Tuesday, June 29, 2010

LÀM SAO THẮNG SỢ HÃI (LM Nguyễn Văn Lý)

Làm sao thắng sợ hãi ?

Lm Nguyễn Văn Lý
Đăng ngày 29/06/2010 lúc 05:30:55 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4895

.

I. Nguồn gốc của sự sợ hãi nói chung :
* Khi không nhận ra hoặc phủ nhận Thượng Đế, Thần, Phật nên cuộc sống thiếu nền tảng.
* Khi không cảm nhận được Thượng Đế, Thần, Phật hài lòng, chỡ che và chúc phúc.
* Khi làm điều sai, bị lương tâm dày vò hoặc thấy cần phải che dấu.
* Đối mặt với các bí ẩn cuộc đời, nhất là cái chết thê lương.
* Đối mặt các đe dọa “được xem” là mạnh hơn mình.
* Đối mặt các đe dọa mông lung mơ hồ chưa hiểu rõ.
* Đối mặt các phiền phức, đau thương, khốn đốn hầu chắc sẽ xảy ra cho thân nhân.
* Đối mặt các thế lực hung bạo sẵn sàng gây hại cho thân xác, mạng sống và danh dự mình.
* Đối mặt với sự bất lực cố níu giữ địa vị, quyền lợi có nguy cơ đe dọa tuột khỏi tầm tay.

II. Nguồn gốc của sự sợ hãi do bạo quyền độc đoán, phát-xít, CS và CSVN
:

Ngoài các nguồn gốc chung nói trên, các đặc trưng sau đây, nhất là về nỗi sợ hãi có tính CSVN, muốn thắng vượt, cần nhận diện cho rõ :

* Một quần chúng luôn bị theo dõi, bị rình mò, có thể bị hạch họe, bị bắt bất cứ lúc nào.
* Một quần chúng thấp kém về nhận thức, quá mau mắn nhẹ dạ tin nghe theo sự tuyên truyền của Nhà Cầm Quyền CSVN (NCQ CSVN). Chỉ cần vài xảo ngôn, thủ thuật là CSVN có thể ngụy biện lừa gạt được quần chúng rồi.
* Một quần chúng quá quen với gian dối xảo trá, ứng xử trâng tráo, trơ trẽn, rất thiếu liêm sỉ.
* Một quần chúng rất dễ bị xách động để “xét xử, phê bình, đấu tố” “đồng bào” mình. Vì lúc đó, “đồng bào” đã trở thành “kẻ thù nhân dân” rồi.
* Một NCQ chuyên dùng đe dọa, trừng phạt để khống chế dân, buộc dân vừa luôn “phấn khởi, hồ hởi, nhiệt liệt” hoan hô ca tụng NCQ liên tục, không còn chút liêm sỉ, vừa luôn lệ thuộc NCQ từ sổ hộ khẩu, thẻ chủ quyền nhà đất, điện thắp,…đến xong đại học rồi bằng tốt nghiệp vẫn có thể bị “giam lại”, vào quan tài chưa chắc đã được cấp.
* Một NCQ luôn rêu rao là “vì dân, của dân, do dân” nhưng chuyên bắt dân “mang ơn Bác, Đảng” đến chết cũng đáp nghĩa chưa xong.
* Một hệ thống Pháp luật quá độc đoán, áp đặt, mâu thuẫn, chồng chéo. Kết tội “gián điệp, xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống NCQ, gây mất đoàn kết, lợi dụng dân chủ, chống đối chính sách, …” quá dễ dàng; phạm vi quá mông lung, mơ hồ, hoàn toàn theo ý chủ quan của Đảng và NCQ. Các nước làm luật để “ngăn ngừa NCQ đừng lạm dụng xâm phạm đời sống Dân”, còn CSVN làm luật để “giới hạn Quyền Tự do rất chính đáng của Dân, cho Đảng và NCQ được an toàn”.
* Các trừng phạt mang tính đê hèn, thâm độc, hậu quả ảnh hưởng quá dễ dàng và lâu dài trên mọi thành viên của gia đình, giòng tộc, “di truyền” cho nhiều thế hệ xuyên qua “chủ nghĩa lý lịch”.

III. Để thắng vượt sự sợ hãi nói chung :

1. Nền tảng cơ bản trên hết và trước hết : Tâm hồn trong sáng. Phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: con người không thể tự đứng vững một mình trên đời được, mà phải có sự trợ giúp của Ơn Trên. Còn Ơn Trên chỉ có thể tác động hiệu quả nơi một tâm hồn thành kính. Muốn có một tâm hồn thành kính liên lạc thân mật thường xuyên với Cha Toàn Năng, điều cơ bản là tâm hồn ấy phải trong sáng tối đa có thể. Khi tâm hồn thanh khiết, người ấy sẽ cảm nhận một sức mạnh nâng đỡ lớn lao liên lỉ đêm ngày từ Trên Cao, thanh thản trước các đe dọa của bất cứ mãnh lực nào. Khi làm điều tội lỗi sai trái thì dù một trẻ em, chúng ta cũng sợ em đó biết, thấy và nói ra.

2. Để nuôi dưỡng và củng cố tâm hồn thanh khiết, cần có đời sống thiền định, cầu nguyện, tĩnh tâm. Một chiến sĩ dân chủ đích thật, phải có ít nhất mỗi ngày 30–60 phút tĩnh tâm, thiền định, cầu nguyện. Cần ngồi lưng thẳng, mắt khép, thở sâu, nhẹ và đều. Tập trung tư tưởng rồi nghĩ đến và tâm sự với Đấng Tối Cao mà mình tin yêu phó thác. Dù gọi là Thiên Chúa, Thượng Đế hay Đức Phật, thực ra người bình dân thường cũng chỉ nhắm đến một Cha Toàn Năng mà thôi. Chính đời sống thiền định, cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta vượt thắng mọi sợ hãi.

3. Không hận thù, căm tức: Chúng ta không tán thành tội ác, lên án điều ác xấu bất cứ từ đâu, nhưng chúng ta luôn thao thức và cầu nguyện cho người đang làm điều ác, nhất là những người vì cơm áo mà phải phục vụ Bạo quyền. Một quả tim luôn yêu thương thì hằng vững mạnh. Thánh Gioan đã xác quyết ngay từ cuối thế kỷ I : “Tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” (Tân Ước, 1 Ga 4,18). Nếu chúng ta hận thù, căm tức thì chúng ta yếu nhược và chết dần đến chết hẳn trong tinh thần. Sức mạnh của chúng ta cốt ở chỗ luôn yêu thương, hằng từ bi, mãi thông cảm, kiên trì lễ độ, nhẫn nhịn khoan dung.

4. Không ước muốn tầm thường : Con người cao cả, có giá trị và hạnh phúc nhờ sống trong sạch và hữu ích cho người khác. Do đó không nên ham muốn những điều mà không có chúng, chúng ta vẫn sống được. Càng không nên ham muốn những điều mà để có được chúng, chúng ta buộc lòng phải trở nên yếu đuối bạc nhược còn hơn một em bé thèm kem, phải quỵ lụy cầu cạnh đôi khi không còn chút liêm sỉ. Để vô úy (không sợ), một trong các điều cần thiết đầu tiên là phải vô cầu (không xin). (“Vô cầu” ở đây chỉ nhắm đến việc không cầu cạnh xin xỏ người đời).

IV. Để thắng vượt sự sợ hãi đặc trưng do bạo quyền CSVN gây ra
:

Cần xác định cho thật chính xác và rõ các điều sau đây :
1. Mọi thế lực gian ác không bao giờ mạnh cả, tự bản chất, thế lực gian xảo là rất yếu, luôn luôn yếu, chỉ tạm thời “mạnh” bề ngoài và chỉ “xem ra mạnh” về bạo lực, bạo quyền mà thôi. Ngay cả các nhân viên của bạo quyền cũng tự cảm thấy mình dựa trên một quyền lực hư ảo, vì chỉ run rẩy chao đảo dựa trên sự sợ hãi của dân, không thể tìm được chỗ tựa vững chắc và bền lâu là lòng kính trọng, khâm phục và tin yêu của người dân. Do đó, đứng trước sự hiên ngang, vô tội, ngay thẳng của người dân thì bạo quyền run sợ, lúng túng, đành phải dọa nạt, trấn áp, mắng chửi, bôi lọ và đánh đập hành hung. Bạo quyền VN gian trá quá lâu - 75 năm rồi - nên ngày càng yếu hơn. Vậy nếu chúng ta bình tĩnh và sáng suốt, ôn hòa mà hiên ngang, dịu dàng nhưng cương quyết thì chúng ta không sợ ai cả, trái lại còn chinh phục được các nhân viên của bạo quyền nữa.

2. Không ngụy biện rằng chúng ta không cần điều gì đó cho chúng ta, nhưng chỉ vì người thân mà chúng ta phải làm điều này điều nọ. Hoàn cảnh của “tôi” thì nào là, nào là…. Việc ấy đã có những người chuyên môn gánh vác,…Đáng tiếc, các kiểu ngụy biện này thường được “vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt” quá nhiều hiện nay tại VN. Người thân chúng ta cần an ninh, cần cơm gạo, cần học hành,…nhưng người thân chúng ta còn cần sự hiên ngang, anh dũng chiến đấu cho lẽ phải của chúng ta và của chính họ hơn cả mọi thứ khác và chúng ta có bổn phận giúp người thân hiểu rõ điều này, nếu giả như họ chưa hiểu. Thực ra người bình dân thường trực giác và phán đoán về đúng / sai nhạy bén và chuẩn hơn người đã có chút địa vị, quyền lợi. Nếu một em học sinh lớp 10 được hỏi rằng : “Em muốn ba luồn lách để em được tiếp tục đi học, hay muốn ba em hiên ngang hùng dũng dù em phải nghỉ học?” Có lẽ đa số học sinh sẽ chọn phương án 2 ! Đáng buồn là đa số phụ huynh cứ tự cưỡng ép lòng mà chọn phương án 1 và cho rằng đó là “khôn ngoan” nhất. Chúng ta phải tin vào sự chuẩn xác của lương tri tự nhiên của những người “trong sạch” nhất dù là thiếu nhi.

3. Nếu đông người cùng làm một điều gì đó hợp lẽ phải thì bạo quyền sẽ không làm gì được. NCQ CSVN vẫn luôn rêu rao rằng là một NCQ “vì Dân, của Dân, do Dân”. Do đó, chúng ta phải khôn ngoan triệt để vận dụng nguyên tắc này mà đoàn kết lại để bảo vệ các quyền cơ bản của chúng ta. Cần nghiên cứu vài điều cơ bản của Hiến pháp 1992, bộ luật Hình sự 1995 và các bộ luật khác để buộc các Cán bộ (CB) NCQ ít nhất phải giữ Pháp luật theo nguyên tắc : “Dân được phép làm tất cả những gì Pháp luật không cấm rõ ràng, còn CB chỉ được phép làm những gì Pháp luật cho phép.” (ví dụ CB không được phép làm nhục, đánh đập dân; lục soát, khám xét nhà; đe dọa và tịch thu sách báo, băng đĩa, hoặc sờ đụng vào người và đồ đạc của dân khi chưa có lệnh bằng văn bản chính thức…). Dù một điều mà bạo quyền buộc dân làm (như đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp,…), nhưng dân thấy vô lý, giả tạo, gian trá, bất công, lố bịch,… mà đông người cùng nhau quyết tâm không làm (như trong cùng 1 khu phố, 1 thôn, 1 khuôn hội, 1 giáo xứ, 1 phường, 1 xã,…), thì NCQ luôn tự cho mình là “vì dân” đành buộc lòng phải thua dân, sẽ tỏ ra rất lúng túng buồn cười. Ví dụ kỳ bầu cử Quốc hội 2011 tới đây, nếu dân, nhất là các nhân sĩ có địa vị, biết tẩy chay trò bầu cử giả tạo đã kéo dài quá lâu (12 kỳ trong 65 năm) này, cương quyết đồng loạt cùng nhau không đi bầu, thì QH giả tạo ấy sẽ không thể thành hình ngay chính được. Chỉ là hài hước.

4. Khi có việc va chạm với dân, CB một bạo quyền luôn sợ hãi, chóng mệt, mất kiên nhẫn hơn dân, nếu dân biết sức mạnh có thật dựa trên lẽ phải của mình. Các CB dù luôn muốn thăng chức lên lương, nhưng vẫn vừa bị lung lay trong bạo lực tham tàn, vừa luôn nôn nóng về với gia đình, tìm chỗ yên thân, bất đắc dĩ mới phải va chạm dân, nên bề ngoài thì hùng hổ, quát tháo mà bên trong thì căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Mỗi khi chúng ta bị phiền lụy, bị giữ lại đồn bót, bị tạm giam ở Công an phường, xã, huyện, …nếu chúng ta biết bình thản, lịch sự, vui vẻ chấp nhận giá phải trả của một chiến sĩ dân chủ luôn ôn hòa bất bạo động (không có chi nhiều, chỉ cần an tâm thanh thản ngồi yên lặng, nghỉ ngơi, thiền định và cầu nguyện ở nơi bị tạm giữ bao lâu cũng được, không một chút nôn nóng muốn được về sớm), thì CB của bất cứ loại bạo quyền nào cũng chóng mệt mỏi hơn chúng ta và sẽ tìm cách dọa nạt qua loa rồi đành để chúng ta ra về, chứ biết làm gì hơn. (Đón đọc : Cách ứng xử khi bị triệu tập hoặc bị bắt và làm thế nào để chinh phục đối phương ? trong “Phác thảo Chân dung người Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình Việt Nam” và “Người Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình Việt Nam hôm nay cần phải ưu tiên làm gì ?”.

5. Trước đây NCQ CSVN vốn không đáng sợ như nhiều người đã lầm tưởng, và kể từ đầu năm 2005, đặc biệt từ tháng 8-2005, NCQ CSVN càng không đáng sợ nữa, vì đã bộc lộ rõ hơn các suy yếu :

– Cùng lúc phải chịu 6 áp lực rất mạnh, nếu kể riêng các Tôn giáo (cùng với dân) ngày càng đấu tranh với NCQ bằng nhiều hình thức ngày càng mạnh thì NCQ CSVN đang phải chịu 7 áp lực cùng lúc ( “Vấn đề tương lai gần của VN” cùng tác giả ngày 08-8-2005).
– Một NCQ chỉ biết lợi dụng sự sợ hãi của người Dân để tồn tại thì không thể vững mạnh được.
– Đa số CB không còn tin vào CNXH nữa.
– Đa số CB không còn tin vào giai cấp lãnh đạo nữa.
– Đa số CB không còn thiết tha củng cố quyền lực NCQ như trước nữa.
– Đa số CB không còn hăng say “thi hành nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó” cách sáo rỗng như bao năm qua đã từng mê muội bị lợi dụng nữa.
– Đa số CB hiện nay đã thấy rõ tính độc đoán, mâu thuẫn, chồng chéo và bất hợp lý của Hiến pháp và hệ thống Pháp luật của NCQ CSVN, nên rất mất tự tin khi bị buộc gượng ép hành xử.
– Đa số CB hiện nay chỉ chăm chăm tìm cơ hội làm kinh tế, thu vén thêm ngày nào hay ngày đó, tìm chỗ quen thân để tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp NCQ, chuẩn bị cho ngày tàn của chế độ.
– Đa số CB hiện nay xấu hổ về các quyền lợi mình đang hưởng một cách quá bất công.
– Một số CB không còn dám mạnh tay đàn áp dân thô bạo như trước nữa.
– Một số CB lo cho “hậu sự”, không dám làm mất lòng dân, đề phòng cho “ngày mai” thay chủ đổi ngôi đang trong tiến trình xảy đến và chắc chắn phải đến.
– Một NCQ dồn Dân đến chỗ tự thiêu (PGHH), thì NCQ đó là loại NCQ gì ? NCQ ấy chắc chắn đang bộc lộ rõ bản chất đớn hèn của mình và đang lết đến hồi tự kết thúc, không thể đảo ngược.

Do đó, nếu Dân biết mạnh mẽ biện luận, thì CB đành êm re, chuồn khéo cho mau …

6. Trong lúc toàn Dân VN chưa có Tự do Ngôn luận bình thường như hầu hết các Nước toàn cầu theo qui định của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 16.12.1966 và NCQ CSVN đã xin gia nhập ngày 24-9-1982 (mà không hề giữ), thì một điều dân cần biết nhất để bình thản đối phó hiện nay là : Nếu khi đang đọc 1 tờ báo, 1 cuốn sách, 1 tài liệu như bài này mà gặp loại CB HCM-Mácxít-Lêninít gây khó dễ, đòi tịch thu, thì :
a/- Lịch sự hỏi CB : “Chúng ta đang ở trong một Nước VN văn minh hay không?” Đương nhiên CB phải trả lời : “Tất nhiên là văn minh rồi”. “Thế thì VN phải tuân giữ điều 19,2 của Công ước Quốc tế của LHQ" (về các quyền dân sự, chính trị 1966) : "Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.")

b/- Nếu CB vẫn độc đoán cho rằng:“Đã vi phạm luật pháp của NCQ CSVN”, thì chúng ta ôn tồn đáp lại: “Xin cho chúng tôi xem văn bản cấm, tịch thu, do ai ban hành, ký tên”. Tất nhiên là không thể có loại văn bản nào như vậy cả. Nếu CB cố tình côn đồ hung hãn, thì chúng ta càng kiên nhẫn ôn tồn lễ độ:“Chúng tôi hi vọng được đối thoại với nhân viên một NCQ văn minh. Còn nếu NCQ này là một NCQ độc tài chuyên chính, thì chúng tôi không còn gì để nói nữa. Xin mời CB cứ việc thi hành nhiệm vụ sai trái và mất hết nhân tính này”. Hết. Không nên và không cần nói thêm. Tránh thách thức khiêu khích để thoát khỏi các đòn bạo lực đầy dẫy sẵn trong đối phương.

7. Dù hệ thống Pháp luật VN hiện nay còn rất độc đoán áp đặt, thực tế, nếu nhân danh quyền Tự do Ngôn luận rất chính đáng của người dân mà Nước nào đã gia nhập LHQ như CHXHCNVN đều phải thật lòng tôn trọng, thì việc nghiên cứu, thông tin và bất cứ hành động đấu tranh ôn hòa bất bạo động nào cũng không đủ lý do để bị bắt. Và nếu NCQ bắt càn ẩu thì cũng không thể đưa ra tòa xét xử công khai được mà đành phải “xử chui” một cách rất ô nhục như các phiên tòa chùng lén đã và đang xảy ra mà thôi. Dân không nên sợ loại phiên tòa lén lút rất man trá này. Chỉ cần im lặng trước “tòa” là đủ làm NCQ CSVN quá sợ hãi và mất hết uy tín rồi. Không cần nói gì thêm với NCQ độc tài cả. Nếu CSVN buộc lòng phải xét xử công khai, thì chúng ta phải tận dụng cơ hội, biến phiên tòa thành diễn đàn trực diện đấu tranh cho quyền Tự do Ngôn luận theo Công pháp QT. Nếu dân cùng nhau giành lấy quyền Tự do Ngôn luận hoàn toàn chính đáng cho mình, thì NCQ đành phải nhượng bộ, dù vẫn còn hù dọa bằng vài loại đàn áp cổ điến và tinh quái khác, mà cùng lắm chúng ta chỉ cần can đảm chấp nhận phiền lụy đôi chút lúc đầu rồi đâu lại vào đó ngay, không cần quá bận tâm lo âu về chúng (v/d : bị cắt điện thoại, thu sổ hộ khẩu, giam bằng đại học, gây rắc rối khó khăn về thương mại, giao thông, tịch thu máy móc, bị lệnh quản chế,…). Khi không ngại các phiền lụy ấy, chúng ta sẽ thấy chúng chỉ là chuyện quá nhỏ so với Sứ mạng cần phải giải thoát toàn dân khỏi ngục tù nô lệ mới hôm nay. Là một qui luật, trong mọi cuộc đối đầu, đặc biệt trong cuộc đối đầu toàn cục có tính quyết định cuối cùng này, nếu chúng ta không sợ bạo quyền, thì bạo quyền buộc phải sợ chúng ta ! Nếu người nào Vô úy (không sợ), Vô cầu (không xin), Vô thủ (không e phòng), Vô ngã (không lo cho bản thân), Vô biệt (không phân biệt) thì dù không mưu cầu nhắm đến, vẫn đương nhiên đạt tới lục vô (vô cầu tất đạt) : VÔ ĐỊCH.

8. Khước từ mọi hình thức bạo lực : Người sử dụng bạo lực là đã tỏ ra yếu đuối rồi. “Sức mạnh trên đầu ngọn súng” (Mao Trạch Đông) thì muôn ngàn lần thua xa sức mạnh đích thật và chân chính của Quả tim và Lương tri. Bạo lực chỉ sinh ra sợ hãi dây chuyền. Tình yêu, kiên nhẫn, lẽ phải sinh ra bình an và sức mạnh trường cửu chân chính. Kể cả bạo lực của ngôn từ (cường điệu thái quá) chúng ta cũng phải tránh xa mới dễ thuyết phục lòng người. Lời Ngài Mahatma Mohandas K. Gandhi “Khi tôi phê phán đối phương, tôi chỉ phê phán 80% sai lầm của họ, phòng khi tôi quá xúc động mà lỡ lời thì chỉ tăng lên đôi chút là vừa với sự thật, khỏi gây nên bất công cho đối phương” đáng cho chúng ta tâm đắc và nguyện quyết tâm sống theo. Đầu năm 2001, người viết đã kêu gọi 2 lần trước Quốc hội Mỹ rằng: “Để giải quyết vấn đề VN, cần làm sáng tỏ công và tội của ông Hồ Chí Minh, vì đây là một con người đại gian ác, siêu cao thủ, lừa gạt được gần cả thế giới” thì hoàn toàn chính xác, chứ không cường điệu chút nào. Đấu tranh ôn hòa bất bạo động là như thế.


9. Luôn tích cực chinh phục mọi đối tượng, kể cả đối phương : nếu chúng ta chỉ phê phán đối phương mà không sao thuyết phục được họ thì phương pháp và nội dung phê phán của chúng ta chưa chính xác khách quan và khoa học đủ. Chúng ta muốn giải cứu toàn dân khỏi nô lệ lầm lạc thì trong đó có bao gồm một bộ phận không nhỏ tuy tạm thời đang là đối thủ, nhưng vẫn là Đồng bào và một ngày nào đó chắc chắn sẽ phải trở thành đồng minh của chúng ta. Do đó, dù đang là đối tượng bị đe dọa, bị lên án, chúng ta vẫn vững tin vào lẽ phải mà tìm mọi cách và mọi dịp thuận tiện để chinh phục cho được đối phương càng đông, càng nhanh, càng tốt. Vì thế, là Chiến sĩ Hòa bình, chúng ta phải luôn yêu thương, hằng từ bi, mãi thông cảm, kiên trì lễ độ, nhẫn nhịn khoan dung mới có thể thành công được, không có chỗ cho sợ hãi và hận thù.
Mến chúc Quý Vị và Bạn hữu luôn nhân từ, an vui, tĩnh định và chấm dứt hết mọi loại sợ hãi.

Tù nhân lương tâm Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý
29.6.2010
69, Phan Đình Phùng, Huế

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: