Friday, January 28, 2011

TRỒNG MAI Ở MỸ (Mỹ Nguyễn)

Mỹ Nguyễn
Thứ năm, 27/1/2011, 15:01 GMT+7

Nếu không thấy những cành mai khô queo và quằn mình trong tuyết chắc tui cũng không biết là Tết sắp tới rồi.
Tui sống ở một miền cực bắc nước Mỹ. Ở đây có một loại cây gọi là Forsythia, giống như cây mai ở Việt Nam của mình nhưng nó chỉ có bốn cánh hoa mà thôi. Cây hầu như sống quanh năm suốt tháng, mặc cho trời lạnh từ -20 đến -30 độ C nó cũng tỉnh queo!

Hoa Forsythia.

Cứ còn khoảng ba tuần nữa tới Tết là tôi lại mon men ra phía sau vườn, sau khi leo qua mấy cái đống tuyết cao ngời ngợi là tới cái ụ mai mà tôi đã trồng hơn mười năm nay, tôi ráng vươn mình thật cao để cắt cho được những nhánh mai có thật nhiều nụ (mà sau này sẽ nở thành hoa) đem vô ngâm trong nước âm ấm và vợ tôi sẽ thay nước mỗi ngày để hoa sẽ nở đúng ngày mồng một Tết.

Chuẩn bị Tết
Ấy vậy mà đã hơn hai mươi năm xa quê hương Việt Nam dấu yêu, hai mươi năm chưa từng được thấy được, sờ được cái Tết ở Sài Gòn nói riêng và Tết ở Việt Nam nói chung bây giờ ra sao nữa? Phim, tranh ảnh, báo chí, Internet, những phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều đó nhưng làm sao để có được cái diễm phúc cả nhà quây quần gói mấy cái bánh chưng, những cái không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho mấy ngày Tết?
Hồi đó hễ cứ mỗi lần Tết tới là mẹ tôi thì bận bịu lo đủ thứ. Mẹ tôi phải dậy thật sớm đi chợ để lựa cho được nhũng thứ rất rẻ và ngon, nó hầu như chỉ có vào những phiên chợ sớm, tôi còn nhớ mẹ tôi hay mua những bó kiệu, những bó hành thật to để về làm củ kiệu, dưa hành. Ba tôi thì loay hoay đóng lại cái khuôn gỗ để chuẩn bị gói bánh chưng, tôi thì lăng xăng lo sơn quét lại cái cổng sắt trước nhà, vốn đã hoen ố và rỉ sét từ lâu nhưng nếu không sơn lại thì nó lại rỉ sét nữa, không chừng còn sập luôn nữa là. Còn mấy cái bức tường nữa, phải lo quét vôi lại cho nó mới nữa chứ. Tết mà cái gì cũng phải mới hết.
Tết đến thì mỗi người mỗi việc, lo ăn cho ngày thường cũng đã mệt rồi, huống chi là mấy ngày Tết. Vật giá thì leo thang, giá cả cái gì nó cũng trên trời dưới đất hết, nếu như mẹ tôi không khéo dè xẻn thì chắc khỏi ăn Tết quá! Nói vậy thôi chứ tôi thấy mọi người đều loay hoay bận rộn cho đến tối ngày 30 Tết là ... phù... đã chuẩn bị xong xuôi cho cái Tết này rồi đó.
Tôi còn nhớ có một năm, đến chiều 30 Tết rồi mà nhà tôi chưa có được một chậu mai nữa. Tôi lật đật đạp xe lòng vòng ngoài Lăng Ông gần chợ Bà Chiểu (Sài Gòn) để kiếm mua một chậu mai, loanh quanh mãi đến gần chín giờ tối thì mới mua được một chậu mai rất là rẻ và đẹp nữa, bởi vì lúc này người bán người ta cũng muốn “quăng” mấy cái chậu hoa cho rồi để nhẹ cái xe của họ và để họ còn kịp về chuẩn bị Tết ở nhà của họ nữa chứ. Nghe đâu nhà họ ở tuốt dưới Củ Chi - An Sương gì đó. Thời ấy đạp chiếc xe ba gác đạp về tới nhà chắc là tới giờ giao thừa rồi. Thật tội nghiệp!

23 âm lịch - ngày đầu tiên của Tết
Từ tối hôm trước (22 âm lịch) tôi đã thấy ba mẹ tôi đã chuẩn bị bàn thờ để đưa ông Táo về trời rồi. Ngoại tôi nói ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết. Sau đó người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, mấy bộ lư đồng được tôi kéo xuống hết bày ra ở trước sân để chuẩn bị đánh bóng cho nó, mấy cái bình bông cũng được mấy em của tôi lấy ra chùi rửa lại cẩn thận để cho nó mới. Ngày hôm nay cũng là ngày mà chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ bắt đầu khai trương, thế nào tui rảnh tui cũng rủ đám bạn trong xóm cùng dạo một vòng coi cho đã.
Cho dù giàu hay nghèo theo tôi nghĩ mỗi gia đình thế nào cũng phải có ít nhất một cặp dưa hấu, cặp bánh chưng hay bánh tét để cúng giao thừa (đêm Trừ Tịch). Và đặc biệt hơn nữa mà không thể thiếu được là nồi thịt kho tàu, mà phải có nhiều trứng vịt nữa kìa. Nồi thịt này được xem như thức ăn chính trong ba ngày xuân. Nhà nào có được nồi thịt càng to thì nhà ấy được xem như một gia đình thuộc loại làm ăn khá giả. Và dư giả chút xíu thế nào cũng có một hay vài con gà để cúng ông bà.
Tôi còn nhớ như in trong đầu, có một năm vào 28 âm lịch tôi đã đạp xe đạp từ Sài Gòn lên nhà ông chú ở tận Biên Hòa - ở cái chỗ gọi là "Trạm kiểm soát Hố Nai 3". Ba tôi bảo: "Con lên nhà bác Cường biếu bác ít lạng chè cho bác ăn Tết". Thời ấy tôi còn trẻ và sức khỏe còn sung lắm, đạp xe vèo vèo lên nhà bác. Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, qua khỏi nhà máy xi măng Hà Tiên rồi sau khi qua ngã ba Vũng Tàu, tới Cầu Hang 1, qua khỏi Chợ Sặc, lên một đoạn dốc nữa rồi qua khỏi bệnh viện Thống Nhất khoảng vài cây số là tới nhà bác Cường. Nhà bác ấy thì chỉ trồng toàn là khoai mì (sắn) mà thôi, nhưng bác có nuôi thêm ít gia cầm để cải tiến cho gia đình. Sau khi biếu bác ấy ít lạng chè xong rồi là tôi vọt về Sài Gòn liền không quên lời bác: "Này cháu, cháu xách cặp gà này về biếu ba mẹ con ăn Tết".
Treo tòng ten cặp gà trên chiếc ghi-đông xe đạp, thế là tôi đạp một mạch về tới Sài Gòn thì trời đã khuya. Nhưng Sài Gòn không bao giờ ngủ thì phải, mà nhất là những ngày giáp Tết nữa, cho nên đường sá vẫn còn đông đúc người, đi ngang chợ Bà Chiểu vẫn còn người mua kẻ bán tấp nập. Về tới nhà, khi đưa cho ba mẹ tôi cặp gà, tôi chợt nhìn thấy gương mặt của ba mẹ tôi lộ vẻ mừng rỡ ra mặt, thế là gia đình tôi đả có gà để cúng ông bà mồng ba Tết rồi.
Cũng như mọi năm, năm nay cũng lại là nhà bà Sáu ở cuối hẻm là nhà gói bánh sớm nhất. Bởi vì năm nào cũng vậy, tụi tui tụm năm tụm ba ở nhà bà Sáu để coi chừng nồi bánh giùm cho bà, để tụi tui có dịp để tối đó ngồi tán dóc, kiếm cái gì đó đút vô để nướng rồi chia nhau ăn, vậy mà ngon tuyệt cú mèo. Bà Sáu chợt đi ra sân và nói với tụi tui: "Có mấy cái bánh ích ở trong nồi đó, tụi bây coi coi nó chín nhớ vớt ra trước cho bà Sáu nhen". "Dạ!”, tụi tui đứa nào cũng mau mắn cất tiếng rõ to bởi vì thế nào mỗi đứa cũng được một cái ăn cho nó đỡ nghiền.
Đã rạng sáng 29 Tết rồi đó, theo tôi biết thì mọi việc vẫn còn nhiều lắm. Bà Sáu đã thức dậy hồi nào rồi cũng không biết nữa, đám tụi tui uể oải phụ bà Sáu vớt bánh ra hết rồi thì đứa nào về nhà nấy đánh một giấc tới trưa mới thức dậy nổi.
Chỉ còn hơn một ngày nữa thôi là tới Tết rồi, nhìn cả nhà bận bịu tôi chợt nhớ đến bà ngoại của tôi hồi còn sống. Cứ Tết gần tới là thế nào ngoại tôi cũng nhắc má và mấy dì của tôi là: "Tụi bay nhớ lo mua gạo, nước mắm, muối chăm cho nó đầy nhen, chứ không nên để đầu năm đầu tháng mà đi mua thì nghèo cả năm à nhen con!".
Sáng 30 Tết, hầu như tất cả đều chuẩn bị xong, mấy đứa em tôi đã quét dọn và lau chùi nhà cửa rất là sạch sẽ, bởi vì mẹ tôi nói: "Ba ngày Tết là kiêng không được quét nhà, không được đổ rác". Tôi cũng đã đi tỉa lại cái đầu tóc của tôi cho gọn gàng, sạch sẽ, rồi ngắm nghía lại bộ đồ mới mà mẹ đã mua cho tôi để ngày mai đi chúc Tết ông bà.
Không biết ba mẹ tôi lo Tết vất vả ra sao chứ còn anh em tụi tui thì rất là vui, nhà càng lu bu công chuyện bao nhiêu thì tụi tui càng vui và nôn nao bấy nhiêu. Bởi vì tụi tui biết rằng Tết sắp tới rồi. Và có nghĩa là ngày mai tụi tui sẽ có được thật nhiều tiền lì xì và tha hồ ăn uống xả láng, tụi tui sẽ được ăn toàn là những thức ăn ngon không hà. Tôi thích nhất là món bánh tráng cuộn với rau sống, dưa giá, cho thêm ít củ kiệu, cộng với miếng thịt nạc mỡ và một lát trứng vịt... cuốn tròn nó lại như cuốn bò bía vậy, rồi chấm với một thứ nước mắm đã được pha chung với một ít nước thịt kho tàu, bỏ vô miệng cắn một cái... Ui chu choa nó ngon không thể nào tả được, mùi của củ kiệu, mùi thịt... quyện cùng với hương thơm của chén nước mắm tạo nên một thứ mà tôi nghĩ rằng trên thế giới này không có một món nào ngon hơn hết.

Giờ giao thừa
Mẹ tôi bày mâm hoa quả và ít bánh in, một ít mứt bí, mứt cà chua, mứt dừa (mấy cái này là của mấy đứa em tôi làm) ra một cái mâm rồi sai tôi bưng ra đặt trên cái bàn để ở giữa sân để chuẩn bị cúng giao thừa đón năm mới.
Trong nhà trên bàn thờ là mâm ngũ quả gồm các loại trái cây mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, và xoài. Một nhánh mai được cắm trong cái bình bông thật lớn, bên cạnh đó là hộp bánh mứt, và một thứ không thể thiếu là một hộp hạt dưa. Chợt nghe ồn ào ở cuối xóm, tôi ra chạy ra coi, à thì ra mấy anh chị ở dưới xóm đang lục đục chuẩn bị để đi chùa hái lộc đầu năm. Đến đúng giờ giao thừa là bọn tui không có đứa nào dám đi đâu hết, bởi vì sợ "xông đất".
Ba tôi rất kiêng cữ về vấn đề này, cứ mỗi năm sau giờ giao thừa là ba tôi cấm tuyệt đối không đứa nào được bén mảng ra đường chơi hết, để coi năm nay nhà mình ai sẽ "đạp đất" (hay còn gọi là xông đất) rồi ba tôi sẽ bói coi nhà mình năm nay làm ăn ra sao? Giàu hay nghèo, sướng hay khổ? Cũng như sau khi cúng giao thừa xong thể nào ba tôi cũng sai tôi bưng trái dưa hấu vô cho ba tôi "bói" bằng cách bổ quả dưa hấu ra xem, nếu nó đỏ au thì được xem là điềm may cho năm nay, cho nên mẹ tôi đi chợ mua dưa hấu thường rất cẩn thận. Để chọn cho được quả dưa to và chắc mẹ tôi gõ gõ vào trái dưa hể nghe cái tiếng chắc "thình thịch" thì chắc chắn là quả dưa sẽ ngon, ngọt, và rất là đỏ au nữa (cái bí quyết này thì tui chịu thua và cũng không hiểu nữa?).
Sáng mồng 1 Tết, thường thì nhiều người Sài Gòn không tin tục xông đất lắm nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai vào buổi sáng sớm, bởi vì sợ trong năm mới gia đình người ta có xảy ra chuyện gì không hay thì họ lại đổ thừa tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng một Tết đường xá Sài Gòn rất là thưa thớt và vắng vẻ (bây giờ tôi không biết có còn như vậy không?). Sau khi cả nhà quây quần ăn buổi trưa xong, (thường thì đây là buổi cơm đầu năm của gia đình tôi) thì ba mẹ tôi và tụi tôi chuẩn bị đi thăm bên dòng họ phía bên nội của tôi.
Ngày mồng 2 thì đi thăm bên dòng họ phía bên ngoại của tôi.
Ngày mồng 3 thì tôi và một số bạn cũ sẽ đi thăm các thầy cô giáo cũ, đa số là các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi vào những năm cuối cùng của chương trình phổ thông.

23 Tết tại Mỹ.
Ý chà đã quá nửa đêm rồi, tôi lật đật chạy xuống để dọn dẹp cái bàn thờ nho nhỏ mà tôi đặt ở trước nhà để đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, cũng giống như mẹ tôi, tôi thường đưa ông Táo về trời rất là sớm (như mẹ tôi vẫn thường nói - đưa ông đi sớm sớm cho nó mát mẻ và để khỏi bị kẹt xe, đường Sài Gòn mà, lúc nào cũng kẹt qua rồi kẹt lại). Tranh thủ mang mấy giấy tờ vàng bạc (mua ở chợ người Hoa) tôi đi ra phía sau nhà bỏ vào cái lò BBQ rồi “hóa vàng”, chứ mang ra trước nhà mà đốt thì hàng xóm tưởng cháy gọi “911” thì rất là phiền! Rồi tôi còn phải tranh thủ đi ngủ sớm để mai 6 giờ sáng là phải thức dậy đi làm rồi. Nồi thịt kho to tướng bà xã tôi đã nấu chín xong và nó sẽ được tôi bới theo để ăn trưa trong hai tuần sắp tới (và dĩ nhiên rất là nhiều trứng gà luộc - bên này không có trứng vịt đâu?). Giờ này chắc hai đứa nhỏ của tôi đã ngủ say lắm rồi để sáng mai tụi nó thức dậy đi bộ ra đầu ngõ nhà tôi rồi đón xe bus đi học.
Nếu bạn muốn coi không khí Tết ra sao thì bạn phải lái xe hơn một tiếng đồng hồ để đi xuống phố, xuống mấy chợ người Hoa và chợ Việt Nam ở đây thì mới thấy được họ bày bán những mặt hàng Tết. Năm nào cũng vậy tôi thường hay ghé vào mua một hai hũ củ kiệu và một hai hũ dưa món có giòng chữ "Made in Vietnam". Tôi thầm nghĩ rằng nó giống như là một món quà của ai đó đã gửi từ Việt Nam sang để cho tôi ăn Tết vậy, chỉ như vậy thôi cũng đủ để tôi cảm thấy ấm áp trong lòng làm sao ấy!
Tết ở xứ người có chăng chỉ là những gì mà mình tự tạo nên một cái Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam, để cho con cháu sau này vẫn còn nhớ tới Tết Nguyên Đán. Chứ không như bây giờ mọi thứ đều có sẵn, những cảnh thức thâu đêm suốt sáng để chờ bánh chín, hay nhũng cảnh mấy cô con gái ngồi cặm cụi lặt kiệu, làm dưa mà nay chắc khó thấy ở Sài Thành rồi. Thậm chí chợ bây giờ bán luôn cả ngày mồng một Tết nữa, hết thức ăn lúc nào thì ra chợ mua lúc ấy. Cho nên chắc cũng ít ai đi chợ cho 3 ngày Tết như mẹ tôi hồi xưa nhỉ?
Tết đối với tôi ở cái xứ này là chỉ khi nào về tới nhà của mình và ngắm nhìn cành mai của mình coi coi nó đã nở cái nụ nào hay chưa? Giống như lời của một tác giả nào đó đã viết: "Nếu anh không thấy mai vàng nở, chắc anh cũng chưa biết là xuân đã đến rồi".
Không chợ hoa, không có chuẩn bị gói bánh, có chăng chỉ là khi đợi đêm về khi cả nhà đi ngủ hết tôi thường ngồi một mình để tưởng nhớ lại những cái Tết đã qua, nhớ lại những gì thời thơ ấu còn phảng phất đâu đó trong cái ký ức cằn cỗi của tôi.
Tôi dám chắc chắn rằng là những ký ức về Tết hầu như đều có không nhiều thì ít vẫn còn phảng phất trong tất cả mỗi một tâm hồn của những người con Việt xa đất mẹ thân yêu! Trong lòng tôi luôn có một tâm nguyện là sau này nếu thu xếp được thời gian tôi sẽ trở về Việt Nam để ăn Tết. Không biết cái cảm giác khi máy bay chuẩn bị hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất ra sao hử?
Cám ơn tất cả các bạn đã dành thời gian để đọc bài viết của mình.
"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi...".
Mỹ Nguyễn
.
.
.

No comments: