Thursday, June 3, 2010

XÓM ĐẺ "CHUI"

Xóm đẻ « chui »

ĐOÀN NHƯ PHONG

Thứ Hai, 23/03/2009, 04:26 (GMT+7)

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/307501/Xom-de-%E2%80%9Cchui%E2%80%9D.html

TT - Con vừa lọt lòng được ba ngày, người mẹ đã ẵm nó trốn viện để khỏi đóng viện phí. Thế là đứa trẻ không có giấy chứng sinh nên không thể làm giấy khai sinh và thất học. Có hàng chục đứa trẻ ở khu phố 5, P.10, Q.8, TP.HCM rơi vào hoàn cảnh như thế.

“Thôi mà, ở đây tùm lum người, kể chi chuyện đó, dị lắm!” - chị Lê Thị Cẩm Nga, 28 tuổi, nhà ở tổ 85, cười lảng tránh rồi ậm ờ khi nghe có người đề nghị kể lại cách mình trốn viện sau khi đẻ. Tất cả phụ nữ đẻ “chui” ở tổ 85-86, khu phố 5 đều ngại ngùng như vậy khi nhắc đến chuyện tế nhị đó. Họ biết đẻ “chui” là xấu hổ, nhưng dường như đó là cách duy nhất để những đứa con được sinh ra an toàn trong tình cảnh cha, mẹ chúng nghèo rớt mồng tơi.

.

Đẻ xong, ôm con... “lủi”

Đường hẻm vào xóm đẻ “chui” bé tẹo, giữa trưa nắng mà hẻm nhập nhoạng như trời đã sang chiều. Nhà cửa người dân ở đây chắp vá và nằm xúm xít nhau ven rạch. Dưới rạch, dòng nước đen kịt. Tương lai của những đứa trẻ được đẻ “chui” trong khu phố này cũng mù mịt, đen đúa không thua gì màu nước.

“Năm 2005, tui chuyển dạ con bé út, bụng đau quằn quại. Mẹ tui đưa tui vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Q.5. Sau ba ngày con út được sinh, canh khoảng giữa trưa bảo vệ bệnh viện nghỉ đi tuần, tui liền phủ chiếc áo lên đầu để che mặt, còn mẹ tui cầm gói quần áo, chúng tui lủi ra cổng bệnh viện rồi về thẳng nhà” - sau một lúc ngần ngại, cuối cùng chị Lê Thị Cẩm Nga thì thầm kể lại “thủ thuật” đẻ “chui” của mình.

Theo lời chị, sau khi sinh, chỉ cần ba ngày nằm tịnh dưỡng tại bệnh viện là hồi sức nên ôm con trốn viện khỏe re. Chị có bốn con, đều là gái. Chỉ có đứa đầu tiên nay đã 10 tuổi là đẻ có phí, ba bé còn lại toàn đẻ “chui”. “Mỗi lần đẻ chỉ mất 300.000-500.000 đồng nhưng tiền ăn còn không có, lấy tiền đâu lo chuyện đẻ” - chị Nga nói như phân bua.

Sinh bé út được vài tháng, chồng chị Nga đi nhậu và đâm chết một người bạn nên lãnh án 14 năm tù. Thế là căn nhà ọp ẹp ven rạch của chị phải bán để nuôi bốn đứa con. Hiện chị và đàn con nhỏ sống lay lắt bằng nghề giặt đồ mướn và ở đậu nhà người cậu ruột gần đó.

Mén chị, Mén em, Mén lùn là tên của ba bé gái được đẻ “chui” của chị Nga. Cũng trong tổ 85, cách nhà chị Nga vài bước chân có thêm ba bé trai được đẻ “chui” và mang những tên kỳ lạ: Cu Nguyên (7 tuổi), Cu Bể (6 tuổi), Cu Lành (5 tuổi). Đây là “xêri đẻ năm một” của chị Lâm Trần Thị Thúy, 28 tuổi. Bà Nguyễn Thị Thân, tổ trưởng tổ 85, cười buồn: “Đẻ “chui”, không làm được giấy khai sinh nên tên của bọn nhỏ cũng trời ơi quá”.

Bà Thân bảo hầu hết những người mẹ đẻ “chui” trong xóm này đều chọn Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để sinh nở. Theo lời họ, bệnh viện này gần nhà, bảo vệ canh phòng tương đối thoáng nên “chui” dễ.

.

Giấc mơ đến trường

Cũng ở tổ 86, khu phố 5, gần nhà chị Trương Thị Đẹp - người đẻ “chui” sáu lần - có thêm hai căn nhà của hai người mẹ đẻ “chui” khác. Đó là chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Trịnh Thị Hiếu. Chị Hồng có năm lần đẻ thì ba lần trốn viện phí. Chị Hiếu có năm lần đẻ thì trốn viện cả năm. Như vậy, chưa đầy 300 bước chân đi từ tổ 85 sang tổ 86 đã có năm căn nhà đẻ “chui”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Chính xác có bao nhiêu người mẹ đẻ “chui” sống trong khu dân cư nghèo này?”, bà Hoàng Ngọc Loan, phó chủ tịch UBND P.10, xác nhận phường đã nghe chuyện nhiều hộ đẻ “chui”, hiện đang tiến hành một đợt khảo sát để thống kê đầy đủ.

Cũng với câu hỏi trên, một người dân sống ở khu dân cư này dang rộng hai cánh tay trả lời: “Đẻ “chui” hả? Xóm này bao la luôn, tính toán sao hết!”.

Bà Nguyễn Thị Thân than thở: “Cũng vì đẻ “chui”, không làm được giấy khai sinh nên mấy đứa nhỏ không đi học được”. Đúng như lời bà, gần 20 đứa con của năm người đàn bà mà chúng tôi gặp ở đây chẳng có em nào thông thạo mặt chữ.

Con đầu 22 tuổi của chị Trương Thị Đẹp bị thất học phải kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Con gái kế phụ mẹ bán xôi, bốn đứa nhỏ chỉ ở nhà. Nhiều em khác trong xóm này, cũng vì đẻ “chui”, không được đến trường nên suốt ngày tụ tập, bắt chước người lớn lập sòng bài và sát phạt nhau bằng trò đỏ đen.

Bà Hoàng Ngọc Loan cho biết mặc dù người mẹ trốn viện nhưng phần lớn các bệnh viện vẫn còn lưu lại giấy chứng sinh, nên chỉ cần nộp lại số tiền đã “chui” là nhận được giấy, kể cả những trường hợp sinh nở cách đây đã lâu.

Theo bà Loan, thời gian sắp tới sau khi nắm số lượng cụ thể, nếu người dân không có tiền để “chuộc” lại giấy chứng sinh thì bằng nhiều cách UBND phường sẽ can thiệp, tạo điều kiện để các trẻ có giấy khai sinh và được đến trường. Trong trường hợp gia đình không có tiền để các em đi học, UBND phường sẽ vận động để các em vào học các lớp học tình thương, lớp học bổ túc văn hóa ban đêm.

Cũng theo bà Loan, công tác vận động trẻ đến trường ở địa bàn P.10 cực kỳ vất vả vì cái nghèo, nhiều em ham làm hơn ham học. Chỉ riêng năm 2008 trên địa bàn phường có đến 19 em bỏ học, phần lớn nghỉ ngang khi học vừa xong lớp 5, lớp 6.

Mới đây, UBND TP đã có chủ trương xóa trắng hàng ngàn căn nhà ven rạch Ụ Cây ở quận 8, trong đó có xóm đẻ “chui”. Theo thông tin từ lãnh đạo UBND Q.8, rất có thể trong tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay việc giải tỏa sẽ được tiến hành, các hộ dân sẽ định cư ở nơi khác. Vì vậy, UBND P.10, Q.8 nếu không kịp giải quyết vấn đề giấy khai sinh cho trẻ đẻ “chui” ở khu vực này thì công việc này về sau càng phức tạp. Và rất có thể hàng chục em này sẽ vĩnh viễn đánh mất quyền công dân và tan vỡ giấc mơ đến trường.

-------------------------

Đẻ “chui” 6 lần

Đứng đầu số lần đẻ “chui” ở khu phố 5 có lẽ là chị Trương Thị Đẹp, 46 tuổi, nhà ở tổ 86. Chị có tám con thì sáu đứa khi đẻ không đóng một đồng viện phí. “Đẻ chui ở Nhà thương Quế Mai một đứa, Bệnh viện Hùng Vương một đứa, còn tất tần tật là ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương” - chị Đẹp nhẩm tính. Tỏ ra rành rẽ, chị giảng giải: “Bình thường thì ba ngày là mẹ và con đủ sức khỏe để trốn viện, nhưng con đầu lòng phải để sang ngày thứ tư mới trốn được, chứ ẩu là chết con như chơi”. Vừa dứt bốn tiếng “chết con như chơi” thì khuôn mặt chị bỗng tối sầm lại.

Cách đây 16 năm, chị hạ sinh một bé trai. Vẫn như những lần đẻ “chui” trước, đẻ xong được ba ngày chị lén lút ra về. Trên tay chị đứa con đỏ hỏn, nhỏ xíu. Trong lúc trốn viện, có lẽ bé bị sốc nên chỉ vài ngày sau khi về nhà thì chết.

“Mặc dù không làm được giấy khai sinh nhưng tui vẫn đặt tên cho tám đứa con rất đàng hoàng. Đứa lớn nhất là Nguyễn Hoài Phương sinh năm 1987, nhỏ nhất là Nguyễn Huệ Tâm sinh năm 2001. Tên đẹp nhất là Nguyễn Huy Hoàng, tên của đứa con đẻ “chui” bị chết. Nếu còn sống, năm nay nó đã 16 tuổi” - chị Đẹp nói xong rồi chép miệng, nuối tiếc.

Chị Đẹp bán xôi ở chợ, chồng chị đi phụ hồ. Bữa cơm trong căn nhà chật chội, đông đúc của chị thì rau luôn là món chính. Cái nghèo không chỉ giết chết một đứa con mà còn âm thầm cướp thêm một đứa con khác của chị. “Nghèo quá không nuôi nổi, để nó ăn sung mặc sướng, tui tặng nó cho người nước ngoài rồi. Nó năm nay đã 12 tuổi” - chị Đẹp nói rõ ràng, chậm rãi như để đập tan sự hoài nghi của mọi người rằng vì cái nghèo chị đã bán con lấy tiền.

.

.

.

No comments: