Saturday, June 26, 2010

THƯ NGỎ gửi Cô NGUYỄN THỊ HOÀNG BẮC

Thư ngỏ gởi cô Nguyễn Thị Hoàng Bắc

Mộc Lan
26-06-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7552

Thưa cô Hoàng Bắc

Em xin được tự giới thiệu mình là một fan âm thầm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Có lần em mượn được trong thư viện quận tập truyện ngắn “Long Lanh Hạt Bụi”. Em đọc thấy thích hơn truyện của Phan Thị Vàng Anh dù trước đó em cũng rất thích những truyện ngắn lãng mạn của nhà văn này.
Về sau, mua được tập truyện “Bên Lở Bên Bồi”, tuy không thích bằng “Long Lanh Hạt Bụi” nhưng vẫn thấy hay lắm. Những mẩu chuyện đời thường nhưng được người viết ngắm nghía qua những góc cạnh khác lạ rồi kể lại với một giọng văn hài hước, dí dỏm, có khi trầm trầm xa vắng, cộng thêm với những nhận xét sắc sảo bất ngờ nên rất ngộ nghĩnh và lôi cuốn.

Nếu so thứ bậc có lẽ em còn là học trò của học trò của cô nữa kia, nhưng em vẫn chỉ là một người đọc như trăm ngàn người đã đọc văn của cô. Hôm nay, em viết lá thơ này cũng tại vì một bài cô viết đăng trên talawas, kể lại chuyến về thăm Việt Nam mới đây của cô, ký sự Đến Rồi Đi”.
Đọc xong, suốt ngày em chẳng làm được việc gì ra hồn (tội nghiệp công ty bị em ăn gian tiền lương) và em thấy mình phải viết là thơ này đây, nó chắc sẽ làm cô không vui đâu, nên ngay lúc này đây cô có thể bấm tắt đừng đọc tiếp nữa.

“Đến Rồi Đi” bắt đầu bằng chuyện cô thấy cần sửa giọng để có thể hòa đồng với những người chung quanh. Tiếc thay, thiện ý đó không được khéo nên bạn đọc Hòa Nguyễn có nhận xét, “Bà Hoàng Bắc cười cợt về cách phát âm của người khác hơi… quá nhiều.”

“Buôn dưa lê với cháu nái xe một hồi thì biết cháu quê ở Quảng Linh, trước nái xe tải, bây giờ thì chuyển qua nái taxi,
Và thế nghĩa rằng thì là… tôi đang hiểu và biết nói được đến… hai thứ tiếng Việt! Ba mẹ tôi là người Trung, tất nhiên tôi sẽ dễ dàng hạ sang tone nặng trịch, rứa là tui nọi được tợi ba thự tiệng Việt rồi đó nghẹ. Thời buổi toàn cầu hoá, khuynh hướng nổi bật hiện nay là mỗi người nên tự trang bị cho mình ít nhất là hai sinh ngữ, bilingual, cho nó văn minh văn hoá, tôi thấy yên chí lớn, vì với khả năng nghe và nói tiếng Việt vừa rồi, tôi đã là multilingual rồi còn gì.”

Hồi nhỏ có lần em cũng nhại giọng nói miền này miền kia cũng chỉ đùa vui thôi, nhưng người lớn trong nhà bảo “Đừng làm thế, chửi cha không bằng pha tiếng”, từ đó hết dám! Nếu có nói cũng chỉ vài chữ ngắn rất thường như: ní nuận (để chỉ việc thích cãi cho những điều vô lý), hay, cũng rứa (cũng vậy), cái nớ (cái đó)... Chị dâu em, người miền Nam, ưa nói câu này: “Hổng dzè (không vè xe đạp) hả, hổng dzè thì bùng (bùn) dzăng (văng) đầy đầu!”

Cô Hoàng Bắc ơi! Em thật rất ngỡ ngàng khi thấy tác giả của những truyện ngắn với những câu văn nhẹ nhàng tinh tế ngày nào nay phải cần tới kỹ thuật chọc cười thường thấy ở những màn tấu hài rẻ tiền. Thật là buồn quá!

Nhưng thôi, cái nớ cũng chỉ là chuyện son phấn như bọn con gái chúng mình xanh xanh đo đỏ cho vui, cũng không quá quan trọng. Cô cứ coi em nhỏ này khó tính như bà già dzị đó.
Nhưng cái điều làm em buồn hơn là cô chê báo chí bên này mở ra chỉ toàn (ba cái thứ) sát cộng, diệt cộng…

“Như trưa nay khi về lại Mỹ, đi ăn trưa với vài người bạn tôi nhặt được trong mấy tờ báo tiếng Việt địa phương ở đây sử dụng, cũng vẫn cái luận đề sát cộng, diệt cộng năm mươi năm trước sặc mùi máu, mà máu của ai đây mới được chứ, máu đã đổ thành sông thành biển, tám mươi tám triệu người trong nước không ai đọc, không ai viết, không ai suy nghĩ, không ai chia sẻ những gì như ghetto người Việt ở đây viết dai, nói dài, đọc dở. Chúng ta đang tự đóng cửa rút cầu, tự cô lập, tự xa lạ mình với tổ quốc, đất nước gốc, với đồng bào ta để làm gì vậy?”

Cô ơi, em đang ở Maryland, nghĩa là hàng xóm của cô đó. Maryland cũng đâu nhỏ nhít gì, người Việt cũng đông chứ, vậy mà phải đọc ké báo Virginia hoài: Phố Nhỏ, Thủ Đô Thời Báo, Thời Mới Phụ Nữ Mới, Việt Mỹ Magazine, Hoa Thịnh Đốn, chưa kể những báo có cơ sở nơi khác như VietTide, Sài Gòn Nhỏ, Trẻ, Thời Báo...
Những báo đó đa số sống bằng tiền quảng cáo, nên bài viết một phần ba là tin tức thời sự, một phần ba là truyện tình cảm, kiến thức phổ thông, vui cười... còn lại là quảng cáo.
Báo chí như thế sao có thể “sặc mùi máu” được cô ơi. Mà các tin thời sự trên đó phần nhiều cũng lấy từ TuoitreOnline, Dân Trí, VietnamNet, hay RFA, BBC... chớ đâu xa lạ gì, mà cũng không thể đăng hết tất cả mọi sự thật đang diễn ra ở Việt Nam.
Em thấy mình phải đọc báo trong nước, blogger trong nước, nhà văn trong nước mới thấy người ta “chửi cộng” ghê gớm tới mức nào.
Em được biết ngày xưa cha ông mình khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát” khi ra trận diệt bọn Tàu xâm lược. Còn bây giờ, vài bài báo đăng lại các tin sập cầu Cần Thơ, xã hội đen tấn công tăng ni Bát Nhã, người dân nổi giận đốt xe công an, v.v... thì có chặt, có chém, có giết được ai. Vậy mà cô nỡ nói là sặc mùi diệt cộng, em thật không hiểu nổi.
Mà em xin hỏi cô, cái nhà nước cộng sản hiện nay dùng công an giả dạng côn đồ để đàn áp dân, dùng
những tòa án kangaroo để bỏ tù dân không xét xử, làm ra những pháp lệnh cấm mọi quyền tự do của dân, uốn mình dưới gót Tàu cộng để thống trị dân … thì mình nên gọi là như thế nào. Có thể gọi họ là “sát dân, diệt dân” được không, cô ơi?
Nhưng mà như vầy, tuần nào em cũng mua cho mẹ em 5 đồng tiền báo. Bà đọc hết (bà đã 80) nhưng không nói gì, chỉ lâu lâu dặn, “Này, đừng mua đồ (làm từ) Việt Nam nữa, độc lắm.” Không biết như mẹ em thì có bị gọi là “đóng cửa rút cầu, tự cô lập, tự xa lạ mình với tổ quốc, đất nước gốc, với đồng bào ta” không cô? Bởi Việt Nam bây giờ chỉ mong sao bán được đồ qua Mỹ thôi. Dù sao cũng nên thông cảm cho mẹ em, cô cũng là một người mẹ, cũng đâu muốn con mình bị gì đâu.

Nhưng cái điều làm em sốc nhất chưa phải là mấy chuyện vừa nói, cái làm em sững sờ đến mức không muốn tin vào mắt mình là những dòng chữ cô viết về Hồ Chí Minh. Em cảm thấy rất sốc và... ớn lạnh.

“Đi city tour thì tất nhiên phải có đi thăm Lăng Bác, vào thăm lăng bác âm u, các chị bộ đội dở mu ra chào, trời nắng, tôi không phải bộ đội nhưng chưa kịp dở nón nên bị anh cảnh vệ dữ dằn lừ mắt phất tay ra hiệu. Tôi thấy Bác nằm nghiêm trang, hồn hậu, đèn mờ nên mặt như mặt sáp, sau này vào xem ông Mao ở Trung Quốc cũng thấy không biết đâu là thật đâu là giả, nhưng nói chung, Bác Hồ mình đẹp trai hơn Bác Mao, theo tôi. Khu nhà ở của Bác nguy nga bát ngát, người tour guide nói tiếng Anh giới thiệu đây là nhà cũ của French Ambassador, một tên Tây trong đoàn xì xào, dạo đó Việt Nam là thuộc địa của Pháp thì làm sao có đại sứ?”

Cô ơi! Đến như những vua Pharaon Ai Cập ngày xưa dù ướp xác cũng được chôn đi, chẳng có thời đại nào xác lãnh tụ cứ được giữ tươi và để khơi khơi ra ngoài trừ chế độ cộng sản. Em thấy chỉ có một trường hợp xác chết không đem chôn mà giữ lại là bá tước Dracula thôi. Chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ nổi gai ốc cùng mình, vậy mà cô không sợ thì gan thiệt. Lại còn khen xác… đẹp giai.

Nhưng đến khi em coi lại những bài cô viết trước kia, mới thấy cô thường nghĩ tới Bác lắm cơ. Trong đoản văn
“Nghỉ hè” (2009), cô viết:

“Tôi sinh ở Thị Nghè Gia Định, ngày 14 tháng 3. Ngày đó Pháp còn lai rai ở Sài-gòn cho đến hiệp định Genève 1954. Ngày đó, Sài-gòn còn tên là Saigon hay Sè-goòng trước khi đổi là HoChiMinhgrad. Về mục này thì ông Hồ bằng ông Lenin, Stalin, Sihanook, và hơn ông Mao. Hiện nay thì Leningrad đã trở về với tên cũ St Petersburg, Stalingrad giờ là Volvograd, Sihanookville vẫn vậy, ông Hồ ăn điểm được hai ông. Nhưng Lenin, Mao và Hồ hơn Stalin vì xác ướp Stalin đem chôn rồi mà xác ba ông này còn nằm trong tủ đá. Đong qua đếm lại một hồi, quá mệt, thì bác mình được cả hai, vừa thành phố vừa tủ lạnh, nhất thế giới. Ông Lenin ở nước Nga, mà sao lại đứng vườn hoa nước mình, nghe nói Hồ cũng cạnh tranh vượt chỉ tiêu qua mặt đàn anh luôn vì hiện ông có đứng ở Cuba nữa cơ.”

Em đọc, muốn té xỉu, “bác mình” là bác của ai thưa cô Hoàng Bắc. Cô đùa kiểu này thì em thua! Mà sao cô không so sánh luôn giữa 4 người họ: Lênin, Stalin, Mao, Hồ - ai “vượt chỉ tiêu”, qua mặt ai về vụ giết hại, đày ải, giam cầm nhiều người nhất. Chắc cô chưa đến thăm đài Tưởng niệm các Nạn nhân Cộng sản ở Washington D.C., có hơn 1 trăm triệu người đã chết, còn con số những người bị giam cầm, đến nay vẫn còn chưa tính được là bao nhiêu.
(Mà hỏi thiệt nha, cô muốn được gọi là “người Sài Gòn” hay “người Hồ Chí Minh” đây?)

Nhưng có lẽ cô cũng có lý riêng khi nói tới ông Hồ bằng cái kiểu đùa cợt vui vẻ như thế vì đối với cô ông Hồ là một người khả kính, thậm chí đáng thương nữa kia.

“Cụ già xứ Nghệ sống thanh đạm và có vẻ lặng lẽ, tủ sách nhỏ, vài quyển sách cũ đã tróc gáy, sờn bìa, thậm chí mất cả bìa, giấy ố vàng rất giống mấy quyển sách của ông già tôi khi ông về hưu; vườn hoa, ao cá, nhà sàn, khu vườn mênh mông, nếu hồi ký sách vở của vài nhân vật thân cận Bác nói đúng thì những năm cuối đời không được các đồng chí cho tham gia việc nước, suốt ngày cứ ra vào vỗ tay nói chuyện với cá không biết nói chỉ biết đớp mồi, ông cụ sống cô tịch lặng lẽ mà lại không được la đà tiêu dao thoải mái rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp, gót sen theo đủng đỉnh một đôi dì, vừa hé ra một dì Xuân gì đấy đã bị Bộ Chính trị tàn sát ngay, tôi thấy tội nghiệp Bác, sống thế có khác gì Bác đang bị cầm tù… Tuổi già của mọi người, dù là của một người thông minh kiệt xuất như ông cũng không hơn gì bọn dân ngu như tôi, rồi mình sẽ có chuyện để tự an ủi nếu lỡ có buồn khi về hưu bị ngồi một mình…”

Cô Hoàng Bắc ơi! Tình cảm của cô, suy nghĩ của cô... em không dám nói dzô nói ra gì đâu. Em chỉ thắc mắc một điều rằng nếu ông già xứ Nghệ đó thật hiền hòa, vô hại như thế sao cứ ai trong nước muốn tìm hiểu về ông ta thì bị lãnh búa vào đầu?

Đó đó, mới vừa rồi đây thôi,
cô giáo Bích Hạnh chỉ khuyên các học sinh nên cẩn thận với thông tin trên mạng vì gần đây cô ấy thấy có bài viết của tác giả Lê Hữu Mục nói rằng Nhật Ký Trong tù không phải của Bác Hồ. Chỉ có vậy mà “người ta” cũng đuổi cô ấy ra khỏi trường.
Họ sợ cái gì vậy? Sợ những thông tin “ngoài luồng” sẽ nói xấu ông Hồ a? Sách khen ông Hồ đâu ít đâu, trước tiên là có “Sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của HCM” của Trần Zân Tiên; các tác giả Tây Mỹ khen ông ta cũng đâu ít, trong quyển “Hồ Chí Minh - Nhận định Tổng hợp” Minh võ có ghi kỹ lưỡng từng người đó mà. Chèng đéc ơi, ông Hồ là thánh sống, được thờ cúng trong nhà, ngoài đình chùa miếu đủ thứ. Rứa thì lo cái gì. Sao không để cho lớp trẻ tự do tìm hiểu về ông Hồ, bưng bít làm chi cho mệt.

Rồi cô còn trách sao có người cứ gọi ông Hồ bằng những danh từ nghe kỳ cục quá:

“Nhưng đến Hà Nội thì tôi thấy cái gì là cội nguồn, cái gì là lịch sử, và cái gì là các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải ra công giữ nước. Khi lên biên giới đến xem Hữu Nghị Quan thấy cột mốc biên giới quả có bị lùi lại thật, quả các đồng chí công an Trung Quốc có dương oai diệu võ thật, người nói câu nói trên dù có là ai đi nữa cũng không thể bị/được gọi bằng những từ xỏ xiên như già hồ, cáo hồ, giặc hồ, con hoang của Hồ Sĩ Tạo…”

Cô ơi, ông Hồ mà có bị mắng chửi thì cũng tại là do các “cháu” của ông ta thôi, vì bây giờ ai cũng biết các “đồng chí công an Trung Quốc diễu võ dương oai” được cũng chính vì “bác cháu ta” đã đồng lòng làm tay sai và dâng đất dâng biển để họ có được cái ghế cao ngày nay.

Từ lúc còn nhỏ, em đã được dạy rằng nếu không muốn người ta phiền hà ba má mình thì con nít không được làm chuyện bậy bạ. Còn bây giờ, những người tự xưng là “cháu của Bác” kia một mặt cứ nói hoài về cái- gọi-là Đạo-đức-Hồ-Chí-Minh, nhưng mặt khác lại hành xử như côn đồ, bạo chúa, thì người ta mắng “Bác của cháu” cũng đâu có oan. Nếu người cháu, người con nào biết thương, biết quý bác mình, cha mình, thì chẳng bao giờ làm ra những chuyện bậy bạ đâu. Vậy thì Bác có bị chửi này nọ cũng là lỗi của chính các “cháu” thôi. Cô là người mẹ, chắc cô đâu muốn con mình làm điều xấu để người ta chửi cha chửi mẹ chúng. Em nói vậy có đúng không cô?

Thưa cô Hoàng Bắc,

Thành thực mà nói, em phải công nhận văn cô viết vẫn còn có nét lắm, vẫn đậm đà “trào và tự trào”. Văn cô ăn đứt mấy ông Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Khoa Thái Anh gì gì kia. Thế nhưng, đó chỉ là bề ngoài, còn bề trong thì... Nếu trước kia “Long lanh hạt bụi”, “Bên lở bên bồi”, đã nở bông hoa xinh đẹp trong em thì “Đến rồi đi” lại như một đám ruồi nhặng, ở đâu chợt kéo đến, bu đen, rút rỉa, cắn xé. Chúng đến rồi đi, để lại sau lưng một đống xám xì bầm dập.

Thưa cô Hoàng Bắc,

Cô còn nhớ không những gì cô viết, đăng trên
Hợp Lưu, và được tác giả Nguyễn Văn Lục trân trọng ghi lại:

“Khi mới bắt đầu cầm bút, tôi thường dựa vào những chuyện riêng tư của mình, của đời sống hằng ngày mà mình quan sát được, đem nó vào văn chương, vào mục đích muốn giải bầy một điều gì đó, một quan niệm sống, một chia sẻ nỗi đau với người đồng cảnh, một lời tâm sự, một nỗi đau lòng, một mối thiết tha...”

Cô ơi, người dân mình đã đau khổ quá rồi, ai cũng muốn được sống yên, sống vui. Nhưng rồi cũng chẳng được yên, nói chi đến vui. Đất nước, tình người, dân trí… cứ sạt lở từng vạt từng mảng để bồi đắp cho túi ai đó thêm to thêm đầy. Đúng là “Bên lở - Bên bồi”.

Cũng muốn kể với cô, từ lúc cô không viết nữa, em lại kiếm được truyện của những nhà văn nữ khác, Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng khỏi nói ha, nhưng còn có những tay bút khác cũng có nét lắm như Phong Diệp, Trang Hạ, Trần Thùy Mai, Trần Thu Trang...

Có cái vui là dường như ngày càng nhiều những người viết trẻ đầy nhiệt huyết và tài năng như thế. Nếu như cái bên “Nguyễn Thị Hoàng Bắc” ngày kia bỗng nhưng sạt lở mất, thì bên đám đó như dải đất mới cứ được bồi đắp thêm hoài. Cũng là “Bên lở - Bên bồi”.

Thưa cô Hoàng Bắc,

Nếu như cô đọc đến hàng chữ cuối cùng này, em rất cám ơn. Đừng trách tại sao em đã nói cho mọi người nghe suy nghĩ riêng tư của em đối với cô, cô nhé. Bởi vì em cũng như cô, cũng có những điều ấm ức trong lòng, và cũng chỉ muốn giải bày một điều gì đó…
Trân trọng.

© DCVOnline

.

.

.

Nguyễn Thị Hoàng Bắc – Đến rồi đi 02/06/2010 - talawas

.

Thư gửi cô Nguyễn Thị Hoàng Bắc Jun 9th, 2010 - Phạm Tín An Ninh

.

.

.

No comments: