Saturday, January 29, 2011

NGHI NGỜ QUANH CÁI CHÉT CỦA MỘT DÂN OAN TRUNG QUỐC (BBC)

Michael Bristow
BBC News, Bắc Kinh
Cập nhật: 17:19 GMT - thứ sáu, 28 tháng 1, 2011

Một ngày thứ Bảy mới đây, vào sáng sớm, người dân làng Trung Quốc, Tiễn Vân Hội, ra khỏi nhà của mình sau khi nhận được một cuộc điện thoại. Một vài phút sau đó, ông bị chết.
Ông Tiễn đã bị đè bẹp dưới những bánh xe của một chiếc xe tải. Cảnh sát cho biết đó chỉ là một vụ tai nạn giao thông, nhưng những người dân làng nghi ngờ rằng đây là một vụ sắp đặt.

Người đàn ông thiệt mạng từng lãnh đạo một cuộc biểu tình chống lại việc xây dựng một nhà máy điện và đã có nhiều kẻ thù. Trong ngày cuối cùng của ông, ông tỏ ra lo sợ cho mạng sống của mình.
Các diễn đàn trên mạng Internet đồn đoán các kịch bản về vụ chết người. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ, một số cho rằng đã có sự bao che của chính quyền.
Sự thật về điều gì đã xảy ra với ông Tiễn có thể không bao giờ được tiết lộ, nhưng câu chuyện của ông cho thấy sự thiếu lòng tin của nhiều người dân vào chính quyền.
Các tin đồn - lan nhanh bằng điện thoại di động và Internet - thường lại có được sự tin cậy của người dân hơn là các thông báo chính thức của chính quyền.
Một bài báo gần đây trên Internation Herald Leader, tờ báo do cơ quan truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã ấn hành, phản ánh về vấn đề ngày một gia tăng này.
"Chúng tôi từng tin tưởng mọi thứ - các lãnh đạo, cuộc cách mạng của chúng tôi, sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và tương lai tươi sáng lạn của chủ nghĩa cộng sản. Thế nhưng bây giờ có vẻ như chúng tôi không còn tin vào bất cứ điều gì nữa", tờ báo dẫn lời một người nói.
"Ngày nay, sự thiếu lòng tin đã thấm sâu vào cuộc sống thường nhật của nhiều người."
'Ghìm xuống'

Bức hình ghi lại vụ việc về cái chết gây nghi vấn của ông Qian Yunhui

Chắc chắn có sự thiếu tin tưởng vào chính quyền ở ngôi làng Zhaiqiao thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi ông Qian từng sống.
Sau cái chết của người đàn ông 53 tuổi, người dân làng bao quanh thi thể của ông để cố gắng ngăn chặn cảnh sát mang đi trước khi một cuộc điều tra xác đáng được tiến hành.
Những ngờ vực gia tăng mạnh mẽ trong những ngày sau đó.
Theo tin tức của truyền thông nhà nước, cảnh sát cho biết là ông Qian đã cầm ô trong khi băng qua đường, một yếu tố cản trở việc ông có thể quan sát được chiếc xe tải đang tới.
Một camera công cộng ghi hình, gắn tại khu vực, vì lý do nào đó đã không hoạt động, cảnh sát tuyên bố.
Nhiều người không tin những giải thích này và những lời buộc tội của họ đã được đăng tải trực tuyến trên mạng Internet.
"Chúng ta phải điều tra kỹ lưỡng vụ việc này và xử lý nó một cách công bằng.
"Vụ này ảnh hưởng đến lòng tin của công luận vào công lý, cũng như sự tín nhiệm của họ với chính phủ," một ý kiến trên mạng cho biết.
Cuộc tranh luận có động lực mới sau khi nhà báo Lưu Kiến Phong đưa kết quả cuộc điều tra riêng trong tám ngày, do ông tiến hành lên mạng.
Ông Lưu, người làm việc cho tờ Thời báo Kinh tế Trung Quốc, tiến hành điều tra kỹ lưỡng, phỏng vấn hàng chục người.
Nhà báo này có vẻ đã đưa ra một nhân chứng mới, vốn cho biết chi tiết theo đó có bốn người đàn ông đã kìm giữ ông Tiễn.
"Họ đã ghìm ông ấy xuống và sau đó vẫy chiếc xe tải lăn bánh qua từ từ," nhân chứng này nói với ông Lưu.

'Hậu quả nghiêm trọng'
Tuy nhiên, hiện tại vụ chết người của ông Tiễn dường như đã bị đóng lại, sau khi gia đình của ông được trả một khoản tiền bồi thường đáng kể là 1.05 triệu Nhân dân tệ (hay 159.000 USD).
Chuyên gia Trung Quốc, Lưu Á Vĩ, tại Hoa Kỳ, người đã theo dõi vụ việc này, cho biết câu chuyện nói trên chỉ là một trong nhiều chuyện ở nhiều nơi mà người dân bày tỏ sự hoài nghi của họ với truyền thông và các báo cáo của nhà nước.
Ông nói rằng chính quyền thường là chủ thể duy nhất phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này.
Đó là chính quyền đôi khi chậm công bố thông tin, ít khi để công chúng tham gia các cuộc điều tra và thường tìm cách đổ lỗi cho người khác để bảo vệ bản thân, ông Lưu giải thích.
Điều này đã vượt xa một trường hợp cá biệt cụ thể, và đang đe dọa làm suy yếu toàn bộ uy tín của chính quyền.
"Khi niềm tin bị mất, công chúng có xu hướng tin vào các tin đồn," ông Lưu, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Carter ở Atlanta nói.
"Sự thiếu minh bạch, chậm chạp trong giải quyết bất công xã hội, phản ứng quyết liệt với những người chỉ đơn giản là cố gắng để bày tỏ sự bất mãn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung Quốc."
Giáo sư Triển Giang, Đại học N goại quốc ngữ Bắc Kinh, cho biết không phải tất cả quan chức chính quyền đều chịu sự bất tín như nhau.
Ông nói người dân tôn trọng và tin tưởng nhiều ở chính quyền trung ương, hơn là vào các quan chức chính quyền địa phương.
Và ông cho hay không phải tất cả các nhà báo và các ấn bản truyền thông đều sợ hay ngại ngần chất vấn quan điểm chính thức của chính quyền quanh các sự kiện tranh cãi.
Nhưng ông Giang nói thêm: "Các tin tức trên các cơ quan truyền thông nhà nước vẫn chưa đủ tốt. Chúng viết rất nhiều về những điều tốt đẹp, nhưng không phản ánh đủ về các vấn đề và khó khăn."
Và khi một trường hợp bị phát hiện có vấn đề, mọi người sẽ đặt câu hỏi cho tất cả các loại vấn đề còn lại.
Sau khi bài báo International Herald Leader đăng tin về vụ ông Tiễn, rất nhiều người bây giờ không còn tin rằng các thực phẩm mà họ đang ăn là an toàn nữa.
Hoặc các bác sĩ sẽ cho họ những loại thuốc tốt nhất, nếu không họ sẽ đi tìm công lý từ các tòa án.
.
.
.

No comments: