31.07.2015
Trong bài “Trung Quốc có đánh Việt Nam?” đăng kỳ trước, tôi nêu
lên bốn lý do chính khiến tôi đi đến kết luận là Trung Quốc sẽ không tấn công
Việt Nam bằng các biện pháp quân sự. Xin nói ngay: đó chỉ là một sự suy đoán. Lịch
sử, nhất là lịch sử chiến tranh, nhiều lúc đi ra ngoài, có khi ngược hẳn lại,
lý trí con người. Vào ngày 7 tháng 7 năm 1937 khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc
hay ngày 1 tháng 9 năm 1939 khi Đức tấn công Ba Lan, rất hiếm người xem đó như
là những bước khởi sự cho chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đặt vấn đề: Nếu
Trung Quốc quyết định tấn công Việt Nam thì quyết định ấy đến từ đâu và trong
những trường hợp nào? Hay nói cách khác: những nguyên nhân nào có thể làm bùng
nổ chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Theo tôi, có bốn nguyên nhân chính:
Thứ
nhất, nếu Trung Quốc thấy việc chiếm Biển Đông là điều
tuyệt đối không thể nhân nhượng. Xin lưu ý là việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển
Đông có hai lý do chính: Một là muốn làm chủ hoàn toàn một trong những con đường
hàng hải quan trọng nhất trên thế giới; và hai là muốn khai thác các mỏ dầu khí
được tin là rất lớn dưới lòng Biển Đông. Việc làm bá chủ con đường hàng hải có
thể được tiến hành lâu dài, trong nhiều năm hay nhiều thập niên. Tuy nhiên, nếu
việc thăm dò dầu khí cho biết kết quả khả quan, Trung Quốc có thể thúc đẩy quá
trình độc chiếm Biển Đông nhanh hơn. Trong trường hợp đó, họ sẽ không ngần ngại
dùng vũ lực để san bằng các thế lực chống đối.
Thứ
hai, khi Trung Quốc có khủng hoảng về chính trị. Hầu hết
các nước độc tài, khi tuyên chiến với nước khác, đều tuyên chiến khi họ đang ở
thế yếu trước dân chúng, đặc biệt khi tính chính đáng của chế độ đang bị đe doạ.
Những lúc như thế, người ta cần chiến tranh để, một là, khích động tinh thần quốc
gia để đoàn kết mọi người đứng sau lưng chính quyền; hai là, đánh lạc hướng sự
quan tâm của dân chúng: thay vì tập trung phê phán chính quyền, dân chúng sẽ đổ
tất cả những oán hận của họ vào một quốc gia khác. Ở Trung Quốc hiện nay, sự bất
mãn của dân chúng tuy khá lớn nhưng chưa trầm trọng đủ để thành một cuộc khủng
hoảng. Những điều kiện để tạo ra một cuộc khủng hoảng như thế là: kinh tế bị
suy thoái; nạn thất nghiệp tăng cao, khoảng cách giữa các tầng lớp giàu và
nghèo thật lớn; ý thức dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự phát triển mạnh.
Khi nào những điều kiện ấy chín muồi? Không ai có thể biết được. Nhưng khi
chúng xảy ra, chiến tranh với nước ngoài sẽ là một trong những biện pháp chính
quyền Trung Quốc có thể sẽ sử dụng để bảo vệ chế độ của họ.
Thứ
ba là khi Việt Nam gây hấn với Trung Quốc trước. Thật
ra, cho đến nay, chiến thuật Việt Nam sử dụng trước những sự gây hấn ngang ngược
của Trung Quốc là nhường nhịn và né tránh mọi sự đối đầu. Tàu Trung Quốc cướp
bóc hoặc đâm chìm các tàu đánh cá của Việt Nam: Việt Nam nhịn. Khi Trung Quốc mang
giàn khoan HD-981 vào tận thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam cũng chỉ chống cự bằng
cách cho tàu đánh cá và tàu cảnh sát biển chạy lòng vòng chung quanh và dùng
vòi nước xịt nhau chứ không huy động đến các tàu chiến. Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là Việt Nam có thể nhường nhịn mãi. Sự nhường nhịn bao giờ cũng
có mức độ. Cái gọi là mức độ ấy có hai khía cạnh: Một là mức độ của quốc gia và
hai là mức độ của từng cá nhân. Mức độ của quốc gia là khi giới lãnh đạo Việt
Nam tuyên bố dứt khoát một lằn ranh nào đó: vượt qua lằn ranh ấy, người ta sẽ
ra lệnh nổ súng. Hai là mức độ chịu đựng của cá nhân: Không thể loại trừ trường
hợp đứng trước sự khiêu khích của Trung Quốc, một người bộ đội nào đó không thể
chịu đựng được nữa và tự động nổ súng cả khi chưa được lệnh. Đó là chưa kể
Trung Quốc là sẽ chủ động khiêu khích để những phản ứng nóng nảy như thế xảy ra
hầu có cớ tấn công Việt Nam một cách chính đáng trước dư luận quốc tế.
Thứ
tư là khi Việt Nam công khai và chính thức thiết lập liên
minh quân sự với Mỹ. Không có gì để hoài nghi nữa cả, một trong những thách thức
lớn nhất mà Trung Quốc phải đối diện trong những thập niên sắp tới là chính
sách xoay trục về châu Á của Mỹ. Trong chính sách ấy, Mỹ không những chuyển nhiều
chiến hạm, tàu ngầm và các loại khí tài chiến tranh khác đến châu Á mà còn mở rộng
liên minh phòng thủ với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trung Quốc dễ dàng
chấp nhận các liên minh giữa Mỹ với Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Philippines
cũng như với Singapore vì những liên minh ấy đã có từ lâu, hơn nữa, không trực
tiếp ảnh hưởng đến Trung Quốc. Điều Trung Quốc ngại nhất chắc chắn là một liên
minh quân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Lý do đơn giản là, một, Việt Nam nằm sát nách
Trung Quốc; và hai, lãnh hải của Việt Nam trùng lắp lên con đường lưỡi bò của
Trung Quốc. Một thế liên minh quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, do đó, sẽ ảnh hưởng
sâu sắc đến âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm mọi
cách để ngăn chặn việc liên minh ấy. Biện pháp ngăn chặn cuối cùng là tấn công
Việt Nam TRƯỚC khi liên minh ấy được hình thành.
Với nguyên nhân thứ tư vừa nêu, chúng ta nhận ra
ngay cái khó của Việt Nam: Một mặt, không liên minh với Mỹ thì sẽ có nguy cơ bị
Trung Quốc nuốt chửng; mặt khác, việc liên minh ấy cũng có khả năng dẫn đến chiến
tranh với Trung Quốc. Giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan này là một
trong những thách thức lớn nhất của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment