Wednesday, June 30, 2010

CHẢY MÁU VÀNG ĐEN : TƯỜNG TRÌNH TẠI CHỖ

CHẢY MÁU TÀI NGUYÊN: TƯỜNG TRÌNH TỪ ĐIỂM NÓNG

Bài 7 : Vàng đen và những cơn bão cát

bài và ảnh: Võ Hoàng Minh

Ngày 30.06.2010, 13:55 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124908/Bai-7-Vang-den-va-nhung-con-bao-cat.html

SGTT - Vừa đặt chân lên đất Mỹ Thành (Phù Mỹ – Bình Định) chúng tôi đã cảm nhận được ngay “sức nóng” của nỗi bức xúc dai dẳng trong lòng những người dân ở đây. Họ đang sống với nỗi cơ cực mà hoạt động khai thác titan đã mang lại trong những năm qua.

Những người dân dẫn chúng tôi đi về phía biển, vùng đất đã bị băm vằm bởi hoạt động khai thác loại “vàng đen” của nhiều doanh nghiệp, hàng chục người dân thôn Vĩnh Lợi vừa đi vừa kể khổ.

Bà Trần Thị Th. (60 tuổi) ở thôn Vĩnh Lợi nói như khóc: “Từ khi công ty TNHH thương mại Ánh Vy được bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho cái giấy phép về đây khai thác đất đen (titan), cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Lợi chúng tôi lập tức bị đảo lộn. Cái cách họ khai thác như thế nào để lấy được đất đen thì người dân quê mùa chúng tôi không hiểu được, thế nhưng những “núi cát” họ hút lên bày lộ giữa trời, gió biển thốc vô lùa cát bay khắp làng, khắp xóm. Mùa gió bấc tới đây chắc chắn chúng tôi lại phải chịu cảnh “bão cát” tấn công. Nhiều khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, nhai cơm lộn cát mà nước mắt cứ chảy. Quần áo giặt xong, phơi chưa kịp khô, cát tấp lên đành phải giặt lại. Đất sản xuất nằm gần khu khai thác cũng bị cát lấp dần không còn trồng cây gì sống nổi. Nếu tình trạng này kéo dài thì đến cả những ngôi nhà của chúng tôi đang ở cũng sẽ bị lấp”.

.

Cơn lốc titan

Theo người dân địa phương cho biết, trước đây họ chưa từng bị cái nạn cát bay hành hạ như bây giờ bởi được những khu rừng dương ven biển mọc rất dày và xanh tốt che chở, chắn cát. Những khu rừng dương này được trồng từ những năm đầu giải phóng. Sau hơn 30 năm, khi những cây dương vừa kịp trở thành cánh rừng dương cổ thụ thì lại bị những người khai thác titan đốn hạ. Trước mắt chúng tôi bây giờ là một bãi biển “trống hoác” không còn bóng dáng một cây dương với những cái hố cát bị đào sâu đến 20 – 30m để các doanh nghiệp đặt bè hút cát và đặt giàn lọc titan. Bà Đinh Thị Mai ở thôn Vĩnh Lợi than thở: “Hoạt động khai thác đất đen ở đây không những huỷ hoại môi trường trên mặt đất mà với cách hút cát tận “âm phủ” để lấy đất đen như thế này thì đến nguồn nước ngầm cũng bị triệt tiêu. Khu vực thôn Vĩnh Lợi này như một bán đảo, không còn rừng phòng hộ, bờ biển thì bị rỗng ruột, một ngày nào biển lấn vào thì dân chúng tôi biết đi đâu mà sống”.

Không chỉ ở Mỹ Thành (Phù Mỹ), thảm trạng trên còn xảy ra ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát). Bãi biển Trung Lương vốn được xem là bãi biển đẹp nhất ở Bình Định và công ty TNHH Mỹ Tài là đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh Bình Định giao cho 30ha đất tại đây để xây dựng khu du lịch với vốn đầu tư 5 triệu USD. Bà Huỳnh Thị Hồng ở xóm Chánh Nghĩa, thôn Trung Lương cho biết: “Khi nghe ở đây được công ty TNHH Mỹ Tài xây dựng khu du lịch bà con phấn khởi hết biết. Thế nhưng từ ấy đến nay công ty Mỹ Tài không làm cho du lịch, cả ngày lẫn đêm họ chỉ “chăm bẳm” khai thác titan trên diện tích được giao. Cả bãi biển trước đây đẹp là vậy giờ bị băm nát như một bãi chiến trường”. Vào đầu năm 2008, địa bàn khai thác titan của công ty Mỹ Tài còn cách xa nhà dân, đến cuối năm thì khu vực khai thác tiến đến sát khu dân cư.

.

Hàng ngàn người dân khốn đốn

Trên địa bàn hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ hiện có 14 đơn vị được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác titan. Đồng nghĩa với hàng loạt cánh rừng phòng hộ ven biển ở các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ); Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (Phù Cát) bị “khai tử” và hàng ngàn hộ dân đang lâm cảnh khốn đốn vì công cuộc khai thác titan ở Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Lịch, trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Phù Mỹ thừa nhận: “Hầu hết các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn đều có cam kết bảo vệ môi trường nhưng khi thực hiện lại không đạt như yêu cầu đã đề ra. Ngoài vấn đề cát bay đang hiện hữu, ở cấp huyện chúng tôi không đủ năng lực đánh giá tác động của việc khai thác titan đối với môi trường nên chỉ mới dừng lại ở việc đi kiểm tra và báo cáo... miệng với cấp trên”.

Còn ông Đinh Văn Tiên, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Định thì bức xúc: “Với diện tích cấp phép gần 2.200ha, nếu các doanh nghiệp khai thác đồng loạt thì ắt sẽ có vấn đề xảy ra về môi trường. Nhất định là sẽ xuất hiện hiện tượng cát bay, cát chảy, nước mặn xâm nhập và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong các khu dân cư lân cận”.

.

Mất cả chì lẫn chài

Ông Nguyễn Văn Thắng, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Bình Định bức xúc: “Chỉ tính riêng năm 2009, sản lượng titan khai thác tại Bình Định theo báo cáo của các doanh nghiệp là khoảng 400.000 tấn. Với lượng titan này, các doanh nghiệp bỏ “hầu bao” được khoảng 700 tỉ đồng, thế nhưng ngân sách tỉnh thu vào chưa được 100 tỉ đồng”. Mặc dù lượng khai thác titan “hoành tráng” là vậy nhưng các nhà máy chế biến để xuất khẩu đang bí đầu ra vì vướng mức thuế xuất khẩu đến 18% (theo thông tư số 152/2009/TT-BTC). Trong khi đó, để chế biến titan thô thì các doanh nghiệp phải mất khoản đầu tư rất lớn cho dây chuyền, thiết bị và tiêu hao điện năng rất nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính ra, mỗi tấn xỉ titan xuất khẩu doanh nghiệp bị lỗ đến gần 900.000 đồng.

Ông Thắng cho hay, hiện nay hầu như tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động cầm chừng hoặc tìm cách bán titan thô làm nảy sinh tình trạng “chảy máu” titan qua con đường bán lậu. Bây giờ, ngày nào ở cảng Thị Nại cũng có những chiếc tàu chở titan “hành phương Bắc”. Tàu chở titan lậu này đi rất công khai và chắc chắn điểm đến cuối cùng của những chiếc tàu này là Trung Quốc. Mới đây, ở tỉnh Ninh Bình vừa bắt được một chiếc tàu chở khoảng 3 tấn titan có xuất xứ từ Bình Định nhưng chưa rõ từ doanh nghiệp nào bán ra. Chúng tôi đã thử làm phép tính, mỗi năm Bình Định bị “chảy máu” qua đường bán lậu khoảng 200.000 tấn titan, đồng nghĩa với ngân sách tỉnh sẽ mất đi khoản thu thuế xuất khẩu là 2 triệu USD. Với titan, Bình Định đang mất cả “chì lẫn chài”: mất nguồn tài nguyên, mất nguồn thu xuất khẩu, mất thuế, mất hạ tầng giao thông, mất môi trường sinh thái.

(còn tiếp)

.

Tin, bài liên quan

Bài 7: Vàng đen và những cơn bão cát (30/06)

Bài 6: Núp bóng nạo vét cửa biển để bán cát (29/06)

Bài 5: Tàn phá tài nguyên du lịch tự nhiên (25/06)

Bài 4: Tan hoang núi đá trắng ở Quỳ Hợp, Nghệ An (23/06)

Bài 3 : Bộ, tỉnh, huyện, xã… mạnh ai nấy cấp phép đào vàng (21/06)

Bài 2: Tận thu, tận diệt ở rốn vàng Phước Sơn (18/06)

Bài 1: Quảng Nam: các dòng sông đã chết (16/06)

.

.

.

No comments: