Thursday, April 30, 2009

NGƯỜI DI TẢN 1975 TRỞ LẠI THĂM HÀNG KHÔNG MẪU HẠM USS MIDWAY

Hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A thăm con tàu cứu mình 34 năm trước
Ðỗ Dzũng/Người Việt
Wednesday, April 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94159&z=1
Hôm 28 Tháng Tư vừa qua chắc không phải là lần đầu tiên nhà báo Nguyễn Tú A khóc.
Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên ông khóc sau 34 năm.
Mà lại khóc nức nở như đứa con nít.
Chỗ ông đứng khóc là nơi ông và vợ và con gái từng ở trong ba ngày sau khi được di tản ra khỏi Việt Nam lúc cuộc chiến Ðông Dương kết thúc hồi năm 1975.
Ðó là hàng không mẫu hạm USS Midway, từng cứu hơn 3,000 người Việt Nam tị nạn trong hai ngày 29 và 30 Tháng Tư, 1975, trong đó có gia đình ông Nguyễn Tú A.
Ðứng bên cạnh ông trên hàng không mẫu hạm thứ 41 của Hoa Kỳ là nhà báo Kiều Loan, người bạn đời của ông.
Lúc đó, hai người mang theo cô con gái ba tuổi Minh Thơ. Riêng nhà báo Kiều Loan có bầu ba tháng cô con gái Hoài Hương, nay là một luật sư.

Hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A và Kiều Loan với tấm hình con gái Minh Thơ. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94159-medium_NVHN-090429-Midway%201.JPG

Hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A và Kiều Loan ẵm con gái 3 tuổi Minh Thơ (bìa phải) vừa đáp xuống USS Midway ngày 29 Tháng Tư, 1975. (Hình: US Navy Photos)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94159-medium_NVHN-090429-Midway%202.jpg

Ông Vern Jumper (giữa) chỉ cho hai nhà báo Nguyễn Tú A và Kiều Loan những tấm hình trong chiến dịch Operation Frequent Wind. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94159-medium_NVHN-090429-Midway%204.JPG

Gặp lại ân nhân
Ðứng bên cạnh hai vợ chồng nhà báo này sau 34 năm là ông Vern Jumper, giờ đã 77 tuổi, Air Boss của USS Midway trong thời gian tham gia chiến dịch Operation Frequent Wind, ngoài khơi Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 Tháng Tư, 1975, để cứu những người tị nạn.
Air Boss là người ngồi trên đài kiểm soát không lưu trên hàng không mẫu hạm và chỉ huy máy bay lên xuống.
Trong lúc vợ nắm chặt tay ân nhân Vern Jumper, nhà báo Nguyễn Tú A vừa khóc vừa nói: “Tôi không ngờ mình được trở lại USS Midway sau 34 năm. Lúc đó, chỉ biết đưa vợ con đi thôi, không biết sống chết thế nào. Lên được tàu mà lo lắng vô cùng. Trong bữa ăn đầu tiên, tôi được một quả táo, rất quý, vì thứ này lúc đó ở Việt Nam rất đắt. Không ngờ mình đến được bến bờ tự do hơn 30 năm, may mắn hơn rất nhiều người.”
“Thật là cảm động và tuyệt vời được nhìn lại con tàu sau 34 năm,” nhà báo này nói tiếp.
“Lúc đó, chúng tôi chẳng biết đi đâu nữa. Sau khi được máy bay đưa lên tàu, chúng tôi ở đây ba ngày rồi được chuyển sang tàu khác đi đảo Guam. Ba ngày sống trên tàu là ba ngày sung sướng nhất. Chúng tôi được USS Midway tiếp đón rất tử tế,” nhà báo Kiều Loan chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Tú A nói tiếp: “Ngoại trừ ông Nguyễn Cao Kỳ được đưa lên sống ở phòng thuyền trưởng, còn lại tất cả đều được tiếp đón như nhau, cho dù là tướng hay tá.”
Nhà báo Kiều Loan tiếp: “Tôi từng đi qua Mexico nhiều lần, ngang qua San Diego, nhưng không biết USS Midway đậu ở đây. Hôm nay là lần đầu tiên tôi bước lên tàu sau 34 năm. Thật là cảm động.”
“Ðối với tôi, mọi việc cứ như là mới xảy ra hôm qua,” ông Vern Jumper nhớ lại. “Các phi công trực thăng QLVNCH lúc đó chẳng biết phải làm gì vì chưa bao giờ họ đáp xuống hàng không mẫu hạm. Họ phải can đảm lắm mới đáp xuống an toàn.”

Hoàn thành sứ mạng

“Phải nói là chúng ta rất may mắn và được Thượng Ðế che chở. Không có chiếc máy bay nào bị rớt trong lúc đáp xuống USS Midway. Không ai thiệt mạng. Lúc đó, USS Midway không có hàng rào xung quanh như bây giờ. Con nít chạy khắp nơi, nhưng không ai rớt xuống biển,” ông Jumper kể tiếp.
Trong hai ngày, hơn 3,000 người “đáp” xuống USS Midway và ở đó suốt ba ngày cùng với khoảng 4,500 thủy thủ. Nhưng không có một sự việc nào đáng tiếc xảy ra.
Ông Vern Jumper kể: “Chúng tôi để một số gia đình ngủ dưới các máy bay. Một số khác có trẻ em thì được các thủy thủ nhường phòng để ở. Mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp mặc dù không thoải mái lắm. USS Midway chỉ đủ chỗ cho 4,500 thủy thủ mà lại nhận thêm 3,000 người là một việc chưa từng xảy ra.”
“Khi vừa đám xuống tàu, tất cả chúng tôi đều bị lục soát, ai có vũ khí đều bị tước hết. Vì thế, trên tàu rất an ninh,” nhà báo Nguyễn Tú A kể thêm.
Tuy mừng vì được trở lại thăm USS Midway, nhà báo Nguyễn Tú A cũng cảm thấy buồn nhớ lại tình cảnh 34 năm trước.
Ông kể: “Hôm đó, tôi đang ngồi tại tòa soạn hãng thông tấn AP trên đường Lê Lợi, nghe đài phát thanh phát bài 'White Christmas,' rồi thấy nhiều người Mỹ đứng lên. Tôi đi theo họ ra sắp hàng tại góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà khác, chờ trực thăng bốc ra hàng không mẫu hạm Midway, thuộc Hạm Ðội 7, lúc đó đang đậu ngoài khơi Việt Nam. Trên đường đi, tôi cảm thấy rất buồn. Khi lên tàu, thấy một ông tướng cầm tô đi xin cháo, một ông tướng khác ngồi cắt những ngôi sao trên cổ áo mình.”
Sau đó, ông Jumper dẫn mọi người đến một chiếc trực thăng UH-1 Huey, loại thường dùng trong cuộc chiến Việt Nam, và kể: “Có nhiều điều lạ mà cho đến giờ tôi không hiểu nổi. Có một chiếc trực thăng sau khi đáp xuống, chúng tôi ra đếm có tất cả 52 người, đa số là trẻ em. Trực thăng này thường chỉ chở được từ 10 đến 12 người với quân trang quân dụng. Có thể lúc đó cha mẹ của các em quá tuyệt vọng, cứ nhét đại con mình vào. Tôi không hiểu sao phi công có thể cất cánh lên nổi, bay cả trăm dặm và đáp xuống an toàn. Tôi nghĩ, Thượng Ðế đã che chở họ.”
Ðứng trên đài kiểm soát không lưu, ông Jumper hào hứng kể: “Hầu hết các phi công lúc đó đều không có radio để liên lạc với chúng tôi. Các thủy thủ của tôi dùng tay ra hiệu để điều khiển họ xuống. Vậy mà tất cả đều đáp xuống an toàn.”
“Hôm 30 Tháng Tư, tôi còn nhớ rõ, lúc đó là 3 giờ sáng, có một chiếc trực thăng vừa đáp xuống, chong chóng vẫn còn quay, chưa kịp bỏ người xuống. Trong khi đó, một chiếc khác muốn xuống, nhưng không có chỗ và chỉ còn đủ xăng bay năm phút. Thế là chúng tôi hỏi chiếc vừa đáp xuống và được biết có đủ xăng bay thêm 20 phút. Chúng tôi ra lệnh cho chiếc này bay lên lại để có chỗ cho chiếc kia xuống. Sau khi bốc người xong, chiếc trực thăng này bị đẩy xuống biển để chiếc kia có chỗ xuống,” ông Jumper kể tiếp.
Ðể làm công việc di tản hơn 3,000 người, USS Midway phải bỏ lại 50% số lượng máy bay tại căn cứ hải quân Subic Bay, Philippines, chạy qua Thái Lan, bỏ bớt thêm 10 chiếc trực thăng loại lớn, CH-53 Sea Stallion, để có chỗ đáp máy bay.

Trong chuyến cứu người này, tàu Midway đã ghi nhận một sự kiện lịch sử.
Ðó là công việc chuẩn bị cho một chiếc máy bay Cessna O-1 Bird Dog hai ghế ngồi, do Thiếu Tá Lý Bửng thuộc không quân QLVNCH lái, chở một vợ và năm người con, đáp xuống ngày 29 Tháng Tư, 1975 trong lúc trời mưa.
Từ đảo Côn Sơn, Thiếu Tá Bửng chở gia đình trực chỉ Hạm Ðội 7, thấy USS Midway, nhưng không thể đáp xuống được vì đầy những chiếc trực thăng vừa chở người ở Saigon ra.
Thiếu Tá Bửng, nay đang sống tại Orlando, Florida, kể: “Từ trên cao thấy không còn một chỗ trống để đáp. Tôi lại không có headset để liên lạc bằng radio với họ, vì lúc di tản, gặp chiếc máy bay nào bay được là đưa vợ con lên thôi, đâu có thời gian để ý chuyện khác.”
Sau khi bay vài vòng phía trên Midway, Thiếu Tá Bửng quyết định viết một miếng giấy thả xuống tàu xin cho đáp.
Ban đầu, ông cột miếng giấy vào một con dao, quăng xuống, nhưng gió đưa con dao xuống biển.
Lần thứ nhì, ông cột miếng giấy vào một chiếc giầy, cũng rớt xuống biển.
Lần thứ ba, ông dùng chùm chìa khóa, cũng không thành công.
“Cuối cùng, tôi cột miếng giấy vào khẩu súng P 38 của mình và may mắn là nó rớt ngay trên tàu,” ông Bửng kể.
Trong miếng giấy, Thiếu Tá Bửng ghi: “Nếu quý vị đưa được những chiếc trực thăng qua một bên, tôi có thể đáp xuống đường phi đạo được. Tôi có thể bay thêm một giờ nữa để quý vị có đủ thời gian. Làm ơn cứu chúng tôi, Thiếu Tá Lý Bửng, vợ và năm con.”
Hạm Trưởng Lawrence Chambers quyết định phải cứu gia đình Thiếu Tá Bửng, nhưng không biết làm thế nào dọn chỗ để chiếc máy bay Cessna O-1 Bird Dog đáp xuống.
Sau đó, ông quyết định đẩy bớt một số máy bay trực thăng UH-1 Huey xuống biển.
Cuối cùng, chiếc máy bay chở Thiếu Tá Bửng và gia đình đáp xuống Midway an toàn trong tiếng reo hò của mọi người.
Thiếu Tá Lý Bửng hồi tưởng: “Khi đáp xuống được Midway tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tôi biết tôi và vợ con tôi sẽ được sống, dù sau đó con tàu có đi tới đâu thì đi.”
Ông Vern Jumper cho biết: “Hiện nay, chiếc máy bay Cessna này đang được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hải Quân Pensacola, Florida.”

USS Midway, hàng không mẫu hạm lịch sử
Theo ông Jim Eckel, phụ trách quảng cáo của viện bảo tàng, “sau 47 năm hoạt động, USS Midway là tàu chiến phục vụ lâu nhất trong thế kỷ 20 của hải quân Hoa Kỳ.”
Midway là hàng không mẫu hạm thứ 41 của Hoa Kỳ, do công ty Newport News Shipbuilding, Virginia, bắt đầu chế tạo ngày 27 Tháng Mười, 1943, hạ thủy ngày 20 Tháng Ba, 1945 và chính thức đi vào hoạt động ngày 10 Tháng Chín, 1945 dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Joseph Bolger.
Lúc đó, hàng không mẫu hạm này thuộc Hạm Ðội Ðại Tây Dương của hải quân Hoa Kỳ và neo tại cảng quân sự Norfolk, Virginia.
Ngày 29 Tháng Mười, 1947, hàng không mẫu hạm Midway được điều qua Hạm Ðội 6 và bắt đầu ra khơi hoạt động tại vùng biển Ðịa Trung Hải.
Năm 1958, hàng không mẫu hạm này được điều sang Hạm Ðội 7 và bắt đầu hoạt động tại biển Ðông, Châu Á.
Năm 1962, tàu được điều đến hoạt động tại vùng phía Bắc biển Ðông, yểm trợ công tác phòng thủ cho Nhật, Nam Hàn, đảo Okinawa, Ðài Loan và Philippines.
Bắt đầu từ năm 1965, công việc của hàng không mẫu hạm Midway là hỗ trợ các cuộc hành quân trong cuộc chiến Việt Nam.
Một năm sau, hàng không mẫu hạm này được điều về cảng San Francisco để hiện đại hóa, nới rộng bề mặt từ 2.8 acre thành 4 acre và tăng trọng tải chuyên chở lên đến gần gấp đôi.
Ngày 31 Tháng Giêng, 1970, Midway ra khơi hoạt động trở lại và được điều về vùng biển ngoài khơi Việt Nam ngày 18 Tháng Năm, 1971.
Ngày 5 Tháng Mười, 1973, hàng không mẫu hạm thứ 41 này của Hoa Kỳ lại được điều về neo tại căn cứ quân sự Yokosuda, Nhật.
Ngày 19 Tháng Tư, 1975, cùng với bốn hàng không mẫu hạm Coral Sea, Hancock, Enterprise và Okinawa, Midway được điều đến vùng biển ngoài khơi Việt Nam sau khi quân đội Bắc Việt đã chiếm mất hai phần ba miền Nam Việt Nam.
Mười ngày sau, Midway tham gia chiến dịch Operation Frequent Wind của Hạm Ðội 7 để đón những người Mỹ và Việt Nam di tản khỏi Saigon.
Trước khi ngưng hoạt động, Midway còn tham gia chiến dịch Operation Desert Storm tại Vịnh Persian năm 1991 trước khi chính thức ngưng hoạt động năm 1992.
Năm 2004, sau nhiều nỗ lực của doanh gia Alan Uke, hàng không mẫu hạm này trở thành viện bảo tàng Midway Museum và được kéo về đậu tại cảng San Diego, California, tại số 910 North Harbor Drive, San Diego, CA 92101, trong US Naval Reservation, để du khách đến thăm.
Theo ông Scott McGaugh, hiện là giám đốc tiếp thị của Midway Museum và là tác giả cuốn “Midway Magic,” trung bình mỗi năm, Midway Museum đón 850,000 du khách.
Ông cho biết thêm: “Vào năm tới, chúng tôi sẽ kỷ niệm 35 năm USS Midway cứu hơn 3,000 người Việt Nam. Chúng tôi muốn mời tất cả mọi người về tham dự. Chúng tôi sẽ làm một mô hình của chiếc máy bay do thiếu tá Lý Bửng lái và trưng bày trên USS Midway. Ðể thực hiện thành công buổi lễ kỷ niệm này, chúng tôi kêu gọi những ai từng được tàu cứu liên lạc với chúng tôi. Quý vị có thể cho biết tên, địa chỉ, địa chỉ email và những suy nghĩ của quý vị về USS Midway. Quý vị có thể gởi cho chúng tôi qua email
smcgaugh@midway.org.”
Mọi chi tiết, xin vào trang nhà www.midway.org hoặc gọi điện thoại số 619-544-9600. (Ð.D.)

No comments: