Saturday, August 29, 2015

Lũ vạn tuế! (Thiện Tùng - Bauxite VN)





Thiện Tùng
30/08/2015

Không hề cường điệu, “cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khó sống nếu thiếu nước lũ”. Hàng năm, khi trời sa mưa, họ trông lũ về như người khát giữa hoang mạc chờ nước uống.

Ở ĐBSCL, cư dân phân biệt rạch ròi lụt và lũ. Lụt là nước mặn từ biển dâng lên, lũ là nước Ngọt (nước mưa) từ trên cao đổ về. Lụt rất có hại, còn lũ chỉ có lợi.

Đoạn quốc lộ 1A từ Sài Gòn đến Cà Mau chạy xuyên qua tâm vùng đất ĐBSCL. Phía bắc lộ có hai cánh đồng lớn là Đồng Tháp Mười và Đồng Tứ Giác Long xuyên, luôn nhiễm phèn, vào mùa nắng. Phía nam lộ, chủ yếu là vườn cây ăn trái, cũng luôn nhiễm mặn vào mùa nắng, do nước biển tràn vào 9 nhánh của hai con Sông Tiền và Sông Hậu (gọi là Cửu Long).

Vùng đất ĐBSCL luôn nhiễm hai thứ độc hại là phèn và mặn. Vậy cớ sao gọi nó là vùng đất trù phú? Đó là nhờ những trận lũ tràn về vào mỗi mùa mưa có tác dụng thanh trừ phèn, mặn. Chỉ cần những cơn mưa lớn đầu mùa trên thượng nguồn, lũ sẽ theo hai con Sông Tiền và Sông Hậu (2 nhánh của sông Mékong) xuôi dòng về miền hạ, bắt đầu rửa mặn. Khi mùa mưa vào thời cao điểm, lũ lớn nhanh như Phù Đổng, cường suất mạnh, đủ sức xua đuổi mặn lùi dần  ra biển.

Khi lũ lên cao, Sông Tiền và Hậu không tải nổi, nước tràn đồng. Lúc này nó tác dụng thay chua, rửa mặn cho ruộng vườn, đem theo những thứ độc hại ra biển, trả lại sự trong lành cho đất. Lũ đồng thời cũng mang phù sa từ thượng nguồn cung cấp nguồn dinh dưỡng quý giá cho các Giống cây trồng. Nó còn bồi lấp những chỗ trũng, tạo mặt bằng cho những cánh đồng vốn lồi lõm. Sau mỗi mùa nắng, ĐBSCL kiệt quệ thủy sản nước ngọt. Lũ về, cá tôm vùng thượng nguồn, nhất là từ Biển Hồ (Campuchia) cũng theo về. Lũ càng lớn cá tôm càng nhiều, rất có lợi cho người dân sống bằng nghề đánh bắt hoặc nuôi cá.

Người ta có thể đắp đê ngăn lụt chớ không thể đắp đê ngăn lũ. Nước từ trên cao đổ xưống, đắp đê ngăn lũ là trái quy luật, là hành động tự sát, bởi câu tục ngữ “ tức nước vỡ bờ”. Cho nên đồng bào ĐBSCL từ xa xưa đã quen và biết “sống chung với lũ” sao cho có lợi nhất. Ra khỏi chiến tranh, nước nhà thống nhất, những cán bộ miền Bắc được điều vào công tác vùng ĐBSCL xem lũ ở đây như là một thảm họa, không có thói quen “chung sống với lũ” mà là “chống lũ”. Họ ra lệnh lập những khu dân cư tránh lũ, đắp đê ngăn lũ khắp mọi nơi ở Đồng Tháp Mười. Hậu quả là, khu tránh lũ như những “Ấp Chiến lược” thời Việt Nam Cộng hòa, không  ai chịu vào. Trong đó nhiều vùng thiếu nước ngọt, nhiễm phèn, sâu rầy…, gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng. Do đắp đê bao ngăn dòng chảy, nước lũ buộc phải đổ xuống Sông Tiền, Sông Hậu, cường suất mạnh, gây sạt lở thị xã Sa Đéc bên bờ sông Tiền và cầu bắc Vàm Cống bên Sông Hậu.

Thật may, khi ông Võ văn Kiệt làm Thủ tướng, ông không đắp đê mà cho đào nhiều con kinh thoát nước ra Biển Tây, cải tạo cánh đồng Tứ Giác Long Xuyên. Ở Đồng Tháp Mười, những việc xây, đắp trái quy luật tự nhiên bị hủy dần theo năm tháng, nay đã trả lại nguyên trạng, người dân tiếp tục “chung sống với lũ” theo cách có lợi nhất mà họ từng trải nghiệm.

Điều cư dân ĐBSCL lo ngại nhất hiện nay là sợ các nước ở thượng nguồn sông Mékong xây đập thủy điện. Các con đập này có chức năng giữ nước, ngăn lũ, đồng thời cũng giảm thiểu lượng phù sa đổ về, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng. Lũ không về nước mặn sẽ xâm nhập ngày càng sâu vào nội địa.

Cư dân ĐBSCL khó sống nếu không có lũ. Thiếu lũ, ĐBSCL sẽ không còn là vựa lúa của cả
nước.

28/8/2015
T.T.
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 09:21





No comments: