Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức
26.01.2011
Khi Tổng Thống Obama lên tiếng vào hôm thứ Tư 19 tháng 1 rằng ông hy vọng “30 năm nữa, chúng ta có thể nhìn thấy tiến bộ hơn” về mặt nhân quyền tại Trung Quốc, tôi nghĩ tới Cảnh Hòa (Geng He), người đã gặp tôi vào hôm trước.
Cảnh Hòa năm nay 43 tuổi, là một phụ nữ có giọng nói nhỏ nhẹ, không biết hiện giờ chồng bà là Cao Trí Thịnh chết hay sống. Bà biết rằng trong 5 năm qua, ông đã bị tra tấn liên tục bởi các nhân viên an ninh Trung Quốc. Bà biết rằng người ta trông thấy ông chín tháng trước, khi một số trong những nhân viên an ninh lôi ông đi. Bà chắc chắn rằng ông ấy không hề bị truy tố về một tội nào cả, nhưng chính quyền không chịu nói ông ấy ở đâu.
Cảnh Hòa, vợ luật sư Cao Trí Thịnh, nói chuyện với báo chí ngày 16 tháng 7 năm 2010
tại một buổi tập hợp trước điện Capitol, Hoa Thịnh Đốn (Lisa Fan/Epoch Times)
tại một buổi tập hợp trước điện Capitol, Hoa Thịnh Đốn (Lisa Fan/Epoch Times)
Ông Cao không phải là một nhà bất đồng chính kiến. Ông ấy là một thứ mà chính quyền Trung Quốc hình như thấy còn đáng sợ hơn: một luật sư, trong khi theo sát luật lệ Trung Quốc, đã tìm cách đại diện những người bất đồng chính kiến, thành viên các nhóm tôn giáo thiểu số, và các nạn nhân khác bị Đảng Cộng Sản đàn áp.
Bà Cảnh nói: “Với ông, luật sư còn hơn cả một nghề nghiệp. Ông cố gắng giáo dục công chúng về công lý, về luật pháp, và về những gì đúng hay sai. Bây giờ, hầu như không còn chỗ cho người như vậy có thể tồn tại ở Trung Quốc”.
Bà Cảnh đã hy vọng ông Obama nói lên trường hợp của chồng bà, vì sự chú ý sẽ giúp ông, và vì lời nói của ông Obama sẽ có tác động rộng lớn tại Trung Quốc. Như bà đã viết trên trang bình luận của báo Post vào năm ngoái:
“Tôi lo lắng cho thế hệ luật sư sắp tới tại Trung Quốc. Những sự mất tích như chồng tôi liệu có làm họ tránh chuyện muốn trở thành những người bảo vệ nhân quyền? Tôi nghĩ như vậy. Nhưng nếu Hoa Kỳ lên tiếng cho chồng tôi, có lẽ tình trạng sẽ thay đổi”.
Và thêm nữa:
“Peter, con trai 8 tuổi của tôi, đã ngạc nhiên vào tuần rồi khi khám phá ra rằng Tổng Thống Obama là một luật sư. Với nó, luật sư là những người bị chính phủ bỏ tù, không phải là những nhà lãnh đạo chính quyền. Nó hỏi tôi liệu điều đó có nghĩa là Tổng Thống Obama có thể giúp để cha nó được tha. Tôi nói với nó rằng tôi hy vọng như vậy. Chúng tôi đang chờ xem.”
Mở đầu cuộc họp báo với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tại Bạch Ốc, Obama nói trong một bài tuyên bố soạn sẵn rằng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhân quyền trong cuộc gặp riêng. Tôi hy vọng những thảo luận đó sẽ giúp Cao cũng như các cá nhân Obama đã nhắc tới công khai, như khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình bị cầm tù Lưu Hiểu Ba và vợ ông, bà Lưu Hà, người thực tế đang bị quản thúc tại gia. Khi tôi hỏi liệu Obama có nêu trường hợp của Cao với Chủ Tịch Trung Quốc không, một người phát ngôn Bạch Ốc gửi e-mail cho tôi nói rằng “Tổng Thống đã nhắc tới bản danh sách những tên ông đã nêu lên trong quá khứ mà trong đó có cả Cao”.
Điều có thể tác động lớn hơn là qua câu trả lời ứng khẩu, có vẻ như ông Obama đã chấp nhận luận điệu của Trung Quốc trong việc hợp lý hóa sự đàn áp: rằng “Trung Quốc đang trong tình trạng phát triển khác với chúng ta”; rằng “một phần của nhân quyền là dân chúng có thể kiếm ăn và đủ sống”; và, quan trọng hơn cả, là “đã có một sự tiến bộ tại Trung Quốc trong 30 năm qua…. Và tôi mong đợi là từ nay chúng ta sẽ nhìn thấy tiến bộ hơn và thay đổi nhiều hơn”.
Điều đáng báo động không phải chỉ vì đòi các con ông Cao phải đợi một thời gian tới 30 năm là quá lâu. Mà là cho rằng Trung Quốc đang chuyển động, có lẽ quá chậm chứ không bất động, đúng chiều hướng, vì đó là điều các quốc gia phải chuyển động để trở thành giầu có hơn. Lời tuyên bố này đã dội lại một cách kỳ quái những phẩm bình của chính quyền Bush về nước Nga trong thập niên qua, trong khi Tổng Thống (bây giờ là Thủ Tướng) Vladimir Putin đoạt dần các tự do ở đó.
Tất nhiên, các giới chức của Bush đã đúng khi nói rằng nước Nga vẫn còn tự do hơn những ngày của đảo ngục tù, và ông Obama đúng khi cho rằng Trung Quốc ngày nay tự do hơn thời những người khùng của Cách mạng Văn hóa. Nhưng theo bản tường trình của Freedom House tuần rồi, nói chung, tự do trên thế giới đã suy giảm trong thập niên qua, với Trung Quốc và Nga dẫn đầu sự giảm thiểu này. Tại Trung Quốc, theo tường trình thường niên mới nhất của Bộ Ngoại Giao [Hoa Kỳ], “Thành tích nhân quyền của chính quyền vẫn ở mức nghèo nàn và tệ hại trong một số lãnh vực”.
Thật ra, kể từ khi ông Hồ trở thành Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản vào năm 2002, đàn áp đã gia tăng liên tục – chống tự do Internet, các nhà vận động dân chủ, tự do tôn giáo, Tây Tạng và các sắc dân thiểu số khác, và, có lẽ đáng kể nhất, chống lại các luật sư như ông Cao, người đã cố gắng làm việc trong khuôn khổ của hệ thống. Rất giống láng giềng Nga, Trung Quốc còn gồng mình bảo vệ những kẻ chuyên quyền và cản trở dân chủ trên đường tiến của những nước nhỏ lân cận như Miến Điện và Căm Bốt.
Vấn đề là liệu Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác có sẽ nhận ra sự thành công của các nhà độc tài đi ngược dòng và tìm được chiến lược để đối phó với vấn nạn này hay không. Những chiến lược này sẽ rất khó. Chúng có thể đòi hỏi sự thương lượng liên hệ tới các mục tiêu khác. Chúng có thể thất bại.
Chọn lựa khác là – coi như trong 30 năm mọi sự sẽ tốt đẹp hơn – điều này sẽ giúp Hoa Kỳ thoải mái trút hết mọi trách nhiệm. Thái độ này sẽ thoát được rủi ro thất bại – nhưng đồng thời cũng đánh mất mọi cơ hội xoay chuyển thời thế theo nguyện vọng của ông Cao.
—————-
Nguồn: Do we have to wait 30 years for human rights in China? Của Fred Hiatt, The Washington Post, 21 tháng 01, 2011. http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2011/01/20/AR2011012003700.html?hpid=opinionsbox1
--------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment