Friday, August 28, 2015

Xử đạo diễn Ukraina: Nga chà đạp luật quốc tế (Thụy My - RFI)

 



Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 27-08-2015 

Đạo diễn Ukraina Oleg Sentsov vẫn hiên ngang trong phòng xử án tại Rostov trên sông Đông, Nga, 25/08/2015.REUTERS/Sergey Pivovarov

« Nước Nga đứng ngoài luật lệ quốc tế », đó là tựa đề bài xã luận báo Le Monde hôm nay. Tờ báo cho rằng việc tòa án quân sự Nga kết án 20 năm tù khổ sai đối với đạo diễn người Ukraina Oleg Sentsov rõ ràng là siêu chính trị, cũng như bản án 10 năm tù dành cho một công dân Ukraina khác bị xử cùng lúc, Alexandre Koltchenko.

Bị chính thức buộc tội « tổ chức một nhóm khủng bố », nhà đạo diễn nhìn nhận đã có tham gia cuộc nổi dậy của người dân Ukraina ở quảng trường Maidan, đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Kiev được Matxcơva ủng hộ hồi tháng 2/2014, nhưng luôn luôn phủ nhận tất cả những cáo buộc của Viện Kiểm sát Nga.

Lý do mà hai người Ukraina trên bị kết án rất rõ : họ phản đối việc Nga sáp nhập Crimée, miền đất họ cư ngụ và bị bắt tại đây vào tháng 5/2014. Là công dân Ukraina, họ lại bị xét xử với tư cách công dân Nga, đi ngược lại với ý muốn của họ - Crimée từ nay đã bị Matxcơva coi là lãnh thổ Nga. Khi bản án được tuyên, cả hai đã cùng cất cao giọng hát quốc ca Ukraina trước mặt các quan tòa.

Đạo diễn Oleg Sentsov, 39 tuổi, có hai con, cách đây một tuần cũng đã biện hộ một cách hùng hồn và đầy can đảm trước các thẩm phán, nhắc đến nhà văn Nga gốc Ukraina, Mikhail Boulgakov, kêu gọi dân tộc Nga thoát khỏi trạng thái hôn mê, tố cáo việc tra tấn ông trong tù và gọi vụ xét xử này là phiên tòa của kẻ chiếm đóng.

Là nhà điện ảnh có tiếng tăm quốc tế, ông Oleg Sentsov nhận được sự ủng hộ của rất nhiều đạo diễn các nước. Sentsov và Koltchenko không phải là những công dân nước ngoài duy nhất bị tòa án Nga cáo buộc. Một người cảnh sát Estonia, Eston Kohver, bị tình báo Nga bắt và đưa sang đất Nga – như bài điều tra « Vụ án Eston Kohver » của Le Monde cũng đăng trong ngày hôm nay cho thấy – cũng bị lãnh án 15 năm khổ sai biệt xứ vì tội « gián điệp ».
Mười một người Ukraina khác, theo Kiev, đang bị giam giữ tại Nga trong đó có một phụ nữ trẻ, Nadia Savtchenko, trung úy Không quân Ukraina, bị kết tội đồng phạm trong vụ sát hại hai nhà báo Nga. Hai phóng viên này thực ra bị chết do đợt pháo kích bằng moọc-chê năm 2014 trong một trận đánh ở vùng Donbass. Nữ phi công Savtchenko bị quân nổi dậy thân Nga bắt được ở Ukraina, bị đưa sang lãnh thổ Nga rồi ra tòa. Được bầu vào Quốc hội ở Kiev trong lúc vắng mặt, cô sẽ bị xét xử ở Donetsk, vùng đất Ukraina đang do phe thân Nga kiểm soát.

Xử công dân Crimée vì coi là công dân Nga 
Liên hiệp Châu Âu cho rằng việc kết án đạo diễn Oleg Sentsov đã « vi phạm luật quốc tế ».Washington gọi đây là « sai lầm luật pháp ». Tuy chính xác về mặt từ ngữ pháp luật, các phản ứng của Âu Mỹ, theo Le Monde, vẫn chưa xét đến tính chất trả thù và quá đáng của các bản án nhắm trước hết vào việc trừng phạt các nước thuộc Liên Xô cũ hiện nay dám cả gan xung đột với Nga.
Các phiên tòa này, là tàn tích của một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Nga, không xứng đáng với một Nhà nước muốn trở thành hiện đại và tự cho là dân chủ. Không ai ảo tưởng về sự độc lập của tư pháp Nga trong chế độ hiện nay : tòa án xử theo lệnh trên, và các bản án tuyên trong những ngày gần đây khẳng định một sự chệch sang khuynh hướng đàn áp, được ghi nhận kể từ khi ông Vladimir Putin tái đắc cử năm 2012.
Dấn lên một bước mới, trấn áp nay không chỉ còn dành cho phe đối lập Nga, mà những khuôn mặt nổi bật đã bị sách nhiễu, bỏ đi lưu vong, thậm chí bị ám sát. Le Monde kết luận, khi coi công dân các quốc gia láng giềng như là công dân Nga có thể đem ra xử, một lần nữa Nga đã đứng bên ngoài luật lệ quốc tế.

Sụp đổ chứng khoán Trung Quốc : Châu Á đã rút được bài học 1997
Nhìn sang châu Á, kinh tế Trung Quốc tiếp tục thu hút mọi sự chú ý. Le Monde nhận định « Sụp đổ chứng khoán lần này không lặp lại cuộc khủng hoảng 1997 »: các quốc gia mới nổi đã học được bài học từ cơn lốc tài chính ập xuống cách đây 18 năm.
Tình hình kinh tế các nước châu Á ngày nay lành mạnh hơn. Nếu vào năm 1997, các nước trong khu vực đều bị thâm hụt ngân sách, thì nay nhiều nước, trừ Indonesia, đều có dự trữ giúp ít bị tổn thương hơn trước những cú sốc bên ngoài. Nếu cách đây 18 năm, nợ nước ngoài chủ yếu bằng đô la nên khi đồng tiền quốc gia mất giá, gánh nặng nợ công đã phình lên ; thì nay nhiều ngân hàng trung ương châu Á đã được « vũ trang » chống lại dòng vốn chảy ra ngoài hay đồng bản tệ phá giá.

Bắc Kinh mượn tay Hồng Kông cho việc phá giá đồng nhân dân tệ
Nhận định rằng Trung Quốc khó thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chứng khoán, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề « Bước ‘đại nhảy vọt’ của đồng tiền Trung Quốc trong hối đoái thả nổi ». Chính quyền Bắc Kinh muốn đồng nhân tệ hạ giá trong kiểm soát, mà không phải tiến hành « chiến tranh tiền tệ ». Nhưng với việc thả nổi hiện nay, đồng nhân dân tệ đang rơi vào cõi vô định.
Les Echos cho biết, việc đầu cơ trên xu hướng tiếp tục giảm giá của đồng nhân dân tệ đã phổ biến cho đến nỗi Hồng Kông quyết định đưa vào hệ thống ngân hàng của mình. Để bán ra đồng « yuan », các nhà môi giới phải đi vay trước đó.
Christopher Balding, nhà kinh tế chuyên về châu Á tố cáo: « Hồng Kông giúp các tay môi giới kéo giá đồng tiền Trung Quốc xuống, nhưng có lẽ với sự ủng hộ và thông đồng của Bắc Kinh. Số lượng nhân dân tệ được bơm vào hệ thống ngân hàng Hồng Kông có lẽ là từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, thông qua các hợp đồng hoán đổi (Swaps) ».
Les Echos nhận xét, khi hành động như thế, ngân hàng nhà nước Trung Quốc không phải nhận trách nhiệm trực tiếp về việc phá giá đồng tiền, dễ gây khó xử về mặt ngoại giao. Ông Tập Cận Bình khi gặp gỡ Tổng thống Mỹ vào cuối tháng Chín, không muốn xuất hiện như một người đã khởi xướng « cuộc chiến tranh tiền tệ » vào thời điểm mấu chốt đối với nền kinh tế Mỹ, khi chuẩn bị xem xét việc nâng lãi suất.

Tăng trưởng Trung Quốc : 7% hay 1%, 4% ???
« Thống kê mang tính phiêu lưu của Bắc Kinh càng làm tăng nghi ngờ về Trung Quốc » - phụ trang kinh tế của Le Figaro nhận xét. Chính Thủ tướng nước này cũng đã thú nhận như thế : các con số chính thức không khả tín.
Hồi giữa tháng Bảy, khi Cục Thống kê thông báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa quý II là 7% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã bị các nhà kinh tế ngoại quốc đón nhận với sự hoài nghi - cũng như tăng trưởng năm 2014 được cho là 7,4%, rất trùng hợp với mục tiêu do Tập Cận Bình đề ra là 7,5%.
Trước đó vào mùa thu năm 2014, không tế nhị như thường lệ, kinh tế gia trưởng Patrick Artus của ngân hàng Natixis ước lượng tăng trưởng thực sự của Trung Quốc chỉ từ 1 đến 2% ! Chủ yếu ông dựa vào số liệu về nhu cầu than đá, mà tăng trưởng hầu như bằng 0.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Nomura tính toán các số liệu tiêu thụ điện, xi-măng và doanh số bán lẻ, cho rằng tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc từ 4 đến 5%.
Những nghi ngờ về « hộp đen kinh tế Trung Quốc » đã có từ lâu. Các nhà đầu tư thừa biết các con số thống kê chính thức không phản ánh hoàn toàn thực tế. Ngay chính đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi năm 2007 đã thú nhận rằng thống kê của Liêu Ninh mà ông là một trong những người chịu trách nhiệm, không khả tín. Một điện văn ngoại giao bị WikiLeaks tiết lộ ba năm sau đó cho biết như trên.

Kết thúc 30 năm hoàng kim, người dân có tiếp tục chấp nhận mất tự do ?
Nhìn về tương lai, « Trung Quốc tìm kiếm một sự phục hồi mới », đó là dòng tựa trang nhất của nhật báo La Croix. Sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải là một trong những triệu chứng khẳng định những khó khăn của nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Trong bài xã luận mang tên « Sau 30 năm hoàng kim », La Croix nhận xét, tất cả yếu tố để thành công dường như được tập hợp đủ tại Trung Quốc. Khi khai thác một tổ hợp những ưu thế khá độc đáo – lực lượng lao động giá rẻ trữ hùng hậu, một cộng đồng người Hoa đông đảo có mặt khắp nơi trên thế giới, dự trữ ngoại tệ khổng lồ và một chính quyền trung ương có khả năng áp đặt những ưu tiên – chỉ trong khoảng thời gian một thế hệ kinh tế Trung Quốc đã vọt lên hàng thứ hai toàn cầu.
Ngày nay, cỗ máy ấn tượng ấy dường như đang dừng lại, gây lo ngại cho toàn thế giới, như những cú sốc trên thị trường tài chính đã chứng tỏ. Chỉ trong ngày một ngày hai, người ta chỉ còn nói về những mặt tối của sức mạnh Trung Quốc : cưỡng bức, ô nhiễm, đầu cơ, tham nhũng…

"Cây không thể vươn đến tận trời"
Ai cũng biết rằng tăng trưởng Trung Quốc không thể vĩnh viễn tiếp tục với nhịp độ cũ. « Cái cây không thể vươn đến tận trời » - một câu tục ngữ đã nói thế. Người châu Âu lại càng thấu hiểu.
Sau những tàn phá của Đệ nhị Thế chiến, châu Âu đã từng biết đến một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Quốc bây giờ. Ba thập kỷ vừa qua được ghi lại trong ký ức như thời kỳ « 30 năm hoàng kim » (tên gọi dành cho thời kỳ huy hoàng ở các nước phát triển từ 1945 đến 1974). Một khi đã tái thiết đến nơi đến chốn, tăng trưởng sụt xuống dưới tác động của cú sốc giá dầu. Từ đó suy ra, Trung Quốc có lẽ đã ở cuối con đường « 30 năm hoàng kim » của mình.
Theo La Croix, thật ra đây chẳng phải là tận thế. Từ thập niên 70, châu Âu vẫn tiếp tục giàu có thêm, nhưng sự kết thúc giai đoạn tăng trưởng nhanh đã làm mất đi hy vọng của một bộ phận dân chúng. Họ không còn tin tình hình sẽ được cải thiện trong khi hàng ngày phải đối đầu với nạn thất nghiệp.
Cũng chính điều này khiến ván bài đang trở nên khó khăn hơn đối với những người lãnh đạo Trung Quốc. Cho đến nay, người dân vẫn chấp nhận những khắc nghiệt của môi trường lao động, nạn ô nhiễm không khí, các hạn chế quyền tự do công dân, vì họ còn thấp thoáng thấy được một tương lai tốt đẹp hơn. Còn bây giờ, khi ngờ vực bắt rễ, thì tác động của nó chẳng khác nào các loại chất nổ.






No comments: