12:00:am 30/08/15
Tối hậu thư Potsdam mà Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật
ngày 26-7-1945, giao cho quân đội Anh và quân đội Trung Hoa giải giới quân đội
Nhật ở nam và bắc vĩ tuyến 16 sau khi Nhật đầu hàng. Tối hậu thư không đề cập đến
ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân đội Nhật bị giải giới, tạo ra một khoảng
trống hành chính và chính trị tại Đông Dương, là cơ hội thuận tiện cho Pháp vận
động với Anh và Trung Hoa trở lại tái chiếm Đông Dương.
1.- QUÂN ANH ĐẾN NAM KỲ
Tại Nam Kỳ, sau khi quân Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, một
toán lính Pháp nhảy dù xuống vùng Tây Ninh ngày 22-8-1945, trong đó có đại tá
Jean Cédile, đại diện Pháp tại Nam Đông Dương. Quân Nhật bắt được, đưa về Sài
Gòn, tạm giữ ở phủ toàn quyền Pháp cũ. Tuy vậy, hai ngày sau (24-8), quân Nhật
cho phép Cédile tiếp xúc với người Pháp ở Sài Gòn. Cédile lập tức thành lập
ngay một “Uỷ ban thông tin” để tìm biết tin tức địa phương. (Philippe
Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952,
tr. 153.)
Thi hành tối hậu thư Potsdam, toán đầu tiên trong phái bộ
quân sự Anh giải giới quân đội Nhật, đến Sài Gòn ngày 6-9-1945, nghĩa là sau
ngày Lâm ủy Hành chánh Nam bộ Việt Minh (LUHCNB) nắm quyền ở Sài Gòn và HCM
thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945 ở Hà Nội.
Ngày 13-9, tướng Douglas Gracey, chỉ huy lực lượng Anh, phụ
trách việc giải giới quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16, có mặt tại Sài Gòn trong
lúc tình hình càng ngày càng căng thẳng. Gracey ra lệnh cho LUHCNB phải rời
dinh toàn quyền. Nhà cầm quyền Việt Minh (VM) phản đối. Quân Anh liền chiếm trụ
sở của LUHCNB. Việt Minh kêu gọi dân chúng biểu tình chống Anh, tố cáo Anh và
Pháp vi phạm nền độc lập của Việt Nam.
Những tù binh Pháp được người Nhật thả ra, khiêu khích người
Việt nên bị đánh trả. Jean Cédile yêu cầu Gracey can thiệp để cứu nguy người
Pháp. Ngày 19-9-1945, Douglas Gracey ra Tuyên cáo của Uỷ ban Kiểm soát Đồng
minh, nhận trách nhiệm duy trì trật tự, cấm tổ chức biểu tình, cấm hội họp, cấm
mang võ khí, trừ những người có phép, thiết quân luật từ 9 giờ tối hôm trước đến
5 giờ sáng hôm sau, lên án tử hình tất cả những kẻ cướp và phá hoại.
Ngày 21-9-1945, trong khi VM ra lệnh dân chúng Sài Gòn-Chợ Lớn
đình công bãi thị, thì tướng Gracey thả và trang bị võ khí cho 1,400 tù binh
Pháp còn bị giam giữ. Nhân cơ hội nầy, binh sĩ Pháp khiêu khích, tấn công người
Việt. Cédile, chỉ huy quân Pháp cướp chính quyền ở Sài Gòn đêm 22 rạng
23-9-1945, chiếm các đồn cảnh sát, công an, ngân khố, tòa đô chánh. Lâm uỷ Hành
chánh Nam bộ (gồm đa số là VM cộng sản) bỏ trốn.
Cũng trong ngày 23-9-1945, VM thành lập Uỷ ban Kháng chiến
Nam bộ (UBKCNB) do Trần Văn Giàu làm chủ tịch, và Uỷ ban Kháng chiến Sài Gòn Chợ
Lớn do Nguyễn Văn Tư làm chủ tịch. Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ ra tuyên cáo, vận
động dân chúng chống Pháp. Nhà cầm quyền VM ở Hà Nội liền lên tiếng tán thành
và kêu gọi toàn quốc chi viện cho Nam bộ kháng chiến. (Tài liệu đảng CSVN gọi
ngày 23-9-1945 là ngày “Nam bộ kháng chiến”.)
Tại Sài Gòn, VM tấn công nhà máy điện, bắt cóc và thủ tiêu
người Pháp. Ngày 25-9-1945, VM đưa người bao vây trú khu Héraud của người Pháp
(có sách viết Hérault) ở Tân Định (trên đường Trần Nhật Duật sau năm 1954). Việt
Minh giết một số người Pháp, bắt đi khoảng 50 người, rồi giết luôn. (Chính Đạo,
Việt Nam niên biểu, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tr. 269.) Hỗn
loạn tiếp diễn trong nhiều ngày.
Ngày 26-9-1945, tại Sài Gòn, trung tá Peter Dewey, trưởng
toán O.S.S. 404 (Hoa Kỳ) ở nam Đông Dương, bị bắn chết khi từ phi trường về trụ
sở O.S.S.. Phía VM đưa ra lý do là vì tướng Gracey không cho phép Dewey trương
cờ Mỹ khi di chuyển, nên Dewey bị tưởng lầm là người Pháp và bị bắn. Dewey từ hậu
cứ của toán OSS 404 ở Tích Lan (Ceylon tức Sri Lanka), đến Sài Gòn ngày
2-9-1945 theo kế hoạch Embarkment, để điều tra tội phạm chiến tranh.
Nhờ Douglas Gracey (Anh) làm trung gian, Jean Cédile (Pháp)
gặp các lãnh tụ UBKCNB ngày 2-10-1945. Hai bên đồng ý tạm thời ngưng các cuộc
khiêu khích nhau. Tuy nhiên, khi cuộc nói chuyện đi sâu vào nội dung chi tiết,
thì lập trường hai bên quá khác biệt. Cédile đòi UBKCNB trả lại các con tin và
thi hài của cố trung tá Dewey. Việt Minh đòi điều kiện tiên quyết là Pháp phải
công nhận Việt Nam độc lập. Ngày 5-10-1945, VM đòi tiếp là phải trở lại tình trạng
trước ngày 23-9-1945, trả lại thẩm quyền của Lâm uỷ hành chánh, cảnh sát, an
ninh công cộng, giải giới và tập trung người Pháp để người Việt bảo vệ, và
ngưng tất cả các cuộc chuyển quân đến Sài Gòn.
2.- ANH GIÚP PHÁP TÁI CHIẾM NAM KỲ
Pháp thảo luận với VM có thể nhằm kéo dài thời gian cho công
việc chuẩn bị. Ngày 3-10-1945, chiến hạm Pháp có tên là Richelieu đến Vũng Tàu,
đem theo một toán 55 biệt kích quân và hai đại đội bộ binh gồm 6 sĩ quan và 100
binh sĩ Pháp. Hai ngày sau (5-10-1945), trung tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque
(Leclerc) đến Sài Gòn, đóng bản doanh ở dinh toàn quyền.
Từ tháng 10 đến tháng 12-1945, bảy thương thuyền Hoa Kỳ chở
từ 14,000 đến 24,000 binh sĩ Pháp đến Việt Nam, nghĩa là khoảng 40% lực lượng
Pháp ở Việt Nam lúc đó. (Patricia K. Lane, “Éléments sur la mise en oeuvre de
la politique américaine envers l’Indochine, 1940-1945”, đăng trong Les Cahiers
de l’Institut D’Histoire Du Temps Présent, Charles-Robert Ageron và Philippe
Devillers chủ biên, số 34, tháng 6-1996, tr. 33.) Quân Pháp còn được không vận
đến Phnom Penh (Cambodia) và Pakse (Laos).
Trong lúc đó, tại London, thủ đô Anh, hai đại diện chính phủ
Anh và Pháp gặp nhau ngày 8-10-1945, ký Tạm ước hành chánh và tư pháp phía nam
vĩ tuyến 16 ở Việt Nam. Ngày hôm sau (9-10-1945), chính phủ Anh tuyên bố: 1) Yểm
trợ Pháp tái chiếm Việt Nam. 2) Chấp nhận chính quyền Pháp ở Sài Gòn. 3) Giao
quyền cai trị Nam vĩ tuyến 16 cho Pháp. (Chính Đạo, sđd. tt. 275-276.)
Tức thì, cuộc đàm phán ở Sài Gòn giữa VM và Pháp đổ vỡ ngày
10-10-1945. Do lực lượng mới được tăng cường, quân Anh phá vỡ vòng vây của VM,
bắt đầu mở rộng vòng kiểm soát ở Sài Gòn, chiếm Gò Vấp (ngày 12-10), Thủ Dầu Một,
Biên Hòa (ngày 23-10).
Lực lượng VM cộng sản chạy về vùng nông thôn, dùng du kích
và khủng bố lẻ tẻ tấn công Pháp. Ngược lại, trung tướng Leclerc tung hai cánh
quân ra trận, đánh chiếm Mỹ Tho ngày 25-10. Quân Pháp lần lượt chiếm Gò Công
(28-10), Vĩnh Long (29-10), Cần Thơ (30-10).
Cuối cùng, đô đốc D’Argenlieu, cao uỷ Pháp tại Đông Dương, đến
Sài Gòn chiều ngày 30-10-1945. Việc đầu tiên là ông ra sắc lệnh thành lập Hội đồng
Cao uỷ Liên bang Đông Dương. Trong khi đó, quân Nhật được tập trung ở Vũng Tàu
(Cap Saint Jacques) để đợi phương tiện về nước.
Pháp tăng cường thêm sư đoàn 9 Bộ binh Thuộc địa (BBTĐ). Từ
đây Pháp tung quân đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ và cao nguyên Trung Kỳ. Ngày
5-2-1946, Leclerc tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn là đã hoàn tất
tái chiếm Nam Kỳ và nam Trung Kỳ. (Philippe Devillers, sđd. tr. 176.)
Nhận thấy tình hình đã khả quan về phía Pháp, ngày 4-2-1946,
cao uỷ D’Argenlieu ký nghị định thành lập Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ (Conseil
consultatif de Cochinchine) do Uỷ viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ làm chủ tịch,
lúc đầu gồm 4 hội viên người Pháp, 8 hội viên người Việt, mỗi năm họp ít nhất
hai lần.
Việt Minh rút lui dần dần, mở cuộc tiêu thổ kháng chiến, vườn
không nhà trống. Pháp chiếm được các thành phố và các vùng nông thôn phụ cận,
trong khi VM lẫn trốn trong các vùng sâu (bưng biền), lập căn cứ bí mật, và từ
đó phóng ra những cuộc khủng bố bất ngờ. Đặc biệt VM lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, xã hội xáo trộn, tiếp tục chủ trương thủ tiêu những thành phần dân tộc đối
lập, những người không theo VM cộng sản hoặc hợp tác với Pháp.
Từ ngày 9-10-1945, bộ Ngoại giao Anh thảo luận với đại sứ
Pháp tại Anh để bàn chuyện chuyển giao chính quyền ở Nam Đông Dương, vì chính
phủ đảng Lao Động mới cầm quyền ở Anh, muốn rút quân ra khỏi Đông Dương. Ngày
28-1-1946, tướng Douglas Gracey chính thức bàn giao thẩm quyền cho các giới chức
Pháp, và quân lính Anh chính thức chấm dứt nhiệm vụ kể từ không (0) giờ ngày
5-3-1946, để lại nhiều trang thiết bị cho quân Pháp.
3.- PHÁP TIẾN QUÂN RA BẮC KỲ
Về ngoại giao, lúc đó VNDCCH, Pháp và Trung Hoa tạo thành thế
tam giác đặc biệt trên sân khấu chính trị Bắc Kỳ. Tại Hà Nội ngày 28-9-1945, Hồ
Chí Minh (HCM) gặp gỡ lần đầu các đại diện Pháp là tướng Marcel Alessandri (được
cao uỷ D’Argenlieu cử làm đại diện ở Bắc Kỳ ngày 15-9-1945) và Léon Pignon
(giám đốc chính trị và hành chính). Ngày nầy cũng là ngày diễn ra lễ đầu hàng của
quân đội Nhật, tại Hà Nội. Hơn một tuần sau, HCM gặp lại hai người Pháp vừa kể
lần thứ hai.
Sau hai lần thăm dò, ngày 15-10-1945, HCM chính thức gặp
Jean Sainteny, người vừa được thủ tướng De Gaulle bổ nhiệm làm Đại diện chính
phủ Pháp tại Bắc Kỳ (2-10-1945). Trong cuộc họp báo ngày 20-10-1945, HCM tuyên
bố Pháp phải thừa nhận nền độc lập Việt Nam thì mới có thể tiếp tục nói chuyện.
Trong lúc đó, đô đốc D’Argenlieu, cao uỷ Pháp tại Đông
Dương, đến Sài Gòn ngày 30-10-1945. Hồ Chí Minh gặp lại Sainteny ngày 1-12-1945
và sau đó HCM ngỏ ý muốn gặp D’Argenlieu. Người Pháp bí mật giao cho VM ngày
7-12-1945, một bản dự thảo hiệp ước giữa hai bên, để VM nghiên cứu.
Cuộc mật đàm giữa hai bên chưa đi đến kết quả, thì chính phủ
lâm thời HCM giải tán, thay bằng chính phủ Liên hiệp ngày 1-1-1946. Sau cuộc bầu
cử Quốc hội lập hiến ngày 6-1-1946, chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành
lập ngày 2-3-1946. Chính phủ nầy tạm thời giúp HCM vượt qua những khó khăn nội
bộ để lo việc ngoại giao, nhưng Pháp thấy rõ sự chia rẽ giữa VM với các đảng
chính trị Việt Nam.
Tại Nam Kỳ (Nam Bộ), các giới chức Pháp đã được người Anh
chính thức bàn giao thẩm quyền ngày 28-1-1946, và người Anh tuyên bố chấm dứt
nhiệm vụ tại miền Nam vĩ tuyến 16 kể từ không (0) giờ ngày 5-3-1946. Pháp tái
chiếm xong miền Nam, liền nôn nóng tiếp tục công việc tái chiếm Bắc Kỳ.
Về phía Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng cũng có
ý định rút quân Trung Hoa từ Việt Nam về nước, nhưng thấy Pháp quá nôn nóng tái
chiếm Bắc Kỳ, nên lợi dụng vấn đề Bắc Kỳ để làm giá mặc cả với Pháp.
Về phía VNDCCH, HCM và VM dùng vàng quyên được trong “tuần lễ
vàng” (phát động từ ngày 7-9-1945), hối lộ cho các tướng lãnh Trung Hoa nhằm
hai mục đích: Thứ nhứt mua võ khí của các tướng Trung Hoa. Số võ khí nầy do các
tướng Trung Hoa tịch thu được khi giải giới quân Nhật, bán cho VM. Thứ hai,
thúc đẩy các tướng Trung Hoa rút quân về nước càng sớm càng tốt, chấm dứt luôn
việc quân Trung Hoa hậu thuẫn các đảng Việt Quốc, Việt Cách, để VM dễ tiêu diệt
các đảng phái nầy.
Tuy nhiên cuộc thương thuyết với Pháp rất khó khăn, vì Pháp
biết VM đang chịu áp lực của Trung Hoa và sự chống đối của các đảng phái dân tộc,
đưa đến việc HCM phải lập chính phủ liên hiệp. Vì vậy, Pháp tỏ ra cứng rắn
trong những đòi hỏi của Pháp.
Ngày 16-2-1946, tức sau cuộc bầu quốc hội (6-1-1946), nhưng
trước khi chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập (2-3-1946), HCM cho
Sainteny biết rằng ông ta đồng ý bỏ việc đòi hỏi hai chữ “độc lập”, đổi bằng chữ
“tự trị”, đồng ý gia nhập khối Liên Hiệp Pháp và để quân Pháp thay thế quân
Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16. Lúc đó, tướng Lư Hán đang có mặt tại Hà Nội,
muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam, nên Lư Hán trực tiếp khuyến cáo
HCM nhượng bộ Pháp. (Stein Tonnesson, “La paix imposée par la Chine: l’accord
Franco-vietnamien du 6 mars 1946”, đăng trong Les Cahiers de l’Institut
D’Histoire Du Temps Présent, Charles-Robert Ageron và Philippe Devillers chủ
biên, số 34, tháng 6-1996, tr. 48.)
Trong lúc đang khủng hoảng, sáng ngày 27-2-1946, HCM bất ngờ
xin gặp gấp cựu hoàng Bảo Đại, cố vấn chính phủ HCM, lúc đó đang ở Hà Nội, và
HCM mời cựu hoàng thay ông ta điều khiển chính phủ. Sau khi tham khảo ý kiến của
Trần Trọng Kim và một số người quen thân ở Hà Nội, vào buổi chiều cùng ngày, cựu
hoàng Bảo Đại báo cho HCM biết cựu hoàng sẵn sàng nhận lời, thì HCM lại xin rút
lui ý kiến. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tt.
230-233. Theo Philippe Devillers, sđd. tr. 216, thì cuộc gặp nầy diễn ra ngày
22 hay 23-2-1945. Xem thêm: Stein Tonnesson, bài đã dẫn, sđd. tr. 33.)
Ngày nầy (27-2-1946) cũng là ngày đô đốc D’Argenlieu vội
vàng phát động cuộc hành quân Bentré, dầu Pháp chưa chính thức ký hiệp ước với
Trung Hoa, chuyển 21,000 quân từ miền Nam ra Hải Phòng, nhằm tái chiếm Bắc Kỳ.
Pháp muốn sớm chiếm lại Bắc Kỳ trước khi nhà cầm quyền VM được củng cố và trước
khi mùa mưa đến ở đất Bắc từ tháng 5 hằng năm.
Ngày hôm sau, hai bên Pháp – Trung Hoa ký kết hiệp ước Trùng
Khánh ngày 28-2-1946 giữa ngoại trưởng Trung Hoa là Vương Thế Kiệt (Wang
Shih-chiek) và đại sứ Pháp tại Trung Hoa là Jacques Meyrier, theo đó Trung Hoa
chịu rút quân ra khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15-3, và chậm nhất là ngày
31-3-1946, quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16; ngược lại,
Pháp trả về cho Trung Hoa các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông,
Quảng Châu Loan, bán cho Trung Hoa thiết lộ Vân Nam, sửa đổi quy chế người Hoa ở
Đông Dương, miễn thuế người Hoa ở Hải Phòng, và người Hoa chuyên chở hàng hóa
ngang qua Bắc Bộ sẽ khỏi phải chịu thuế. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng,
tái bản kỳ 2, Sài Gòn: 1970, tr. 300.)
Chiều ngày 5-3-1946, hạm đội Pháp xuất hiện ở ngoài khơi Hải
Phòng. Sáng sớm hôm sau, ngày 6-3-1946, Sư đoàn 9 bộ binh thuộc địa Pháp (9è
Division d’infanterie coloniale), dưới sự chỉ huy của trung tướng Jean Valluy,
bắt đầu đổ bộ ở Hải Phòng.
Thấy bị lâm nguy, sợ mất quyền lực và bị tiêu diệt, HCM bỏ
qua lời thề ngày 2-9-1945, vội vàng ký với Jean Sainteny thỏa ước Sơ bộ chiều
ngày 6-3-1946 tại Hà Nội, chính thức thừa nhận quân đội Pháp trở lại Việt Nam.
Về phía Pháp, Pháp trở lại con đường cũ mà các đô đốc Pháp
đã đến xâm lăng Việt Nam vào thế kỷ 19: đánh chiếm Sài Gòn, các tỉnh Nam Kỳ, tiến
ra Hà Nội, rồi toàn cõi Việt Nam.
(Toronto, 28-08-2015)
© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment