Monday, July 27, 2015

Rắc rối về 'đường biên giới hiện trạng' (Trương Nhân Tuấn gửi BBC)





Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn
Gửi cho BBCVietnamese.com
27 tháng 7 2015

Thế nào là «đường biên giới »?

Quan niệm « biên giới – frontière, boundary » trên tinh thần công pháp quốc tế là một quan niệm rất mới, chỉ có từ đầu thế kỷ 20, sau khi quan niệm « quốc gia – Etat » được hình thành.

Theo đó đường biên giới được định nghĩa như là « vỏ bao bọc liên tục một tập hợp không gian của một quốc gia », là « điểm chấm dứt thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ ».

Học giả Michel Foucher trong tập « Fronts et Frontières » (Tiền tuyến và Biên thùy) có nói rằng : «Phải có hai bên mới vẽ được đường biên giới».

Trường hợp biên giới Việt Nam-Cambodge (sau này là Kampuchia), biên giới thực ra chỉ có «một bên» đứng ra hoạch định là Pháp. Đó là đường biên giới «thuộc địa».

Đường biên giới (thuộc địa) này, đáng lẽ sau khi hai bên thiết lập lại nền độc lập, trở thành đường biên giới «quốc tế» theo tinh thần « uti possidetis » của công pháp quốc tế.

Nhưng ông hoàng Sihanouk đã không nhìn nhận cơ sở pháp lý này và yêu cầu Pháp trả lại lãnh thổ Nam kỳ cũng như đảo Phú Quốc về phía Cambodge. Biên giới của Sihanouk là «biên giới lịch sử», nhưng ông đã bỏ qua giai đoạn lịch sử dưới triều Minh Mạng lãnh thổ Cambodge đã thuộc về Việt Nam.

Yêu cầu của Sihanouk phi lý, không ai có thể thỏa mãn được.

Vấn đề của nhiều bên

Chiến tranh Việt Nam bùng nổ. Vấn đề biên giới không thuộc phạm vi của hai bên (Việt Nam Cộng hòa và Cambodge), mà trở thành vấn đề của nhiều phía.
Các nguyên tắc quốc tế về sự «biên giới bất khả xâm phạm», «không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác»… đã bị xóa bỏ.

Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng Miền Nam lợi dụng lãnh thổ Cambodge để lập chiến khu (vùng Mỏ Vẹt, tức tỉnh Svay Rieng). Mỹ và VNCH truy kích Việt Cộng phải xâm phạm lãnh thổ Cambodge.

Trong khi Trung Quốc, tính toán từ xa, đã sử dụng vấn đề dân tộc chủ nghĩa và biên giới để tố cáo Mỹ đồng thời kềm hãm các phía VN.

Người ta chỉ cần hai bên để vẽ đường biên giới. 6 bên (Mỹ, Trung Quốc, VNDCCH, MTGPMN, VNCH và Cambodge) là quá nhiều, trong khi phía Cambodge lại có nhiều khuynh hướng khác nhau mà Sihanouk chỉ đại diện cho một phía.

Biên giới trở thành chiến trường, đúng như ý nghĩa tựa đề của tập tài liệu « Fronts et Frontières » (Tiền tuyến và Biên thùy). Chữ «front» ở đây còn có nghĩa là «mặt trận».
Ý nghĩa tựa đề tập sách là «biên giới» luôn đi kèm với việc xung đột, đối đầu. Tựa đề tập sách phản ảnh thực tế của biên giới VN và Cambodge. Đường biên giới có nguy cơ thay đổi do «tương quan lực lượng».

Trong tình trạng đó, lo ngại lãnh thổ bị mất kiểm soát do chiến tranh, Sihanouk đề nghị chính quyền Ngô Đình Diệm nhìn nhận «đường biên giới hiện trạng – frontière actuelle».

Chính thức vào ngày 3-8-1959, Sihanouk sang Sài Gòn đề nghị với Tổng thống Ngô Đình Diệm trao đổi «quyền lịch sử của Cambodge» để được VNCH nhìn nhận «đường biên giới hiện trạng» của Cambodge.

«Đường biên giới hiện trạng» của Sihanouk đề nghị được thể hiện trên bộ bản đồ do Sở Địa dư Đông dương ấn hành (trước năm 1954).
Điều này bị ông Diệm từ chối.

Không phải vì ông Diệm không có thiện chí mà vì hai lý do: Về an ninh, phía Cambodge đã chứa chấp các thành phần chống lại chính quyền VNCH. Khu vực Mỏ Vẹt, tức tỉnh Svay Rieng, là chiến khu của MTGPMN, là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh.

Vùng này chỉ cách Sài Gòn có 80km. Ông Diệm yêu cầu Sihanouk không được chứa chấp các thành phần chống lại chính quyền VNCH. Yêu cầu của ông Diệm được Mỹ ủng hộ.

Trong khi đó «đường biên giới hiện trạng» của Sihanouk nộp cho LHQ không hoàn toàn đúng với những tấm bản đồ do Sở Địa dư Đông dương của Pháp ấn hành (trước 1954). Trong đó một số đoạn có sửa chữa (gồm 9 điểm), dành khoảng 100km² về cho Cambodge. Ngoài ra, các đảo Thổ Chu, quần đảo Hải Tặc ũng thuộc về Cambodge.

Lập trường của Ngô Đình Diệm (và Mỹ) là phù hợp với tập quán quốc tế. Trong trường hợp này đường biên giới «uti possidetis» đã thay đổi cũng như phía Cambodge đã đồng lõa và dung chứa thành phần phiến loạn xâm nhập lãnh thổ và đe dọa lật đổ chính quyền.

VNCH (và Mỹ) không thỏa mãn Sihanouk, ông này quyết định ủng hộ VNDCCH và MTGPMN.

'Đường biên giới hiện trạng'

Ngày 31-5-1967 MTGPMN ra tuyên bố nhìn nhận «đường biên giới hiện trạng» của Sihanouk. Tiếp theo, ngày 8-6-1967, VNDCCH cũng ra tuyên bố ủng hộ và nhìn nhận đường biên giới này.

Vấn đề là cả hai bên đều không có bảo lưu về những thay đổi cố ý ở một số tấm bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông dương (SGI) cũng như số phận một số đảo trong vịnh Thái Lan.

Trên quan điểm công pháp quốc tế, các tuyên bố của VNDCCH và MTGPMN nhìn nhận «đường biên giới hiện trạng» của Cambodge đều không có giá trị ràng buộc.

Hiệp định Genève 1954 qui định «quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất ba miền và toàn vẹn lãnh thổ». Điều này được khẳng định lại theo nội dung Hiệp định Paris 1972. Điều này có nghĩa là hai miền VNCH và VNDCCH (cũng như MTGPMN) chỉ là «một thành phần» của quốc gia VN.

Trong tập «La Statut Juridique des Etats Divisés» (Tình trạng pháp lý của các quốc gia bị phân chia) của tác giả Gilbert Caty có đưa ra lý thuyết về «Etat Partiel – quốc gia chưa hoàn tất».

Tác giả đã xếp hai miền Việt Nam cũng như Đài Loan và Lục địa, hai miền Đại Hàn và hai miền nước Đức vào chung thể loại các «quốc gia bị phân chia».

Thuật từ «etat partiel - quốc gia chưa hoàn tất» ra đời. Theo đó «quốc gia chưa hoàn tất» không phải là «quốc gia» thực sự, đơn giản vì nó không có thẩm quyền trên dân chúng và thẩm quyền về lãnh thổ ở những vùng đất không (hay chưa) kiểm soát.

VNDCCH không có thẩm quyền để tuyên bố nhìn nhận «đường biên giới hiện trạng» do Sihanouk nộp ở LHQ vì nó không thuộc thẩm quyền của thực thể chính trị này. MTGPMN cũng vậy.

Đường biên giới mà Sihanouk yêu sách vừa không phù hợp với đường biên giới trên thực địa (do việc di dân, tị nạn do chiến tranh), vừa không đúng với đường biên giới thuộc địa (trở thành đường biên giới quốc tế do hiệu quả uti possidetis).

Sau cuộc chiến 10 năm, hòa bình thiết lập lại trên đất Kampuchia, cũng như Việt Nam đã thống nhất đất nước. Điều kiện đã hội đủ. Ngày 27-12-1985 hai bên VN-Kampuchia ký kết Hiệp ước « Hoạch định biên giới quốc gia ».

Dầu vậy đến nay 30 năm sau, việc cắm mốc vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân do đâu ?
Nguyên nhân là hai bên cùng nhìn nhận «đường biên giới hiện trạng».

Mới đây, ngày 6-7-2015, Thủ tướng Hun Sen của Kampuchia gởi thư yêu cầu LHQ cho tham khảo các tấm bản đồ do Sihanouk nộp năm 1964 để kiểm soát lại vị trí các cột mốc vừa được cắm. Theo Sam Rainsy thì Việt Nam đã lấn đất ở khu vực tỉnh Svay Rieng.

Vấn đề là hai bên, Việt Nam và Kampuchia, đã có quan niệm khác nhau về «đường biên giới hiện trạng».

Phía Việt Nam, theo nội dung Hiệp định 1985, đường biên giới thể hiện trên bộ bản đồ SGI trước 1954, tỉ lệ 1/100.000 gồm 26 tấm.

Điều đặc biệt là hai bên cùng nhìn nhận sử dụng 40 tấm bản đồ quân sự của Mỹ 1/50.000, đối chiếu từ bộ bản đồ SGI. Các bản đồ 1/50.000 của Mỹ sau đây thuộc biên giới thuộc tỉnh Svay Rieng, nơi luôn xảy ra tranh chấp từ hơn thế kỷ nay giữa Việt Nam và Kampuchia, dẫn lại dưới đây cho thấy tiêu biểu biên giới Việt Nam và Kampuchia theo hiệp định 1985, tái xác định theo hiệp định 2005.
Ta thấy sự chính xác gần như 100% so sánh với bản đồ SGI.

Nhưng phía Kampuchia, qua yêu cầu LHQ của Hun Sen, "đường biên giới hiện trạng" thể hiện trên bộ bản đồ SGI trước 1954 được Sihanouk nộp lưu chiểu tại LHQ.

Vấn đề là đồ tuyến biên giới ở một số tấm bản đồ này đã được Sihanouk sửa chữa, đem lại cho Kampuchia khoảng 100km² đất.

Vừa qua TS Trần Công Trục, trên báo chí có nói đến một số tấm bản đồ SGI nộp LHQ đã bị cạo sửa. Vấn đề là VNDCCH và MTGPMN đã nhìn nhận (năm 1967) đường biên giới (có sửa đổi) này của Sihanouk.

Nguyên nhân khiến Hun Sen yêu cầu LHQ dĩ nhiên đến từ phía ngoài, làm áp lực lên VN trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ.

Nhưng các tấm bản đồ mà Sihanouk nộp LHQ không có giá trị pháp lý, một mặt vì hai bên VN và Kampuchia đã ký hiệp định (1985 và 2005) cùng nhìn nhận 26 tấm bản đồ SGI trước 1954 không sửa chữa, đối chiếu qua 40 tấm bản đồ 1/50.000 của quân sự Mỹ. Thứ hai, VNDCCH không có thẩm quyền về lãnh thổ để nhìn nhận đường biên giới này, như đã phân tích ở trên.

Yêu cầu của Hun Sen vì vậy không có ý nghĩa, ngoài việc gây trở ngại cho việc phân định biên giới đồng thời dấy lên lòng căm thù một cách phi lý từ hai dân tộc.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, nhà nghiên cứu sống tại Pháp.





No comments: