Ngô Nhân Dụng
Friday, July 3, 2015 5:42:07 PM
Trong
khi cả thế giới đang theo dõi chuyện kinh tế nước Hy Lạp, ít người để ý chuyện
dân Trung Hoa vừa mới mất 2,360 tỷ đô la trong thị trường chứng khoán. Số thiệt
hại trong vòng ba tuần lễ lớn bằng 35% tổng sản lượng nội địa nước Trung Quốc
và lớn gấp 10 lần GDP của Hy Lạp.
Quý vị độc giả Người Việt có thể “bình chân như vại”
vì chẳng mấy ai đang làm chủ các cổ phiếu ở Thượng Hải hay Thẩm Quyến. Khác với
các thị trường New York hay London, trong tổng số cổ phiếu trong thị trường
Trung Quốc người ngoại quốc chỉ làm chủ 1.5%. Trong ngày Thứ Sáu, 3 Tháng Bảy,
thị trường Thượng Hải lên xuống lung tung, một phút lên 5% rồi phút sau xuống
6%, vào cuối ngày đã mất 6%.
Ngày 12 Tháng Sáu thị trường Thượng Hải lên cao nhất
trong bảy năm, hôm nay đã giảm mất 29% giá trị, thị trường Thẩm Quyến mất 32%.
Tại sao các cổ phiếu Trung Quốc lại xuống nhanh như vậy? Lý do chính là nó đã
lên quá nhanh một cách bất thường; Thượng Hải tăng thêm 40% và Thẩm Quyến tăng
hơn 90% từ đầu năm cho tới khi sụt giá.
Giá cổ phần thường tăng lên khi lợi nhuận của các
công ty cũng như triển vọng sản xuất trong nước tốt đẹp hơn. Nhưng kinh tế
Trung Quốc hiện nay yếu nhất kể từ năm 2009, khi chính phủ Bắc Kinh bơm thêm
800 tỷ đô la kích thích. Triển vọng phát triển trong các năm tới cũng xuống thấp
so với mười năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty trong nước đã
sút giảm.
Nghĩa là cổ phiếu ở Trung Quốc đã tăng giá một cách
bất thường; tất cả là do các nhà đầu tư hy vọng vào các kế hoạch kích thích của
nhà nước để cứu vãn thị trường. Mối hy vọng của giới đầu tư là một ảo ảnh. Nhiều
người đã chuyển tiền từ thị trường địa ốc đang suy yếu sang thị trường chứng
khoán, đẩy cho giá cổ phiếu lên cao. Trong Tháng Mười Hai năm ngoái, 700,000
người mở trương mục mới mua cổ phiếu. Ðến giữa Tháng Tư trong một tuần lễ có
thêm tới bốn triệu trương mục mới, theo số liệu của công ty nghiên cứu
BlackRock. Với nhiều người mới tham gia vào thị trường, số hoạt động mua bán
cũng tăng rất nhanh, một trạng thái không bình thường,
Bình thường, trị giá tổng số các cổ phiếu đổi tay
trong một năm vẫn lớn hơn giá trị tất cả các cổ phiếu ghi tên. Khi thị trường
khủng hoảng, số đổi tay tăng lên bất thường. Ở Mỹ, năm 2008 lúc cơn khủng hoảng
tài chánh lên cao nhất, số cổ phiếu đổi tay lớn bằng bốn lần giá trị trung bình
của tất cả các cổ phiếu ghi tên, gọi là “vòng quay” (turnover) 400%. Trong năm
2011 và 2012, tỷ lệ “vòng quay” ở Trung Quốc là 180% và 160%; còn ở Mỹ là 178%
và 124%, theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới. Hiện tượng lạ lùng diễn ra ở
Trung Quốc gần đây là các cổ phiếu mua đi bán lại nhiều quá, trị giá số cổ phiếu
đổi tay trong một tháng lớn gấp sáu lần trị giá của cả thị trường, theo tài liệu
của Ngân Hàng Credit Suisse.
Nhưng mối lo lớn nhất trong thị trường chứng khoán
Trung Quốc là càng ngày càng nhiều người vay nợ để đầu tư, gọi là “margin
trading accounts.” Vì lãi suất khi vay tiền rất thấp so với hy vọng lợi suất
cao khi đem tiền mua cổ phiếu. Số trương mục vay nợ để đầu tư đã tăng 86% trong
năm 2014, theo Oxford Economics. Mối nguy hiểm ẩn tàng là khi người vay nợ mua
một số cổ phần rồi giá các cổ phần đó xuống, họ phải lo trả bớt nợ theo luật định.
Họ sẽ phải bán các cổ phần của mình ngay để có tiền trả, kéo theo các cổ phần
khác cùng xuống. Ðó là một lý do nữa khiến các thị trường Thượng Hải hay Thẩm
Quyến mất gần một phần ba giá trị trong mấy tuần lễ qua.
Ai là người đã mất tiền? Rất nhiều ngân hàng, xí
nghiệp và doanh nghiệp nhà nước mua cổ phiếu, nhưng những người mất tiền nặng
nhất là các nhà đầu tư nhỏ, gọi là “mua lẻ.” Chỉ có 10% đến 12% người dân Trung
Hoa làm chủ các cổ phần. Những người mua lẻ cũng là nhóm hay đi vay nợ để mua.
Họ tiết kiệm nhưng không muốn gửi tiền vào các ngân hàng của nhà nước vì lãi suất
thấp quá. Họ cũng có máu cờ bạc, và lại tin tưởng rằng nhà nước thế nào cũng bảo
vệ giá trị các thị trường chứng khoán.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thị trường
hóa, phần lớn còn nằm trong tay nhà nước, tức là trong tay đảng Cộng Sản. Nhiều
nhà đầu tư thuộc gia đình giới cầm quyền giàu có, sẵn tiền mà không thích kinh
doanh. Cho nên chính quyền nâng giá các cổ phiếu cũng là giúp bảo vệ tài sản của
các đảng viên cao cấp. Cuối tuần trước, Ngân Hàng Trung Ương (Nhân Dân Ngân
Hàng) đã nới lỏng tiền tệ để kích thích đầu tư; vừa cắt lãi suất, lần thứ tư
trong năm, vừa giảm bớt số tiền mà các ngân hàng thương mại phải dự trữ theo luật
định. Ngày Thứ Năm, Sở Chứng Khoán lại bãi bỏ một điều lệ có mục đích ngăn chặn
việc vay tiền quá nhiều khi mua cổ phiếu. Trong khi đó, đáng lẽ phải đặt ra các
điều kiện gắt gao hơn mới cản bớt được các tay đầu cơ liều lĩnh vay tiền mua cổ
phiếu.
Ngoài các biện pháp tiền tệ, chính phủ Bắc Kinh còn
dùng các thủ đoạn “phi tài chánh” để giữ giá và đẩy giá chứng khoán lên cao. Bắc
Kinh mới loan tin sẽ cho phép các quỹ hưu bổng công chức địa phương được mua
các cổ phiếu; tức là đầu tư tiền hưu bổng vào các chứng khoán nhiều rủi ro hơn.
Tức là nâng giá thị trường bằng một bản tin! Nhưng suốt mấy tháng qua, các báo,
đài do đảng Cộng Sản kiểm soát đã đưa ra những tin tức và bình luận về tương
lai tốt đẹp của thị trường chứng khoán, một cách thúc đẩy các nhà đầu tư lẻ mua
cổ phiếu. Trong ngày Thứ Ba, 30 Tháng Sáu vừa qua, trong lúc thị trường đã tụt
giảm hơn hai tuần, trang mạng thepaper.cn đã cho chiếu một hoạt họa hình một bà
lên tiếng cảm ơn nhà nước đang hỗ trợ thị trường chứng khoán. Bà này cũng tố
cáo “các thế lực thù địch ngoại quốc” đang ngấm ngầm phá thị trường chứng khoán
Trung Quốc! Trang thepaper.cn do đảng Cộng Sản chỉ huy, có nội dung nhắm vào giới
trẻ. Phim hoạt họa này lập tức được truyền đi trên các mạng nhiều người vào nhất
là Weibo và WeChat. Nhiều công dân mạng đã hùa theo, chỉ trích “bàn tay ngoại
quốc an thiệp,” trong đó tên của công ty đầu tư Mỹ Goldman Sachs đã được nêu
ra.
Cũng trong ngày Thứ Ba, Hiệp Hội Các Quỹ Ðầu Tư
Trung Quốc, một cơ quan chế độ đảng Cộng Sản cầm đầu, công bố một thư ngỏ kêu gọi
các quỹ đầu tư hãy đoàn kết cùng nhau giúp ổn định thị trường! Nói cách khác, họ
khuyến khích mọi người Trung Hoa hãy ngưng bán các cổ phiếu, và hãy mua, vì
lòng yêu nước! Với các hành động khuyến khích rầm rộ này, chỉ số các thị trường
đã tăng lên bất ngờ, được một thời gian; nhưng không kéo dài.
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã dùng một thủ đoạn quen
thuộc, là mỗi khi gặp khó khăn lại đổ tội cho “bàn tay ngoại quốc. Bộ máy kiểm
duyệt của Bắc Kinh đã làm ngơ cho những tin đồn đại trên được lưu hành, phổ biến
trên mạng Internet hơn một ngày. Theo tin Reuters thì phải đợi tới chiều Thứ
Tư, Bắc Kinh mới xác định rằng không hề có chuyện công ty Goldman Sachs hoặc
các nhà đầu tư ngoại quốc nào đã lũng đoạn thị trường Trung Quốc! Hoàn Cầu Thời
Báo viết rằng “Vốn ngoại quốc chỉ đóng vai một phần nhỏ trong cả thị trường.
Không có dấu hiệu nào cho thấy người ngoại quốc bán ‘short,’ tức là mượn cổ phiếu
để bán trong khi chờ thị trường xuống giá.”
Những nhà đầu tư lẻ chiếm 80% các hoạt động mua bán
cổ phiếu, khác hẳn với thị trường Mỹ, nơi hơn 80% các vụ mua bán trong thị trường
là do các công ty tài chánh lớn với số vốn hàng tỷ đô la. Nhiều người đầu cơ
vay tiền mua cổ phiếu để đẩy giá lên, chờ đến ngày bán tháo chạy trước khi giá
xuống. Trên thị trường có loại các cổ phiếu A chỉ các công dân Trung Quốc mới
được mua, loại này lên giá cao nhất khiến cho giá một cổ phần lớn gấp 50 đến
100 lần lợi nhuận đã đạt được trong năm trước, tiếng nhà nghề gọi là tỷ số P/E
(Price/Earnings). Cùng thời gian đó, tỷ số P/E của những cổ phần khác chỉ lên tới
10 lần.
Dù chỉ có dưới 10% dân Trung Hoa tham dự thị trường
chứng khoán, nhưng con số cũng lên tới hàng trăm triệu. Hiện nay nhiều nhà đầu
tư mất tiền đã coi chính Ðảng Cộng Sản chịu trách nhiệm; vì đảng đã khuyến
khích người dân đi mua cổ phiếu. Hàng chục triệu các nhà đầu tư lẻ đã mất tiền
và có thể đã mất hết những món tiền dành dụm suốt đời. Ðây là một rủi ro chính
trị cho cả đảng Cộng Sản vì những người này cũng thuộc giai cấp trung lưu xưa
nay vẫn ủng hộ đảng. Họ không những oán trách đảng Cộng Sản để cho thị trường sụp
đổ khiến họ mất tiền, mà còn oán đảng đã khuyến khích họ bỏ tiền vào một “sòng
bạc” là thị trường chứng khoán.
Trong tuần tới, trước khi thị trường mở cửa, đảng Cộng
Sản Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp trấn an và nâng giá thị trường. Nói
cách khác, họ sẽ bơm thêm hơi vào một trái bóng mong manh, có thể chỉ còn chờ tới
ngày trái bóng nổ lớn hơn. Trong khi chờ đợi, Bắc Kinh sẽ mở cuộc điều tra để
truy tố một số người đầu cơ thị trường để tìm ra người chịu tội thay cho đảng cộng
sản.
Vụ sút giảm của thị trường Trung Quốc sẽ không ảnh
hưởng lớn đến kinh tế thế giới. Thứ nhất, dù số người mất tiền sẽ bớt chi tiêu
nhưng họ chỉ bớt mua các món hàng xa xỉ; cho nên nói chung, số tiêu thụ của hơn
một tỷ người Trung Hoa sẽ không thay đổi. Hơn nữa, giá cổ phiếu tụt giảm lần
này là một hiện tượng tự nhiên, đã được giới đầu tư quốc tế chờ đợi. Khi nền
kinh tế một nước giảm bớt tốc độ tăng trưởng và các doanh nghiệp cũng bớt kiếm
lời thì không có lý do nào để thị trường chứng khoán tăng lên hàng 40% hay 90%
như ở Thượng Hải và Thẩm Quyến trong sáu tháng qua. Ngày Thứ Sáu, thị trường chứng
khoán Hồng Kông cũng xuống theo lục địa nhưng nhẹ hơn nhiều, còn các thị trường
Mỹ và Châu Âu chỉ mất từ 0.1% đến 0.4%.
Nhưng ông Tập Cận Bình sẽ còn lo. Bắc Kinh đã tìm đủ
cách để giữ giá các cổ phiếu mà không quan tâm đến hậu quả lâu dài. Theo tiên
đoán của Oxford Economics, một công ty nghiên cứu, thì giá chứng khoán ở Trung
Quốc sẽ giảm thêm chừng 35% nữa mới vào thế quân bình, phản ảnh đúng tình hình
kinh tế. Tức là giới đầu tư Trung Quốc có thể sẽ mất hơn một ngàn tỷ đô la nữa.
Trong lúc đang lo củng cố quyền hành, như vụ đưa tập đoàn Chu Vĩnh Khang ra tòa
về tội tham nhũng mới đây, chắc Tập Cận Bình không muốn thấy thị trường giảm
sút thêm nữa, tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị có cơ hội phản công, lật ngược
thế cờ.
No comments:
Post a Comment