Bùi Ngùi
http://tamvong.wordpress.com/2010/05/28/con-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-phi-ma/#more-827
Khổng Tử đang chu du ở nước Lỗ thì nhận được thư mời sang giúp nước Vệ chấn hưng cái sự học. Đích thân quan thượng thư Bộ Lễ là Hứa Đại ra tận cửa xe ngựa để đón. Ngài cùng các học trò được đưa về nghỉ tại thái ấp sang trọng, hải âu bay mỏi cánh ở cạnh bờ biển. Nghe tin, nhiều quan lại trong triều tìm đến khấn lễ với Hứa Đại, xin được làm học trò Khổng Tử dù chỉ một ngày. Hứa Đại thấy vậy hỏi với vẻ không vui:
- Ở nước Vệ, các người muốn học gì chẵng có. Vừa rồi ta chỉ giả bộ lơ đi một chút thì lập tức người người mở trường, nhà nhà mở trường nhiều như nấm sau mưa. Chẵng những không chỉ các ngươi mà đến cả mấy đời con cháu sau này vào học cũng không hết chỗ. Nay các ngươi kéo đến đây cậy ta nhờ Khổng Phu Tử mở lớp có phải ý các ngươi cho rằng ta không làm tròn chức trách phải không?
Một vị thấy Hứa Đại nói với giọng không vui nên rón rén bước lên thưa:
- Bẩm Hứa Đại Nhân! Nói về bằng cấp thì bọn tiểu nhân đây chẵng những không thiếu mà còn dư thừa là đằng khác. Mặc dù thời gian cho quan trường chiếm gần hết nhưng lạ ở chỗ người nào cũng kịp lấy hai ba bằng một lúc. Có người lấy bằng từ thấp lên cao nhưng cũng có kẻ chơi trội lại lấy bằng từ cao xuống thấp tức thi Đình đỗ trạng xong rồi mới quay về thi Hương, thi Hội. Nay nhân có Khổng Phu Tử sang, bọn tiểu nhân muốn nhờ người mở một lớp “tại vị” ngắn hạn vừa học vừa làm … quan nhằm kiếm thêm một cái bằng ngoại bổ sung vào bộ sưu tập bằng cấp của mình, hy vọng sau nầy đường hoạn lộ sớm được hanh thông.
Hứa Đại nghe thế nét mặt dịu lại, giọng ôn tồn:
- Ta hiểu ý các ngươi rồi. Bản thân ta trước đây cũng nhờ sang lân la học việc với Khổng phu tử vài tháng, được ngài cấp cho cái bằng ngoại nên mới được triều đình ưu ái bổ nhiệm chức Thượng thư bộ lễ. Thôi, đễ ta lựa lời nói khéo với Khổng phu tử, còn được hay không thì tùy vào duyên phận của các ngươi vậy.
Sáng hôm sau, Hứa Đại vào gặp Khổng Tử xin nhờ giúp hai việc. Khổng Tử đang ngồi dùng cháo trắng với củ cải muối, nghe thế bảo:
- Việc học là việc hệ trọng cần phải làm, Khâu ta sắp xếp từ nghìn dặm sang đây là có ý giúp nước Vệ, hà cớ sao Hứa Đại Nhân còn khách sáo với nhau làm chi. Không phải hai việc mà dẫu cho cả nghìn việc cần phải làm thì Khâu này cũng quyết không từ nan.
Hứa Đại nghe thế như mở tấm lòng vội nói:
- Việc thứ nhất muốn nhờ Phu Tử giúp chấn hưng lại việc học ở nước Vệ.
- Cốt lõi của sự học là ở người thầy. Người xưa có câu “Lương sư hưng quốc”. Nước Vệ trước nay chọn thầy thế nào?
- Những sĩ tử giỏi họ đều thích chọn ngành “sĩ nông công thương” nên thật tình rất khó tuyển được thầy giỏi.
- Vậy chỉ còn những người tầm tầm thì sao đủ điểm để làm thầy?
- Trong những người này đành chọn ra những người có cha mẹ người thân trước đây từng theo Hoàng thượng đi chinh chiến cho tới khi thống nhất giang sơn, lấy công trạng đó rồi quy thành điểm này điểm nọ cộng thêm vào cho đủ tiêu chuẩn xét chọn.
Khổng Tử giơ tay áo lên gạt qua gạt lại, đầu lắc lia lịa:
- Tắc trách, tắc trách quá! Có công với nước thì nên đãi ngộ bằng ruộng vườn, thái ấp chứ đâu thể lấy công trạng mà bù cho cái kém cỏi của người thầy được. Muốn làm thầy phải hội đủ trí và tâm. Trí là phải sàng lọc để tìm được những người thực sự tài giỏi. Tâm là trong những người tài giỏi đó lựa ra những người có đạo đức, tư cách. Không làm được như vậy thì sớm muộn gì cũng sinh ra chuyện trò vô lễ với thầy, thầy sàm sỡ với trò. Sự học nước Vệ chắc chắn là bị hỏng nặng rồi. Cái này sẽ còn di hại đến nhiều thế hệ sau này chứ chẵng chơi.
- Chuyện nghiêm trọng thế mới phiền tới Khổng Phu Tử sang giúp.
Khổng Tử trầm ngâm một hồi rồi hỏi:
- Chuyện đến nước này vậy ngài đã thực thi được phương kế gì rồi?
- Đã cho áp dụng “Tam Không” tức “không nghe, không thấy, không nói”. Bước đầu cũng gây chút tiếng vang, tạo được sự chú ý khắp bàn dân thiên hạ nhưng tiếc là chỉ được một thời gian ngắn thì mèo lại hoàn mèo.
Khổng Tử nghe xong miệng lẩm nhẩm một mình:
- Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc không không sắc, sắc sắc không không … Thôi chết rồi! Triết lý nhà Phật mà vận dụng trong trường hợp này là bất cập rồi. Ấy dà dà…
Hứa Đại rụt rè hỏi nhỏ:
- Tình hình như vậy, Phu Tử thấy liệu còn cách nào xoay chuyển không?
- Dục tốc bất đạt. Bệnh đã lâu, khí hư xâm nhập sâu vào tận lục phủ ngũ tạng thì không thể chữa trong một ngày một bữa là khỏi ngay được. Phải cần rất nhiều thời gian.
- Nếu có thời gian thì nói làm chi. Phu Tử biết rồi đó. Triều đình sắp tới đợt tái bổ nhậm các chức quan mới cho các bộ, còn dân tình mấy ngày nay vì nóng ruột từ lâu chuyện học hành, thi cử của con cái nên bức bách dữ lắm.
Khổng Tử bỏ bát cháo xuống, đứng dậy chấp tay sau lưng vừa đi qua đi lại ra chiều nghĩ ngợi lung lắm. Bỗng ngài đột ngột dừng lại, nét mặt hân hoan rồi nhìn dáo dác xung quanh thấy chỉ có một mình thầy Tử Lộ đang đứng hầu phía sau liền kề tai Hứa Đại nói nhỏ:
- Ngài cho người tung tin trong dân chúng rằng triều đình chuẩn bị dốc sạch ngân khố để làm một "Con đường phi mã” rộng thênh thang, ngựa có thể chạy ba trăm dặm một ngày, kéo dài từ đầu này tới tận đầu kia của đất nước.
Hứa Đại nghe vậy tròn xe mắt ngạc nhiên hỏi lại:
- Chuyện "Con đường phi mã" thì dính dáng gì tới cái sự học đang lúc suy đồi chứ?
- Dân tình đang lúc nghèo túng mà nghe tin triều đình chuẩn bị vét sạch ngân khố, rồi thêm nợ nần chồng chất để lại cho tới tận đời con, đời cháu ai nghe mà không kinh sợ lo lắng chứ. Tới lúc đó chẵng ai còn tâm trí đâu để ý tới cái sự học đang hồi nguy cấp của nước Vệ nữa. Ta cùng ngài có thừa thời gian mà suy nghĩ tiếp.
Hứa Đại bỗng ngồi sụp xuống lạy Khổng Tử một lạy:
- Ta như vừa cất được gánh nặng ngàn cân. Đạo học của ngài quả thật là danh bất hư truyền. Kẻ hèn này xin bái phục, bái phục.
Nói xong Hứa Đại vội mời Khổng Tử cùng các học trò đi ngay ra bãi biển làm một chầu hải sản mà quên phắt chuyện thứ hai là nhờ Khổng Tử mở lớp “tại vị” ngắn hạn cho các quan trong triều.
(Theo Loạn ngữ tân thư)
.
Bùi Ngùi
http://tamvong.wordpress.com/2010/06/25/th%e1%ba%adp-di%e1%bb%87n-mai-ph%e1%bb%a5c/
Cuối cùng Khổng Tử cũng không thể từ chối lời đề nghị của Hứa Đại mở lớp “Học làm quan”. Tin lan nhanh như chớp, chẵng mấy chốc số người ùn ùn kéo đến xin học lên đến cả nghìn người. Nhan Uyên lo lắng sức khỏe của thầy nên có lời:
- Thưa thầy, lớp chỉ vài chục người đã chật chội nay cả nghìn người thì lấy chỗ đâu mà học.
Phàn Trì đứng cạnh phụ họa:
- Thầy vốn bậc nho gia chứ đâu phải hàng tướng quốc. Nói cho trăm người đã khó huống chi trước cả nghìn người.
Nghe hai học trò có lời, Khổng Tử mĩm cười:
- Sự học ở nước Vệ bệ rạc như thế mà lại có nhiều người hiếu học như vậy. Không biết là phúc hay họa nữa. Hai ngươi giúp chọn ra ba mươi người để mở lớp đầu tiên.
Nhan Uyên giật mình nói:
- Thưa thầy! Phàm làm người khó nhất là thực hiện lẽ công bằng. Chọn ra ba mươi từ một nghìn người quả thật khó mà tránh được lời ong tiếng ve sau nầy.
Khổng Tử ôn tồn nói:
- Ngươi cứ tuần tự xét theo các tiêu chuẩn: Những ai có bằng sau khi bổ quan hoặc có nhà cao cửa rộng thì không chọn.
Quả nhiên sau một ngày xem xét chỉ có hai mươi bốn người đủ điều kiện. Hứa Đại xem danh sách xong thở phào nhẹ nhỏm.
Hôm khai giảng, Hứa Đại được mời tới nói lời giáo huấn trong hai canh giờ. Bên dưới, hai mươi bốn học trò quỳ gối, trên đầu mỗi người đội một cái chậu bằng đất nung đựng đầy nước, Hứa Đại thấy vậy lấy làm ngạc nhiên hỏi Khổng Tử:
- Sao ngài lại bắt họ đội thứ đó trên đầu?
- Phàm làm quan, điều đầu tiên cần phải tâm niệm rằng trên đầu mình lúc nào cũng là Đất và Nước. Nếu họ không vững vàng thì đất nước ắt đổ vỡ.
Nói xong, Khổng Tử liền đi một vòng viết lên mỗi tờ giấy dó trước mặt họ một chữ NHÂN rất to kèm thêm một chấm đen ở góc.
- Các ngươi nhìn thấy điều gì đặc biệt ở trước mặt của mình?
Tất cả đồng thanh trả lời:
- Thưa thầy! Chấm đen ở góc tờ giấy.
Khổng Tử chỉ tay vào đám học trò giọng run run:
- Làm quan như các ngươi mà không thấy chữ Nhân to tướng trước mặt, không hành xử theo chữ Nhân, mà chỉ chăm bẳm vào góc u mê để tìm kiếm những điều nhỏ nhặt. Ta rất tiếc nếu các ngươi về làm dân thì có lẽ tốt hơn.
Khổng Phu Tử không nói thêm lời nào rồi bước thẳng ra ngoài lớp trước ánh mắt ngỡ ngàng của các vị học trò. Hứa Đại thấy vậy vội bước theo:
- Khổng Phu Tử! Khổng Phu Tử! Xin ngài thư thả cho.
Không Tử nghe kêu liền bước chậm lại.
- Phu Tử biết rồi đó, dân nước Vệ từ xưa vốn quan niệm học là để làm quan, làm quan tức là có cơ hội làm giàu. Năm khi mười họa mới tìm được vài người nghĩ khác đi. Cái này có một phần là lỗi của ta vì đã không dạy dỗ họ một cách căn cơ từ thưở ban đầu.
- Ta không có ý trách Hứa Đại Nhân. Cái này là do cả một quá trình lâu dài nên giờ đụng vào chỗ nào đều thấy hỏng chỗ nấy.
- Còn chuyện này xin thỉnh ý Khổng Phu Tử.
- Chuyện Con Đường Phi Mã phải không?
- Dạ đúng!
- Hứa Đại nhân cứ yên tâm đi. Ta nghĩ sự tình diễn ra theo chiều hướng như vậy là tốt lắm đó. Mấy hôm nay, ta đi dạo vòng vòng, thấy dân tình bàn tán xôn xao ghê lắm, nghe như trời sắp sập đến nơi.
- Trong triều đình, các quan Gián nghị đại phu cãi nhau với mấy vị Thượng thư như mổ bò. Có vị còn nói “chỉ có nước nào ngu mới không làm Con Đường Phi Mã này”. Quan Tể Phụ thì khăng khăng như đinh đóng cột “Con đường này không thể không làm”. Nội tình giờ rối như canh hẹ. Ta e sự việc đi quá xa khó mà kiểm soát được.
- Vậy kết quả cuối cùng thế nào?
- Con Đường Phi Mã đã tạm thời gác lại do có hơn phân nữa các vị không đồng tình nhưng dân chúng khắp nơi lại thở phào nhẹ nhỏm như vừa rút được gánh nặng nghìn cân.
- Đừng lo lắng! Đấy chỉ là hư chiêu, sắp tới còn phải làm thêm nhiều việc để kết quả tốt hơn
- Làm thêm gì nữa thưa ngài?
- Tuy Con Đường Phi Mã tạm thời bị bác bỏ nhưng chỉ cần sau một tuần im ắng là dân chúng lại quên bén nó đi và tập trung vào cái sự học đang hồi trì trệ của nước Vệ. Ngài phải chuẩn bị ngay những việc tiếp theo.
- Ta phải làm gì bây giờ?
- Tìm cách hướng mọi người quay về nguồn cội, tổ tiên bằng việc phát động tổ chức lễ hội quanh năm. Rải đều khắp thôn cùng ngõ hẻm. Thậm chí có ngày tổ chức hai ba lễ hội cũng được để mọi người tha hồ vui chơi thỏa thích để quên đi những cái lo trước mắt. Khi tổ chức cần đưa vào những dấu ấn văn hóa sâu sắc để tạo sự chú ý.
- Tạo dấu ấn bằng cách nào?
- Ví dụ như dâng lễ lên cho ông bà tổ tiên cái điếu cày làm bằng cây tre trăm tuổi, hũ mắm tôm có hương vị lan tỏa xa nhất hay bầu rượu chuối hột to nhất …
- À … à … à. Được lắm.
- Chưa hết, ngài kết hợp để tổ chức thêm các cuộc thi chọn quốc hoa, quốc hồn, quốc túy, xây cổng chào, tượng đài hoành tráng… vừa để tôn vinh các biểu tượng văn hóa của dân tộc vừa có tí … bổng lộc ra vô. Già trẻ bé lớn lúc nào cũng mênh mênh mang mang, ngây ngây ngất ngất thì còn hơi sức đâu mà mơ tưởng tới những chuyện khác chứ.
Nói xong, Khổng Tử nhìn Hứa Đại để chờ đợi một nét mặt hân hoan thán phục như mọi khi nhưng ngài chỉ thấy một bộ mặt ỉu xìu. Hứa Đại bỗng chùn giọng nói với vẻ ngập ngừng:
- Ta vừa…ta vừa … bị bãi chức Thượng thư rồi.
Khổng Phu Tử nghe thế vội bước tới nắm lấy hai bàn tay của Hứa Đại. Ngón tay giữa của ngài liên tục rà tới rà lui trong lòng bàn tay. Sau đó ngài nhìn chầm chầm vào mặt của Hứa Đại một hồi rồi nói:
- Chỉ tay của ngài cho thấy đường hoạn lộ có gập ghềnh nhưng không tuyệt. Ấn đường của ngài vẫn đang phát lộ cho nên có khi không được bổ nhiệm chức quan nhỏ nhưng có thể lại được chức quan to hơn. Trong họa có phúc mà.
Hứa Đại nhìn trân trân Khổng Tử một hồi rồi bất ngờ ôm chặt ngài vào lòng thì thầm:
- Ta phục ngài quá đi.
Khổng Tử chợt nghe vai mình ươn ướt.
- Để thoát hẵn chuyện này cuối cùng ta phải giải quyết thế nào đây?
- Bây giờ là lúc ngài nên chơi kèo trên với tuyệt chiêu “Ba không” để tạo một cú đột phá ngoạn mục.
- Giờ nầy mà còn lòng dạ nào để chọn kèo trên với ba không nữa chứ? Ngài nỡ lòng nào đùa giởn trên sự đau khổ của ta?
Khổng Tử nhìn trước nhìn sau rồi nói khẽ:
- “Ba Không” kỳ này có khác trước một chút đó là “Đề không khó, gác không nghiêm và chấm không sâu”. Rồi ngài thấy chỉ qua một đêm thôi, con dân nước Vệ bỗng trở nên văn hay chữ tốt đến không ngờ, thử hỏi bậc cha mẹ nào mà chẵng hài lòng. Ngài thắng mùa nầy là cái chắc.
Hứa Đại lại tiếp tục ứa nước mắt.
Ngay đêm hôm đó không biết có việc hệ trọng gì mà thầy trò Khổng Tử vội vã lên đường quay về nước Lỗ dưới cơn mưa tầm tã …
.
.
.
No comments:
Post a Comment