Sunday, April 26, 2009

TƯỜNG TRÌNH CUỘC BIỂU TÌNH ĐẢ ĐẢO NÔNG ĐỨC MẠNH TẠI TOKYO

Hèn
Lê Mỹ Hân từ Tokyo - Nhật Bản
vietnamexodus Saturday, 25, April
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/modules.php?name=News&file=article&sid=2451
Tôi đang đứng trước cổng khách sạn New Otani trong một ngày đầu Xuân có mưa phùn nhẹ. Bên cạnh tôi là một số bà con đồng hương người Việt tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ phất phới trong gió, cùng biểu ngữ có hình ảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bàn tay hộ pháp của tên công an chìm bịt miệng ông. Tất cả đang hào hứng dàn hàng chờ đón Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh cùng tùy tùng đến thăm hữu nghị Nhật Bản.
Hình :
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vneimages/news/hen.jpg

Lần này, ông Mạnh đến Nhật trong chuyến viếng thăm chính thức 4 ngày (19-22/4). Nói văn hoa thì nó được xem như là hành động hòa dịu để thúc đẩy quan hệ hai quốc gia mà mới vừa đây gặp khá nhiều rắc rối. Còn nói trắng ra là ông Mạnh qua Nhật với mục đích xin lỗi chính phủ Nhật vì chính quyền của mình đã tham nhũng tiền viện trợ ODA, cộng thêm nhiều tai tiếng từ vụ hối lộ cho nhân viên Cộng Sản của công ty PCI và vụ nhân viên hàng không Việt Nam chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam tiêu thụ.
Đây là lần thứ hai ông Mạnh đến Nhật Bản trong vai trò tổng bí thư. Lần trước là vào năm 2002.

Hôm nay, 21-4-2009 ông đến khách sạn New Otani gặp gỡ nhiều nhân viên cao cấp khác cùng đại diện các công ty kinh doanh và dùng bữa trưa tại khách sạn. Đó là cái lý do mà chúng tôi đang có mặt tại đây, dàn hàng chào đón ông bằng những lá cờ vàng ba sọc đỏ, cùng những tấm biểu ngữ viết bằng hai thứ tiếng Việt- Nhật: "Đả đảo Nông Đức Mạnh! Đả đảo tập đoàn Việt gian Cộng Sản bán nước! Đả đảo quân ăn cắp!"

Tôi ít khi nào quan tâm đến những chuyến viếng thăm của nhân viên Cộng Sản Việt Nam, cũng ít tham gia những cuộc biểu tình như thế này. Hôm nay tôi đến đây còn có thêm một mục đích khác, đó là gặp một vị khách người Nhật, ông quan tâm tới 2 quyển sách của tôi và ngỏ ý muốn được nói chuyện riêng trong dịp này. Trùng với ngày tôi có ca làm buổi tối nên đồng ý nhận lời gặp ông, nhân tiện mang theo hai cuốn sách tặng cho ông làm kỷ niệm.

Theo như hội ý từ trước, bà con ta gặp nhau tại nhà ga Yotsuya vào lúc 10 giờ sáng. Tôi chưa đến Yotsuya lần nào nên phải nhờ chồng hỏi thăm đường sá. Anh chồng hăng hái vào mạng lưới nhện tìm đường cho vợ, đến đâu, chuyển ga nào, đi theo tuyến nào. Anh ta ghi ra giấy và bắt tôi phải sao chép lại cho thuộc lòng vì anh ta biết tính "đoảng" của vợ. Thế nhưng khi tôi tới ga Otemachi, tìm mãi cũng chẳng thấy tuyến Namboku đâu cả. Otemachi là một ga khá vĩ đại nằm sâu dưới lòng đất ở trung tâm Tokyo, bạn có thể lội bộ rạc cẳng dưới nhà ga này cả tiếng đồng hồ mà tôi cam đoan bạn chưa khám phá hết mọi ngõ ngách của nhà ga. Nói như vậy thì bạn đủ hiểu nó to cỡ nào rồi.

Nhìn tới nhìn lui, nhìn xuôi nhìn ngược mà không kiếm đâu ra tuyến Namboku, tôi đành chạy lại hỏi nhân viên soát vé. Ông trả lời tôi rằng Namboku không nằm ở Otemachi, nó cách đây chừng 4, 5 ga theo tuyến Tozai (tức là tôi phải quay lại tuyến cũ leo lên tàu điện và đi thêm 4, 5 ga nữa mới đến). Nhìn xuống đồng hồ đã là 10 giờ 5 phút sáng, tôi luống cuống chưa biết giải quyết ra sao vì tôi đã ra khỏi cửa soát vé. Ngần ngừ một hồi tôi lại hỏi tiếp ông rằng từ đây đến Yotsuya đi tuyến nào thì đến được. Ông vui vẻ trả lời chỉ cần đáp tàu tuyến Chiyoda và thêm một tràng dài tiếng Nhật tôi nghe lùng bùng lỗ tai câu được câu mất. Tuy nhiên để đến được Chiyodasen tôi phải đi bộ một quãng đường dài 460m (gần nửa cây số). Khi xuống tới tuyến này, tôi căng mắt tìm ga Yotsuya nằm trên bảng hướng dẫn của Chiyoda mà không thấy đâu cả, tôi lại lội ngược trở lên trên hỏi nhân viên soát vé. Ông ta biết tôi là người ngoại quốc nên nói chậm hơn và giải thích cặn kẽ hơn rằng tôi phải đi xuống cầu thang máy, lên tàu bên tay phải rồi đổi qua tuyến Marunouchi ở Asakasa Mitsuke thì mới tới được Yotsuya. Tôi cảm ơn ông và bước vội ra thang máy. Thế nhưng thay vì lên tàu bên tay mặt thì luống cuống làm sao mà tôi lại leo ngược qua tàu bên tay trái. Đi gần hết một ga mới nhận ra sự sai lầm của mình nên tôi xuống ở ga kế tiếp, đổi
chuyến tàu ngược lại. Cuối cùng thì tôi cũng đến được Yotsuya vào đúng 10:50 phút.

Điểm tập trung của bà con là trước cổng trường đại học. Khi tôi đến nơi thì đã có vài người đứng chờ, anh Dũng, chú Long, anh Ngọc và một số cô gái tôi chưa biết tên nhưng nhớ mặt trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương mới tổ chức hồi cuối tháng Ba vừa qua.

Và bây giờ là 11:31 sáng, toàn bộ nhóm biểu tình đang có mặt trước cổng khách sạn New Otani đón trận đầu phái đoàn của Nông Đức Mạnh. Trong thời gian chờ đợi, tôi lôi máy ảnh ra chụp vài tấm trước. Sau đó để dành quay một đoạn phim vậy mà chỉ mới quay được một khúc ngắn thì máy báo hết pin. Tôi lại rủa thầm cho sự vụng về của mình tối hôm qua quên không xem lại pin trước.

Phía bên kia đường có một số người mặc đồ vest đen đứng nhìn qua bên nhóm biểu tình. Họ là cảnh sát đô thành được lệnh bảo vệ an ninh quanh khu vực này, họ cũng sợ nhóm biểu tình nóng giận, mất bình tĩnh rồi gây rối. Anh Dũng kể cho tôi nghe rằng lần trước còn có cả cảnh sát chống bạo động. Lẫn trong đám cảnh sát đô thành Nhật, có một hai gương mặt lạ đứng núp sau thân cây hé máy quay phim về nhóm biểu tình, chắc là nhân viên Sứ Quán Việt Cộng. Tôi nhìn sang nhưng do khoảng cách khá xa nên không thấy rõ lắm. Mấy anh nhân viên Sứ Quán này thật là dở hơi! Bà con có mặt nơi đây đâu có ai yếu bóng vía mà mấy anh định quay phim đặng hù dọa, nếu sợ thì họ đã không đến.

Một anh đứng bên cạnh tôi hỏi anh Dũng:
- Tụi bên đó là đều là Việt Cộng hết hả anh?
Anh Dũng lắc đầu, trả lời chậm rãi:
- Đâu có, Việt Cộng làm gì ăn bận lịch sự mặt mày sáng sủa như vậy, họ là cảnh sát Nhật đấy. Tụi Việt Cộng thằng nào thằng nấy mặt mày tối thui à.

Tôi nghe anh Dũng trả lời ông bạn mà phì cả cười. Anh Hay một tay giữ chặt cán cờ đang bị gió thổi mạnh, một tay nắm lại giơ lên cao liên tục, miệng hô đả đảo. Hình như anh đang luyện tập trước để chút nữa hét cho thật to. Gia đình anh là người Việt Nam duy nhất sinh sống tại tỉnh Nagano mà hồi tháng Tám năm 2008, bà con ta cũng tập trung lên đó biểu tình chống rước đuốc Bắc Kinh. Và anh cũng là một gương mặt người Việt làm ăn thành đạt ở xứ sở này. Vợ chồng anh mở công ty về xây cất, nhân viên dưới quyền anh toàn là con cháu Thái Dương Thần Nữ. Tôi tự hào là một đồng hương người Việt với anh.
- Anh Hay này, anh xuống đây bằng xe điện hay xe hơi?
- Bằng xe nhà cô à, đi xe điện thì đâu mang được mấy thứ này.
Anh đưa tay chỉ vào những tấm biểu ngữ mà mấy chàng nhân viên của anh đang giương cao. Tôi lại buột miệng thốt lên:
- Trời ơi! Yêu nước mà cũng cực khổ quá anh há!
- Thì đó, may mà mình sống ở xứ tự do, thoải mái đi biểu tình. Chứ còn trong nước, Cộng Sản nó nhốt tù như chơi.
Tôi lại đưa tay chỉ vào tấm hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý:
- Giống như Cha Lý bị bịt miệng há anh.
Mặt anh Hay đanh lại. Tôi nghe ai đó chửi đổng:
- Đù má tụi Cộng Sản bán nước, đù má thằng Nông Đức "Cặc", cặc chứ Mạnh gì nó.
Tôi lại phì cười, tôi hiểu nỗi lòng bực tức của anh, làm người dân nước Việt ai mà không bàng hoàng xót xa khi từng tấc đất, tấc biển của tổ tiên để lại cứ dần dần bị tập đoàn Cộng Sản cắt xén, biếu dâng cho Trung Cộng.

Theo thông báo từ cảnh sát thì chỉ còn ít phút nữa xe của phái đoàn Việt Cộng sẽ tiến đến. Tôi đưa tay đếm đầu người, đâu được khoảng hai chục kể cả hai đứa bé. Thấy ít ỏi quá, tôi lại hỏi anh Dũng:
- Sao anh không huy động đông đông bà con cho có thêm "khí thế".
- Cũng phải thông cảm cho bà con mình vì hôm nay là ngày đi làm, với lại xa xôi quá. Đến vợ chồng ông Hội Trưởng Hiệp Hội Người Việt còn không xin nghỉ được nữa mà...
Tôi gật đầu đồng ý, phải là ngày thứ Bảy hoặc Chủ Nhật thì chắc có nhiều người tham gia. Thế nhưng, những cuộc viếng thăm kiểu này đâu bao giờ rơi vào ngày cuối tuần.

Tiếng ai đó hét lớn:
- Tụi nó tới rồi kìa!

Bà con ta nhào lại gần nhau hơn. Cảnh sát đã chặn xe hai đầu đường khách sạn để chiếc xe mô tô dẫn đường. Anh Hải cầm loa chĩa về đoàn xe hô lớn:
- "Đả đảo Nông Đức Mạnh!"
Lập tức bào con hưởng ứng:
- "Đả đảo,đả đảo, đả đảo!"
Anh Hải lại tiếp tục:
- "Đả đảo tập đoàn Việt gian Cộng Sản bán nước"
- "Đả đảo,đả đảo, đả đảo!"
- "Đả đảo quân ăn cắp!"
- "Đả đảo,đả đảo, đả đảo!"

Đoàn xe rẽ ngoặt vào đường một chiều tức là cổng ra (out), thay vì đàng hoàng đi vào cổng vô (in).

Cứ thế tiếp tục tiếng hô "đả đảo" của nhóm biểu tình vang rầm trời cho tới lúc đoàn xe lọt vào hẳn bên trong khách sạn. Anh Dũng hô lớn:
- Thôi, bà con ta "kiuke" (nghỉ giải lao) một lát, đợi tụi nó trở ra mình "đả đảo" tiếp.

Mọi người tản ra để dành cho lối đi của người bộ hành. Tôi đứng nãy giờ cũng đã mỏi chân nên lại bậc thềm dẫn lên nhà thờ ngồi nghỉ. Lá cờ vàng ba sọc đỏ nhỏ xíu vẫn còn trên tay mình. Tôi mân mê lá cờ, lật qua lật lại. Lá cờ đẹp thật! Bỏ qua về chính trị và ý nghĩa, mà chỉ đánh giá về mặt thẩm mỹ thì tôi phải công nhận vị tiền nhân nào thiết kế lá cờ này quả có cặp mắt đầy nghệ thuật! Hình dáng, màu sắc của lá cờ đập ngay vào mắt người xem một cái nhìn thiện cảm. Ngay tại Tokyo, tôi bắt gặp nhiều nhà sách, nhiều bảng hiệu có sơn nền vàng ba sọc đỏ như biểu tượng cờ của Việt Nam Cộng Hòa ngay trước cửa. Chồng tôi bảo rằng vì nó đẹp và dễ đập vào mắt người đi đường.
Tôi không có ác cảm lắm với lá cờ đỏ sao vàng của Việt Cộng, vì từ nhỏ đến lớn tôi chỉ biết có mình lá cờ này. Chỉ nói riêng về mặt thẩm mỹ thì quả nó khác xa một trời một vực với lá cờ vàng ba sọc đỏ. Và về ý nghĩa thì còn xa hơn nữa.
Lá cờ nền vàng tượng trưng cho màu da vàng của dân Việt, thêm ba sọc đỏ là máu thịt của con dân ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Một lá cờ mang ý nghĩa thật tuyệt! Thật Việt Nam!
Riêng lá cờ đỏ sao vàng thì tôi được cô giáo giảng giải từ ngày còn đi học rằng màu đỏ tượng trưng cho máu cha ông ta hy sinh vì đất nước, bốn góc là bốn Bể, còn ngôi sao vàng năm cánh chính giữa tượng chưng cho năm Châu. Ừ mà cũng phải thôi, tôi nhớ ông Hồ đã từng làm thơ dưới đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rằng ông muốn "đưa thế giới đến đại đồng" mà. Thôi thì để ông Hồ cùng với ông râu xồm và ông Lê Nin đưa thế giới địa phủ của ổng tới đại đồng đi!

Bên trong khách sạn, Nông Đức Mạnh đang xum xoe nịnh hót kêu gọi thêm đầu tư từ phía Nhật. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bi đát. Kinh tế Nhật thì cũng te tua, hàng hóa xuất cảng giảm hơn 50%, hàng hóa nội địa bán không chạy. Các công ty ầm ĩ loan báo lỗ và đang tiến hành sa thải nhân viên hàng loạt. Với tình hình này, liệu ông Mạnh kêu gọi thêm được bao nhiêu đầu tư từ phía Nhật?
Chỉ hai năm về trước, báo chí Nhật Bản viết rất nhiều về "con rồng Việt Nam đang cựa mình vươn lên". Ngay tại các nhà sách, sách nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn tất cả. Họ tâng bốc nền kinh tế của Việt Nam lên đến mây xanh, họ kêu gọi hãy đầu tư vào Việt Nam, ai muốn kiếm tiền hãy đến Việt Nam. Quả thật, có nhiều người Nhật ôm tiền đến Việt Nam đầu tư cổ phiếu, và rồi con rồng đang vươn lên bỗng lộn nhào khiến nhiều ông treo cổ tự tử.
Đối với người Việt Nam ta thất bại là mẹ thành công, mất rồi ta có thể làm lại từ đầu. Nhưng đối với người Nhật thì nếu thất bại thường họ tìm đến cái chết. Cho nên Nhật là đất nước có tỉ lệ người tự tử cao nhất thế giới.

Một số người bộ hành đi ngang qua, thấy nhóm người biểu tình, họ dừng chân đọc biểu ngữ và đưa ngón tay cái giơ lên tỏ vẻ đồng tình. Có một vị khách đi ngang qua rồi quay ngược trở lại đọc thật kỹ, ông nói với nhóm biểu tình:
- Phải làm mạnh hơn, phải tập trung nhiều người hơn nữa.

Tôi quay lại nhìn nhóm biểu tình, vẻn vẹn chỉ có 20 chục người. Nhóm cảnh sát đô thành Nhật đứng rải rác quanh khu vực này còn đông hơn số người biểu tình. Đường đường là tổng bí thư đảng Cộng Sản, là Vua một cõi thét ra lửa mửa ra khói, thế mà lại sợ hãi một nhóm loe ngoe chỉ vài ba người, đoàn xe phải rẽ vào đường một chiều. Tôi buột miệng thốt lên:
- Cộng Sản sao mà hèn thật!

Cô gái đứng bên cạnh tôi cũng thêm vào:
- Ờ há chị, làm gì mà cứ phải trốn tránh. Ở mấy nước tự do thì việc biểu tình chỉ là chuyện thường ngày đâu có gì to tát.

Anh Dũng thì bảo rằng vì tụi Cộng Sản biết cảm thấy có tội nên lúc nào cũng hành động lén lút. Tôi quay qua chọc ghẹo cô bé đang đứng giữ tấm biểu ngữ:
- Cháu không sợ về Việt Nam bị công an bắt à. Tụi nó quay phim hết rồi đấy!
- Sợ gì chứ cô.
Một cô bé khác xen vào:
- Cháu mới qua có vài bữa mà còn dám đi nè!
- Ừ cô biết rồi, dân Đồng Nai đâu sợ gì Cộng Sản.

Đúng 1:40 chiều, xe của phái đoàn Cộng Sản Việt Nam quay trở ra. Nhóm biểu tình lại ùa lên hô vang "Đả đảo Nông Đức Mạnh! Đả đảo tập đoàn Việt gian Cộng Sản bán nước! Đả đảo quân ăn cắp!" Bà con đồng loạt hô vang trong vòng 5 phút. Lúc đoàn xe khuất hẳn thì ngưng, chuẩn bị dọn dẹp hành trang, cờ quạt để ra về. Cộng sản đi hết rồi con ai lảng vảng ở đây nữa đâu mà biểu tình đả đảo.

Trời đã ngưng hẳn mưa, ánh nắng le lói sau nóc nhà thờ đối diện khách sạn. Bà con tản ra, ai về nhà nấy. Tôi cùng anh Hay rảo bước trên con đường tiến về nhà ga. Vị khách người Nhật bên cạnh vừa đi vừa bắt chuyện. Ông lôi trong cặp sách hai cuốn tạp chí của hội đoàn mà ông tham gia để tặng tôi. Tôi cũng tặng lại ông hai cuốn sách của mình, hy vọng sẽ có một ngày nào đó sách của mình sẽ được dịch ra tiếng Nhật cho nhiều người Nhật cùng đọc để hiểu thêm về đất nước của tôi, hiểu thêm về cuộc sống của người dân Việt sống dưới chế độ Cộng Sản.

Tokyo 24-4-2009
Lê Mỹ Hân

No comments: