Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 02-07-2015
Nhiều nước đang
tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Nguồn:wikipedia
Ngày
01/07/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một dự thảo đầu
tiên của bộ luật mới về an ninh quốc gia, bao trùm mọi lãnh vực trong đó Bắc
Kinh tự cho mình quyền dùng sức mạnh để bảo vệ các lợi ích cốt lõi. Theo một số
nhà quan sát, luật mới về an ninh của Trung Quốc có thể là một bước mới của Bắc
Kinh trong ý đồ thôn tinh Biển Đông.
Khi loan tin hãng tin Anh Reuters vào hôm qua đã chú
ý ngay đến việc dự thảo này, một khi biến thành luật, sẽ cho phép chính quyền Bắc
Kinh sử dụng « mọi biện pháp cần thiết » để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Trịnh Thư Na,
Phó Chủ tịch Ủy ban Lập pháp Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khẳng định rằng Bắc
Kinh « sẽ không từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình và chắc chắn không hy sinh
lợi ích cốt lõi của đất nước ». Vấn đề là gần đây, Bắc Kinh đã càng ngày càng
nói nhiều hơn đến việc Biển Đông mà họ đòi hầu như toàn bộ chủ quyền, là thuộc
diện lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Không chỉ nói suông, Bắc Kinh cũng đã dùng trăm
phương nghìn kế để áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông, từ các
phương cách thô bạo, dùng đến sức mạnh, cho đến những thủ đoạn ngoại giao, hay
pháp lý giả hiệu.
Trong một bài viết vào hôm qua, nhật báo Mỹ
International Business Times đã cho rằng luật an ninh mới sẽ giúp Trung Quốc
thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, và khiến cho tình
hình vốn đã căng thẳng lại càng nghiêm trọng thêm.
Theo tác giả bài báo, cho đến giờ, Bắc Kinh chủ yếu
dựa vào thế mạnh quân sự để tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Trung Quốc
đã thành công trong việc bồi đắp các rạn san hô mà họ lấy từ tay Việt Nam và
Philippines thành đảo nhân tạo, và đang xây dựng các cơ sở quân sự trên đó, mà
không gặp bất kỳ sự kháng cự nào.
Trong tình hình đó, theo bà Bonnie Glaser, chuyên
gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington, luật mới
về an ninh sẽ chắp cánh cho Trung Quốc quyết đoán hơn : « Trung Quốc sẽ trích dẫn
luật, cùng với nhiều bộ luật nội địa khác để biện minh cho những hành động của
họ ở Biển Đông ».
Trong quá khứ, Trung Quốc đã tìm cách biện minh cho
các hành động của mình bằng lý do họ có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông, viện dẫn
một số bản đồ cổ để chứng minh, và sử dụng tấm bản đồ 9 đoạn để minh họa cho
các đòi hỏi của mình. Vấn đề là lập luận về chủ quyền lịch sử không có cơ sở
pháp lý, nhất là khi mới đây, Philippines đã công bố bản đồ cổ có từ năm 1136
cho thấy rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough hay ở
Trường Sa đều là giả dối.
Giới quan sát đều phê phán tính chất mơ hồ và rộng
khắp của luật về an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng Bắc Kinh
cố tình mập mờ để có thể muốn làm gì thì làm, mà vẫn có thể nói là làm đúng
theo luật.
Áp dụng vào
trường hợp Biển Đông, có thể nói rằng, luật an ninh mới của Trung Quốc là một
bước tiến mới của Trung Quốc nhằm thôn tính vùng biển này, thoạt đầu là tuyên bố
chủ quyền, kế đến là xác định đó là lợi ích cốt lõi, và bây giờ là ra luật để bảo
vệ chủ quyền và lợi ích cốt lõi mà chỉ có Bắc Kinh công nhận.
No comments:
Post a Comment