Monday, January 31, 2011

CẠNH TRANH MỸ - TRUNG và CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC (Hòang Nam giới thiệu)

Theo báo Liên hợp Buổi sáng
Hoàng Nam (gt)
Chủ nhật, 30 Tháng 1 2011 00:00

Báo điện tử Liên hợp Buổi sáng của Xinhgapo gần đây đăng bài của học giả Tất Khai Dĩnh cho rằng thế kỷ 21 Mỹ vẫn giữ quyền chủ đạo trên thế giới và Trung Quốc không thể nào phát triển thành sức mạnh đối đẳng với Mỹ. Mục tiêu hiện thực nhất của Trung Quốc hiện này vì thế là làm sao đất nước không bị tan rã và kinh tế không bị suy thoái. Vậy phải làm sao để Trung Quốc có thể sinh tồn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ?

Đối với Mỹ, sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào đều là thách thức đối với vai trò thống trị của Mỹ. Từ những năm 1950 khi Mỹ chính thức ngồi ở vị trí bá chủ thế giới tới nay, nước này đã sử dụng diễn biến bòa bình và chạy đua vũ trang làm Liên Xô tan rã và dùng chiến tranh tiền tệ để loại bỏ mối đe dọa (về kinh tế) từ Nhật Bản. Liên Xô và Nhật Bản là hai nước từng được coi là giữ ngôi vị thứ 2 thế giới đã trượt dốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc hiện nay không thể so sánh với Liên Xô thời kỳ đầu về mặt quân lực và cũng không bằng Nhật Bản lúc thịnh vượng về kinh tế. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ cũng lớn hơn khoảng cách giữa Mỹ và Liên Xô, giữa Mỹ và Nhật Bản trước đây. Việc Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ có thể ví như “mong ước xa hoa”. Mục tiêu hiện thực nhất của Trung Quốc hiện này vì thế là làm sao đất nước không bị tan rã và kinh tế không bị suy thoái.

Vậy phải làm sao để Trung Quốc có thể sinh tồn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ?

1. Về mặt công nghệ: Ai nắm trong tay công nghệ mới, người đó nắm quyền chủ đạo tương lai thế giới

Xem xét lịch sử phát triển của thế giới, chúng ta thấy rằng bất cứ sự trỗi dậy của một nước lớn nào đều dựa trên cột đỡ kỹ thuật công nghệ. Thời cổ đại, sở dĩ Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong thời gian dài là do Trung Quốc nắm trong tay 4 phát minh lớn (la bàn, kỹ thuật làm giấy, kỹ thuật in ấn, thuốc nổ) và sở hữu kĩ thuật làm gốm, sản xuất tơ lụa. Sự trỗi dậy của Anh xuất phát từ việc nước này có công nghệ máy hơi nước và đối với Đức là công nghệ chế tạo máy đốt trong. Trong trường hợp của Mỹ, nước này trỗi dậy bằng công nghệ điện khí, công nghệ tin học và công nghệ không gian… Câu hỏi đặt ra là muốn phát triển Trung Quốc cần phải dựa vào cái gì? Đương nhiên, Trung Quốc không thể dựa vào lao động giá rẻ, cũng không thể nhờ cậy vào sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Câu trả lời cho con đường nâng cao sức cạnh tranh cốt lõi, đảm bảo sự phát triển của dân tộc Trung Hoa, thứ nhất nằm ở sự nghiệp phát triển những công nghệ mới chủ đạo tương lai thế giới, thứ hai thuộc về nỗ lực rút ngắn khoảng cách về công nghệ với Mỹ.

Vậy đâu là những công nghệ mới sẽ chủ đạo tương lai thế giới?

Trước hết, đó là công nghệ năng lượng mới. Hiện nay, nguồn cung cấp năng lượng của thế giới chủ yếu đến từ dầu mỏ và than. Đây là hai loại năng lượng không thể tái sinh và có thể cạn kiệt trong mấy trăm năm, thậm chí là mấy chục năm tới. Trong tương lai, nước nào nghiên cứu phát triển được loại năng lượng tái sinh thay thế được dầu mỏ và than như năng lượng hạt nhân, thủy điện, phong điện, điện mặt trời, năng lượng sinh học… nước đó có thể nắm trong tay quyền chủ đạo thế giới.

Bên cạnh đó, công nghệ động cơ điện cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyệt đại đa số động cơ cơ giới hiện nay là chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu. Trong khi đó, năng lượng cung cấp cho đa số động cơ mới phát triển tồn tại dưới dạng tích điện. Nếu động cơ điện có thể thay thế động cơ xăng dầu và được ứng dụng rộng rãi duy trì hoạt động của ô tô, máy bay, xe tăng và tàu thuyền, ý nghĩa của nó sẽ không kém quan trọng so với một cuộc cách mạng công nghiệp hàng đầu.

Cuối cùng là công nghệ tái sử dụng tài nguyên. Nguồn tài nguyên của thế giới hiện nay là có hạn, dù là dầu mỏ hay than đá, quặng kim loại, do khai thác vô hạn độ sẽ có ngày cạn kiệt. Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang phải bôn ba tìm kiếm tài nguyên khắp thế giới. Cho nên, nếu không thể phát triển công nghệ tái sử dụng tài nguyên, một khi chuỗi cung cấp bị gián đoạn, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục.

Do vậy, muốn tồn tại và duy trì phát triển trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc phải đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ năng lượng mới, công nghệ động cơ điện và công nghệ tái sử dụng tài nguyên, nhằm đạt được tiến triển mang tính đột phá trước Mỹ. Ai nắm trước được những công nghệ này, người đó sẽ chủ đạo tương lai thế giới.


Nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về công nghệ với Mỹ

Hiện nay, khoảng cách về công nghệ điện khí giữa Mỹ và Trung Quốc là tương đối ngắn, nhưng khoảng cách về công nghệ thông tin và công nghệ không gian vẫn rất lớn. Khi quan hệ Trung-Nhật căng thẳng, người Trung Quốc nhiều lần tự phát tẩy chay hàng Nhật, nhưng cho dù quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng tới đâu, người dân Trung Quốc cũng không tẩy chay hàng Mỹ. Nguyên nhân rất đơn giản, trong cuộc sống, người Trung Quốc không thể tách rời khỏi những sản phẩm của Mỹ.

Trên phương diện công nghệ không gian, xe hơi của người Trung Quốc lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, CPU trong máy tính của người Trung Quốc bắt buộc phải có con chíp Intel hay AMD do Mỹ sản xuất, hoặc hệ điều hành, phần mềm văn phòng do hãng Microsoft của Mỹ thiết kế. Mạng Internet là do Mỹ phát minh và Mỹ kiểm soát 9 trong số 11 máy nguồn trên toàn cầu. Nếu không vui, người Mỹ có thể cắt mạng nối với Trung Quốc khiến Trung Quốc mất đi sự liên hệ với thế giới. Người Mỹ cũng có thể điều khiển hệ điều hành khiến màn hình máy tính của người Trung Quốc trở nên đen kịt hoặc tác động vào “cửa sau” của CPU làm cho hệ thống máy tính của Trung Quốc tê liệt.

Từ đó có thể thấy rằng trong cuộc cạnh tranh hiện nay với Mỹ, Trung Quốc đang trong thế bị động, lúc nào cũng có thể bị ức hiếp mà không dám phản kích một cách cứng rắn. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc Mỹ nắm trong tay các công nghệ then chốt và Trung Quốc phải lệ thuộc vào Mỹ, phải nhờ cậy Mỹ trong quá nhiều lĩnh vực. Ngược lại, những gì mà Mỹ phải lệ thuộc và nhờ cậy Trung Quốc quá ít. Và nếu có một ngày nào đó Trung Quốc giành được chút quyền bá chủ vũ trụ, mạng internet, điện tử của Mỹ, Trung Quốc mới có thể ra đòn giáng trả bình đẳng khi đối mặt với sự thách thức của Mỹ.

2. Về mặt ngoại giao: Thúc đẩy thế giới phát triển từ đơn cực sang đa cực

Nhiều năm lại đây, Trung Quốc vẫn thực thi chính sách ngoại giao “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đưa ra, chuyên tâm làm tốt những công việc của mình, bàng quan, không quan tâm hoặc đưa ra lập trường chung chung đối với những công việc quốc tế không liên quan tới lợi ích của Trung Quốc. Chính sách này không có lợi cho việc mở rộng không gian ngoại giao của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc nên chủ động thúc đẩy trật tự chính trị kinh tế quốc tế mới có lợi cho sự phát triển chung của toàn nhân loại, đảm đương trách nhiệm mà một nước lớn tương lai nên gánh vác, không nên đợi tới khi đối thủ gây tổn hại tới lợi ích của mình mới ứng phó một cách tiêu cực.

Tích cực thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Kết cấu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện nay vẫn giữa khung chính trị từ khi Chiến tranh Thế giớ thứ II kết thúc, không phản ánh được thực tế chính trị kinh tế thế giới hiện nay. Nhưng lời kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không ngừng được các nước trên thế giới đưa ra. Mỹ cũng đã nhiều lần cam kết ủng hộ Nhật Bản, Đức, Ấn Độ trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng Trung Quốc lại chỉ biểu thị sự thấu hiểu nguyện vọng của các nước nêu trên mà không cam kết ủng hộ nước nào. Thái độ mơ hồ này tuyệt đối không thể đem lại cho Trung Quốc những lợi ích ngoại giao đáng có. Đối với Trung Quốc mà nói, Mỹ là nước bá quyền thế giới, thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc càng nhiều đồng nghĩa với việc quyền lực bị phân tán, sự bá quyền của Mỹ sẽ yếu đi. Do đó, Trung Quốc nên ra sức ủng hộ kế hoạch cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nói một cách cụ thể, Trung Quốc cần thực hiện những công việc sau: Một là kiên trì nguyên tắc tiệm tiến, đầu tiên là ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tăng số lượng Ủy viên Thường trực từ 5 lên 7 thành viên. Sau khi ổn định kết cấu, Trung Quốc lại ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tăng số lượng Ủy viên Thường trực từ 7 lên 9 thành viên. Hai là kiên trì nguyên tắc phân phối số lượng Ủy viên Thường trực theo mức độ lớn nhỏ của châu lục, lấy Mỹ, Trung Quốc và Nga làm nền tảng. Nói một cách cụ thể ngoài Mỹ, Trung Quốc và Nga là 3 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, châu Âu có thêm 2 nước bên cạnh Nga được chọn làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; châu Á có thêm 1 nước bên cạnh Trung Quốc được chọn làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh, mỗi nơi có 1 Ủy viên Thường trực. Chiếc ghế Ủy viên Thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ được lựa chọn dựa trên kết quả bầu chọn trên phạm vi toàn thế giới. Ba là theo đuổi nguyên tắc kết hợp giữa đề cử các các châu lục lớn và đề cử của Liên hợp quốc, tức là phân phối số lượng Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các châu lục để các châu lục đề cử, sau đó các đề cử này được đưa ra Liên hợp quốc để bầu chọn chiếc ghế Ủy viên Thường trực còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thành lập Liên minh châu Á, thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế, chính trị của châu Á

Châu Âu có Liên minh châu Âu (EU), châu Phi có Liên minh châu Phi (AU), khu vực Mỹ Latinh cũng có Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê. Hiện nay, trên thế giới chỉ có châu Á là chưa có liên minh thống nhất của riêng mình. Nhân dịp cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, châu Á được phân phối cho số lượng Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do các nước châu Á đề cử, Trung Quốc có thể khởi xướng việc thành lập liên minh châu Á, tập hợp các nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á và Trung Á dưới một mái nhà chung, tiếp đó mời Nga gia nhập, hình thành liên minh chính trị, kinh tế khu vực thực sự có sức mạnh và từng bước thúc đẩy sự nghiệp nhất thể hóa về chính trị và kinh tế của châu Á. Trụ sở chính của liên minh châu Á có thể đặt tại Hồng Công hoặc Xinhgapo. Tuy nhiên, cần phải quán triệt nguyên tắc liên minh châu Á không thu nhận thế lực ngoài biên giới châu Á.

Tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhóm BRIC, mở rộng quyền phát ngôn của thực thể kinh tế mới nổi này trên trường quốc tế

Hiện nay, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Braxin được gọi là nhóm BRIC. Mới đây, Nam Phi cũng gia nhập nhóm BRIC, nên nhóm BRIC được đổi thành nhóm BRICS. Tất cả thành viên BRICS đều là các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc nên đẩy mạnh sự hợp tác với các nền kinh tế mới nổi, tích cực thu nhận thành viên mới có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế để ảnh hưởng của tổ chức này tiếp cận với nhóm G7 và nhóm G20.

3. Về mặt kinh tế: Phá vỡ sự bá quyền của Mỹ, xây dựng hệ thống thương mại quốc tế nhiều đồng tiền

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã thành lập được hệ thống tiền tệ thế giới lấy đồng USD làm chủ đạo. GDP các nước trên thế giới đều được tính toán trên cơ sở lấy đồng tiền của Mỹ làm cơ sở. Đồng USD cũng trở thành đồng tiền thanh toán trong thương mại quốc tế. Lợi ích mà sự bá quyền của đồng USD mang lại cho Mỹ nằm ở chỗ tài sản bằng đồng USD mà các nước trên thế giới tích lũy được trong thương mại quốc tế hoặc là được mang tới Mỹ tiêu dùng hoặc là cho người Mỹ vay để tiêu dùng. Nếu tiêu dùng của Mỹ thấu chi quá nhiều, nước này còn có thể thông qua việc in thêm tiền (thực tế là những tờ giấy lộn) để đổi lấy vàng nén thực sự của nước khác, tạo ra cục diện toàn thế giới nuôi nước Mỹ.

Hiện nay, đồng nhân dân tệ vẫn chưa phải là đồng tiền thanh toán trong thương mại quốc tế. Trung Quốc đã ký hiệp định hoán đổi tiền tệ lẫn nhau với 6 nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Inđônêxia và Áchentina, thực hiện thanh toán bằng đồng bản tệ trong thương mại quốc tế với Nga. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cũng đã phát hành một lượng nhỏ trái phiếu đồng nhân dân tệ. Sự nghiệp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ có thể nói đã đi được những bước nhỏ.

Khác với vị thế quốc tế yếu ớt của đồng nhân dân tệ, đồng euro đã được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, trở thành đồng tiền thế giới có thể cạnh tranh với đồng USD. Trung Quốc nên lợi dụng thực lực kinh tế của mình để giúp đồng euro, cùng với Nga và EU xây dựng hệ thống tiền tệ thế giới mới, phá vỡ sự lũng đoạn của đồng USD bá quyền.

4. Về mặt quốc phòng:
Kiên trì nguyên tắc phòng vệ, không chống Mỹ, không liên kết đồng minh, không tiến hành chạy đua vũ trang

Sở dĩ Liên Xô tan rã là do nước này coi trọng quốc phòng, coi nhẹ kinh tế. Sự yếu ớt của Nhật Bản xuất phát từ việc nước này chỉ có kinh tế mà không có quốc phòng (Nhật Bản là nước do Mỹ bảo hộ về quốc phòng). Trung Quốc nhất định phải đi theo con đường vừa coi trọng kinh tế vừa coi trọng quốc phòng để khi lợi ích kinh tế bị xâm phạm có thể sử dụng sức mạnh quốc phòng bảo vệ. Xuất phát từ khoảng cách thực lực rõ rệt hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc nên đề ra chính sách quốc phòng: Kiên trì nguyên tắc phòng vệ, không chống Mỹ, không liên kết đồng minh, không tiến hành chạy đua vũ trang.

Kiên trì nguyên tắc phòng vệ

Trung Quốc hiện nay vẫn coi việc xây dựng kinh tế làm cốt lõi, việc đầu tư cho quốc phòng có hạn. Tuy nhiên, trong nguồn đầu tư hữu hạn cho quốc phòng đó, Trung Quốc nên tập trung cho việc xây dựng hệ thống phòng thủ, tạm gác lại việc xây dựng lực lượng hải quân và không quân tác chiến tầm xa nhằm tránh làm gia tăng tâm lý phòng bị từ các nước trên thế giới và việc hợp lực đối phó với Trung Quốc.

Không chống Mỹ, không liên kết đồng minh

Xem xét lịch sử phát triển quan hệ Trung-Mỹ đương đại sẽ thấy rằng chỉ khi Mỹ tìm thấy một đối thủ khác, quan hệ Trung-Mỹ mới tương đối ổn định. Hiện nay, Mỹ không có đối thủ, Trung Quốc đương nhiên trở thành đối tượng tấn công của Mỹ. Nói một cách dân dã, Trung Quốc luôn bị Mỹ ức hiếp. Nhưng Mỹ cũng chỉ ức hiếp ở một chừng mực nhất định để không làm nổ ra xung đột toàn diện. Bởi Mỹ không thể gánh vác nổi cái giá phải trả trong trường hợp nổ ra xung đột toàn diện với Trung Quốc. Cho nên, trong khi cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc không thể gióng trống khua chiêng giương cao ngọn cờ chống Mỹ. Trung Quốc vẫn chưa hội đủ những điều kiện để giành quyền từ trong tay Mỹ. Mỹ không muốn xảy ra xung đột lớn với Trung Quốc, Bắc Kinh càng không thể khiêu khích.
Mỹ vẫn đang lôi kéo các nước xung quanh Trung Quốc để phục vụ mưu đồ thành lập liên minh chống Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc phải phân hóa Mỹ và các đồng minh quân sự xung quanh Trung Quốc chứ không phải thành lập một đồng minh quân sự khác làm đối kháng, dù là liên minh Trung-Nga hay liên minh Trung-Nga-EU đều không mang tính thực tế. Nguyên nhân vẫn là “Trung Quốc vẫn chưa hội đủ những điều kiện để giành quyền từ trong tay Mỹ”. Nếu các nước khác cho rằng việc liên thủ với Trung Quốc chống Mỹ tất yếu sẽ thất bại, họ đương nhiên sẽ không hưởng ứng. Tháng 12/2010, Nga một mặt tuyên bố năm 2011 sẽ tổ chức diễn tập hải quân với Trung Quốc, Nhật Bản, một mặt lại sắp xếp diễn tập quân sự với Mỹ vào năm 2012. Không quân Nga và không quân Mỹ cũng đã mấy lần diễn tập quân sự chung. Ngoài ra, Nga còn chấp nhận việc kết nối hệ thống phòng thủ tên lửa ở trong nước với Mỹ. Từ những động thái trên có thể thấy Nga rất thận trọng trong việc giữ cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Nếu xuất hiện đối kháng Mỹ-Trung, khả năng lớn nhất là Nga chờ đợi cảnh Mỹ và Trung Quốc “lưỡng bại câu thương” (cả Mỹ và Trung Quốc đều bị tổn thương vì đối kháng với nhau), ngồi ở thế “ngư ông đắc lợi”. Đối với một số nước EU, Trung Quốc chỉ có thể cùng các nước này hình thành liên minh tiền tệ hoặc liên minh kinh tế, không thể kết thành liên minh quân sự. Mỹ là “hậu duệ” của châu Âu. Các nước châu Âu và Mỹ có chung tín ngưỡng tôn giáo, cùng một quan niệm giá trị và lịch sử hợp tác phòng thủ lâu dài. Một khi Trung Quốc và Mỹ khai chiến, kỳ vọng lớn nhất mà Trung Quốc có thể đạt được là các nước châu Âu giữ thái độ trung lập. Trung Quốc không nên mơ tưởng tới việc liên minh với châu Âu chống lại Mỹ.

Không tiến hành chạy đua vũ trang

Liên Xô tan rã trong khi chạy đua vũ trang với Mỹ. Trung Quốc cần phải rút ra bài học cho mình từ thực tế này. Trung Quốc cần phải tuyên bố rõ không thách thức vai trò bá quyền toàn cầu của Mỹ và không được lộ thái độ tranh cao thấp với Mỹ. Trung Quốc không cần thiết phải đi theo con đường trước đây của người Mỹ, cho ra đời hàng loạt vũ khí đắt đỏ. Trong việc chế tạo vũ khí, Trung Quốc vĩnh viễn không phải là đối thủ của Mỹ. Mấu chốt quyết định thắng lợi hay thất bại của chiến tranh tương lai nằm ở 2 điểm: một là công nghệ thông tin, biết được đối thủ ở đâu (chủ yếu thông qua công nghệ trinh sát vệ tinh); hai là cắt đứt nguồn năng lượng cung cấp để cho các loại vũ khí hoạt động. Nếu biết kho dầu của đối thủ ở chỗ nào, phá hủy được nó, thì dù vũ khí đó có tiên tiến đến đâu cũng mất tác dụng. Nếu biết được vị trí của đối thủ mà đối thủ không biết vị trí của mình thì dù chỉ có cung tên cũng có thể kết liễu đối thủ có trong tay súng máy, súng cối cũng có thể tiêu diệt tên lửa, thậm chí lựu đạn cũng có thể tiêu diệt máy bay. Do đó, Trung Quốc nên đầu tư hữu hạn về mặt công nghệ thông tin và công nghệ năng lượng, tuyệt đối không nên đọ vũ khí hiện đại và chạy đua vũ trang với Mỹ.

Theo báo Liên hợp Buổi sáng
Hoàng Nam (gt)
.
.
.
 

No comments: