Sunday, August 30, 2015

Bộ TT&TT đã làm sai nguyên tắc pháp lý, vi phạm các chuẩn mực về bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. (FB Trương Nhân Tuấn)





Bộ TT&TT đã làm sai nguyên tắc pháp lý, vi phạm các chuẩn mực về bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Bài báo dưới đây có tựa đề « Trung Quốc đã đi quá đà ở Biển Đông ? » vừa qua đã bị bộ Thông tin và Truyền thông phạt 38 triệu đồng. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại vì độc lập và chủ quyền của quốc gia Việt Nam trong chừng mực đã bị thuơng tổn.

Tôi dẫn lại link bài viết (vì không tiện đăng lại toàn bộ bài báo này) để biểu lộ tinh thần liên đới và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với tờ báo, cũng như với tác giả bài viết.

Nguyên nhân tờ báo bị phạt là « thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng ».

Bài báo thực ra là một bài nghiên cứu. Những dữ kiện mà tác giả tổng hợp là có thật, có thể kiểm chứng được. Kết luận của tác giả là một nghi vấn « Trung Quốc đã đi quá đà ở Biển Đông ? », chứ không phải là một kết luận.

Bộ Thông tin và Truyền thông dựa vào đâu để kết luận bài viết « thông tin sai sự thật » ?
Thực ra không cần thiết để tác giả phải đặt dấu chấm hỏi « Trung Quốc đã đi quá đà ở Biển Đông ? ». Sự thật cho thấy TQ đã đi quá đà.

Vì nếu Trung Quốc không « đi quá đà » thì Phi đâm đơn kiện TQ làm chi ? và Hoa Kỳ cũng đâu có mõi miệng lên tiếng phản đối TQ ngày một ? Lại còn VN và các nước chung quanh gia tăng vũ trang. Điều này để làm gì nếu không phải là để ngăn ngừa tình trạng « đi quá đà » của Trung Quốc ?

Việc phạt vạ bài báo này cho thấy bộ Thông tin và Tuyên truyền đã làm sai nguyên tắc pháp lý. Bộ TT&TT không đưa ra được bằng chứng nào để có thể qui tội tác giả « viết sai sự thật».

Ngoài ra hành vi của bộ TT&TT trong chừng mực đã vi phạm các chuẩn mực về bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
____


Đăng Nguyễn  - Người Đưa Tin
24.07.2015 | 07:22 AM

Trung Quốc luôn nói rằng muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nhưng lại đơn phương tiến hành những hoạt động quân sự khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành diễn tập tại khu vực bao trùm các đảo, đá phía đông bắc gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 đến 31/7. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh tiến hành các hoạt động đe dọa các nước láng giềng và tạo nên đối đầu đầy rủi ro với Mỹ.

Trang mạng The Christian Science Monitor dẫn lời bà Zhang Jie, người đứng đầu chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Khoa học Xã Hội Trung Quốc cho biết: “Bắc Kinh tự tin với những bước đi nhằm theo đuổi tham vọng thống trị khu vực”.

“Trung Quốc đã theo đuổi mục tiêu này từ lâu. Và giờ đây Bắc Kinh có nguồn lực và nhân lực để hiện thực hóa tham vọng này”, bà Zhang Jie nói thêm.

Tàu Trung Quốc đang bồi đắp đảo nhân tạo và khơi luồng trái phép ở đá Subi. Hoạt động cải tạo đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang được xúc tiến với cấp độ lớn chưa từng có.

Những hành động biến đá và đảo san hô trở thành căn cứ quân sự trong khi Trung Quốc phớt lờ các quốc gia khác ở Biển Đông đã khiến lo ngại vượt qua khu vực Vành đai Thái Bình Dương.

Chuyên gia Hong Nong đến từ viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông cho rằng, Trung Quốc cần phải thiện chí hơn nữa trong việc thuyết phục thế giới về chính sách “nâng cao hòa bình”.

Mục đích của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông sẽ đem đến hai thành công. Đó là việc nâng cao vị thế của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng cũng như sử dụng quyền lực để tiến sâu vào trung tâm vùng biển có kim ngạch thương mại 5 tỷ USD mỗi năm.

“Đây rõ ràng là một bước tiến rất bất ngờ nhằm tái cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông Zhu Feng, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Nam Kinh cho biết.

Những quốc gia ở Biển Đông đều có mối quan hệ thương mại gắn kết với Bắc Kinh nhưng với những hành động gần đây, Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng tìm kiếm mối quan hệ mới với Washington.

Như vậy, các nước Đông Nam Á giờ đây có thể xây dựng mối quan hệ thân thiện với Mỹ trong khi vẫn duy trì quan hệ với TQ. Điều này chỉ có thể thay đổi nếu Trung Quốc thao túng Biển Đông, Giáo sư Peter Dutton đến từ trường Cao đẳng Hải Chiến Mỹ nhận định:. “Washington sẽ không ngăn cản Bắc Kinh nhưng cũng không lùi lại vì lợi ích và chiến lược trong khu vực”.

Bắc Kinh đã đi quá đà trong căng thẳng Biển Đông?

Theo luật sư Zheng Zhihua, người đứng đầu Viện Luật pháp và Lịch sử Hàng hải tại Thượng Hải: “Các yêu sách trên biển của Trung Quốc rất mơ hồ”. “Quyền lịch sử” của Bắc Kinh có tính chất không rõ ràng.

Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo không tạo nên sự khác biệt. “Những theo quan điểm chiến lược, điều này lại tạo ra ảnh hưởng lớn”, ông Zheng bình luận.

7 đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ “nâng cao khả năng triển khai sức mạnh của Bắc Kinh tại khu vực phía Nam, mở rộng phạm vi cạnh tranh với Mỹ’, ông Peter Dutton nhận định.

Bắc Kinh hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động chống tàu ngầm, tiếp dầu trên không, cảng quân sự và radar cảnh báo sớm ở Biển Đông để thiết lập vùng Nhân dạng phòng không (ADIZ).

Viễn cảnh này khiến Mỹ và cường quốc trong khu vực lo ngại. Các máy bay P-3C của Nhật bản đã tham gia tập trận cùng Philippines trong khi Tokyo để ngỏ khả năng tham gia tuần tra Biển Đông.

Australia cũng có thể tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông cùng lực lượng Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về mối đe dọa ở Biển Đông cũng như Ấn Độ Dương.

“Trung Quốc đang phô trương sức mạnh. Họ đang tự tạo nguy cơ hình thành một liên minh bao vây, chống lại Bắc Kinh”, Giáo sư Goldstein, chuyên gia Nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận định.

Điều này rõ ràng đi ngược lại chính sách “Vành đai, Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở khu vực Á-Âu.

Biển Đông liệu có phải là lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh tiếp như Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây ra căng thẳng trong khu vực, nhiều học giả Trung Quốc đặt câu hỏi.

Theo bà Zhang Jie, “Dường như chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có quyết định cuối cùng”.
Tại cuộc họp báo hôm 23/7 tại Hà Nội, ông Lê Hải Bình – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố rằng cuộc thao diễn quân sự của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, ngăn cản đà phát triển quan hệ hai nước, đe doạ an ninh an toàn hàng hải trong khu vực”.“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thực hiện những hành động có trách nhiệm và dừng ngay những hành động làm căng thẳng trong khu vực”.
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.

Đăng Nguyễn





No comments: