Nguồn: Clayton Jones, CSM
Dalat036, X-Cafe chuyển ngữ
Tue, 02/01/2011 - 02:44
Sự trỗi dậy của các nền dân chủ bắt đầu sau thế chiến thứ 2 đã bị khựng lại trong những năm gần đây. Điều nầy làm cho cuộc cách mạng “Hoa Lài” chưa ngã ngũ của Tunisia trở nên xứng đáng để theo dõi vì hai lý do sau:
- Có phải đây là cuộc cách mạng thực sự, dứt khoát chối bỏ độc tài và xây dựng dân chủ?
- Và quan trọng hơn là liệu cuộc cách mạng của người dân Tunisia có châm ngòi cho các cuộc nổi dậy trong những quốc gia Ả Rập chuyên quyền ở Bắc Phi và Trung Đông?
Phi Châu đã có được cuộc hành trình lâu dài và khó khăn tìm về phía tự do trong hai thập niên 50 và 60, khi mà các cường quốc Âu Châu bị bắt buộc phải trao trả độc lập lại cho các thuộc địa của họ.
Ở Châu Mỹ La Tinh, nhiều chế độ độc tài hữu khuynh đã sụp đổ trong thập niên 80 vì cuộc khủng hoảng về nợ nần trong khu vực.
Ở Á Châu, tại Phi Luật Tân, cuộc cách mạng “Dân Quyền” năm 1986 chống lại chế độ độc tài Marcos đã giúp dẫn đến dân chủ ở Nam Hàn, Đài Loan và Nam Dương (và một cuộc thay đổi bất thành ở Miến Điện)
Trong thập niên 90, Sự sụp đổ của Cộng Sản trong khối Sô Viết đã đem lại dân chủ cho Đông và Trung Âu (Mặc dù, Nga và phần lớn Trung Á, vẫn chưa thực sự có được dân chủ).
Các quốc gia thuộc khối Ả Rập đã quá hạn khá lâu trong việc tham gia vào trào lưu này của thế giới. Tổng thống George W. Bush cố gắng tạo dựng Iraq như là một quốc gia dân chủ kiểu mẫu trong khu vực, một thử nghiệm vẫn còn đang tiến hành. Nhưng Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến chuyện hợp tác với những nhà độc tài vì muốn đàn áp các nhóm Hôi Giáo ủng hộ khủng bố, không phải vì vai trò của Hoa Kỳ trong quá khứ là thúc đẩy dân chủ. Thái độ mâu thuẫn đáng chú ý nhất là việc Hoa Kỳ ủng hộ lãnh tụ Ai Cập Hosni Mubarak, lãnh tụ Ali Abdullah Saleh của Yemen và nền quân chủ ở Saudi.
Các cuộc bầu cử ở Trung Đông có thể bị phản ứng ngược nếu nó giúp thêm sức mạnh cho các nhóm Hồi Giáo không thực sự cam kết cho lý tưởng dân chủ. Nhóm dân quân Hamas đã thắng trong cuộc bầu cử của người Palestine năm 2006 dẫn đến nội chiến. Cách mạng “cây Tùng” đã đuổi quân đội Syria ra khỏi Lebanon, nhưng nền chính trị quốc gia vẫn bị nắm giữ bởi nhóm cực đoan Shiite Hezbollah.
Việc lật đổ chế độ độc tài Ben Ali ở Tunisia có thể là một sự kiện cô lập, hoặc nó có thể thúc đẩy từ từ cho một phong trào dân chủ giữa các quốc gia Ả Rập khác, tương tự như sự ra đời của phong trào Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào năm 1980.
Với càng nhiều nền dân chủ hơn nữa, cuộc sống có thể trở nên khó khăn hơn cho các lực lượng phi dân chủ trên thế giới: Chế độ cộng sản ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, và Bắc Triều Tiên, các nhóm khủng bố như Al Qaeda, và các nhà độc tài chuyên quyền ở Venezuela, Iran, Miến Điện, và Belarus.
Vòng cung của lịch sử là được thêm nhiều dân chủ. Một chương sách mới có thể đã được bắt đầu ở Tunisia.
.
.
.
No comments:
Post a Comment