Monday, August 31, 2015

Vụ hành hung tàn bạo ngày 28/8 tại Lâm Đồng: chúng ta phải làm gì ? (FB Phạm Minh Hoàng)






Vậy là vụ côn an hành hung các anh chị em tại Lâm Đồng đã qua 48 tiếng. Có theo dõi trên mạng chắc mọi người cũng đã biết sơ qua những chi tiết của vụ việc. Nay, với tư cách là một nhân chứng, tôi xin trình bày dưới một góc nhìn khác.

Trở về diễn tiến, hầu hết các nguồn tin đã đưa đều đúng. Sự việc bắt đầu khi khoảng 20 anh chị em trở về sau chuyến thăm viếng tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật vừa được trả tự do sau 4 năm tù giam. Chúng tôi bắt xe về Đà Lạt. Đây là một xe bus loại 16 chỗ, cũ kỹ và chở đầy nông phẩm trên sàn. Sau khi lăn bánh được khoảng nửa tiếng thì bất chợt một đám thanh niên khoảng 4, 5 tên đeo khẩu trang xông lên xe và bất ngờ tấn công chị Thúy Nga, và hai em Tam, Sơn. Chúng vừa đánh vừa dùng những ngôn từ thô tục để bôi xấu các nạn nhân như “giật tiền, con đĩ…”.

Trong suốt 2 phút phù du, chúng tôi tê cứng vì sợ hãi, trong tiếng đánh đập, tiếng mắng chửi của lũ côn đồ, thỉnh thoảng vang lên tiếng rên rỉ của một bà cụ: ”Thôi, đừng đánh nữa”. Lăn lộn trên sàn xe giữa những bao ngô, Sơn bị chúng đánh không thương tiếc, em chỉ biết lấy tay bảo vệ mặt và vùng đầu. Sau khi cố chạy ra khỏi xe em bị nhiều tên khác vật xuống đường và tiếp tục đấm đá. Dưới xe, chị Nga bị chúng đánh chúi nhủi vào thùng xe, thỉnh thoảng thấy chị vùng đứng dây được, mặt nhăn nhó chịu đau dưới đòn thù. Xa xa kia, hai tên xúm vào đánh Tam. Chúng đánh Tam lăn lộn trên đất rồi em cố đứng dậy bỏ chạy vào cánh đồng rau có dây leo che phủ để trốn. Tổng cộng khoảng từ 10 đến 15 tên tham dự vào cuộc hành hung có tổ chức và chỉ đạo.

Chỉ khi chúng vụt lên xe bỏ đi anh em chúng tôi mới hoàn hồn. Người lo chạy đến săn sóc vết thương cho Nga và Sơn. Nga bị đánh vào mặt và hông nhưng cố lết được vào chỗ ngồi. Sơn thì vai và gáy bê bết máu. Em nói chúng đè xuống và nện giầy vào gáy. Mọi người kẻ lo lau máu, kẻ cố gắng chụp lại vài tấm hình để làm bằng chứng. Trong lúc này, một vài hành khách lên tiếng hỏi thăm, anh em ra sức trình bày nguyên do vụ việc.

- Chúng tôi là những người lên tiếng đòi nhân quyền, chống lại cái sai trái mà bị chúng đánh như thế này đây.

- Mấy tên đánh chúng tôi là côn đồ được công an ra lệnh.

Hành khách ai nấy chỉ biết lắc đầu thở dài ngao ngán. Tôi nghĩ chúng tôi sợ mười thì họ cũng sợ bảy, tám. Suốt sự kiện, không ai dám nhấc mông ra khỏi ghế.

Dưới xe, một thanh niên đến thăm hỏi và nói là đã nhận diện được hai trong bốn tên hung thủ là công an địa phương và khuyên mọi người ghé vào giáo xứ để nghỉ ngơi và chăm sóc.

Một số anh em xuống xe để đi tìm lại đồ đạc bị đập phá và vứt tung tóe khắp nơi. Sực nhớ tới Tam, tôi chạy vào đám cánh đồng dây leo vừa đi vừa gọi. Nghe tiếng người quen, Tam lò mò chui ra, mặt mày sưng húp, một bên má trầy sướt, quần áo lấm lem. Chúng tôi đỡ em lên xe rồi khởi hành. 

* * *

Sự việc chỉ kéo dài 2 phút nhưng không bút mực hoặc phim ảnh nào có thể diễn tả hết được cường độ của sự tàn bạo và còn ghi khắc mãi trong tâm khảm. Quay lại khúc phim kinh hoàng, tôi tự thấy mình tê cứng vì sợ hãi. Không dám la lên một tiếng để báo động chứ đừng nói gì đứng ra can ngăn. Cô giáo Bích Hạnh đi trong chuyến xe khác về Sàigòn bị tấn công tàn bạo cũng có chung một cảm giác như tôi. “Em nằm chết cứng một chỗ, chỉ biết ôm con vào lòng. Em cảm thấy hẻn hạ thật thầy ạ”. Trong chuyến xe này anh Lượng bị đánh sưng tím mặt mày, người thì bê bết máu; một cô gái trẻ khác còn bị đánh vào bụng trong lúc mang thai.

Hèn! Tính từ này theo đuổi tôi suốt quãng đường về nhà. Chuyện gì xảy ra nếu tôi xông vào can ngăn. Chắc chắn tôi cũng sẽ bị đòn đau, thậm chí còn có thể nhập viện; nhưng ít ra cũng giải tỏa cho các nạn nhân cũng như tạo can đảm cho những người đi cùng đứng lên bảo vệ cho anh em.

Ngoài yếu tố quá ư khinh suất, quá ư chủ quan để đến nỗi bị tấn công quá bất ngờ, nhưng điều không chối cãi được là tinh thần mình quá yếu trước thảm cảnh này. Tôi viết nên những lời này để chân thành xin lỗi đến Lượng, Nga, Sơn và Tam. Trong thâm tâm, tôi nghĩ các em sẽ không giận tôi khi điều kiện sức khỏe cũng như nếp sinh hoạt thường ngày không cho tôi điều kiện làm những gì mình muốn. Trong cuộc đời mình, tôi chỉ biết cầm bút và chủ trương đấu tranh bất bạo động, chưa bao giờ va chạm với bạo lực huống hồ mục kích một trận tấn công hung bạo như thế này.

Đây là sự việc thứ bao nhiêu tôi không rõ, nhưng lớn nhỏ chắc cũng xấp xỉ một trăm. Có người cả hai vợ chồng bị đánh đến lần thứ năm. Anh Tam mới trước vài ngày vừa bị đánh và mất hết tài liệu, máy móc mang theo. Sau những lần ấy anh em đều có ít nhiều báo cáo đến các phái bộ ngoại giao, đến các tố chúc nhân quyền. Điều chắc chắn là tất cả họ đều biết rõ cội nguồn, biết rõ ai đứng sau những vụ tấn công này nhưng đến nay tình hình chưa có biến chuyển như ý. Tại sao? Đơn thuần là cán cân lực lượng và quyền lợi hiện vẫn còn nghiêng về phía đảng CSVN. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để thay đổi cán cân này hầu biến cảm tình của thế giới đang trong trạng thái chờ đợi phải biến thành những hậu thuẫn cụ thể, và điều đó sẽ khiến nhà cầm quyền phải thay đổi cung cách ứng xử rừng rú như hiện nay.

Sự việc tại Lâm Đồng lại càng khẳng định một điều là người cộng sản chỉ thay đổi khi chúng ta thay đổi, và cái thay đổi lớn nhất là chúng ta phải vượt qua được sự sợ hãi.

-------------------------
TIN LIÊN QUAN :
.
.
Gia Minh  -  RFA      2015-08-28
.
.
.
.
CTV Dân Luận tổng hợp      28/08/2015







No comments: