô
dù của Nhà nước và ngăn cản sự thành lập của các hội đoàn độc lập, không đăng
ký hoạt động trong cùng một phạm vi hoạt động. Chẳng hạn Văn đoàn Độc lập không
có thể tồn tại bên Hội Nhà văn và Hội Nhà báo Độc lập không có thể tồn tại bên
Hội Nhà báo!?! Điều 10 khoản 1 đề cập đến việc Ban vận động thành lập hội phải
được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Đây là chuyện vô lý và độc đoán.
Ban này có ý nghĩa quyết định đến việc thành lập hội, nên nếu không được công
nhận thì hội sẽ chẳng bao giờ hình thành. Đây là mánh lới để Việt cộng loại bỏ
ngay từ đầu quyền tự do lập hội của người bất đồng chính kiến hoặc giới hoạt động
nhân quyền;
(8)
Đặt tên của Luật theo kiểu toàn trị. Đúng ra phải lấy
tên là “Luật về Quyền lập hội” thay vì "Luật về Hội" để phù hợp với
tinh thần của điều 22 trong "Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính
trị" là công nhận và bảo vệ Quyền tự do lập hội của người dân. Một dự luật
về hội đoàn mà không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về Quyền tự do lập hội sẽ
là một bước lùi nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng nền pháp trị.
Thực ra thì trong Dự thảo, ở Điều 5 (Áp dụng pháp luật
về hội) khoản 2 có viết:“Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì
áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó”. Cũng gặp trong nhiều
văn bản luật khác, câu này chỉ là một lối nói vuốt đuôi, nhằm lừa gạt quốc tế
và ru ngủ quốc dân. Bởi lẽ trước hết những kẻ biên soạn luật này đều hiểu rõ
tinh thần của Tuyên ngôn lẫn các Công ước Quốc tế Nhân quyền, đều biết tại các
quốc gia dân chủ văn minh chẳng hề có những luật áp bức và quái đản như thế, dầu
vậy họ vẫn biên soạn nó như một công cụ cần thiết và hợp pháp cho đảng. Thứ đến,
khi gặp trường hợp người dân trưng dẫn công pháp quốc tế để biện minh và bênh vực
cho các quyền chính đáng của mình, người của nhà nước sẽ lý luận theo kiểu ba
trợn: “Việt Nam không phải là Úc là Mỹ! Hoàn cảnh và văn hóa nước ta nó
khác!”
Thành ra tưởng cũng nên trưng ra ở đây vài điểm
trong Cẩm nang để thực hiện tốt Quyền Tự do Lập hội từ văn
phòng của Báo Cáo viên Đặc biệt LHQ về tự do tụ tập ôn hoà và lập hội (bản dịch
của cô Huỳnh Thục Vy): “1/ Hội của tôi có cần phải đăng ký hay không?
Không! Quyền Tự do Lập hội bảo vệ tất cả các hội đoàn một cách ngang nhau dù có
đăng ký hay không. Các cá nhân tham gia các hội đoàn không đăng ký nên được tự
do thực hiện bất cứ hành động hợp pháp nào, bao gồm quyền tổ chức và tham gia
các cuộc tụ tập ôn hòa, và không nên chịu các biện pháp trừng phạt hình sự
(A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 56).2/ Quyền Tự do Lập hội có áp dụng cho tôi
không? Có! Bất luận bạn là ai. Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự
và Chính trị công nhận rằng quyền Tự do Lập hội nên được hưởng bởi tất cả mọi
người như đã được quy định bởi Công ước này (xem khoản 2 về sự bất phân biệt đối
xử) và các Nghị quyết 15/21, 21/16 và 24/5 của Hội đồng Nhân quyền. Trong nghị
quyết 24/5, Hội đồng NQ nhắc nhở các Nhà nước thành viên về nghĩa vụ tôn trọng
và bảo vệ các quyền tụ tập ôn hòa và và lập hội tự do của các cá nhân, dù ở
trên mạng hay ngoài đời, bao gồm trong bối cảnh các cuộc bầu cử, và bao gồm những
người thuộc phe thiểu số hoặc có quan điểm hoặc niềm tin đối lập đang tìm cách
thực hiện hay thăng tiến các quyền này (A/HRC/26/29, trang 9, đoạn 22). Luật
pháp không nên thiết lập bất cứ những hạn chế cụ thể nào lên các cá nhân, bao gồm
trẻ em, người nước ngoài, các cộng đồng ngôn ngữ và sắc tộc thiểu số, các cá
nhân đồng tính và phụ nữ, như là một ít trường hợp điển hình (A/HRC/20/27, trang
14, đoạn 54; A/HRC/26/29, trang 6-7, đoạn 18). Quyền tự do lập hội cũng mở rộng
đến những thực thể pháp lý (vd: 2 hội đoàn quyết định sáp nhập thành một tổ chức).
3/ Nhà nước có nghĩa vụ thăng tiến quyền tự do lập hội không? Có! Các nhà nước
có nghĩa vụ thực hiện những biện pháp tích cực để thiết lập và duy trì một môi
trường tạo điều kiện cho hoạt động của các hội đoàn. Các thành viên của các hội
phải được tự do thực hiện quyền lập hội của họ mà không sợ bị răn đe, hăm dọa
hoặc bạo lực bao gồm: sách nhiễu, xử tử tức khắc hoặc tùy tiện, bắt giữ hoặc
giam cầm tùy tiện, tra tấn, bôi nhọ bằng các chiến dịch truyền thông hoặc cấm
đi lại (A/HRC/20/27, trang 15-16, đoạn 63). Các nhà nước cũng có nghĩa vụ không
ngăn cản quá đáng việc thực hiện quyền tự do lập hội. Các thành viên của các hội
nên được tự do quyết định các điều lệ, cơ cấu tổ chức và sinh hoạt, và làm quyết
định mà không cósự can thiệp của nhà nước. Các hội nên được hưởng, trong số những
quyền khác, các quyền bày tỏ ý kiến, phổ biến thông tin, sinh hoạt với công
chúng và vận động các chính phủ và các định chế nhận quyền quốc tế
(A/HRC/20/27, trang 16, đoạn 64)”…..
Đối chiếu văn bản của quốc tế trên đây với văn bản của
quốc hội, ta thấy Việt cộng vẫn nhất quyết tiếp tục coi việc lập hội là phép của
nhà nước chứ không phải là quyền của công dân. Đó chỉ vì mù quáng bám víu quyền
lực, một sự mù quáng mà sớm hay muộn Việt cộng cũng phải trả giá đắt đỏ!
Xã
luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 224 (01-08-2015)
Ban
biên tập
No comments:
Post a Comment