Wednesday, June 30, 2010

CHỐNG BUÔN NGƯỜI Ở VIỆT NAM BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN 2

Kế Hoạch Chống Buôn Người

Chống buôn người ở Việt Nam: Bước vào giai đoạn 2

CAMSA

Saturday, June 26 @ 11:22:12 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1921

Trong 12 tháng tới đây, Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng buôn lao động ở Việt Nam. Đây là một mốc điểm quan trọng trong kế hoạch toàn diện của Liên Minh CAMSA nhằm bài trừ tận gốc tệ nạn buôn người từ Việt Nam, mở đường cho việc thúc đẩy Việt Nam phải thực tâm ngăn chặn nạn buôn người ngay tận gốc.

Mục tiêu tiên quyết của kế hoạch toàn diện này là vượt qua nỗ lực che đậy của Việt Nam để chứng minh tình trạng buôn lao động đang rất trầm trọng ở quốc gia này. Từ trước đến giờ chính phủ Việt Nam đã khéo che đậy tệ nạn này bằng kế vừa phô trương thành tích chống buôn tình dục vừa ém đi các chứng cớ về buôn lao động. Luật pháp Việt Nam không thừa nhận buôn lao động là buôn người cho nên không hề có thống kê về các trường hợp buôn lao động và dĩ nhiên không hề có chính sách bảo vệ nạn nhân hay truy tố thủ phạm buôn lao động. Khi báo cáo với quốc tế, Việt Nam chỉ báo cáo các vụ buôn tình dục bị truy tố. Nhờ vậy Việt Nam đã tạo ấn tượng với quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, rằng họ chủ động chống buôn người và trong bao năm qua, Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Hạng 2 trong bảng phúc trình hàng năm về buôn người.

Để chứng minh thực trạng buôn lao động ở Việt Nam, Liên Minh CAMSA thành lập văn phòng hoạt động thường trực ở Mã Lai nhằm giải cứu nạn nhân và thiết lập hồ sơ để cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một số cơ quan quốc tế. Hoạt động ở Mã Lai có hai điểm thuận lợi: (1) Mã Lai đã ban hành luật chống buôn người sau khi bị Hoa Kỳ xếp Hạng 3 và đe doạ chế tài; (2) Mã Lai đứng đầu về số người lao động Việt Nam: 120 ngàn. Qua văn phòng thường trực, Liên Minh CAMSA đã thu thập và cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày càng nhiều hồ sơ buôn lao động với chứng cớ cụ thể. Đó chính là những con số thống kê mà Việt Nam tìm cách che đậy. Kết quả là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào danh sách cần theo dõi trong bản phúc trình công bố ngày 14 tháng 6, 2010.

Kể từ ngày 15 tháng 6, 2010 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ theo dõi thực tâm của chính phủ Việt Nam chiếu theo 12 chuẩn mực, trong đó 11 chuẩn mực là vể buôn lao động và chỉ 1 chuẩn mực về buôn tình dục:

(1) Cấm và trừng phạt hình sự mọi vi phạm về buôn lao động;

(2) Truy tố hình sự những ai can dự vào buôn lao động, tuyển người với mục tiêu buôn lao động, hoặc gian lận trong việc tuyển lao động;

(3) Soạn các thể thức chính thức nhằm nhân diện nạn nhân buôn lao động, dựa vào các chỉ dấu được thừa nhận về lao động cưỡng bách, như việc thu giữ sổ thông hành bởi chủ sử dụng lao động hay bởi môi giới lao động;

(4) Nhận diện các người Việt lao động ngoài nước đã bị ép vào tình trạng lao động cưỡng bách và cung cấp cho họ những dịch vụ dành cho nạn nhân;

(5) Gia tăng nỗ lực bảo vệ người Việt đi lao động ngoài nước thông qua các công ty xuất khẩu lao động;

(6) Bảo đảm rằng các công ty xuất khẩu lao đông được nhà nước cấp giấy phép hoạt động sẽ không can dự vào vấn đề lừa đảo hoặc lấy phí hoa hồng bất hợp pháp cho việc đưa người đi lao động ở ngoại quốc;

(7) Có biện pháp để bảo đảm rằng các nạn nhân buôn lao động không bị hăm doạ hoặc trừng phạt vì phản đối tình trạng lao động hoặc rời bỏ nơi làm việc, ở Việt Nam hay ở ngoại quốc;

(8) Bảo đảm việc cung cấp sự bảo vệ nạn nhân và dịch vụ trợ giúp cho các nạn nhân nam và các nạn nhân của buôn lao động;

(9) Bảo đảm là công nhân có những biện pháp pháp lý để đòi công lý trước nạn buôn lao động;

(10) Nỗ lực nhiều hơn trong việc hợp tác chặt chẽ với các quốc gia tiếp nhận để điều tra và truy tố các hồ sơ buôn người, bao gồm buôn lao động;

(11) Cải thiện các nỗ lực hợp tác liên cơ quan nhằm chống buôn người; và

(12) Thực thi cũng như hỗ trợ một chiến dịch nâng ý thức chống buôn người nhắm vào các khách hàng của kỹ nghệ tình dục.

Nếu không đạt được các chuẩn mực này một cách thoả đáng trong 12 tháng tới thì Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi. Theo luật Hoa Kỳ, một quốc gia nằm trong danh sách theo dõi hai năm liền thì, nếu sang năm thứ 3 vẫn chưa cải thiện đúng mức, sẽ tự động rơi xuống Hạng 3 và bị chế tài. Nếu như có những chứng cớ cho thấy chính phủ bao che hay tham dự vào đường dây buôn lao động, Việt Nam có thể đi thẳng xuống Hạng 3 trong bản phúc trình năm 2011.

Với sự quan tâm và chú ý của Hoa Kỳ, Liên Minh CAMSA bước vào giai đoạn 2 của kế hoạch toàn diên nhằm bài trừ nạn buôn người tận gốc ở Việt Nam. Giai đoạn này có hai mục tiêu:

(1) Gia tăng số hồ sơ buôn lao động cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

(2) Thúc đẩy và theo dõi thực tâm cải thiện của chính phủ Việt Nam.

Trong mục tiêu thứ nhất, Liên Minh CAMSA phát triển hoạt động ở Mã Lai ra đến toàn quốc, phối hợp với ngày càng nhiều các tổ chức dân quyền và công đoàn, và hướng dẫn cho công nhân thu thập chứng cớ và báo cáo tình trạng buôn người. Đồng thời Liên Minh CAMSA mở văn phòng thường trực ở Đài Loan, quốc gia với số lượng công nhân Việt đông hàng thứ 2 trên thế giới, 80,000, chỉ sau Mã Lai. Đầu năm 2009, Đài Loan cũng đã ban hành luật chống buôn người, sau khi bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách càn theo dõi.

Trong mục tiêu thứ hai, Liên Minh CAMSA đo lường thiện chí của chính phủ Việt Nam qua các hành động cụ thể sau đây:

(1) Việt Nam tôn trọng lệnh toà án American Samoa và bồi thường 3.2 triệu Mỹ kim cho 250 nạn nhân buôn lao động ở đảo American Samoa. Hai công ty xuất khẩu lao động can dự trong vụ này là hai công ty quốc doanh.

(2) Việt Nam điều tra và truy tố các công ty, các “cò”, và các giới chức chính quyền liên can đến số hồ sơ buôn lao động mà Liên Minh CAMSA đã can thiệp từ trước đến giờ, ảnh hưởng tổng cộng 3 ngàn nạn nhân.

(3) Việt Nam bãi bỏ và vô hiệu hoá các điều khoản vi phạm nhân quyền trong hợp đồng ký kết với công nhân và bắt các công ty xuất khẩu lao động có hành động “tráo hợp đồng” phải hoàn trả toàn bộ các khoản phí dịch vụ đã thu của công nhân.

(4) Việt Nam ban hành đạo luật chống buôn người, gồm cả buôn lao động.

(5) Việt Nam ký Nghị Định Thư Palermo (Palermo Protocol) của Liên Hiệp Quốc về chống buôn người.

Để thực hiện giai đoạn 2 này của kế hoạch bài trừ nạn buôn lao đông từ Việt Nam, Liên Minh CAMSA rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong các lãnh vực sau:

(1) Yểm trợ tài chánh để duy trì và phát triển hoạt động thường trực ở Mã Lai và Đài Loan

(2) Thông tin cho thân nhân ở trong nước hay đang lao động ở ngoài nước để đề phòng, tự vệ, và biết cách liên lạc với Liên Minh CAMSA.

Giai đoạn 2 sẽ kéo dài 2 năm, thời gian để Việt Nam lên Hạng 2 nếu thực sự thay đổi hoặc xuống Hạng 3. Tuỳ theo trường hợp nào xảy ra, Liên Minh CAMSA sẽ ấn định những mục tiêu cho giai đoan 3.

***

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 - USA

.

.

.

Việt Nam Vi Phạm Về Buôn Lao Động

CAMSA làm thay đổi cách nhìn của Mã Lai

Vũ Quốc Dụng, ISHR

Thursday, June 24 @ 16:25:26 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1919

LTS: Lâu nay các công nhân Việt Nam phải chấp nhận bị tịch thu hộ chiếu khi vừa đặt chân đến Mã Lai. Đây là một hành vi tuy phi pháp nhưng rất phổ biến. Hậu quả là người công nhân không thể chạy thoát khỏi môi trường bị bóc lột. Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) xem hành vi này là sự tiếp tay cho việc buôn người. CAMSA đang tranh đấu để giới chức Mã Lai nhìn rõ bản chất và thay đổi quan niệm về vấn đề buôn người để bóc lột sức lao động.

.

Trong phiên xử ngày 18 tháng 6, toà án Banting ở Mã Lai đã bãi nại và trả tự do cho 8 công nhân Việt Nam bị cảnh sát Mã Lai bắt về tội cư trú quá thời hạn. Họ đã bị giam từ tháng Hai và nếu không được sự giúp đỡ tận tình của luật sư Daniel Lo thì họ đã bị kết án và bị trục xuất về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Luật sư Daniel Lo, trưởng văn phòng CAMSA ở Mã Lai, lý luận rằng họ là nạn nhân của công ty Spektra Alucast vì công ty này đã tịch thu hộ chiếu của họ và không chịu đem đi gia hạn. Lỗi này là lỗi của công ty cho nên luật sư muốn toà xem họ là vô tội. Lý luận vững chắc này đã thuyết phục công tố viên rút lại lời buộc tội các công nhân với kết quả là toà chấp nhận cho bãi nại. Ngoài ra, công tố viên cũng đã ra lệnh cho cảnh sát mở cuộc điều tra công ty Spektra Alucast về hành vi buôn người. Sau đó các công nhân Việt Nam đã được đưa về một trung tâm bảo vệ dành cho nhân chứng.

.

8 công nhân Spektra Alucast trong nhà giam của cảnh sát Mã Lai (ảnh CAMSA)

http://www.machsong.org/spaw/images/8%20workers%20in%20prison.jpg

.

Hoàn cảnh của các nam công nhân nói trên rất đáng thương. Họ thuộc nhóm 31 công nhân phần lớn là người thiểu số đến từ các vùng sâu vùng xa phía Bắc Việt Nam. Họ được các công ty môi giới Việt Nam tuyển mộ sang Mã Lai năm 2007 trong một tình trạng rất khuất tất là họ chỉ được xem và ký hợp đồng một ngày trước khi lên máy bay. Sang đến Mã lai thì họ bị giao cho công ty Spektra Alucast và bị công ty này bắt ký một hợp đồng khác mà họ không hiểu nội dung vì không biết tiếng Anh. Rồi công ty này đã tịch thu hộ chiếu của họ và chỉ trả lương cho họ trong 6 tháng đầu tiên. Từ đó về sau công ty này đã quịt lương, khiến họ phải sống lầm than cho đến ngày bị bắt. Văn phòng CAMSA ở Mã Lai đã tiếp nhận hồ sơ 31 công nhân Spektra Alucast từ đầu năm 2009 và giúp họ đòi lại các khoản lương trả thiếu, khoản tiền bồi thường vì bị sa thải trước thời hạn hợp đồng, khoản tiền bồi thường cho những đau đớn tinh thần và tâm lý khi bị bắt giam và mọi chi phí hồi hương. Nếu đòi được một số tiền bồi thường có thể lên đến trên một chục ngàn tiền Ringgit Mã Lai cho mỗi người, họ sẽ có khả năng trả nợ nần và còn dư một ít vốn để gây dựng cuộc sống mới.

Có người cho rằng đây chỉ là một vụ tranh chấp về hợp đồng với công ty Spektra Alucast. CAMSA quan niệm rằng vụ này nghiêm trọng hơn nhiều vì có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội buôn người. Một cách vắn tắt, các công nhân đã bị công ty môi giới Việt Nam lừa bán cho công ty Spektra Alucast, để cho công ty này bóc lột sức lao động của họ.

Như đã trình bày ở trên, không có bằng chứng nào rõ ràng hơn về sự bóc lột là việc các công nhân chỉ được trả có 6 tháng lương trong gần 3 năm trời. Trong khi đó họ lại không có cách gì để thoát thân khỏi môi trường bóc lột vì hộ chiếu của họ đã bị chủ sử dụng lao động thu giữ như một vật cầm thế. Họ không thể đi làm ở một chỗ nào khác mà cũng không thể trở lại Việt Nam vì không có hộ chiếu.

CAMSA nghe đồn rằng vì 8 công nhân này không chịu ngoan ngoãn nghe lời chủ và còn muốn thưa kiện chủ nên chủ đã báo cho cảnh sát đến bắt và đuổi họ về. Đuổi được họ về Việt Nam thì công ty Spektra Alucast sẽ không phải trả số tiền lương còn thiếu nợ họ và sẽ khỏi bị kiện tụng lôi thôi. CAMSA cho rằng chính sách thu giữ hộ chiếu là đầu mối của tình trạng nô lệ thời mới. Thời xưa người ta dùng xiềng xích với người Phi Châu thì thời nay người ta thu giữ giấy tờ tuỳ thân của người nô lệ da vàng. Đây là một vi phạm nhân quyền trầm trọng. Phải gọi nó là một chính sách vì nó được sự dung túng bởi cả 2 chính phủ Mã Lai và Việt Nam trong nhiều năm qua.

Qua vụ này người ta còn thấy một góc tối khác của vấn đề xuất khẩu lao động. Bơ vơ nơi xứ người, không rành tiếng nói, không thông luật lệ, người công nhân rất cần đến sự bảo vệ của chính quyền Việt Nam. Họ càng cần đến sự giúp đỡ nếu họ lại là người dân tộc thiểu số và không thể trình bày rành rẽ bằng tiếng Việt. Họ đã tìm cách liên lạc với công ty xuất khẩu, toà đại sứ Việt Nam và Phòng Quản lý Lao Động Việt Nam ở Kuala Lumpur để xin giúp đỡ. Toà đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur đã không trả lời cho các công nhân mà cũng từ chối tiếp cả vị luật sư người Mã Lai đến để bàn cách cứu các công nhân.

Một điểm lạ lùng khác là Phòng Quản lý Lao Động Việt Nam ở Mã Lai lại muốn các công nhân phải nhận tội để bị trục xuất về nước cho nhanh chóng. Người đại diện cho cục này là ông Nguyễn Quốc Khánh đã nhiều lần tìm cách thuyết phục các công nhân nên nhận tội. Luật sư trưởng của CAMSA đã hết lời giải thích cho ông ta rằng trước hết, các công nhân không có tội nên không thể nhận tội, thứ 2, nếu nhận tội và bị trục xuất thì họ sẽ rất khó trở lại Mã lai để kiện đòi trả lại số tiền bồi thường rất lớn. Tệ hại hơn nữa là Phòng Quản lý Lao Động Việt Nam ở Mã Lai đã hợp tác với công ty môi giới Việt Nam và công ty Spektra Alucast Mã Lai để gây sức ép với công nhân ngay tại các phiên xử. Họ đã mướn một luật sư khác để thay thế luật sư của các công nhân. Rất may trước toà, các công nhân đã dũng cảm và đồng thanh chỉ định vị luật sư của CAMSA là người đại diện hợp pháp cho họ.

Trong bản phúc trình về buôn người do bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 14 tháng 6 vừa qua, Việt Nam bị đưa xuống danh sách các quốc gia cần bị theo dõi vì chính phủ Việt Nam đã không có ý định chống buôn người một cách tích cực. Thí dụ về 8 công nhân Spektra Alucast là một bằng chứng mới. CAMSA hiện tiếp tục ghi nhận những hành vi gây áp lực với gia đình của 8 công nhân nói trên ở Việt Nam với mục đích bắt các công nhân phải xin tự nguyện hồi hương. Nếu có những viên chức chính quyền tham gia vào những hành vi này thì chính phủ Việt Nam sẽ khó biện bạch về việc cho xoá vết tích của các trường hợp buôn người.

Việc Mã Lai cho mở hồ sơ điều tra về vụ buôn người của Spektra Alucast được xem là một chuyển biến về ý thức chống nạn buôn người để bóc lột sức lao động của chính quyền Mã Lai. Buôn người là một tội phạm hình sự nên nếu bị kết án thì thủ phạm sẽ phải bị tù chứ không phải trả tiền bồi thường mà thôi. Cho nên vụ này sẽ có tác dụng răn đe rất lớn đối với những công ty sử dụng lao động Mã Lai và công ty môi giới Việt Nam.

==============

Đọc them :

Làm Sao Để Bài Trừ Nạn Buôn Người Ở Việt Nam?

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1920

CAMSA làm thay đổi cách nhìn của Mã Lai

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1919

CAMSA Phát Triển Đến Thủ Đô Malaysia

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1781

CAMSA Giải Quyết Cho Trên 50 Lao Động Việt Ở Mã Lai

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1640

.

.

.

No comments: