Monday, April 27, 2009

VÀI SUY NGHĨ QUA VỤ NGUYỄN HƯNG QUỐC KHÔNG ĐƯỢC NHẬP CẢNH

Vài suy nghĩ qua vụ không được nhập cảnh
Phạm Phú Đức
28/04/2009 3:49 sáng
http://www.talawas.org/?p=3435
Gần ba tuần qua kể từ khi nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc phổ biến bài “
Lại không được nhập cảnh Việt Nam” ngày 8/4/2009,[i] đã có một vài nhận định vì sao ông Quốc không được nhập cảnh.[ii] Nhưng có lẽ đối với nhiều người, hay có thể nói đối với đa số, nguyên do chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) không cho ông Quốc nhập cảnh là điều chẳng cần phải bận tâm. Có người bảo rằng thôi, nếu đã là thế thì tốt hơn hết ông Quốc chẳng nên thử về Việt Nam thêm lần nữa, trừ phi có một sự thay đổi lớn.
Nhưng không, ông Quốc không nghĩ như thế. Trong bài phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do,
[iii] ông Quốc trình bày ba điểm chính sau đây. Một, ông vẫn không hiểu vì sao ông được cấp hộ chiếu nhập cảnh Việt Nam nhưng đến cửa khẩu thì công an yêu cầu ông quay lại Thái Lan mà không có một lời giải thích chính đáng cho đến khi vặn hỏi lắm thì mới đưa ra lý cớ “Nhà nước Việt Nam không hoan nghênh việc nhập cảnh của khách”. Hai, ông khẳng định dù ông có quan điểm chính trị như bất cứ một người nào khác nhưng ông không bao giờ làm chính trị cả, do đó ông thật sự không biết lý cớ gì chính quyền e ngại sự hiện diện của ông tại Việt Nam. Ba, ông đinh ninh dù bị từ chối đến hai lần mà theo ông là hoàn toàn vô lý cớ, Việt Nam là đất nước của ông, cho nên khi có cơ hội ông vẫn trở về.

Đối với điểm thứ nhất - được cấp giấy nhập cảnh nhưng không được nhập cảnh - rõ ràng ông Quốc rất bất bình về quyết định và cung cách hành xử của “Nhà nước Việt Nam” này. Tôi tin ông thừa biết dù có giấy nhập cảnh, việc cho hay không cho vào cửa khẩu là hoàn toàn nằm ở quyền quyết định của chính quyền Việt Nam (hay bất cứ một chính quyền nào theo nghĩa có quyền lực tối cao trên lãnh thổ và lãnh hải của mình). Thế thì tại sao ông bất bình?
Theo tôi, tại vì ông là một nhà lý luận và phê bình cố đi tìm cái lôgíc trong việc này nhưng tìm không ra.
Để hiểu ông Quốc thì có lẽ trước hết hãy thử lấy Úc làm thí dụ (mặc dầu chúng ta đều biết không thể hoàn toàn so sánh Úc với Việt Nam).

Thứ nhất, bất cứ một người nào không phải công dân Úc muốn vào Úc thì phải có visa mới được vào. Trường hợp ngoại lệ duy nhất có lẽ là Nữ Hoàng (Queen) Elizabeth II đóng vai trò Quốc Trưởng (Head of State) của Úc mà đại diện hiện nay là Toàn Quyền (Governor General) bà Quentin Bryce AC. Ngoài Nữ Hoàng ra, bất kể người đó là Tổng thống Hoa Kỳ hay Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều phải có visa để vào Úc.
[iv] Muốn xin visa đến Úc cũng không khó khăn gì, chủ yếu tuỳ theo mục tiêu đến Úc có chính đáng và xác thực hay không, và tuỳ theo tình trạng sức khoẻ cũng như lý lịch người xin nhập cảnh có tội trạng gì không.

Thứ hai, một khi có hộ chiếu được nhập cảnh rồi, điều đó không nhất thiết là sẽ được cho nhập cảnh khi đến cửa khẩu của Úc. Lý do là vì lý lịch của một người không hề đơn giản, mà có khi cũng lắm phức tạp, nhất là nếu người đó chưa hề đặt chân đến Úc và nếu người đó đến từ một nơi khá nhạy cảm đối với nền an ninh Úc. Hơn nữa, tìm hiểu hết khả năng và động cơ của một cá nhân nào đó không hề là một vấn đề đơn giản. Vì thế cho nên từ khi được cấp giấy nhập cảnh cho đến khi lên phi cơ bay đến Úc cho đến khi hiện diện tại cửa khẩu của Úc, các cơ quan liên hệ của chính quyền Úc phải làm việc không ngừng để phát hiện những nguy cơ liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu vì lý do gì đó Bộ di trú hay các cơ quan chính quyền Úc nhận thấy người đã được cấp giấy nhập cảnh có vấn đề trước khi đặt chân đến Úc (có khi ở những phi trường chuyển tiếp đến Úc), người đó sẽ được cho biết lý do là giấp nhập cảnh đã bị từ chối hay huỷ bỏ để họ khỏi tốn công. Trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn từ khi xin giấy nhập cảnh cho đến khi được chấp thuận cho đến khi đến cửa khẩu Úc chỉ xảy ra vỏn vẹn 24 đến 48 tiếng đồng hồ nên không đủ thời gian điều tra dựa trên các bằng chứng được cung cấp, nhưng rồi bằng chứng sau đó cho thấy người đó không hội đủ điều kiện nhập cảnh, thì vẫn không được nhập cảnh tại cửa khẩu.
[v] Tóm lại, có giấy nhập cảnh không nhất thiết bảo đảm sẽ được nhập cảnh một khi nhân viên di trú có đủ bằng chứng hay có đủ lý do nghi ngờ sự bất hợp pháp của người xin nhập cảnh.

Thứ ba, trong bất cứ trường hợp nào, tuy quyền quyết định “sau cùng” thuộc về nhân viên di trú tại cửa khẩu, một khi quyết định từ chối bất cứ một người nào vào Úc, nhân viên di trú có bổn phận giải thích tường tận với người xin nhập cảnh nguyên do tại sao người đó không được vào Úc. Nếu người đó không đồng ý với quyết định này thì có quyền khiếu nại, hoặc đề nghị được tiếp chuyện với cấp cao hơn hoặc đề nghị được ra toà kháng án. Khi bị từ chối nhập cảnh như thế, người ta được cho đủ thời gian và cơ hội để khiếu kiện, và cũng có những trường hợp thắng kiện tại toà án để rồi được quyền vào Úc.
Trong trường hợp của ông Quốc, rõ ràng ông có giấy nhập cảnh do Toà Đại Sứ Việt Nam tại Canberra cấp.
Tiếp đến, nếu lý lịch của ông có vấn đề, mà rõ ràng là nó có vấn đề vì cuối năm 2005 ông cũng không được phép vào Việt Nam, thì lẽ ra Toà Đại Sứ tại Úc đã không nên cấp visa cho ông ngay từ đầu, và kèm theo là lời giải thích nguyên do. Được như thế thì cũng chẳng cần phải bàn thêm điều gì ngoại trừ ông Quốc từ nay được mọi người biết là không được về Việt Nam nữa (hay có thể hiểu ngầm là nằm trong sổ đen của CSVN). Nhưng không, ông không hề biết ông nằm trong sổ đen nào của bất cứ chính quyền nào và hình như cũng chẳng ai biết điều đó ngoại trừ một thiểu số nào đó tại Việt Nam. Vì không được biết như thế và lúc lên phi cơ sang Việt Nam hãng bay cũng không thông báo cho ông biết là ông sẽ không được vào Việt Nam vì lý do abc nào đó nên ông vẫn đinh ninh là sẽ không có bất cứ trục trặc nào và không có lý do gì để có trục trặc như lần trước (hơn nữa, lần này ông là một trong diễn giả chính của một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam). Nếu có trục trặc thì lẽ ra người ta đã phải cho ông biết rồi bởi vì thời gian từ lúc ông xin visa cho đến khi ông lên phi cơ đi Việt Nam là đủ để làm chuyện đó. Nhưng sự kiện đó lại không xảy ra.

Do đó, chỉ có thể tóm gọn một trong hai khả năng sau đây. Một, rõ ràng CSVN đã có quyết định sẵn dành cho ông nhưng vẫn cấp cho ông giấy nhập cảnh mà không hề cho ông biết ông không được nhập cảnh mãi cho đến khi ông đến Việt Nam thì trục xuất ông. Nếu đúng vậy thì quả là họ muốn chơi khăm hay trả thù vặt ông, muốn làm ông vừa tốn tiền tốn công và tốn thời gian, vốn rất quý báu đối với một người viết ra được nhiều tác phẩm giá trị như ông (nhưng chẳng có giá trị gì hay còn là phản động nữa đối với họ). Hai, có thể CSVN đã có quyết định sẵn dành cho ông nhưng vì hệ thống cơ sở dữ liệu tại Canberra không phản ảnh những gì đang có tại Việt Nam, cho nên Toà Đại Sứ Việt Nam tại Canberra không được cập nhật để lẽ ra phải từ chối đơn xin visa của ông.

Khi ông Quốc hỏi “Nếu vậy, tại sao Toà Đại Sứ Việt Nam ở Úc lại cấp giấy nhập cảnh cho tôi?” mà không cho tôi nhập cảnh thì viên công an trả lời “Chuyện ấy thì anh về hỏi lại Toà Đại Sứ ở Úc.” Câu trả lời này, nếu đến từ một viên chức cao cấp, chẳng hạn trong Bộ Chính Trị, thì chúng ta có thể nghĩ rằng khả năng hai là gần “sự thật” hơn. Nhưng vì nó đến từ một viên công an, mà rõ ràng quyết định dành cho ông Quốc là một quyết định mang tầm quốc gia, nên chúng ta cũng có thể nghĩ rằng đó là một lối nói bí thế, nói càn. Nhưng một chính quyền có trách nhiệm trong lời nói của mình thì không thể đưa ra một lý do củng cố thái độ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế được. Nói cho cùng thì cũng không có gì khó hiểu, bởi từ trước đến nay có bao giờ họ thành thật công khai nhìn nhận những lỗi lầm từ nhỏ đến lớn của họ đối với đất nước và dân tộc đâu! Tuy nhiên, khả năng hai cũng không tránh khỏi sự ngờ vực rằng làm sao hơn 3 năm trời kể từ khi ông Quốc bị trục xuất khỏi Việt Nam (cuối năm 2005) mà hệ thống dữ liệu tại Canberra lại không được cập nhật so với cái tại Hà Nội hay Sài Gòn?

Thêm vào đó, cứ giả sử rằng ông Quốc có hỏi Toà Đại Sứ ở Úc thì họ sẽ trả lời sao đây? Đúng hơn là có dám trả lời không? Chắc là “im lặng là vàng” quá!
Lối làm việc tắc trách, thiếu hệ thống và lắm khi mâu thuẫn như trên, có lẽ đối với nhiều người ở Việt Nam là bình thường, nhưng đối với ông Quốc và tôi tin là với những ai đã quen lề lối làm việc minh bạch và dân chủ, thì khó thể nào chấp nhận được. Thêm vào đó, nếu lý lịch của ông có vấn đề thì tại sao họ không chịu nói toạc móng heo ra để ông biết rõ nguyên nhân chứ cái kiểu phải đoán mò mãi kể từ cuối năm 2005 đến nay thì thiệt là khổ không gì bằng. Đàng này thì ông phải vặn hỏi dữ lắm mới được trả lời là “Nhà nước Việt Nam không hoan nghênh việc nhập cảnh của khách”. Không còn lý cớ nào mơ hồ hơn. Ông là nhà phê bình văn học uy tín, là người tin tưởng triệt để ở lý luận và khoa học, như đã phản ảnh trong hầu hết các tác phẩm phê bình của ông, chứ không phải là thầy bói. Vậy mà CSVN cứ muốn ông đoán mò nên thành ra phiền là vậy.

Tóm lại, việc ông Quốc bất bình là chính đáng vì ông trông đợi một sự đối xử công bằng hợp lý nhưng ông không nhận được những thứ đó. Họ có quyền từ chối không cho ông nhập cảnh, ông Quốc thừa biết chuyện đó và cũng đã từng kinh nghiệm cuối năm 2005, nhưng có lẽ ông chờ mong một sự tiến bộ trong tư duy và hành động, nghĩa là một sự văn minh hơn trước đây, chứ không phải kiểu tuỳ tiện như xưa. Đối với mọi thứ, từ ngôn ngữ cho đến tư tưởng, ông Quốc là người cố đi tìm lời giải thích, đi tìm cái lôgíc của vấn đề. Hình như đối với vấn đề này, ông cũng cố đi tìm cái lôgíc, nhưng e rằng ông đã áp dụng giải pháp đúng cho một bài toán sai rồi.

Đối với điểm thứ hai -
ông quả quyết chưa bao giờ và (chắc chắn sẽ) không bao giờ làm chính trị mà tại sao chính quyền e ngại sự hiện diện của ông tại Việt Nam - thì tôi nghĩ chế độ CSVN có đủ lý do chính đáng để ngờ vực quan điểm này của ông.

Đúng là ông Quốc chưa bao giờ làm chính trị theo nghĩa tham gia vào một đảng phái hay tổ chức có lập trường, mục tiêu chính trị thông thường. Ông cũng chưa bao giờ tham gia các cuộc biểu tình nào do người Việt hải ngoại tổ chức hay không phải Việt. Cũng đúng là ông chưa bao giờ viết bài hay sách nào mang tính thuần tuý chính trị mà chủ yếu là văn học, văn hoá và văn chương Việt Nam. Những ai biết ông đều rõ cung cách hoạt động văn hoá văn học của ông trên hai thập niên qua, không cần trưng bằng chứng. Và cũng khó có thể cãi với ông rằng cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản (xuất bản năm 1991) là “quyển sách nghiên cứu phê bình xuất phát từ góc độ của một nhà nghiên cứu và một nhà phê bình, chứ tuyệt đối không phải từ góc độ của một người làm chính trị.” Thế nhưng dù biện luận như thế nào đi chăng nữa, e rằng ông vẫn chưa thuyết phục được cái thiểu số đang nắm quyền sinh sát tại Việt Nam hôm nay. Nói cách khác, tôi đinh ninh rằng cái thiểu số đó vẫn tin chắc rằng ông Quốc “làm chính trị” chứ không còn chối cãi gì nữa.

Vậy thì, cái khác biệt chính yếu ở đây là định nghĩa “(làm) chính trị” mà ông hiểu khác, họ hiểu khác. Vậy ở đây cần mổ xẻ thêm một chút về quan niệm “chính trị” và “làm chính trị”.

Trước hết, xin khẳng định rằng ai cũng có quan điểm chính trị cả, từ Đức Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, các vị lãnh đạo tối cao của các tôn giáo khác cho đến mọi người dân bình thường nhất. Đi bầu, dùng lá phiếu của mình để chọn người xứng đáng đại diện cho mình vào vai trò lãnh đạo, hay không đi bầu vì chán ghét kiểu cách chính trị hiện tại hay vì lý do khác, tất cả đều là hình thức bày tỏ quan điểm chính trị. Đức Giáo Hoàng, ở địa vị này, sẽ không bao giờ đi bỏ phiếu cho bất cứ một cuộc bầu cử nào, nhưng tầm ảnh hưởng của ông lên nền chính trị thế giới là không hề nhỏ. Tuy thế, không thể nào nói rằng Đức Giáo Hoàng đang làm chính trị. Một thí dụ khác. Một nhà khoa học chính trị hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, Robert A. Dahl, người đã ảnh hưởng lớn lao lên ngành chính trị học quốc tế, đào tạo bao nhiêu thế hệ tài giỏi từ hơn nửa thế kỷ qua, cũng chỉ được mọi người xem là một học giả, một nhà nghiên cứu, một giáo sư xuất sắc của thời đại. Tuy ảnh hưởng của ông sâu sắc không chỉ trên giới nghiên cứu, học thuật mà tất nhiên còn trên giới làm chính sách và lãnh đạo quốc gia, nghĩa là trực tiếp cũng như gián tiếp ảnh hưởng lên nền chính trị Hoa Kỳ và quốc tế, không ai có thể phân loại hay liệt kê ông như là một nhà chính trị hay một người làm chính trị cả.

Nếu lấy suy nghĩ thông thường ở Úc đây, chẳng hạn, thì người ta chỉ có thể bảo rằng ông Quốc là một học giả, là một giáo sư, là một tiến sĩ, là một nhà nghiên cứu văn hoá, là nhà phê bình văn học, là một người yêu văn học nghệ thuật. Ngoài đó ra, ông đồng thời cũng là một người chồng, người cha, người anh, người em, người bạn v.v… Nhưng tuyệt đối không thể có chính trị gì trong đó. Tôi, và có lẽ tất cả những người khác quen biết ông, chẳng bao giờ có thể nghĩ ông Quốc “làm chính trị” cái khỉ khô gì cả. Ông không những không làm chính trị mà có lẽ ông còn dị ứng chính trị thì đúng hơn. Ông đam mê văn hoá văn học bao nhiêu thì ông buồn chán chính trị bấy nhiêu. Ông tránh tối đa những thành phần dính líu đến các trò chơi dơ bẩn, các trò vu khống chụp mũ, các tư duy cổ hủ; ngược lại, ông luôn cổ võ cho cái mới, cho sự cách tân ở mọi mặt văn hoá văn học. Ông không hề làm chính trị, nhưng chính vì tất cả những cái “phi chính trị” đó của ông, theo tôi, đã làm cho chính chế độ CSVN hậm hực với ông nhiều hơn.
Chúng ta đều biết các nhà văn, nhà tư tưởng, triết gia, lãnh đạo tôn giáo, giới làm phim ảnh văn hoá, các thương gia v.v… đều không làm chính trị, nhưng ảnh hưởng của họ lên trên nền chính trị của quốc gia đó hay ở tầm quốc tế hiển nhiên là rất lớn lao. Đôi khi nó chỉ bắt đầu bằng gieo một hạt mầm thôi, và một khi hội đủ điều kiện thì vài năm sau hay vài chục năm sau hay có khi vài trăm năm sau mới thấy thành quả. Ảnh hưởng, quyền lực đi luôn chung với chính trị. Nhiều khi nó hậu thuẫn, lắm khi nó mâu thuẫn. Đối với các chế độ độc tài, kế sách tối ưu vẫn là “ảnh hưởng nào không hậu thuẫn thì phải bị loại trừ hay diệt trừ”.

Ông Quốc không làm chính trị theo bất cứ định nghĩa rộng hay hẹp nào, và điều đó nhà nước CSVN biết hơn ai hết. Nhưng những cái gọi là “phi chính trị”, tuy làm cho nhiều thành phần không ưa ông, kể cả một số thành phần chống Cộng, nhưng nó cũng chính là những tiềm năng to lớn và lâu dài dung chứa các nguy cơ đe doạ quyền lực của các thế lực độc tài. Có thể nhiều người không nhận ra được mối nguy của ông đối với chế độ CSVN, nhưng chế độ nhận ra điều đó lâu rồi. Cũng vì thế nên họ đã nhiều lần tra vấn ông lúc ông về Việt Nam vì sao ông phải viết tác phẩm Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Có lẽ ít có chế độ nào đánh giá tầm quan trọng của văn hoá văn học và ảnh hưởng của nó lên nền chính trị như chế độ CSVN. Vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm là một điển hình. Sau gần 50 năm vậy mà tập thơ Trần Dần còn bị thu hồi không cho phát hành vào năm ngoái (26/2/2008). Ông Quốc đã viết luận án tiến sĩ phân tích cặn kẽ vấn đề này cũng như nguồn gốc, ảnh hưởng và cái chết của “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” và vai trò của văn hoá văn học trong nền cai trị của chế độ CSVN.
[vi] Tất nhiên tài liệu này sẽ còn giá trị mãi, và đó là cái làm cho họ cay đắng. Theo tôi được biết thì luận án này đang được dịch sang nhiều thứ tiếng, cho nên đó càng là điều làm cho họ hậm hực hơn.

Thềm vào đó, Tiền Vệ cũng là cái gai chế độ muốn nhổ nhưng không nhổ được kể từ khi thành lập năm 2002 đến nay. “Tiền Vệ là một trung tâm văn học và nghệ thuật trên mạng lưới thông tin toàn cầu”, với chủ trương được xác định là “phổ biến các tác phẩm mới và tiến hành các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật” để nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm công việc sáng tác đúng với ý nghĩa “làm ra cái mới”.
[vii] Chủ trương như thế chẳng khác gì một thách thức công khai đối với những kẻ thủ cựu. Bảy năm sau, hình như chưa bao giờ dứt khoát hơn và thách thức hơn, ông Hoàng Ngọc-Tuấn, đồng chủ bút Tiền Vệ với ông Nguyễn Hưng Quốc, đã bày tỏ quan điểm về vấn đề tự do tư tưởng như không còn phải giữ kẽ điều gì.[viii] Ông Hoàng Ngọc-Tuấn xác nhận: Tiền Vệ “càng ngày càng trở thành một đối lực của hệ thống kiểm duyệt mang tính chính trị ở Việt Nam”; “cổ xúy mọi nỗ lực thí nghiệm và cách tân trong bút pháp và thẩm mỹ”; “quảng bá đến độc giả toàn cầu những tác phẩm mới và có giá trị của nghệ sĩ Việt Nam (trong nước và lưu vong), đặc biệt những tác phẩm bị cấm đoán và bị gạt ra ngoài lề ở Việt Nam”; “Bảo tồn … những chất liệu chân thực để góp phần vào việc viết lại một lịch sử khác, trung thực hơn, cho Việt Nam trong tương lai”; và “là nơi dung dưỡng những tiếng nói đối kháng” v.v…

Không làm chính trị, mà lại bày tỏ quan điểm như thế đối với một chế độ hoàn toàn không dung thứ mọi tiếng nói đối kháng và nếu có thể siết chặt mọi tự do tư tưởng, là điều rất đáng ngờ vực và khó được chấp nhận đối với chế độ này. Nếu ông Hoàng Ngọc-Tuấn nói quan điểm này tại Úc thì chắc chẳng có ai phản đối, nhưng với chế độ CSVN thì chẳng còn gì “phản động” hơn. Thật ra, không cần ông Hoàng Ngọc-Tuấn chính thức xác nhận như thế, tôi tin rằng chế độ CSVN đã liệt kê hai ông Tuấn (Nguyễn Ngọc Tuấn và Hoàng Ngọc-Tuấn) và Tiền Vệ (và nhiều tổ chức, website “phản động” khác) vào sổ đen từ lâu rồi, do đó mới có vụ trục xuất cuối năm 2005.

Tóm lại, Tiền Vệ, talawas cũng như các website cổ võ cho tự do tư tưởng và tư duy độc lập đóng vai trò không khác gì vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm tái diễn hay đúng hơn là tiếp diễn. Cái khác ở đây là phần lớn các biên tập viên của Tiền Vệ, talawas v.v… nằm ngoài Việt Nam nên không bị cô lập và trù dập, chứ nếu ở trong nước ngay thời điểm này thì chưa chắc gì được dung thứ. Nhiều nhà văn tại Việt Nam đã bị bỏ tù hiện nay và một số khác có thể bị bất cứ lúc nào.

Tựu trung, không nhất thiết phải làm chính trị đấu tranh kêu gọi tự do dân chủ mà chỉ cần làm bất cứ điều gì lấy bớt đi quyền lực và ảnh hưởng của chế độ thì đã là “có vấn đề” đối với chế độ rồi. Trong khi đó, ảnh hưởng của ông Nguyễn Hưng Quốc và Tiền Vệ đối với văn nghệ sĩ Việt Nam đương đại là không nhỏ, nên chế độ e ngại sự hiện diện của ông tại Việt Nam là điều chẳng còn gì phải thắc mắc.

Đối với điểm thứ ba - Việt Nam là đất nước của ông và của mọi người Việt Nam, không của riêng bất cứ ai, cho nên không cần biết là chính phủ Việt Nam sẽ đối xử với ông như thế nào, khi có cơ hội ông vẫn trở về - thì tôi hy vọng tất cả những ai bị nằm trong sổ đen của họ, nếu có, đều chia sẻ quan điểm này. Tôi có về Việt Nam một lần năm 1994, nhưng sau lần đó tôi tự hứa với mình rằng nếu có về nữa thì tôi về với mục đích cụ thể hơn, chẳng hạn đóng góp trực tiếp cho một dự án canh tân nào đó, chứ tôi không cần về tham quan nữa. Hơn 15 năm qua, tôi muốn về nhiều lần nhưng tôi nghĩ rằng những gì tôi muốn làm chắc chẳng thể làm được lúc này. Đó là lý do duy nhất tôi chưa về lại Việt Nam. Nhưng giống như ông Quốc nói, Việt Nam là quê hương của ông, của tôi, của những ai còn có sự suy nghĩ và gắn bó về mặt tình cảm hay lý trí, vì lý do văn hoá hay xã hội, vì lý do tôn giáo hay chính trị. Chúng ta không thể để bất cứ một chính quyền nào hay bất cứ một cá nhân nào nhân danh dân tộc, ý thức hệ hay bất cứ lý do nào khác để họ lấy mất cái quyền thiêng liêng đó (quyền được nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, tham quan Việt Nam, chuyện trò với bất cứ một công dân nào trên mảnh đất đó, v.v…). Nói chung, tôi chưa về không phải là vì tôi không được cho nhập cảnh nhưng vì đó là sự chọn lựa của tôi lúc này.

Qua câu chuyện ông Quốc không được nhập cảnh, tôi chỉ cảm thấy buồn cho đất nước của mình hơn gì hết. Nếu chế độ CSVN có thể đối xử quá tệ đối với một trí thức có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học và văn hoá nước nhà như ông Quốc thì tôi không nghĩ họ có khả năng hay mục đích đối xử tốt đẹp gì đối với những trí thức văn nghệ sĩ có tư duy độc lập hay quan điểm chính trị khác với chế độ. Nhưng không cần nói gì thêm, những gì đã xảy ra trên quê hương từ nhiều thập niên qua đã chứng minh rằng không thể mong đợi một nền học thuật phát triển tốt đẹp trong một thể chế độc tài, nhất là khi tự do tư tưởng và tư duy độc lập hoàn toàn bị siết chặt bằng nhiều hình thức thâm hiểm từ trước đến nay.

Điều này cho thấy, trên bình diện tổng thể, chế độ CSVN chẳng coi trọng bất cứ một thành phần nào ngoại trừ những lực lượng đang góp phần duy trì sự tồn tại của họ. Cho nên những lời kêu gọi của họ bấy lâu nay đối với Việt kiều, điển hình qua Nghị Quyết 36, là hoàn toàn láo. Rất láo. Nhưng chúng ta cũng chẳng nên bận tâm hay tốn thời giờ với những cái láo đó mà hãy dồn nỗ lực cho những chuyện chính đáng hơn. Ông Nguyễn Hưng Quốc và ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã làm được những chuyện mà chế độ rõ ràng không thích, hay đúng hơn là thù ghét, và những tác phẩm của họ có giá trị lâu dài, gây tiếng vang trên các diễn đàn quốc tế, góp phần viết lại những trang (văn học và văn hoá) sử trung thực hơn cái đang phổ biến hiện nay. Chính trị thường có mục tiêu ngắn hạn và nhất thời, văn hoá mới có giá trị lâu dài. Nhắm đến cái ngắn hạn là cần thiết, nhưng đừng quên cái mục tiêu lâu dài. Ai cũng có thể đóng góp vào việc chung, mỗi người một việc, miễn sao cố làm tốt nhất những gì mình có khả năng nhất. Công việc chung rất nhiều, rất đa dạng, không cần phải tranh giành làm chi. Xin đừng sa lầy vào những quan điểm khác biệt dù mục đích có giống nhau để rồi tự chúng ta kéo nhau xuống vũng lầy và kéo dài nỗi đau khổ của những con người Việt Nam xứng đáng được sống trong nhân phẩm và tự do.
Cái nguyên trạng hôm nay đã mục nát rồi. Hãy thách thức nó và ra sức canh tân nó.

Melbourne 27/4/2009
© 2009 Phạm Phú Đức
© 2009 talawas blog
--------------------------------------

[i] Nguyễn Hưng Quốc, “Lại không được nhập cảnh Việt Nam“, 08/04/2009.
[ii] Phạm Quang Tuấn (và nhiều người khác góp ý trên talawas) “Về việc Nguyễn Hưng Quốc lại bị cấm vào Việt Nam“, 13/4/2009.
[iii] Mặc Lâm (phóng viên đài RFA), “Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn bị trục xuất ngay tại Nội Bài“, 10/4/2009.
[iv] Tất nhiên giấy tờ xuất nhập cảnh của những nhân vật ngoại giao hay chính phủ quan trọng đều được sắp xếp trước và một cách đặc biệt hơn người thường. Bình thường, muốn xin visa vào Úc thì có nhiều cách. Cách đơn giản nhất và nhanh nhất, đối với công dân của một số quốc gia có quan hệ đặc biệt với Úc như Nhật, Canada, Mỹ chẳng hạn, thì chỉ cần lên trang web của Bộ Di Trú (hay còn gọi là Bộ Nhập Cư và Tư Cách Công Dân, tức Department of Immigration and Citizenship), điền vào các chi tiết cần thiết, và bấm nút Nộp đơn (apply) thì hầu hết các trường hợp đều được chấp thuận trong vòng 30 giây. Giấp phép này tạm gọi là Quyền Di Chuyển Điện Tử (Electronic Travel Authority hay ETA, có hiệu lực giống như một visa nhưng không cần đóng dấu gì cả khi đến cửa khẩu vì tất cả đều kiểm soát bằng hệ thống điện tử). Xin tìm hiểu thêm tại website của DIAC.
[v] Tất nhiên, các trường hợp phi pháp như mang thuốc phiện, sử dụng giấy tờ giả, liên hệ đến khủng bố v.v… thì sẽ được đối phó một cách đặt biệt hơn khi đặt chân đến Úc.
[vi] Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn 2004 (tức nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc). Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship between Literature and Politics, PhD Thesis, Victoria University.
[vii] Xin tìm hiểu website của Tiền Vệ.
[viii] Hoàng Ngọc-Tuấn, “TIỀN VỆ và tự do tư tưởng & diễn tả cho nghệ thuật Việt Nam đương đại“, 17/4/2009 (và 19/4/2009).

No comments: