Sat, 08/29/2015 - 10:41 — tuankhanh
Câu chuyện đề nghị thu tiền tác quyền của bài Tiến
quốc ca ở Việt Nam hiện nay, gợi lên không ít điều phải bàn, liên quan đến danh
dự một quốc gia, cũng như của chính tác giả bài hát đó. Tuy chuyện ông Phó Đức
Phương, giám đốc Trung bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nêu ra có
vẻ rất lạ thường, như lại là cơ hội để công chúng được một dịp nhìn thấy mọi
góc cạnh của ứng xử, của hiện trạng về bài quốc ca tại Việt Nam.
Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam cho đến nay, chưa có
bài hát nào được sử dụng nhiều bằng bài Tiến Quân Ca, bởi tính khách quan, đó
là bài hát được Quốc hội của miền Bắc Việt Nam, năm 1946, lúc đó còn mang tên
là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chọn là bài hát chủ đề giới thiệu một chính thể –
một national anthem, mà cho tới nay chưa có sự thay đổi chính thức nào. Mặc dù
sau khi Việt Nam không còn chiến tranh và chính thức đổi tên là Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, bài hát này vẫn được vang lên với tư cách là một bài quốc
ca.
Nếu tính thành tiền tác quyền, bằng giá của một ca
khúc bình thường mà VCPMC vẫn thu hiện nay, tiền tác quyền của của riêng bài
hát này (kể cả truy thu) của nhạc sĩ Văn Cao có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng
Việt Nam. Và nếu được như vậy, nhạc sĩ Văn Cao có thể đi vào lịch sử âm nhạc thế
giới qua sự kiện 20 năm sau khi mất, vẫn làm ra những số tiền khổng lồ. Hãy thử
tưởng tượng, nếu còn sống đến lúc này, có lẽ nhạc sĩ Văn Cao sẽ là một trong những
nghệ sĩ – đại gia hàng đầu của Việt Nam.
Tiếc thay lúc sinh thời, đời của ông không được một
phần nho nhỏ nào như vậy. Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) ra đi trong sự thanh bạch
và nghèo khó. Tháng 2.1993, trong chuyến đi của tổng thống Pháp François
Mitterrand đến Hà Nội, Việt Nam, những người cùng thời kể lại rằng ngôi nhà của
nhạc sĩ Văn Cao bất ngờ được chọn là một trong những điểm ghé qua, bên cạnh
danh sách các điểm đến là chiến trường Điện Biên Phủ xưa, Văn Miếu... Khi ấy,
chỉ được biết trước một vài tiếng đồng hồ, nhà nhạc sĩ Văn Cao đã được vội vã tổ
chức lại cho tươm tất hơn, cũng như phía chính phủ Việt Nam cũng bất ngờ cho biết
sẽ lập khoản trợ cấp vài trăm đồng trong một thời gian, vì nhận ra ông đang có
cuộc sống quá chật vật.
Nhưng ngay lúc sinh thời, khi tác phẩm của mình được
chọn làm quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao lúc đó ắt hẳn cũng mang nhiều tâm trạng khó tả,
không thể nào lên tiếng bất cứ điều gì được. Khó mà biết được ông lặng lẽ hay
ông im lặng.
Năm 1956, khi tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm
của các trí thức hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ, nhạc sĩ Văn Cao đã phải đối đầu
với nhiều đợt phủ nhận tác phẩm của ông.
Năm 1958, chính phủ miền Bắc Việt Nam đã dự định
dùng bài Bài ca cách mạng tiến quân của Đỗ Nhuận để thay cho Tiến Quân Ca, thế
nhưng không hiểu sao, bài hát Tiến Quân Ca cứ in vào tâm trí người dân, không đổi
được. Dù vẫn phải sử dụng, nhưng ít ai để ý là nhiều năm liền sau đó, đến tận
năm 1980, chính sách dùng quốc thiều để thay cho các buổi hát quốc ca đã được
áp dụng khắp nơi.
Có lẽ vì hiến pháp mới, được công bố năm 1980 lại
không thấy ghi chính thức chọn Tiến Quân Ca là quốc ca (chỉ ghi là thông qua),
nên đến ngày 28/4 năm 1981, đã có hẳn một chương trình thi viết quốc ca mới do
báo Nhân Dân đột ngột thông báo, kéo dài trong hai năm, với sự chấp thuận của
ông cố tổng bí thư Lê Duẫn và hội đồng xét duyệt như các ông Trường Chinh, Xuân
Thủy. Ngoài ra có có nhà thơ Cù Huy Cận, thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin và nhạc
sĩ Lưu Hữu Phước, chủ tịch Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội là chủ tịch
và phó chủ tịch Ban Giám khảo. Theo thống kê, đã có gần 30.000 bài hát từ khắp
nơi gửi về nhưng không có bài hát nào được chọn làm quốc ca mới. Đó cũng là một
giai đoạn mệt mỏi đối với nhạc sĩ Văn Cao, vì cái giá của một bài quốc ca mà
ông đang đối diện, cũng lơ lững không khác nào lưỡi gươm của Damocles.
Trãi qua những gập ghềnh ấy, thật lạ, không hiểu sao
người dân vẫn chọn Tiến Quân Ca làm bài hát của mình. Mặc dù lời bài hát này,
trong thời điểm hiện tại nghe đầy xương máu, nhưng trong lần nói chuyện lịch sử
với ông Văn Cao, tổng thống Pháp François Mitterrand đã so sánh bài Tiến Quân
Ca với La Marseillaise – những bài hát được chọn làm quốc ca, đã ghi lại hình ảnh
đau thương lịch sử trong chiến tranh thế giới thứ hai và lòng ái quốc có thể
đánh đổi bằng cái chết.
Trong lịch sử của những người nghệ sĩ, Văn Cao cũng
là một nghệ sĩ yêu nước đến mức sẳn sàng đánh đổi bằng cái chết của mình. Vì
từ năm 1944, khi mới 21 tuổi, Văn Cao đã sẳn sàng dùng bàn tay nghệ thuật của
mình để đặt vào cò súng, trở thành những ám sát viên lừng danh của Việt Minh của
Hà Nội. Ông ám sát thành công Đỗ Đức Phin, một người làm việc cho Pháp tại
Hải Phòng, và một lần khác (1945) là ám sát Cung Đình Vận ở Huế, nhưng lần này
không thành công. Bài hát Tiến Quân ca của ông cũng nói rõ tâm tình của một
thanh niên chứng kiến nạn đói và những khí thế cách mạng thời đó. Ông cũng là
người hăng hái lên tiếng kêu gọi cải cách và xây dựng lại xã hội trong nhóm
Nhân Văn – Giai Phẩm. Năm 2009, khi thời Việt Nam mở cửa đến, ông được phát
hành tập thơ Lá, lạ thay trong đó là những dòng đọc mà nghe sao nghẹn ngào “Có
lúc một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ, có lúc ban ngày nghe lá rụng
sao hoảng hốt, có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được...” (bài viết năm
1963).
Trả bao nhiêu cho đủ với những gì mà một nghệ sĩ lớn,
một tác giả đã viết ra bằng tâm huyết của mình, được nhân dân chọn làm quốc ca
từ mấy mươi năm nay? Mà trên thế giới, cũng ít có tác giả nào viết quốc ca lại
đòi tiền, vì đó là danh dự và sứ mạng của một người được cuộc sống ban tặng.
Nhưng cách nói của nhạc sĩ Phó Đức Phương thì lại nhắc cho mọi người nhớ rằng
có rất nhiều cái chúng ta đã quên, thậm chí quên một cuộc đời đáng nhớ và kính
trọng đã viết nên bài hát đó, mà mỗi ngày trên nước Việt Nam này luôn vang lên ồn
ào trong sự vô tâm, vô tình, giả tạo. Chúng ta có nợ nhạc sĩ Văn Cao không?
Cái nợ không nhỏ đó cũng thuộc về nhà nước hiện
hành. Năm 2010, khi bà Nghiêm Thúy Băng gửi thư cho Quốc hội, hiến tặng ca khúc
này cho chính phủ. Đã không ai trả lời. Thậm chí không ai hỏi han. Thật vô phúc
cho người dân Việt Nam khi hôm nay có những người đại diện hời hợt và sợ trách
nhiệm như vậy. Mãi đến khi có sự cố ồn ào xảy ra, thì mới có đại diện Bộ Văn
Hóa mới cất tiếng trả lời suông là đã thấy thư hiến tặng. Cho đến nay, không hề
có một thư trả lời hay quyết định tiếp nhận tử tế nào với Tiến Quân Ca. Mọi thứ
vẫn đang treo lơ lững như định mệnh của chính người nghệ sĩ tài hoa này, suốt
30 năm, sau thời kỳ Nhân Văn – Giai Phẩm.
Một năm sau khi nhạc sĩ Văn Cao mất, nhà nước Việt
Nam trong khuynh hướng đổi mới, đã truy tặng cho ông huân chương Hồ Chí Minh về
đóng góp của ông. Kể cả bài Tiến Quân Ca và huân chương ấy, giá tác quyền tưởng
thưởng nên được ghi xuống, nên là bao nhiêu?
Thật buồn cười khi rất nhiều quan chức, tỉnh thành
lên các dự án xây văn miếu, đền thờ, tượng đài ngoại quốc, vô danh... lên đến
hàng ngàn tỉ, nhưng với con người thật – việc thật, thậm chí với bài hát mà họ
vẫn mấp máy môi mỗi đẩu tuần theo bổn phận – thì có thể họ đã quên. Cho đến giờ
phút này, Văn Cao vẫn là một nghệ sĩ lưu danh hậu thế của Việt Nam và là tác giả
của quốc ca, mà chưa hề có một nhà tưởng niệm nào xứng đáng, ở nơi chốn sinh ra
mình.
Lòng biết ơn và thái độ trân trọng của một chính phủ
đối với ông còn chưa đủ, thì nói gì thu được đủ tiền bàn quyền với bài quốc ca
có số phận long đong ấy.
No comments:
Post a Comment