Friday, January 28, 2011

PHẢI CHĂNG TIẾP THEO LÀ AI CẬP ? (Newsweek)

Mike Giglio, Newsweek, 23/01/2011

Hiếu Tân dịch
28.1.2011

Cuộc nổi dậy của Tunisia tuần trước đã tiếp sinh lực cho các nhà hoạt động đã nản chí trong vùng này. Một cuộc phản kháng đang tới gần ở Cairo có thể đánh dấu bước khởi đầu của một chuyển biến khác. 

Khaled Said, một doanh nhân nhỏ trong thành phố lịch sử Alexandria của  Ai cập, bị cảnh sát lôi ra khỏi một tiệm cà phê internet và đánh đến chết trên đường phố mùa hè vừa qua. Said không được biết đến như kiểu người làm chính trị. Nhưng theo các nhóm hoạt động nhân quyền, cuộc tấn công ấy là hành động trả thù việc post lên blog cá nhân của anh một video về cảnh sát đang chia lãi ma túy.

Vụ giết người này quả là một vụ kích động. Các nhà hoạt động Ai cập đã phát động một chiến dịch kéo dài chống sự dã man và tra tấn của cảnh sát, hầu như nằm ngoài xu thế chủ đạo, và nhiều người hết sức ngạc nhiên về việc tin này được lan truyền nhanh chóng trong công chúng đến thế. “Vấn đề là, anh ấy thật sự không phải là một mối đe dọa,” Sherif Mansour nói - ông là một viên chức kỳ cựu của chương trình tập trung theo dõi truyền thông đại chúng ở Ai cập cho Freedom House[1][1], một nhóm kiểm soát. “Cái chết của anh đã tạo nên mối liên kết giữa giới luật sư và cuộc sống hàng ngày của người dân Ai cập. Nó cho thấy mọi người đều có thể bị tấn công.”                           

Một thời gian ngắn sau vụ giết người đó, một trang facebook xuất hiện dưới cái tên “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said.” Vận hành bởi một người quản lý mạng ẩn danh, nó bắt đầu bằng những đoạn post về vụ của Said. Nhưng trang này nhanh chóng vọt lên thành một chiến dịch tổng lực chống sự bạo hành của cảnh sát và vi phạm nhân quyền ở Ai cập, trở thành một ngân hàng thông tin, thường xuyên post lên những biểu đồ, hình ảnh và video, và công bố tên của những cảnh sát bị tố cáo lạm dụng. Mansour tin rằng trang này sẽ đưa sự tàn bạo của cảnh sát ra thành một cuộc tranh luận rộng rãi. Nhóm này đã tổ chức những cuộc biểu tình tôn vinh Said, và hôm nay số thành viên của nó đã lên đến 380.000 biến nó thành nhóm hoạt động nhân quyền trên mạng lớn nhất và năng động nhất của nước này.
Hiện nay nhóm này hướng tầm mắt đến một sự nghiệp lớn hơn nhiều - thách thức ách thống trị độc tài ở Ai cập, nơi tổng thống Hosni Mubarak đã nắm chính quyền gần 30 năm.

Sau những cuộc biểu tình phản đối ở Tunisia đuổi cổ tổng thống độc tài của nước này, “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said” chuyển thành giọng điệu chính trị công kích. Trong nhiều ngày, trang này bắt đầu kêu gọi biểu tình quy mô lớn ở Cairo vào thứ Ba, 25 tháng Giêng, với những yêu sách từ chấm dứt sự bạo hành của cảnh sát và nâng lương tối thiểu lên 180 $ một tháng đến giải tán Quốc hội. Người quản lý trang này, khăng khăng yêu cầu nói chuyện qua chat trên G-mail, và xin được gọi tên là “ElShaheeed”  nói với NEWSWEEK rằng các sự kiện ở Tunisia đã khiến nhân dân Ai cập chú ý. “nó đã đem lại cho tất cả chúng tôi niềm hy vọng rằng mọi sự có thể thay đổi,” anh nói. 

Sáng thứ Sáu, gần 69.000 người đã đăng ký tham gia cuộc biểu tình phản đối ngày 25 tháng Giêng, trên trang Facebook “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said

Các nhóm đối lập [hoạt động theo kiểu] truyền thống cũng đã bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình ngày Thứ Ba. Mohamed ElBaradei, một nhân vật đối lập chủ chốt, người đã cảnh báo một “cuộc bùng nổ kiểu Tunisia” ở Ai cập, đã nhanh chóng ủng hộ cuộc biểu tình.  Đêm hôm thứ Năm cuối cùng ông đã ngỏ lời ủng hộ ngầm, bằng cách viết trên Twitter “Hoàn toàn ủng hộ những cuộc biểu tình hòa bình chống đàn áp”.

Và như vậy có thể tìm thấy ở Cairo trong tuần tới những đầu mối để hiểu cuộc cách mạng Tunisia sẽ tác động như thế nào đến các chế độ độc tài khác trong khu vực, đặc biệt từ khi các nhà hoạt động trên mạng và các nhà hoạt động truyền thống dường như gống nhau cùng tham gia vào các lực lượng tranh đấu. Ngày thứ Ba sẽ là phép thử thật sự đầu tiên xem có phải cách mạng là giống hay lây không.

Sự chống đối Mubarak đã âm ỉ một thời gian, nhưng rời rạc. Những cuộc biểu tình đến rồi đi, và những kế hoạch cho những cuộc biểu tình quy mô lớn thường thất bại. Trong khi đó nhà nước cảnh sát Ai cập có thể nghiền nát đối lập một cách dã man và hiệu quả. Và sau sự kiện Tunisia, chính phủ đang chú ý theo dõi nghiêm ngặt, nó đã tung ra một đợt tuyên truyền rầm rộ và đã thả những tù chính trị.

Nhưng theo sau những cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi kịch liệt hồi tháng Mười Một - khi đảng cầm quyền thắng một tỷ số không tin nổi là 97 phần trăm số ghế, giữa những lời buộc tội chắc chắn gian lận phiếu bầu - những lực lượng vì sự thay đổi đã được khuấy động: đó là nhận xét của Steven Cook, một nghiên cứu sinh cao cấp về Trung Đông tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại, mới sang Cairo tuần trước. Một cuộc mít tinh nhỏ hơn chống sự bạo hành của cảnh sát đã được trù hoạch cho ngày 25 tháng Giêng, ngày lễ toàn quốc của cảnh sát. Nhưng những sự kiện ở Tunisia đã cho những lực lượng này một cú đẩy mạnh. “Tunisia không gây ra tình hình này. Nhưng nó chắc chắn thêm xung lực vào cuộc chống đối khá mạnh mẽ đã có từ trước.” Cook nói.

Ahmed Salah, một nhà hoạt động kỳ cựu ở Cairo, chỉ ra rằng cuộc cách mạng Tunisia xảy ra tự phát, được thúc đẩy bởi sự tự hy sinh của một sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp - không có định hướng của một phong trào chính trị hay một sức đẩy chống đối có dự tính. Tuy nhiên Salah nói rằng những sự bắt chước mù quáng gần đây lan tràn khắp Ai cập (tính đến tuần này đã có đến chín vụ) chứng tỏ rằng tâm trạng bức bối đang lan tỏa, và đáng lưu ý là họ đều là những người dân thường Ai cập, không phải các nhà hoạt động.

Các nhà hoạt động đang cố gắng lợi dụng thời cơ bằng cách đưa các tin tức về những cuộc phản kháng tới những người dân thường Ai cập, bằng bất kỳ cách gì có thể làm được, từ đưa tờ rơi trên đường phố đến truyền miệng rỉ tai và những tin nhắn văn bản. Truyền thông xã hội đã là một công cụ khác - và cực kỳ quan trọng - cả trong việc phối hợp các nhà hoạt động và truyền bá thông điệp, đặc biệt vì truyền thông Ai cập bị kiểm soát ngặt nghèo. “Tôi không biết trong hoàn cảnh như hiện nay làm thế nào chúng tôi có thể hoạt động được nếu không có nó,” Salah nói. “Trước đây, việc vươn ra ngoài khó khăn hơn rất nhiều.”

Tuy vậy, mặc dù có những tin đồn xì xào về cuộc phản đối ngày 25 tháng Giêng, ElShaheeed vẫn nhận rõ những khó khăn trong việc chuyển dịch những cú “click” trên Internet để hỗ trợ dưới mặt đất. Nhằm mục đích đó, anh đã và đang dùng trang này để hối thúc nhân dân tổ chức bằng cả những phương tiện truyền thống nữa, thậm chí post những đường link tới những tờ rơi để chúng được tải xuống và phát tán - tuần trước các nhà hoạt động đã phát tán truyền đơn tới những người đi lễ ngày thứ Sáu. Nhưng anh nói chỉ đến thứ Ba mới biết được những cố gắng như thế đã đủ chưa.

“Chúng tôi đang hy vọng sẽ có thật nhiều người, và nhân dân trên đường phố thấy chúng tôi, kết nối với những yêu cầu của chúng tôi và tham gia với chúng tôi,” anh nói. Và nếu những cố gắng đó thất bại, “Tôi sẽ học được từ bài học đó, tiếp tục tiến lên, và làm những việc khác nữa.”./.

HT 270211
Bài sau: Hiệu ứng Tunisia thu hút Ai cập

 [1] Một tổ chức phi chính phủ quốc tế, có cơ sở ở Washington D.C., tiến hành nghiên cứu và biện hộ cho dân chủ, tự do chính trị và các quyền con người.
.
.
.

No comments: