Lê Phan
Friday, July 3, 2015 5:42:07 PM
Thực
ra câu hỏi được đặt ra là “Nếu tôi là người Hy Lạp tôi sẽ bỏ phiếu như thế
nào?” Có hai nhà bình luận ở Anh đã trả lời câu hỏi này. Ðiều duy nhất cả hai đồng
ý là người dân Hy Lạp đã bị đặt vào vị thế lựa chọn giữa sự xấu và sự tệ hại.
Ông
Hugo Dixon, một chủ bút của Thông tấn xã Reuters, vốn tự nhận mình có gốc Hy Lạp, biết nói tiếng Hy Lạp và có một bà cố
là người Hy Lạp, chọn điều mà ông gọi là “bad option” tức là lựa chọn chỉ xấu
thôi, đó là bỏ phiếu thuận.
Ông Dixon giải thích là chính thức thì đó là bỏ phiếu
chấp nhận một đề nghị mà các chủ nợ của Hy Lạp đưa ra hôm 25 tháng 6, vốn sẽ
đòi Hy Lạp phải chấp nhận thêm cải tổ và khắc khổ để đổi lấy tiền giúp cho khỏi
phá sản. Nhưng đề nghị này đã bị các chủ nợ rút lại. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy
ra khi bỏ phiếu “yes.” Ông Dixon giải thích kịch bản chắc sẽ xảy ra là ông
Alexis Tsipras, thủ tướng cánh cực tả đã ủng hộ cho việc bỏ phiếu chống, sẽ từ
chức. Sẽ có một cuộc bầu cử mới. Phe đối lập có thể tập hợp được thành một liên
minh đoàn kết, thắng cử và đạt được một thỏa thuận mới với các chủ nợ.
Ông Dixon tin là ở trong một khía cạnh quan trọng,
tân chính phủ sẽ ở trong một vị thế đạt được một thỏa thuận tốt hơn ông
Tsipras. Khu vực đồng Euro và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sẽ tin tưởng vào họ hơn vì họ
sẽ vận động cho một thỏa thuận và đạt được một sử ủng hộ mạnh mẽ cả từ cuộc
trưng cầu dân ý và cuộc bầu cử để thực thi nó. Ông còn tin tưởng là tân chính
phủ có thể đạt được một thỏa thuận tuy nặng về cải tổ nhưng lại nhẹ về các biện
pháp khắc khổ tài chánh. Ông còn nghĩ là họ có thể có được hứa hẹn giảm bớt số
nợ khổng lồ của Hy Lạp, nếu Hy Lạp thực hiện thỏa thuận một cách nghiêm chỉnh.
Ông công nhận vấn đề là Hy Lạp sẽ bắt đầu ở một vị
thế tệ hơn là trước khi ông Tsipras lên nắm quyền. Dĩ nhiên ông đổ cho là tại
ông Tsipras mà năm tháng vừa qua làm tình hình tệ hơn. Ông Dixon đã lập lại luận
điệu của bà giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, than thở là Hy Lạp đang sắp sửa hồi
phục thì dân chúng Hy Lạp bỏ cuộc.
Ông Dixon lý luận là nếu bỏ phiếu “No,” điều mà ông
gọi là một lựa chọn thực sự xấu “a truly ugly option,” thì các chủ nợ sẽ có lẽ
đi đến kết luận là “Không” có nghĩa là “Không” và do đó sẽ không còn có lý do
gì để thảo luận về một giải pháp cả.
Ông vẽ ra một tình trạng thật bi thảm. Hậu quả tức
khắc là các ngân hàng sẽ tiếp tục đóng cửa. Hiện nay, dân chúng được quyền rút
ra 60 Euro một ngày, nhưng có lẽ một tuần lễ nữa, họ sẽ chẳng còn tiền mặt nữa.
Chính phủ sẽ xù món nợ với Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu. Và lúc đó sẽ chỉ còn
hai con đường: Một là đem lại đồng dracma, hay là tịch thu một phần tiền ký
thác và biến thành vốn mới. Trên thực tế, chính phủ có lẽ chọn con đường
dracma, một việc sẽ rối loạn và dẫn đến nhiều năm kiện tụng. Nhiều người sẽ từ
chối trả thuế. Thành ra để trả lương và tiền hưu, chính phủ sẽ phải in giấy thiếu
nợ, vốn sẽ là tiền thân của đồng tiền mới. Và đồng tiền này có lẽ sẽ rất thấp
so với đồng Euro, có lẽ chỉ bằng một nửa.
Nền kinh tế theo ông Dixon sẽ đi vào một tình trạng
mà ông gọi là “meltdown.” Cửa tiệm thiếu thốn đồ đạc. Mọi người đòi trả tiền mặt
rồi đem đi cất. Tiêu thụ sẽ sụp đổ. Công ty phá sản vì không có tiền trả cho những
người cung cấp. Du lịch, khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế sẽ bị một đòn
nặng vì người ngoại quốc sẽ hủy các chuyến đi đến Hy lạp.
Ông Dixon tuy vậy cũng công nhận là đến một lúc nào
đó, Liên Hiệp Âu Châu sẽ phải can thiệp, tổ chức cứu trợ nhân đạo. Ông không
nói lý do nhưng đơn giản là Âu Châu sẽ không an toàn nếu một phần phía Nam của
lục địa lâm cảnh cùng bần.
Ông cũng công nhận trên nguyên tắc, sau những rối loạn
đó, Hy Lạp có thể tăng trưởng trở lại ở một mức mới thấp hơn. Chả là họ đã dành
được khả năng cạnh tranh trong chỉ một cú. Du khách sẽ đổ tới vì rẻ mạt và người
tiêu thụ sẽ xài đồ nội rẻ hơn thay vì đồ nhập cảng.
Nhưng vì ông không tin vào ông Tsipras và chính phủ
cánh tả, ông bảo là ông Tsipras sẽ in tiền văng mạng và việc này sẽ dẫn đến lạm
phát phi mã. Thành ra ông bảo bỏ phiếu “yes” thì chỉ có hai năm suy thoái, bỏ
phiếu “no” sẽ dẫn đến tan nát kinh tế ở ngắn hạn và sau đó lạm phát rồi tiếp tục
rối loạn.
Ông Dixon rõ ràng tin vào “chính nghĩa” của lập luận
của ông, một lập luận rất gần với các chủ nợ của Hy Lạp.
Nhà
bình luận Martin Wolf của tờ Financial Times không đồng
ý với lập luận đó.
Ông Wolf bảo trong khi suy tính về nên lựa chọn đường
nào, việc đầu tiên là ông sẽ than thở trước sự tả khuynh ngu xuẩn của chính phủ
của mình và sự trịch thượng của phần còn lại của khối Euro. Quả thật là không
có ai ra khỏi được tấm bi kịch này mà đáng được khen thưởng cả.
Ông chỉ trích chính phủ Syriza đã không đưa ra được
một chương trình cải tổ có thể giúp giải quyết được vô số vấn đề của nền kinh tế
và của chính trị Hy Lạp. Thay vì vậy họ đưa ra những cử chỉ mỵ dân.
Nhưng ông chỉ ra là khu vực đồng Euro cũng đáng bị đổ
cho khá nhiều lỗi lầm cho kết quả hôm nay. Không ai có thể đoán được qua luận
điệu của họ là đã có thời trong thế kỷ thứ 20 khi Ðức là một quốc gia xù nợ
liên miên. Hơn thế, không một nền dân chủ nào, kể cả nền dân chủ Anh già nua,
mà chính trị có thể sống còn sau một cuộc suy thoái trầm trọng đến thế mà không
bị ảnh hưởng. Ông nhắc lại là khi lần cuối Ðức trải qua một cuộc suy thoái kinh
tế ở mức độ này, Hitler lên cầm quyền. Ðúng, ông bảo, Syriza là kết quả của một
chính trị Hy Lạp vô trách nhiệm và trẻ con. Nhưng nó cũng là kết quả của những
sai lầm mà các chủ nợ đã làm từ năm 2010 và trên hết tất cả, cương quyết cứu
nguy cho các chủ nợ tư nhân đã điên khùng bỏ tiền vào mua nợ quốc gia của Hy Lạp
trong khi bắt người dân phải hy sinh.
Nhưng tất cả những lỗi lầm đó nay đã là chuyện cũ.
Nhân dân Hy Lạp phải nhìn vào tương lai.
Khổ một nỗi tương lai như thế nào? Ðề nghị của các
chủ nợ đã không đưa ra một con đường khả dĩ ra khỏi được suy thoái để đi vào hồi
phục. Ðề nghị đó để lại quá nhiều nợ treo lên cổ người dân Hy Lạp và quan trọng
hơn nữa, nó đòi hỏi quá mức khắc khổ ngắn hạn. Có vẻ như họ đòi phải đạt được
thăng bằng tài chánh ròng (chưa tính tiền lời) gần zero cho năm nay và một thặng
dư 3.5% GDP cho năm 2018. Ðạt được kết quả này sẽ đòi hỏi các biện pháp tài
chánh để thu thuế cho được bằng 7% GDP và co cụm nền kinh tế khoảng 10%.
Ông Wolf đã đưa ra một thí dụ lý thú: Không ai bắt một
bệnh nhân mập phì phải ăn kiêng ở mức nhịn đói ngay sau khi bị một cơn đau tim.
Hy Lạp, ông nhấn mạnh, cần tăng trưởng. Chính vì sụp đổ kinh tế khiến cho nợ
công của họ bùng nổ so với GDP. Chương trình của các chủ nợ đáng lẽ phải hủy bỏ
mọi biện pháp khắc khổ cho đến khi đạt được tăng trưởng, tập trung vào các cải
tổ giúp tăng trưởng, và hứa hẹn giảm nợ hãy xóa nợ sau khi hoàn tất.
Chính vì đề nghị của các chủ nợ tệ đến thế, nên ông
hỏi là liệu ông có nên bỏ phiếu chống hay không?
Bỏ phiếu thuận theo ông có thể dẫn đến việc Ngân
Hàng ECB hủy bỏ việc giới hạn tín dụng. Nhưng khó mà có chuyện ngân hàng chấp
nhận làm như vậy với chính phủ hiện tại. Thành ra sẽ phải chờ một tân chính phủ
và chính phủ đó sẽ phải ngoan ngoãn ký vào thỏa thuận định sẵn. Bỏ phiếu thuận
như vậy sẽ cho một tương lại không vui vẻ gì và bất định, nhưng ít nhất có thể
tưởng tượng được.
Còn bỏ phiếu chống thì sao? Có thể có hai kết quả
theo ông Wolf. Một là exit thực sự. Chính phủ Hy Lạp đưa ra đồng tiền mới và đổi
mọi hợp đồng theo luật Hy Lạp. Ðồng tiền mới chắc chắn sẽ rẻ mạt so với đồng
Euro. Một số lý luận là mọi sự sẽ còn tệ hơn nữa. Sự mất giá của đồng tiền mới
không mang lại bao nhiêu khả năng cạnh tranh. Nhưng ông Wolf bảo, bản thân ông,
ông lạc quan hơn và nghĩ là cải thiện trong khả năng cạnh tranh có thể lớn.
Kết quả thứ nhì là tiếp tục ở trong khối Euro mặc dầu
phá sản. Việc này có thể trên phương diện nguyên tắc. Hệ thống ngân hàng có thể
tái tài trợ bằng các biến các nợ không bảo đảm của họ thành vốn. Trên phương diện
kỹ thuật thì chuyện đó có thể làm được. Nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài sản
của các cá nhân. Vả lại ông lý luận là giải pháp này thiếu hấp dẫn bởi nó kèm
theo tất cả những vấn đề của việc tham gia vào một liên hiệp tiền tệ cộng thêm
với sự bất lợi của một chính phủ phá sản. Vậy phải chăng nên bỏ phiếu thuận.
Ông Wolf bảo ông, với tư cách là một cử tri Hy Lạp,
chỉ có lựa chọn giữa quỹ dữ và biển cả. Quỷ quen thuộc hơn: đòi hỏi không bao
giờ kết thúc của khu vực đồng Euro cho thêm khắc khổ, một điều mà chính dân Hy
Lạp đã bỏ phiếu chống lại trong kỳ tổng tuyển cử trước. Biển cả là xù nợ quốc
gia và độc lập tiền tệ.
Vậy ông hỏi ông nên chọn đường nào? Bản chất thận trọng,
ông sẽ bị lôi cuốn bởi hãy theo cái gì mình biết, dầu là quỷ dữ. Nhưng ông nói
“có lẽ tôi sẽ khá hơn nếu tôi dám vượt ra biển cả.”
Không phải là dân Hy Lạp, không phải là nhà bình luận
kinh tế, nhưng đã từng là dân của một quốc gia đã có lúc mất quyền tự trị tài
chánh, có lẽ tôi sẽ chọn biển cả. Thà ngụp lặn trong tự do còn hơn lệ thuộc. Vả
lại ở đời này có cái gì xuống mãi mà không lên đâu, cũng như có cái gì lên mãi
mà không xuống đâu?
No comments:
Post a Comment