Biến cố 30/4/1975: Những bí ẩn lịch sử và những hệ lụy
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 29/04/2009 lúc 02:27:02 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3721
Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1969 TT Nixon tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh VN trong danh dự. Trước tiên ông vận động VNCH gởi phái đoàn tham dự đàm phán hoà bình ở Paris, đến tháng 7/1969 ông bắt đầu cho rút quân Mỹ ra khỏi Nam VN tuần tự theo một lịch trình sắp sẳn. Lúc bấy giờ quân Mỹ ở VN là 543 ngàn. Đồng thời HK viện trợ giúp VNCH kiện toàn sức mạnh để đảm nhận vai trò bảo vệ MN tự do trong giai đoạn diễn ra cuộc hoà đàm ở Paris. Dựa vào thiện chí rút quân và giải quyết chiến tranh VN bằng đường lối hoà bình, trong năm cuối của nhiệm kỳ (1972) Nixon làm sứ giả hoà bình đến Trung Cộng và Liên Xô để tìm hậu thuẫn kết thúc chiến tranhVN.
Tháng Giêng 1973 HĐ Paris ra đời, chiến tranh VN chấm dứt không có kẻ thắng người bại. Chỉ có kẻ thắng duy nhất là nhân dân Nam VN, với quyền tự quyết được hiệp định thừa nhận là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm”, họ sẽ quyết định tương lai chính trị MN, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Nơi đây, từ sau 1954, một cán bộ MTGP cao cấp là Trần Bạch Đằng đã nhận xét: “HK muốn biến Nam VN thành một tủ kính trưng bày sự phồn vinh của Mỹ”. Rất tiếc chiến tranh triền miên, kế hoạch xây dựng MN phồn vinh chưa thực hiện được. Nay hoà bình đã được tái lập, HK sẽ viện trợ đầy đủ cho những nhu cầu cấp thiết để phát triển kinh tế thời hậu chiến. Còn chính quyền Miền Bắc được HK đề nghị viện trợ gần 5 tỉ đô la giúp chính phủ Việt Nam Dân Chủ Công Hoà hàn gắn vết thương chiến tranh. Sau đó hai miền Nam Bắc sẽ hiệp thương để thống nhất đất nước theo tinh thần HĐ Genève 1954 và Điều 15 của HĐ Paris 1973.
Riêng LX và TC đều hưởng lợi từ việc hợp tác, giúp HK chấm dứt chiến tranh VN. HK không dùng quyền phủ quyết, nhờ đó Bắc Kinh gia nhập LHQ, trở thành hội viên thường trực Hội đồng Bảo An, ngang hàng với LX và HK. Hai bên Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị bình thường hoá bang giao, chấm dứt giai đoạn thù nghịch kéo dài kéo dài một phần tư thế kỷ. Còn LX được hưởng qui chế ưu đãi mậu dịch của Mỹ, mua lúa mì với giá rẻ, được vay tín dụng của Mỹ và dùng số tiền đó mua trang thiết bị của Mỹ. Mối hoà hoãn Nga Mỹ còn đưa đến việc tài giảm binh bị, LX thay vì xử dụng những khoản tiền khổng lồ vào việc tăng cường vũ trang, nay dùng số tiền đó vào việc phát triển kinh tế để đuổi kịp các nước Tây phương.
Còn phần HK, mối lo sợ các con bài Domino ở Đông Nam Á lần lượt rơi rụng vào TC không còn nữa. Năm 1973, các nước ĐNÁ đều là đồng minh hoặc thân hữu của Mỹ. Đối với Miền Nam tự do. HK đã giữ đúng lời hứa: sau khi hiệp định hoà bình ra đời, bộ máy chính quyền VNCH còn nguyên vẹn với đầy đủ các cơ chế hiến định. Trong bối cảnh thuận lợi đó, Nixon mời TT Thiệu sang Mỹ thảo luận việc hợp tác và viện trợ giúp VNCH giành thắng lợi qua cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do có giám sát quốc tế. Nixon còn chỉ thị Kissinger trở lại Paris gặp Lê Đức Thọ để tìm cách thi hành HĐ Paris. Ngày 13/6/1973, hai bên đã ra một bản tuyên cáo chung 14 điểm để thi hành nghiêm chỉnh 21 điểm của HĐ Paris.
Bước sang 1974, chính quyền Nixon vẫn còn cố gắng giải quyết vấn đề Nam VN bằng con đường hoà bình. Ngày 20/2/1974 Kissinger lại sang Paris gặp gỡ Lê Đức Thọ. Trong cuộc mật đàm lần này có sự hiện diện của Martin, Đại sứ HK ở Sài Gòn, Kissinger yêu cầu Hà Nội hợp tác với Mỹ để thúc đẩy hai bên miền Nam VN ngồi lại với nhau. Ông đề nghị bước đầu Việt Cộng hãy ngưng bắn ở vùng 3 và 4; VNCH sẽ công nhận VC kiểm soát ở vùng 1 và 2 chỉ trừ Huế và Đà Nẳng. Sau đó HK sẽ áp lực chính quyền Sài Gòn thành lập Hội đồng Quốc Gia Hoà hợp Hoà giải dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử.
Trở lại Sài Gòn, Đại sứ Martin thúc hối TT Thiệu cho thành lập Hội đồng Quốc gia Hoà giải Hoà hợp dân tộc và thừa nhận việc phân chia lãnh thổ mà Kissinger đã đề nghị với Lê Đức Thọ. Ngoài ra, được sự đồng ý của Toà Bạch Ốc, Đại sứ Martin nhờ Đại sứ Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát ngưng bắn chuyển đến Hà Nội một điệp văn, kêu gọi giới lãnh đạo Bắc Việt hưởng ứng đề nghị của Kissinger để chấm dứt cuộc chiến tại MNVN (1). Martin còn đánh điện về Hoa Thạnh Đốn trình bày nhu cầu và sự hợp lý của việc cắt đất nhường cho Việt Cộng khi tiền viện trợ đã bị cắt (2).
Kiên quyết với lập trường “bốn không” (không thừa nhận CS, không trung lập hoá Miền Nam, không lập chính phủ liên hiệp, không nhượng đất cho CS), TT Thiệu khước từ hợp tác với Nixon để thi hành HĐ Paris. Nhưng còn một cái “không” nữa mà ông không chịu để ý đến. Đó là: VNCH không còn đủ quân viện, sau khi hiệp định hoà bình ra đời. TT Nixon đã nhắc nhở điều này rất nhiều lần trong hàng chục lá thư gởi đến ông từ tháng 11/1972 đến 13/6/1973. Nixon khuyến cáo TT Thiệu nên thích nghi với tình thế mới. Đó cũng là lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Paul VI. Sau khi hội kiến với Nixon ở San Clemente, trên đường về nước TT Thiệu ghé La Mã để yết kiến Đức Giáo Hoàng. Ngài khuyên ông Thiệu nên tìm cách hoà giải với Chính phủ Cách mạng Lâm thời của VC. TT Thiệu nghĩ rằng “giờ đây ngay đến Giáo Hội cũng ngoảnh mặt đi và rơi vào cậm bẫy tuyên truyền của Cộng sản” (3).
Lập trường “bốn không” chỉ còn “ba không”
Giữa tháng 11/1973 Hạ Viện HK ấn định mức viện trợ quân sự tối đa cho VNCH trong tài khoá 1974 là 1126 triệu đô la so với 2270 triệu của tài khoá trước. Nhưng khi chung quyết, Quốc hội lại cắt giảm thêm, chỉ còn 900 triệu. Ông Thiệu vẫn chưa nao núng. Ông còn tin tưởng ở lời hứa của Nixon “sẽ trả đũa nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định”. Có điều mâu thuẫn là Quốc hội Mỹ trách cứ TT Thiệu vi phạm hiệp định, nên họ cắt dần quân viện để buộc VNCH phải thi hành nghiêm chỉnh. Còn TT Thiệu thì tin tưởng khi BV xé bỏ hiệp định gây chiến thì TT Nixon sẽ trả đũa.
Ngày 9/8/1974 TT Nixon từ chức, ông Thiệu bắt đầu lo sợ, nhưng hai ngày sau ông vững tin trở lại khi nhận được thư của tổng thống mới của HK là Gerald Ford. Ông ta viết rằng:
“Có lẽ tôi không cần phải thông báo cho Ngài rõ rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ luôn luôn được dựa trên căn bản liên tục và sự ủng hộ của lưỡng đảng. Lúc này đây những tính chất đó lại càng rõ ràng hơn nữa và tất cả những cam kết mà nước chúng tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ nó vẫn còn hiệu lực và sẽ được hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi”. (4)
Có lẽ vì quá chủ quan nên ông Thiệu chỉ chú ý vào nội dung phần sau của đoạn văn trên mà không đọc kỹ phần đầu. Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà chỉ ủng hộ chính phủ thi hành nghiêm chỉnh hiệp định hoà bình ở VN, vì thế Quốc hội phải cắt dần quân viện cho VNCH. Điều này đã được thực hiện ngay sau khi Ford nhậm chức. Quốc hội biểu quyết mức quân viện cho VNCH tài khoá 1975 chỉ còn 700 triệu đô la so với 900 triệu của tài khoá trước.
Đầu tháng Giêng 1975, Cộng quân đánh chiếm Phước Long, TT Ford vẫn không có một phản ứng nào, B52 vẫn không thấy cất cánh để trả đũa. Ford chỉ yêu cầu Quốc hội khẩn cấp quân viện 300 triệu đôla cho VNCH. Mãi đến cuối tháng Hai 1975, phái đoàn lưỡng viện Quốc hội HK mới đến Sài Gòn để duyệt xét lời yêu cầu của TT Ford. Sau khi đi thăm các tỉnh, phái đoàn trở về Saìgòn họp với TT Thiệu để kiểm điểm tình hình. TS Nguyễn Tiến Hưng mô tả buổi họp “đã biến thành một tra vấn hằn học”. Ai cũng hỏi “tại sao VNCH đã vi phạm ngưng bắn”. Các dân biểu, nghị sĩ gay gắt hỏi Thiệu: “Ông muốn quân viện và kinh viện mãi sao, chừng bao lâu nữa? (5)
Chỉ hơn một tuần sau khi phái đoàn Quốc hội Mỹ về nước, vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3/1975 Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột. Bắc Việt đưa 3 sư đoàn chính quy tấn công Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc, mở đầu chiến dịch Tây nguyên. Theo ý đồ của Bộ Chính trị Đảng CSVN, từ Ban Mê Thuộc cộng quân sẽ tiến thẳng xuống vùng duyên hải Phú Yên, chia hai miền Nam, giành phân nửa lãnh thổ phía Bắc. Ngày 14/3/1975 tại Cam Ranh, TT Thiệu quyết định bỏ ngỏ cả vùng Cao nguyên vì QLVNCH không còn đủ khả năng bảo vệ toàn thể lãnh thổ. Ông chỉ thị Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh Quân đoàn II: “mang chủ lực quân, chiếc xa, pháo binh, máy bay về phòng thủ duyên hải…lệnh này từ các tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trở xuống ai được biết”. Ngày hôm trước, TT Thiệu đã triệu hồi Trung tướng Ngô Quang Trưởng về Dinh Độc Lập, ra lịnh rút bỏ vùng I, đưa hai Sư đoàn Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến về bảo vệ thủ đô.
Kế hoạch rút bỏ vùng 1 và 2 xuất phát từ bản phân tích các mức độ quân viện năm 1975 đã được Thiếu tướng John Murray, Tùy viên Quân lực Sứ quán Mỹ và Trung tướng Đồng Văn Khuyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiếp Vận QLVNCH phác hoạ hồi tháng 8/1974, trước khi tướng Murray rời nhiệm sở DAO ở Sài Gòn. Theo đó, nếu quân viện là 1,4 tỉ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả 4 vùng chiến thuật. Nếu 1,1 tỉ thì Quân khu I phải bỏ. Nếu 900 triệu thì khó lòng giữ được Quân khu I và II. Nếu 750 thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc. Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ VNCH chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long (6).
Viện trợ quân sự giảm, lập trường “bốn không” của TT Thiệu cũng giảm, nay chỉ còn “ba không”, bỏ bớt cái không cuối cùng là nhượng đất cho CS. Ông còn tuyên bố “Viện trợ nhiều thì giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít”. Có lẽ vì suy nghĩ này mà sau này gặp Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ở Luân Đôn, ông cho rằng: “Tôi có trách nhiệm, nhưng không có tội” (Je suis responsible mais pas coupable). Ông không chấp nhận cộng sản, nhưng ông lại bỏ rơi đồng bào và chiến hữu của ông vào vòng tay cộng sản. Họ phải tìm đường trốn chạy dưới làn mưa pháo của cộng quân. Đó có phải là “hành động vô nhân đạo của một ông tổng thống vô nhân đạo”? Phải chi ông nghe lời khuyến cáo của Đại sứ Martin: VNCH công nhận VC kiểm soát ở vùng 1 & 2, có thể HK sẽ vận động với LX và TC để kế hoạch này thành tựu. Lực lượng hai bên MN ở thế cân bằng, Hội đồng Quốc gia Hoà giải dân tộc được thành lập để tổ chức cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do. Hai bên miền Nam sẽ tái thống nhất, tệ hại nhất cũng là một chính phủ liên hiệp đa đảng.
Ngày 19/4/1975 Hạ Viện HK bác bỏ việc quân viện khẩn cấp cho VNCH, Đại sứ Martin khuyến cáo ông Thiệu từ chức: nếu tổng thống không chịu xuống thì các tướng lãnh dưới quyền sẽ bắt tổng thống làm điều này. Hôm sau trong buổi họp với các tướng lãnh, ông Thiệu cho họ biết lời đề nghị của Đ/s Martin và nói với họ “nếu ông là một chướng ngại cho hoà bình của đất nước thì ông sẽ từ chức”. Không ai nói gì cả. Thế là đã rõ họ không muốn ông ngồi ở ghế tổng thống nữa. (7)
Ngũ Giác Đài: Trung tướng Đồng Văn Khuyên là cộng sản?
Chi tiết trên được tiết lộ trong quyển Hồi ký chính trị Đôi Dòng Ghi Nhớ của cựu Đại tá Phạm Bá Hoa xuất bản tại HK năm 2004. Đ/t Hoa là TMT/Tổng cục Tiếp Vận mà người đứng đầu là Trung tướng Đồng Văn Khuyên kiêm nhiệm chức vụ TMT/Bộ TTM và khi tướng Cao Văn Viên từ chức ngày 25/4/1975, tướng Khuyên là quyền Tổng TMT/QLVNCH. Hồi ký tiết lộ vào buổi chiều ngày 27/4/1975, tướng Khuyên có tâm sự với tác giả xin trích nguyên văn như sau:
- Anh có biết không, Thiếu tướng Smith nói với tôi là cấp chỉ huy của ông ta từ Pentagon (Lầu Năm Góc tức Bộ Quốc phòng HK) nói ổng đang ủng hộ một trung tướng cộng sản ngay tại Sài Gòn.
- Ông ta muốn ám chỉ trung tướng phải không?
- Tôi cũng nghĩ vậy.
- Trung tướng có nói gì không?
- Không.
- Đến lúc này, trung tướng có quyết định ra đi hay chưa?
Tôi hỏi như vậy là vì lúc sáng, Y sĩ Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân Y, lên hỏi thăm tình hình, Trung tướng Khuyên yêu cầu Chuẩn tướng Thanh cho ông hai chai thuốc độc, và tôi cũng xin hai chai (1 chai để trong túi và 1 chai trong xách tay). Khi ông xin thuốc độc, điều đó cho thấy có thể là ông không bỏ chạy, hoặc xin thì xin nhưng vẫn chạy. Im lặng một chút, chừng như ông đang xúc động nên lời nói của ông thật nhỏ:
- Tôi đã hứa với ổng (tức thiếu tướng Smith), vì tôi cảm thấy sẽ không an toàn nếu tôi khước từ di tản.
- Thiếu tướng Smith có nói bao giờ thì đi không, thưa trung tướng?
- Ông được lệnh từ Pentagon là sẽ đưa tôi đi.
- Thiếu tướng Smith có nói là sẽ đi vào lúc nào không, thưa trung tướng?
- Giờ thứ 25. Giờ đó sẽ được quyết định từ Pentagon.
Giữa trưa ngày 29/4/1975, Trung tướng Đồng Văn Khuyên rời toà Nhà Chánh Bộ TTM, qua cổng sau phi trường TSN để đến cơ quan DAO. Tướng Homer Smith, Tùy viên Quân lực Sứ quán Mỹ đã đứng chờ ở cửa văn phòng DAO đưa tướng Khuyên di tản. (8)
Chiến tranh VN có nhiều điều đau buồn và bí ẩn. Huynh đệ chi binh kết thúc vào giờ thứ 25, thượng cấp ra đi tìm tự do, không một lời từ biệt thuộc cấp ở lại chịu biết bao hiểm nguy đe doạ. Câu chuyện kể trên là một thí dụ điển hình trong những bí ẩn lịch sử. Một sử liệu quý về ngày kết thúc chiến tranh. Cả hai nhân chứng lịch sử đều còn sống… Nhưng câu chuyện của họ khiến người đọc hồi ký nẩy sinh nhiều thắc mắc:
(a) Trung tướng Đồng Văn Khuyên là Cộng sản (nằm vùng) hay là một chiến sĩ Quốc gia có tinh thần hoà giải dân tộc bị CS móc nối?;
(b) Đại tá Phạm Bá Hoa đón nhận tin tức thượng cấp của mình là cộng sản, ông không tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Có phải ông biết tướng Khuyên không phải cộng sản, đó là thái độ của những chiến sĩ VNCH trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: HK chấm dứt dần quân viện để các bên miền Nam giải quyết công việc nội bộ MN bằng con đường hoà giải dân tộc? Có thể vì lý do này mà tướng Khuyên đã khước từ di tản theo đề nghị của tướng Smith? Nhưng ngặt nỗi TT Thiệu lên án tất cả những ai không đi theo con đường chiến tranh của ông đều là công sản hoặc tay sai của CS.
(c) Tướng Khuyên đứng đầu cơ quan tối quan trọng của QLVNCH là Tổng Cục Tiếp Vận, ông là người đề ra các nhu cầu về tiếp vận cho QLVNCH, trực tiếp tham khảo với DAO để cơ quan này trình xin với Bộ Quốc phòng HK. Nay Lầu Năm Góc biết ông ta là trung tướng CS mà vẫn hợp tác, tất phải có âm mưu gì? Khi chiến tranh sắp kết thúc, Mỹ mới tiết lộ, vì thế tướng Khuyên “cảm thấy sẽ không an toàn nếu khước từ di tản”. Nếu ông xin di tản là điều có thể tin được, đằng này ông lại nói rằng: “Tôi đã hứa với ổng…” vậy ông hứa những gì với tướng Smith? Có phải ông hứa sẽ bàn giao Bộ Tổng Tham Mưu cho CS để tránh đổ máu cho QLVNCH vào lúc chiến tranh sắp kết thúc? Nhưng có lẽ việc này không phù hợp với chủ tâm của HK, họ chỉ muốn những người thuộc thành phần thứ ba thực hiện công việc này, chớ QLVNCH không thể đầu hàng? Có phải vì lẽ đó, dù ông Khuyên là cộng sản, HK vẫn chấp nhận cho ông di tản?
Sở dĩ phải đề cập đến Trung tướng Đồng Văn Khuyên vì ông là một tướng lãnh ít bị tai tiếng nhất. Biến cố 30/4/1975 bắt đầu từ quyết định “di tản chiến thuật” của TT Thiệu khỏi Vùng I và II. Cuộc di tản bị tổn thất nặng nề, phần lớn vì hệ thống tiếp vận quá yếu kém. Trong thời gian di tản, ông Tổng Cục Trưởng Tiếp Vận lại mắc bận săn sóc thân phụ bị ung thư đang điều trị ở Nhật.
Đại sứ Martin: Không hiều lý do nào Bắc Việt bất chợt quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự?
Ngày 27/1/1976 Đại sứ Martin được mời điều trần trước Tiểu ban Điều tra Đặc biệt của Uỷ ban Liên lạc Quốc tế Hạ Viện HK về việc di tản hồi cuối tháng 4/1975. Cựu Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn xác định: “Phía Liên Xô có cho phía Hoa Kỳ hay rằng Hà Nội sẽ không làm trở ngại cuộc di tản của chúng ta”. Và: “vì phải được bảo mật, tôi là người duy nhất ở Sài Gòn nhận được thông tin do Bắc Việt chuyển qua phía Liên Xô cho hay rằng họ sẽ không can thiệp bằng quân sự vào cuộc di tản của chúng ta”. Ông còn tin rằng sở dĩ BV vẫn muốn điều đình một giải pháp chính trị, vì họ không muốn bước vào Sài Gòn trên một đống gạch vụn”. Lý do khác, theo ông: “Hà Nội còn muốn nhận được viện trợ quốc tế nữa”.
Các dân biểu chất vấn: “Nhưng nếu Hà Nội không can thiệp vào di tản thì tại sao lại có vụ pháo kích vào phi trường TSN ngày 29 tháng Tư?”. Ông Martin trả lời: “Theo sự suy nghĩ của tôi, lý do có pháo kích vào phi trường sáng ngày 29/4, là vì ngày hôm trước đó, chúng tôi bắt đầu cho một số không quân Việt Nam đưa máy bay ra ngoại quốc; tôi nghĩ rằng vụ pháo kích nhằm mục đích chỉ là để ngăn chận việc di chuyển này mà thôi, chớ không vì muốn chặn cuộc di tản”. Đại sứ Martin cho biết ngày 28/4/1975 ông đã sắp xếp đưa nhiều phi công VNCH và gia đình họ khoảng 2000 người di tản trên 130 chiếc phi cơ đủ loại tới phi trường Utapao ở Thái Lan. Mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng “Không quân Việt Nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của mình khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho Bắc Việt”.
Trong cuộc điều trần trên, đại sứ Martin còn cho biết hồi tháng Ba 1975, ông đã có tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới một một chiến thắng hoàn toàn quân sự, nhưng cả ông và Polgar (Trùm CIA ở Sài Gòn) không tin sự chính xác của nguồn tin này. Theo ông, cùng lúc đó lại có thông tin từ phía đại diện của Mặt trận Giải phóng từ Stockholm (Thụy Điển) và Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị. Thế nhưng, theo ông, “Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm 27/4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổ tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự, và như vậy, giải pháp chính trị đã không còn nữa”. Martin dẫn chứng trong cuộc họp báo ngày 5/5/1975 Ngoại trưởng Kissinger cũng thừa nhận rằng cho tới ngày 27/4 Hoa Kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh. (9)
Thắc mắc trên của Đại sứ Martin có thể được trả lời vào năm 1979 khi mối xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh lên đến cao độ, khiến CSVN cho phổ biến tài liệu Sự thật về Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua. Hà Nội tiết lộ trong cuộc chiến VN:
“Những người cầm quyền Bắc Kinh còn khuyên Mỹ “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút lui khỏi Đông nam châu Á”. Thâm độc hơn nữa, họ tìm cách lôi kéo nhiều tướng tá và quan chức ngụy quyền Sài Gòn hợp tác với họ, thậm chí cho người thuyết phục tướng Dương Văn Minh, “tổng thống” vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn, để tiếp tục chống lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền nam Việt Nam”. (10)
Sở dĩ “đêm 27/4 Bắc Việt bất chợt thay đổi tín hiệu…” là vì họ sợ TC can thiệp bằng cách lên tiếng ủng hộ Chính phủ hoà giải hoà hợp dân tộc của ông Dương Minh. Buổi chiều hôm đó, Lưỡng viện Quốc hội VNCH đã biểu quyết chấp nhận ông DVM thay thế ông Trần Văn Hương đảm nhận chức vụ tổng thống. Chiều hôm sau 28/4 ông Minh tuyên thệ nhậm chức, ngay sau đó ông cử người đến tiếp xúc với phái đoàn CS trong trại Davis để bàn chuyện ngưng bắn và hoà giải dân tộc.
Đối với Bắc Kinh, họ đã hợp tác với HK kết thúc chiến tranh VN; vì thế họ không thể chấp nhận MNVN thuộc ảnh hưởng của Mỹ nay lại rơi vào ảnh hưởng Liên Xô khi Hà Nội chiếm được Sài Gòn. Họ không muốn một nước VN thống nhất theo LX nằm sát cạnh sườn mình. Thấy được ý đồ của TC, nước Pháp với chủ trương trung lập (của De Gaulle) muốn trở lại vùng đất ảnh hưởng cũ nên đã liên lạc với Bắc Kinh, tìm giải pháp giúp miền NamVN nằm ngoài ảnh hưởng Nga Mỹ.
Qua sự dàn xếp của Chính phủ Pháp, MTGPMN bắn tiếng sẵn sàng nói chuyện hoà bình với Chính quyền Sài Gòn nhưng với điều kiện tiên quyết là: Thiệu phải ra đi vì ông ta là nhân tố cản trở hoà bình. Ngày 24/3/1975, khi tiếp xúc Philippe Richer, Đại sứ Pháp ở Hà Nội, TT Phạm Văn Đồng nói bằng một giọng giục giã: “Thế nào, bao giờ thì người Pháp mới hành động? Giờ đã đến lúc của các bạn ông trong phe thứ ba ở Sài Gòn ra khỏi vòng dè dặt để lật đổ Nguyễn Văn Thiệu và thành lập một chính phủ khả dĩ có thể nói chuyện với chúng tôi”. (11)
Richer vội vàng bay về Paris báo cáo chi tiết mới này, Bộ Ngoại giao Pháp liền tiếp xúc với các thành viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà MN ở Paris, trong khi Đại sứ Pháp ở Sài Gòn Jean M. Merillon vận động đưa Dương Văn Minh lên thay Thiệu. Ông Minh được xem là nhân vật duy nhất mà phía CS có thể chấp nhận thương thuyết việc ngưng bắn và tìm một giải pháp chính trị cho miền Nam. Pháp hi vọng DVM sẽ thoả hiệp với MTGPMN thành lập chính phủ liên hiệp, thực hiện chính sách trung lập ở MN. Đường lối này được ủng hộ của các nước ASEAN và các cường quốc kể cả TC thể hiện qua lời khuyên của TT Chu Ân Lai với giới lãnh đạo Hà Nội hồi tháng 6/1973: “Trong một thời gian chưa thể dứt khoát là 5 hay 10 năm. Việt Nam và Đông Dương nghỉ ngơi được thì càng tốt, tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền Nam Việt Nam, Lào, Kampuchia thực hiện hoà bình trung lập một thời gian”. (12)
Qua Đại sứ Merillon, Ngoại trưởng Pháp Sauvegnargues thúc giục TT Thiệu vì sự nghiêm trọng của tình hình cũng như vì quyền lợi đất nước VN và chính bản thân ông, nên rút lui sớm. Sau đó đến lượt Đ/s Mỹ nghĩ rằng với nỗ lực vận động của cựu Đại sứ Bùi Diễm và nhất là ông Trần Văn Đôn -một người có khuynh hướng trung lập và thân Pháp- có thể một chính phủ liên hiệp hoà giải dân tộc sẽ thành hình tại MN, do đó Martin khuyến cáo Thiệu nên tự ý xin từ chức.
Ngoài ra từ tháng 2/1975, cựu đại tướng Pháp Vanuxem đến gặp TT Thiệu và ông Dương Văn Minh vào những ngày cuối tháng 4/1975. Ông nói ông DVM: “Tôi từ Pháp mới đến… hỏi xem tình hình hiện nay ra sao rồi”. Ông Minh trả lời: “Tình hình không còn hy vọng nữa. Để tránh đổ máu vô ích. Tôi sắp phát thanh lời tuyên bố bàn giao cho Chính phủ Cách mạng lâm thời”. Vanuxem trả lời: “Không phải hết hy vọng đâu, tôi đã thu xếp xong ở Paris. Đề nghị ông, nhờ Trung Cộng bảo trợ”. DVM nói: “Tôi không có liên lạc với Trung Cộng”. Vanuxem còn đề nghị nên cố thủ thêm vài ngày nữa để kịp làm áp lực ngoại giao. Ông Minh một mực khước từ. Ông nói: “Chúng ta đã bán nước cho Mỹ rồi. Bây giờ lại bắt chúng ta bán nước cho Trung Cộng!”. (13)
Vấn đề không phải là bán nước, làm chính trị để phục vụ nhân dân, gặp thời thế, thế thời phải thế. Người ta thường nói chiến tranh VN là chiến tranh uỷ nhiệm. Hai miền Nam Bắc đều tố cáo lẫn nhau là tay sai của Nga Mỹ. Nay Bắc Kinh tự nhận là lãnh tụ Thế giới Thứ ba, được LX và HK mặc nhiên thừa nhận. Họ ủng hộ thành phần thứ ba ở Nam VN là điều hợp lý. Muốn chấm dứt chiến tranh VN phải nhờ vào ảnh hưởng này của Bắc Kinh, chớ không phải bán nước cho TC. Chiến tranh VN chấm dứt, cuộc chiến uỷ nhiệm không còn nữa. Từ đó nhân dân miền Nam VN cũng như nhân dân cả nước sẽ tự quyết định vận mạng đất nước mà HĐ Paris 1973 thừa nhận là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của người Việt Nam”.
TT Thiệu và những người ủng hộ ông thường buộc tội Kissinger đã “thông đồng” với Liên Xô và Trung Cộng để bán đứng miền Nam Việt Nam. Nhưng sau khi “MN đã bị bán đứng” thì không thấy các ông ấy đề cập đến những gì xảy ra sau đó như sự xung đột và thù hận đưa đến đánh nhau giữa các nước CS anh em. Cuối cùng LX sụp đổ, còn TC bình thường hoá bang giao với HK để hiện đại hoá đất nước. TC gia nhập WTO trở nên một cường quốc kinh tế mà ngày nay có số ngoại tệ dự trữ lớn nhất thế giới: khoảng 2000 tỉ đôla. Phân nửa ngoại tệ này lại dùng để đầu tư ở Mỹ và mua công trái phiếu của Mỹ!
Hai cựu thống VNCH, một ông chửi Mỹ, một ông yêu cầu Mỹ rút khỏi VN, cuối cùng đều đến Mỹ và chết tại Mỹ (2001). Từ 1975 đến 2001, một phần tư thế kỷ với biết bao biến đổi nhưng không thấy họ nói lên những nhận thức gì, những bài học mới nào cho đất nước và dân tộc. Biến cố 30/4/1975 gây biết bao thảm hoạ cho dân tộc, ai có trách nhiệm đều có tội với đồng bào. Đó là điều không thể chối cãi. Có lẽ nào lại tiếp tục vô trách nhiệm với lịch sử và các thế hệ con cháu mai sau?
Biến cố 30/4/1975 và những hệ lụy bi đát ngày nay.
Ký giả nổi tiếng thân Cộng là nhà văn Pháp Jean Larteguy có mặt tại Sài Gòn trong buổi trưa ngày 30/4/1975. Ông đã ghi lại ngày VNCH thất thủ như sau:
“Sài Gòn không được giải phóng. Nó bị một đạo quân xa lạ từ miền Bắc tới chiếm đóng. Sự thật là thế. Chúng tôi, 120 nhà báo ngoại quốc ở đây để chứng thật điều ấy. Cộng sản biết vậy và chỉ hai giờ sau đó, đúng hai giờ trưa chúng tôi hoàn toàn bị giam lỏng. Không điện tín, không điện thoại, không được gởi phim ảnh ra ngoài. Bọn ấy bắt chúng tôi im tiếng để có thời gian tiêu hoá hết cái lừa bịp của chúng… Này anh bộ đội, anh đội mũ sắt từ pháo tháp xe tăng ló đầu ra cũng giống như bọn lái xe tăng Xô Viết trước đây tàn sát thường dân Tiệp Khắc ở Prague, giết công nhân nổi dậy ở Budapest, ở Bá Linh. Anh từ đâu tới? Từ Hà Nội, từ Hà Nội…” (14)
Cuộc chiến giải phóng MN mà người CS luôn tự hào là chính nghĩa, đã bị huỷ hoại khi họ đưa xe tăng ủi sập cổng chính Dinh Độc Lập đã được mở rộng cửa đón chào “những người anh em phía bên kia”. Họ buộc Chính phủ Hoà giải Dân tộc đầu hàng. Các tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lịnh Sư đoàn 5, Trần Văn Hai tư lịnh Sư đoàn 7, Nguyễn Khoa Nam tư lịnh Quân đoàn IV và viên Tư lệnh phó của ông là Lê Văn Hưng và tướng Phạm Văn Phú cựu tư lịnh Quân Đoàn II và biết bao chiến hữu của họ noi gương các cụ Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… tuẫn tiết chớ không đầu hàng.
Chiến thắng xong miền Nam, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà với ba tiêu đề Độc lập- Tự do- Hạnh phúc, đổi tên thành nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo đúng khuôn mẫu Liên Xô, trong đó Đảng CS nắm quyền độc tôn lãnh đạo nhà nước với nền chuyên chính vô sản. Sự phồn vinh của Miền Nam trước 1975 bị coi là giả tạo để xây dựng xã hội chủ nghĩa phồn vinh. Hậu quả là Sài Gòn năm 1975 ngang hàng với Bangkok, nhưng đến năm 1992 theo nhận xét của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thì VN tụt đàng sau Thái Lan đến 20 năm.
Đất nước có tụt hậu song cũng có ngày tiến lên dù chậm chạp… Nhưng điều đáng nói là biến cố 30/4/1975 đã tạo ra mối hận thù giữa hai đảng CS anh em VN và TQ, mà ngày nay đất nước gánh chịu biết bao hệ lụy. TC là nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước VNDCCH, họ đã giúp CSVN rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Từ đầu thập niên 1970, sau khi giúp HK giải quyết êm đẹp cuộc chiến VN, Bắc Kinh được thừa nhận như là lãnh tụ các nước Thế giới Thứ ba. Họ kỳ vọng sẽ đứng ngang hàng với LX và HK trong thế ba chân vạc thế giới.
Hành động của CSVN trong những ngày cuối tháng 4/1975 coi như là hành động phá bĩnh mưu đồ chiến lược của Bắc Kinh, thách thức đàn anh TC. Từ đó Đặng Tiểu Bình lên án CSVN là phường vong ân bội nghĩa. Ông tuyên bố “dạy cho VN bài học” và nhiều bài học khác nữa. Sau khi LX sụp đổ, CSVN xin nối lại bang giao với TC. Trong phái đoàn CSVN có Phạm Văn Đồng là người bạn cố cựu của Đặng Tiểu Bình, song ông ta vẫn không đón tiếp, dù năm 1958 ông Đồng đã gởi công hàm thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của TC.
Trong hơn 30 năm làm thủ tướng, ông PVĐ đã đến BK hàng trăm lần đàm đạo với Mao với Chu (Ân Lai) và Đặng. Nay ông ta là cố vấn Bộ Chính trị Đảng CSVN, nhưng chỉ được gặp đàn em của Đặng ở Thành Đô.
Những việc làm chèn ép của TC từ khi mối bang giao Việt Trung được tái lập rõ ràng là trừng phạt kẻ phản bội chớ không phải hữu nghị. Để duy trì chế độ độc tôn độc đảng, các lãnh tụ Đảng CSVN phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của Bắc Kinh, làm cho lòng dân than oán. Sợ rằng một ngày nào đó “thiên triều” thực hiện âm mưu thâm độc trừng phạt kẻ phản bội để xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Trung.
Nhớ lại từ khi Ngô Vương Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở ra thời đại tự chủ trong gần 11 thế kỷ qua, các triều đại Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh không lấn chiếm được một tất đất nào của tổ tiên ta. Ảnh hưởng Trung Quốc đối với VN đã chấm dứt từ khi triều đình Mãn Thanh ký hiệp ưóc Thiên Tân 1885 với Pháp và đại diện Trung Hoa Dân Quốc ký Hiệp ước Trùng Khánh với Đại sứ Pháp hồi cuối tháng Hai 1946.
Từ 1946 đến ngày nay, cả chục triệu đồng bào đã chiến đấu và hy sinh vì khát vọng độc lập tự do hạnh phúc. Đánh Pháp đuổi Mỹ giành độc lập thống nhất cho nước nhà, rồi du nhập chế độ XHCN, nền chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp của LX. Cuối cùng là hợp tác toàn diện với TC. Giai đoạn 1945-2009 là đoạn đường dài lịch sử bất hạnh của dân tộc, nhưng khát vọng trên của dân tộc vẫn chưa đạt được.
Lê Quế Lâm
--------------------------------
Chú thích:
(1) Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của VNCH. Nhóm nghiên cứu Sử Địa VN xuất bản, Gia Nã Đại, 1979, tr. 161-162
(2) Snep W. Frank, Decent Interval. Random House, NY, 1977, p. 52
(3) Nguyễn Tiến Hưng & J.L. Schecter, Bí Mật Dinh Độc Lập. C & K Promtion, Los Angeles, 1987, tr. 294
(4) Nguyễn Tiến Hưng & J.L.Schecter, Sđd, tr. 403.
(5) Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, tr. 431.
(6) Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh tháo chạy. Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, CA, 2005, tr. 235.
(7) Như trên, tr. 388-389.
(8) Phạm Bá Hoa, “Đôi dòng ghi nhớ”. Báo Sài Gòn Times (Úc Châu), 16-6-2005.
(9) Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Sđd, tr. 384-391 cùng những trích dẫn từ bài điều trần của ĐS Martin.
(10) Sự Thật về Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr. 70.
(11) Nguyễn Khắc Ngữ, Sđd, tr. 340
(12) Sự thật về quan hệ Việt Nam?Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr. 69
(13) Nguyên Sơn, “Sài Gòn: 72 giờ hấp hối”, Việt Luận (Úc Châu), Thứ Sáu 2/5/2008.
(14) Phạm Kim Vinh, Nước mắt Việt Nam. Cơ sở PKV xuất bản, HK, 1982, tr. 117 (Trích L’Adieu Saigon của J. Larteguy)
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment