Monday, June 28, 2010

TÌM KIẾM HÀI CỐT NHỮNG NGƯỜI TÙ MIỀN NAM SAU HÀNG CHỤC NĂM

Tìm kiếm hài ct ca nhng người tù Vit Nam sau hàng chc năm

Nguồn: Trần Mỹ Thuận, Los Angeles Times

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Một tổ chức chuyên giúp tìm và xác định mộ cốt của những người đã chết trong trại cải tạo ở Việt Nam. Việc cho phép gia đình của những ngươì đã khuất này được chôn cất họ tử tế là một nghĩa tận rất quan trọng mà nhiều người tưởng sẽ không bao giờ có được.

.

Lần cuối cùng Daniel Dien Lương thấy cha mình là qua hàng rào kẽm của một doanh trại quân đội cũ ở miền Nam Việt Nam hơn 30 năm trước đây.

Cha anh là một người tù bị giam giữ bởi chính phủ Cộng sản, chính phủ đã từng bắt giữ hàng ngàn nhân viên quân sự cũ để "cải tạo" sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Vào lúc 1 giờ mỗi buổi trưa thứ Bảy, cậu bé 13-tuổi đạp xe hai tiếng đồng hồ đến thăm cha mình. Hai cha con vẫy gọi nhau từ xa trong sự canh chừng của những người bảo vệ vũ trang.

Một ngày kia, gia đình phát hiện ra các doanh trại đều trống không. Đó là hai tháng trước khi họ nhận được thư của Lương Văn Hòa, từ khoảng 1.000 dặm xa về phía bắc của gia đình họ tại Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1977, các thư từ ngưng bặt. Cả nhà đã lo sợ đến điều tồi tệ nhất. Mười tháng sau tờ giấy báo tử mới gửi về.

.

Gia đình Lương, như hàng trăm thân nhân của các gia đình những người lính miền Nam Việt Nam bị bắt, đã vất vả để tìm nơi mà người cha của anh bị vùi xuống.

Tháng tới, Lương và mẹ của mình sẽ đi đến tỉnh Yên Bái với hy vọng tìm lại hài cốt của cha anh, 32 năm sau khi ông mất đi.

Họ có thể thực hiện được điều ấy qua sự giúp đỡ của một cựu sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam, người cầm đầu một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Chương Trình Tìm Kiếm và Cải Táng Hài Cốt Bạn Tù Cải Tạo (The Returning Casualty), một chương trình có mục đích tìm kiếm và xác định các ngôi mộ không khuyết danh của những người từng phải qua đời trong trại tù.

Lương, bây giờ đã 46 tuổi hiện sống tại Los Angeles, nói rằng cuộc tìm kiếm dù có mang lại chỉ một dấu vết nhỏ của người cha mình cũng sẽ mang lại được một sự khép lại cho gia đình anh. Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, linh hồn của người chết không được chôn cất tử tế sẽ bị lạc lối, phải lang bạt muôn kiếp.

"Bởi vì đối với cha tôi, ông không bao giờ có được cơ hội trở về nhà" Lương nói. "Hương linh ông sẽ không thể đến với chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng mang một cảm giác bất an như thế này".

.

Sứ mệnh tìm kiếm

Ông Nguyễn Đắc Thành, người đứng đầu tổ chức có bản doanh ở Houston Texas đã cho biết, từ năm 2007, tổ chức Returning Casualty đã xác định được vị trí 313 ngôi mộ và dẫn 59 gia đình, chủ yếu là từ Mỹ, xuyên qua các khu rừng rậm để tìm hài cốt những người thân thương.

Phát hiện và xác định các phần mộ không phải là một công việc dễ dàng, ông nói. Phần lớn các ngôi mộ là không có dấu tích hoặc mộ bia không còn đọc được nữa. Thông thường là những khu đất ấy bị bỏ hoang và tàn phá vì cỏ dại.

Ông Nguyễn dựa vào các cư dân địa phương và các bản đồ vẽ tay để tìm đầu mối cho công việc kiếm tìm của mình. Ông cũng đã vận dụng để có được hồ sơ chôn cất từ các quan chức địa phương.

Như hàng ngàn quân nhân đồng đội của mình, ông Nguyễn cũng đã bị ném vào trại "cải tạo" sau khi chiến tranh chấm dứt. Tù nhân bị buộc phải lao động nặng nhọc, chịu đựng đói khát, mất nước và vệ sinh kém. Nhiều người đã không sống sót nổi và gia đình họ không bao giờ biết được những gì đã xảy ra với họ.

Nguyễn là một trong những người may mắn. Ông đã trở về được với gia đình mình sau chín năm và cuối cùng đã di cư đến Houston. Nhưng ông không bao giờ quên đồng đội cũ của mình đã chết trong tù đày. Ông tự cảm thấy chính là nghĩa vụ của mình phải mang lại niềm an bình cho các gia đình của họ.

Từ năm 2006, ông bắt đầu nghiên cứu cách thức làm thế nào để xác định vị trí các ngôi mộ. Ông đã làm việc với chính phủ Việt Nam để có được giấy phép đào xới các ngôi mộ và tìm kiếm các thành viên gia đình. Tổ chức của ông dựa vào sự đóng góp để chi trả cho các chuyến đi.

.

Trong nhiều năm, Lương và mẹ anh, bà Nguyễn Thị Nhung, 64 tuổi, đã bàn đến việc tìm kiếm mộ chí của cha mình. Nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu.

Một vài tháng trước, bà đã nhận được điện thoại từ một người bạn từng đọc một bài viết Chương trình Tìm kiếm và Cải táng Hài cốt Bạn tù Cải tạo trên một tờ báo tiếng Việt. Có tên -Lương Văn Hoà - chồng mình, chôn tại thị trấn Thác Bà, bao quanh bởi 30 ngôi mộ khác.

Trong lòng bà, nỗi đau buồn dâng lên như sóng trào. Con trai của bà cũng sửng sốt, đã qua lâu, anh chưa từng được nhìn thấy tên cha mình như thế.

Lương và mẹ anh thu xếp đi về miền Bắc Việt Nam với Chương trình Returning Casualty. Mười gia đình khác cũng đi theo, ông Nguyễn nói.

.

Khi còn là một thiếu niên, Lương từng muốn được vào quân đội như cha mình. "Tôi nghĩ rằng cha tôi cũng có dự tính như thế" Lương nói. "Tôi đã tưởng tượng rằng, nếu cha tôi còn sống, chúng tôi có thể cùng ra đồng và làm bạn thân thiết với nhau".

Nhưng số phận đã hướng cuộc đời Lương vào một con đường khác.

Cuộc chiến tranh đã khắc nghiệt với gia đình. Một ngày kia, đứa em gái 3 tuổi của Lương đã chết trong vì đạn pháo binh khi gia đình đi thăm cha mình.

Gia đình Luong đã bỏ lỡ một cơ hội để thoát khỏi Việt Nam ngay sau khi Cộng sản nắm quyền vào năm 1975. Cha của Lương đã quyết định không đi vì ông không muốn để bỏ mẹ mình ở lại. Ông tin rằng ông sẽ được an toàn, nhưng chẳng bao lâu sau đã bị đưa vào trại tù.

.

Sau khi Nguyễn Thị Nhung biết được người chồng 39 tuổi của mình đã chết, bà mang ba đứa con lên một chiếc thuyền hướng ra vùng biển rộng. Cuối cùng cả nhà đã di cư đến Glendale.

Lương đã trở thành một nhà lập trình máy tính. Là đứa con lớn nhất, anh đã có những kỷ niệm sâu sắc hơn cả với người cha mình - người đàn ông đã từng cho anh xem các khẩu phần ăn của một người lính, giúp anh làm căn nhà mẫu cho một dự án trong nhà trường.

.

Đây sẽ là chuyến đi thứ ba của Nguyễn đến vùng khai quật từ năm 2007. Các thành viên gia đình mang hương đèn, và nhiều người đã cử hành các nghi lễ tang ma tại bãi chôn lấp, đốt nhang, giấy vàng mã và quỳ sụp trên mặt đất để đọc kinh. Trong một video được đăng trên trang vietremains.org, trang web của tổ chức, một người đàn ông dâng hương ngang đầu mình. Anh khấn "Lâu quá rồi con mới tìm được cha. Con đến đây để mang cha về nhà mình", sau đó anh kêu khóc thành tiếng "Cha ơi, đừng ở đây lạnh lắm".

Anh Nguyễn cho biết, xương cốt được khai quật lên với sự trợ giúp của những cư dân địa phương, được gói trong giấy vàng mã. Nhiều bộ cốt được đưa về miền Nam Việt Nam và giữ trong một ngôi chùa để thử nghiệm DNA.

.

Tổ chức này đang làm việc để khôi phục lại An Bình, một nghĩa trang quân đội trước đây tại Việt Nam với hy vọng rằng những hài cốt vẫn còn có thể được vĩnh viễn chôn ở đó.

Lương biết rằng có thể cha mình chẳng còn xương cốt gì nữa "Tối thiểu là tôi hy vọng sẽ nhìn thấy được nơi ông đã nằm suốt những năm tháng qua" anh nói.

Một bức ảnh cha ông mỉm cười và mặc quân phục đội trưởng pháo binh của mình trên một bàn thờ trong nhà Lương, phía sau một bát hương.

"Đó là một lời nhắc nhở," anh nói. "Mọi người đều muốn đòi lại một sự kết thúc cho những người thân yêu. Đối với mọi người khác, khi người cha mất đi, họ còn có thể viếng một ngôi mộ. Đối với chúng tôi, cha chúng tôi đã chết trong một hoàn cảnh cay đắng. Chúng tôi chỉ muốn khép lại những trang quá khứ."

.

.

.

No comments: